Nghỉ hưu đã lâu nhưng nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến, tác
giả của những ca khúc nổi tiếng như “Hoa cau vườn trầu”, “Chiều mưa Hà Nội”,
“Phú nước non”, “Nhớ đêm giã bạn”... vẫn say sưa với công việc sáng tác, biểu
diễn âm nhạc. Đối với ông, người làm nghệ thuật không có chuyện nghỉ hưu. Ông vẫn
sáng tác đều và trăn trở các vấn đề của đời sống. Gặp và nghe ông chia sẻ, mới
thấy hết tình yêu lớn lao mà ông dành cho âm nhạc.
Nhạc
sĩ- NSND Nguyễn Tiến: Đề tài lớn hay nhỏ không quan trọng bằng viết hay
@ Thưa nhạc sĩ Nguyễn Tiến, giờ không bận làm quản
lý nữa, công việc hàng ngày của ông là gì?
Nguyễn
Tiến:
Tôi trở về làm dân sáng tác tự do. Tôi thích gì viết nấy. Tôi đi nhiều lắm, vì
nhiều nơi người ta mời đến thực tế, sáng tác ca khúc.
@ Nghĩa là viết theo đơn đặt hàng?
Nguyễn
Tiến:
Viết theo đơn đặt hàng đấy. Tôi chẳng có gì mặc cảm với việc viết theo đơn đặt
hàng cả. Mình có tài, có khả năng viết điều người ta chờ đợi người ta mới mời
mình. Viết gì cũng được. Có cái gì trong cuộc sống này không phải là đề tài để
mình quan tâm. Miễn làm sao phải viết hay, viết trúng. Âm nhạc nói gì thì nói,
không chạm đến trái tim người nghe thì chẳng thành cơm cháo gì. Đề tài lớn nhỏ
không quan trọng bằng viết hay.
@ Nhưng không thể không có những cái gò bó, những
cái “barie” mà người nhạc sĩ buộc phải nhận diện, khi một đơn vị cá nhân nào đó
đặt hàng mình viết. Người ta trả tiền, người ta phải có những yêu cầu, điều khoản,
đúng không ạ?
Nguyễn
Tiến:
Thì đúng là như vậy. Một đơn vị nào đó họ đặt hàng mình viết, là phải có một đề
tài mặc định họ đưa cho mình. Mình giống như một người phải giải bài toán họ
đưa cho. Nhưng bạn nghĩ mà xem, có bài toán nào thoát ly khỏi đời sống, nó đều
từ thực tiễn cả. Mình sống đủ lâu trên đời để trải nghiệm rồi, lại là người viết
chuyên nghiệp nữa, nên không có gì khó khăn cả. Chẳng hạn, một công ty người ta
muốn tôi viết ca khúc về công ty của họ, về sản phẩm của họ, thì tôi sẽ phải
nghiên cứu toàn bộ những gì thuộc về văn hóa của công ty đó. Tôi phải nắm được
cái tinh thần, hồn cốt mà người đứng đầu muốn sản phẩm của họ, doanh nghiệp của
họ hướng tới. Và phải biến nó thành ca từ, thành âm nhạc. Có thể đưa tên sản phẩm
của họ vào bài hát, nhưng chất âm nhạc phải đủ mạnh để quyến rũ trái tim người
nghe. Nói chung, viết theo đơn đặt hàng là khó chứ không phải dễ. Đấy thực sự
là thử thách mà người viết phải vượt qua. Khi viết theo đơn đặt hàng mình không
để được tự do hoàn toàn, lãng đãng như mình viết cái mình thích.
@ Nghe nói, nhạc sĩ có hàng trăm ca khúc viết theo đơn
đặt hàng kiểu như vậy. Ông cũng là người kiếm được nhiều tiền nhờ viết ca khúc
đặt hàng. Vậy ông có thể tiết lộ, khoản tiền lớn nhất ông từng nhận được từ việc
viết ca khúc đặt hàng không?
Nguyễn
Tiến:
Viết theo đơn đặt hàng có cái hay hơn viết tự do là ở chỗ có tiền. Nhưng phải
theo đúng thời gian, tiến độ, không thể sai hẹn, thích viết lúc nào thì viết.
Đôi khi người ta yêu cầu mình sửa mình cũng phải sửa, dĩ nhiên là mức độ cả hai
bên đều thấy hợp lý. Về tiền thù lao thì vô cùng lắm. Còn tùy vào độ chịu chơi
của từng “ông chủ” nữa. Đôi khi còn tùy vào mối quan hệ của tôi với người
đặt hàng nữa. Tôi cũng không đặt nặng chuyện tiền nong đâu. Có bài hát tôi được
trả đến 70 triệu đồng. Nhưng cũng có những bài là vài ba chục triệu.
@ Ngoài sáng tác, ông còn là một NSND chơi đàn bầu nổi
tiếng với nghệ danh bạn bè đặt cho là “Tiến bầu”. Ông có tham gia công việc giảng
dạy đàn bầu cho các thế hệ trẻ không, nhất là bây giờ đã có thời gian nhiều
hơn?
Nguyễn
Tiến:
Thỉnh thoảng tôi cũng đi dạy. Cũng muốn truyền lửa cho các em trẻ nhưng người
theo học đàn bầu không nhiều lắm, chế độ đãi ngộ có giáo viên thì quá rẻ. Tôi đứng
lớp lâu cũng không được, vì sức khỏe tôi không tốt. Tôi bị tiểu đường lâu năm,
các bệnh huyết áp, tim mạch hay hỏi thăm nữa, hôm nào dạy học lâu là tôi rất mệt.
Ngay cả việc đi biểu diễn đàn bầu tôi cũng hạn chế. Tôi được mời đi biểu diễn
nhiều lắm, đặc biệt là mời đi biểu diễn ở nước ngoài. Nhưng cũng tùy chương
trình mà đi, chứ sức khỏe của tôi, theo lịch trình dày đặc của một tour diễn
cũng khó đáp ứng. Đi thực tế sáng tác ca khúc tôi thích hơn, vì dù sao nó cũng
thảnh thơi, mình viết khi có hứng chứ không chịu áp lực nhiều như đi dạy hay đi
biểu diễn.
@ Là một người theo học đàn bầu từ khi còn nhỏ tuổi.
Thành danh cũng nhờ cây đàn bầu, nhưng ông vẫn tìm đến với công việc sáng tác.
Phải chăng việc chơi đàn bầu chưa đủ để chuyên chở hết những ưu tư của ông về đời
sống?
Nguyễn
Tiến: Thực ra thì mọi chuyện giản dị lắm. Xưa tôi học đàn
bầu theo truyền thống âm nhạc của gia đình. Trở thành nghệ sĩ đàn bầu như một
điều gì đó rất tự nhiên thôi. Tôi chả khi nào nghĩ mình thành nhạc sĩ cả. Tôi
yêu cây đàn bầu lắm chứ. Nhưng vào thập niên 80 của thế kỷ trước, giai đoạn mà
các nhạc cụ dân tộc bị “lép vế” so với nhiều hình thức âm nhạc khác. Thời điểm
đó, nhạc nhẹ lên ngôi. Bản thân tôi muốn biểu diễn đàn bầu nhưng không có đất.
Những người phối khí họ chọn cộng tác với các ngôi sao nhạc nhẹ. Khán giả thì
cũng ít dần. Tôi thấy việc chơi đàn bầu của mình lâm vào bế tắc ít nhiều. Thế
là tôi chuyển qua sáng tác cho khuây khỏa. Cũng nghĩ là sáng tác chơi chơi
thôi, không định thành nhạc sĩ gì hết. Nhưng rồi, những bài hát viết ra được
công chúng đón nhận, trở thành nhạc sĩ. Đó là một cái duyên tôi không ngờ tới.
@ Trong số rất nhiều ca khúc của ông, có thể nói,
“Hoa cau vườn trầu” là ca khúc được công chúng thuộc nằm lòng nhất. Ông có thể
cho biết nguyên cớ từ đâu ông viết ca khúc này?
Nguyễn
Tiến:
Hồi đó, khi mới sáng tác bài hát, tôi về quê và vô tình nghe được câu chuyện của
một người chị ở quê. Một câu chuyện tình buồn. Thời chiến tranh, chị và một người
con trai hàng xóm yêu thầm nhớ trộm nhau. Người con trai ra chiến trận, rồi trở
về, họ đã nhiều tuổi và vì nhiều lý do, họ vẫn không thể đến với nhau, nên “hoa
cau rụng trắng đêm trăng buồn”. Tôi viết bài hát trong nỗi xót xa về thân phận
của những mối tình thời chiến. Bài hát được nhiều người yêu thích có lẽ bởi nó
đã nói đúng tâm trạng của nhiều con người một thời sống trong hoàn cảnh đất nước
tao loạn như vậy
.
@ Phần lớn các ca khúc của ông đều mang âm hưởng của
dân ca. Có lẽ việc học đàn bầu đã ngấm sâu vào ông chất liệu đó, nên ông khó có
thể vượt ra khi sáng tác ca khúc?
Nguyễn
Tiến: Tôi không muốn mình phải vượt ra ngoài chất liệu
dân ca đó. Vượt ra làm gì khi mà dân ca đã trở thành tâm hồn tôi, máu thịt của
tôi. Tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha tôi là một nghệ
nhân đàn bầu. Tôi và em gái Thúy Đạt được cha dạy đàn bầu cho từ nhỏ. Chúng tôi
lớn lên cùng âm nhạc dân gian truyền thống. Khi tôi sáng tác, chất dân gian ấy
đi vào ca khúc một cách tự nhiên. Tôi không cần phải cố làm khác.
@ Con trai ông, nghệ sĩ Nguyễn Tùng cũng theo con đường
của cha, gắn bó với cây đàn bầu. Khi con đi theo con đường âm nhạc, lại gắn với
nhạc cụ dân tộc, ông thường nói điều gì với con?
Nguyễn
Tiến:
Tôi ít dạy dỗ theo kiểu áp đặt lắm. Tôi nghĩ, người ta chỉ thành nghệ sĩ khi
nghệ thuật ở trong tình yêu, trong máu của họ. Dĩ nhiên, yếu tố con nhà nòi
cũng cần thiết. Con trai tôi không chỉ gắn với đàn bầu, nó còn chỉ huy dàn nhạc.
Tôi muốn con luôn ý thức được rằng, thành công trên con đường nghệ thuật, tài
năng chỉ là môt phần, còn lại là vất vả khổ luyện. Để trở thành NSND chơi
đàn bầu, tôi đã phải rất nỗ lực. 18 Huy chương vàng trong nước và quốc tế đã đạt
được, là tôi đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức. Trước mỗi kỳ hội
diễn, để có được tấm huy chương quý giá, tôi phải tập luyện đến mất ăn mất ngủ.
@ Trong sáng tác, ông giành Giải thưởng Nhà nước về
văn học nghệ thuật. Trong biểu diễn, ông trở thành NSND. Trong quản lý, ông từng
ngồi vị trí Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội. Cuộc đời một người làm nghệ
thuật như thế, kể cũng là được nhiều. Giờ xin hỏi ông một câu liên quan đến quản
lý một đơn vị nghệ thuật, ở đó, nhân viên của ông đều là nghệ sĩ. Quản lý những
con người như vậy có gì khó, dễ, thưa ông?
Nguyễn
Tiến: Thời còn làm quản lý ở nhà hát, tôi luôn tâm niệm rằng,
làm quản lý một đơn vị toàn nghệ sĩ khác với quản lý một doanh nghiệp. Doanh
nhân không làm ra sản phẩm là chết, không bán được sản phẩm là phá sản. Nhưng sản
phẩm của người nghệ sĩ lại là tâm hồn. Anh muốn một đơn vị nghệ thuật có nhiều
hoạt động nghệ thuật chất lượng tốt, nhiều sản phẩm nghệ thuật giá trị, anh phải
biết cách nuôi dưỡng tâm hồn họ. Cảm xúc với người làm nghệ thuật quan trọng lắm,
người làm quản lý đừng lấy quyền hành mà áp đặt họ. Tôi nói thật, làm Giám đốc
Nhà hát đấy, nhưng có khi tôi phải “nịnh” diễn viên như nịnh cơm sống ấy. Người
giỏi, người tài, phải có chế độ đãi ngộ tốt dành cho họ, để họ yên tâm mà cống
hiến. Mà mấy người có tài thường ngang ngang nhé, họ không nịnh sếp đâu. Còn mấy
người nịnh mình mà bất tài, nếu cứ xuôi tai ưu ái, thì coi chừng nghệ thuật tuột
dốc. Cho nên quản lý nghệ thuật phải quản lý bằng tâm hồn, tài năng, phải để
người ta tâm phục khẩu phục người ta mới phục vụ hết lòng cho đơn vị, cho công
chúng. Cái Tôi của nghệ sĩ lớn lắm, họ không phục nhau, có khi cũng không sợ
người quản lý. Người quản lý phải giỏi thì họ mới phục. Nên quản lý nghệ sĩ vừa
là dễ, nhưng đồng thời cũng rất khó đấy.
@ Xin cảm ơn nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến về cuộc trò
chuyện.
MỘC LAN
– Cảnh sát toàn cầu