Nhà thơ Thu Bồn có khí chất rất đàn ông và một giọng đọc thơ hào sảng, nên ông cũng là một khách đào hoa. Những cuộc tình mây tụ mưa tan của thi sĩ Thu Bồn được chính ông tường trình khá si mê trong tập “100 bài thơ tình nhờ em đặt tên”. Đối với Thu Bồn, tình yêu là mạch sống và cũng là mạch thơ của ông. Dù đinh ninh “Có em, anh trở thành triệu phú/ Có triệu niềm vui và có triệu niềm đau” nhưng chính ông cũng thừa nhận cay đắng khi bóng hồng lướt ngang cuộc đời mình: “Trải qua bao trận mưa dầm/ Đời còn chút nắng người cầm đi luôn”.




THU BỒN BẤT KHAM DỪNG LẠI HÓA PHÙ SA

LÊ THIẾU NHƠN

Nhà thơ Thu Bồn (1.12.1935 – 17.6.2003) đã vĩnh biệt trần gian 15 năm. Thời gian bao giờ cũng khắc nghiệt với sự sáng tạo, nhưng nhiều tác phẩm của nhà thơ Thu Bồn vẫn tồn tại như minh chứng sống động cho hành trình yêu thương và dâng hiến, theo đúng tinh thần ông bộc bạch “một đời ta mò đáy khổ để làm thơ”. Lúc sinh thời, nhà thơ Thu Bồn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001, thì đến năm 2017 ông lại được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh!


Từ năm 11 tuổi, cậu trai Hà Đức Trọng đã rời nơi chôn nhau cắt rốn xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để gia nhập lực lượng thiếu sinh quân, bắt đầu cuộc dấn thân cho độc lập dân tộc. Năm 1955, chàng thanh niên Hà Đức Trọng tập kết ra Bắc, được học trường sĩ quân lục quân và trường báo chí trung ương với niềm riêng “con khôn lớn tự phía sông Hồng/ Nghe gió bấc nhớ manh mền manh chiếu” rồi quay lại chiến trường miền Nam đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 cam go khói lửa. Lấy tên con sông quê hương làm bút danh, con sông ấy được ông mô tả “Dòng sông rộng quá nên lai láng/ Nhịp cầu thường tiễn ta đi xa/ Hỡi con ngựa chiến tuôn về biển/ Bất kham dừng lại hóa phù sa”.
Nhà thơ Thu Bồn xuất hiện trong văn chương Việt Nam với khởi đầu bằng trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” viết năm 1962. Cái khốc liệt của hiện thực đã làm nên chất vạm vỡ trong bút pháp Thu Bồn. Cho đến khi buông tay vào cõi khác, nhà thơ Thu Bồn không chỉ để lại 4 tập thơ và 11 tập văn xuôi, mà còn khiến đồng nghiệp nể phục với 14 trường ca. Nếu như trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” có dung lượng 920 câu, thì những trường ca sau của nhà thơ Thu Bồn càng bung phá dài rộng thêm, như trường ca “Bazan khát” 1303 câu, trường ca “Campuchia hy vọng” 1409 câu, trường ca “Oran 76 ngọn” 1747 câu… Điểm nổi bật trong trường ca của nhà thơ Thu Bồn là tinh thần và ý chí kiên cường của người Việt Nam trong thử thách mưa bom bão đạn: “Tổ quốc ơi/ Người đẻ ra sông ra núi/ Người sinh ra chúng con để bảo vệ núi sông/ Dân tộc này sống dọc Mê Kông/ Hiền như nước, sục sôi như nước…”.
Ra trận với tâm nguyện “Bác ơi, dù còn một chiếc lá tre góc vườn/ Con nhặt lấy ghi bài thơ chiến thắng”, nhà thơ Thu Bồn có một trường ca viết dâng Bác Hồ, có tên gọi “Trên vách đá Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, công chúng lại biết đến nhiều nhất là bài thơ “Gửi lòng con đến cùng Cha” mà nhà thơ Thu Bồn viết tháng 9-1969 khi nghe tin Bác Hồ qua đời. Từ chiến khu, trái tim Thu Bồn rung lên những nhịp đập hoà cùng bao người Việt Nam tưởng vọng vị cha già kính yêu: “Hành trang Bác chẳng có gì/ Một đôi dép mỏng đã lì chông gai/ Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm”.
Cưới một người vợ cùng chí hướng cách mạng, nhà thơ Thu Bồn có hai người con trai được chào đời trong gian khó hy sinh là Hà Thảo Nguyên và Hà Băng Ngàn, như ông thổ lộ: “Chiếc nôi con nằm đã rách toạc giữa đạn bom/ Nơi ruộng mía bờ dâu cỏ ngập tàn hoang/ Là nơi con thức suốt đêm cùng mẹ/ Đêm đầy sao cầm súng gác cho con”. Cả hai người con trai của ông đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Hà Thảo Nguyên qua đời năm 16 tuổi, còn Hà Băng Ngàn vẫn bị di chứng đeo mang chật vật đến hôm nay. Nỗi đau ấy ám ảnh Thu Bồn không nguôi ngoai, cho nên sau này dù có chắp nối tình duyên với người khác thì ông cũng rất sợ có con.
Nhà thơ Thu Bồn có vóc dáng thô ráp và một tâm hồn nhạy cảm. Sự gồ ghề hiện hữu ở Thu Bồn là sự tổng hoà giữa hai yếu tố chiến sĩ và nghệ sĩ. Thu Bồn ra trận là một chiến sĩ và Thu Bồn ngồi viết là một nghệ sĩ. Thu Bồn chân thành đến mức bộc trực và Thu Bồn đắm say đến mức yếu đuối. Nhờ vậy, Thu Bồn như một thanh nam châm có khả năng thu hút những đồng nghiệp xung quanh. Cuộc gặp gỡ nào có Thu Bồn thì ắt rôm rả và đáng nhớ. Thu Bồn phóng túng ngay từ những ngày còn ở Hà Nội làm việc cho Văn Nghệ Quân Đội: “Ta đem hết phiếu thịt mùa đông bán cho gã chợ trời/ Để mua lấy tự do không đầy một ký” và lối ứng xử ấy vẫn được duy trì khi ông chuyển vào TPHCM sinh sống: “Cửa nhà thông thốc muôn phương gió/ Túi rỗng nhiều phen bạn đỡ đần”. Và cũng con người ấy đã tung vào trường ca Việt một “Người gồng gánh phương Đông” bằng chất liệu sử thi bi tráng: “Ta đi khắp nơi trên trời đất/ Chưa nghe ai có tiếng nói như em/ Gươm ta từng gạt vạn mũi tên/ Chưa bao giờ ta xuống ngựa/ Sắc đỏ hỡi, nói gì về ngọn lửa/ Em là ai? Cô gái ngước nhìn bằng tia sáng sao mai”
Đất nước thống nhất và thanh bình, phẩm chất người lính của Thu Bồn vẫn vẹn nguyên trên trang viết. Ông lặn ngụp với từng mùa thế sự và đăm chiêu với từng niềm thân phận. Thu Bồn luôn hiện diện bằng tư cách một lực điền trên cánh đồng văn chương “chữ với nghĩa lấm lem như đời hạt thóc”. Thu Bồn không từ chối bất kỳ thể loại nào để thoả sức sáng tạo, nhưng nhìn từ mọi góc độ đều thấy Thu Bồn lấp lánh nét thi sĩ: “Nếu không được làm sông cũng xin làm suối/ Trọn đời róc rách giữa hồn em”. Cảm xúc Thu Bồn tràn đầy và dồn dập, cứ nao nức yêu thương “Anh tìm em suốt mùa hạ cháy/ Hoa xương rồng nở trắng một rừng gai” và cứ phấp phổng đổ vỡ “Thế là hết cánh buồm mỏng mảnh/ Trận bão tan còn lại chỉ mình anh/ Em về muộn nhớ ghé bờ nhân thế/ Mang theo dùm ngọn lửa gửi tàn canh”.
Nhà thơ Thu Bồn có khí chất rất đàn ông và một giọng đọc thơ hào sảng, nên ông cũng là một khách đào hoa. Những cuộc tình mây tụ mưa tan của thi sĩ Thu Bồn được chính ông tường trình khá si mê trong tập “100 bài thơ tình nhờ em đặt tên”. Đối với Thu Bồn, tình yêu là mạch sống và cũng là mạch thơ của ông. Dù đinh ninh “Có em, anh trở thành triệu phú/ Có triệu niềm vui và có triệu niềm đau” nhưng chính ông cũng thừa nhận cay đắng khi bóng hồng lướt ngang cuộc đời mình: “Trải qua bao trận mưa dầm/ Đời còn chút nắng người cầm đi luôn”. Dù tiên liệu “Em đến rồi em lại đi/ Biến anh thành gã Trương Chi không đàn”, nhưng ông vẫn hồ hởi dự phần đắng cay “Em ban phát tình yêu cho kẻ qua đường/ Anh là kẻ tự thiêu”. Thu Bồn luôn sốt ruột “Ta mãi theo sông Hậu với sông Hồng/ Để đánh mất một vòng nguyệt quế” nhưng vẫn chấp nhận bẽ bàng “Hạnh phúc tôi luôn cầm đằng lưỡi/ Em nắm đằng chuôi”. Thu Bồn mang nỗi hoang mang “tay luống cuống đánh rơi bát đũa/ anh suốt đời là kẻ cô đơn” để đi tìm từng khoảnh khắc ấm áp: “Trời sương đã xuống/ Tóc anh ướt đằm/ Em đến hong khô bằng năm ngọn lửa của bàn tay”.
Thơ Thu Bồn hối hả như nước chảy, phăm phăm qua lau lách và phăm phăm qua bến bãi. Sự phóng khoáng đôi khi che hết cả sự tinh tế. Thế nhưng, sau những đợt thuỷ triều ào ạt tuôn trào, thơ Thu Bồn vẫn neo lại nhiều câu thơ run rẩy “Lòng anh như tấm vải thưa/ Em con mắt thánh đung đưa, ước gì…/ Thôi đừng cong nữa làn mi/ Trời sinh con mắt khỏi đi đường vòng/ Lòng anh con nước đang ròng/ Biển đau rút ruột cua còng chỏng chơ/ Lấy khăn mà gói bơ vơ/ Tay cầm nước mắt bao giờ sang sông?”. Và dù yêu dù yêu, cũng không thể phủ nhận Thu Bồn đã để lại cho độc giả một bài thơ hay có tên gọi “Tạm biệt Huế”. Đây là một khoảnh khắc lãng mạn của Thu Bồn tuổi U50 trước một nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đất cố đô. Bài thơ ban đầu được Thu Bồn đặt là “Bởi vì em”, viết vào tháng 8-1983. Về sau Thu Bồn có chỉnh sửa lại nhiều câu và đổi thành “Tạm biệt Huế”. Và chỉ cần “Tạm biệt Huế” thì Thu Bồn không những lưu dấu ấn của mình vào lòng những người yêu Huế mà còn ở lại trong lòng người yêu thơ nhiều thế hệ: “Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy/ Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền/ Nón rất Huế mà đời không phải thế/ Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng/ Nhịp cầu cong và con đường thẳng/ Một đời anh đi mãi chẳng về đâu/ Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Nhà thơ Thu Bồn đã ra đi 15 năm, nhưng hình ảnh của ông vẫn rộn ràng trong câu chuyện của bạn bè và người thân. Thu Bồn đã sống dào dạt, viết dào dạt và yêu cũng dào dạt. Thu Bồn hào hứng với những trường ca mạnh mẽ, bởi chính cuộc đời ông đã là một trường ca mạnh mẽ. Nghệ sĩ Lý Bạch Huệ - người vợ cuối cùng của nhà thơ Thu Bồn, chia sẻ: “ Thu Bồn chưa bao giờ phụ rẫy người phụ nữ nào, chỉ có người ta bỏ anh. Thu Bồn thật nhất là lúc uống rượu say, khi ấy anh thường đọc thơ và khóc. Trong cuộc sống đời thường, anh là người đàn ông rộng lượng, không gia trưởng, không nề hà chuyện gì nếu làm được cho vợ con sung sướng. Con gái riêng của tôi được anh thương yêu, chăm sóc chu đáo như con ruột, nên bây giờ có điều kiện, cháu xây hẳn một nhà thờ để thờ ba Thu Bồn và hằng năm làm giỗ rất trân trọng. Anh rất siêng làm việc nhà, vườn tược, cây cối một tay anh chăm bón. Ít ai biết, Thu Bồn là… vua bếp, anh nấu được cả đám tiệc, mỗi khi nhà tôi có đám, anh không cho thuê người, bảo để anh nấu…”./.