Năm 1875, hơn nửa thế kỷ sau khi Nguyễn Du mất, Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đã xuất bản quyển “Kim, Vân, Kiều truyện” quốc ngữ. Đây là quyển truyện Kiều chuyển từ chữ Nôm (nho, nhu) sang “quốc ngữ” đầu tiên trong văn học Việt Nam. Không thấy ông Ký nói đã chuyển ngữ Kiều từ bản in nào. Trong lời tựa bằng tiếng Pháp, ông Ký chỉ ghi, đây là truyện thơ mà “mọi người đều thuộc lòng, bất kể là trẻ già hay trai gái”. Mọi người là những ai? Thuộc giai tầng nào? Chắc rằng, không phải là những người thuộc tầng lớp ăn trên ngồi chốc trong xã hội thời bấy giờ.

 

KIỀU CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ, KIỀU CỦA PHƯƠNG NAM
TRẦN NHẬT VY

Đoạn trường Tân thanh, Kiều, Tuý Kiều, Truyện Kiều, Kim Vân Kiều tân truyện, Kim Tuý tình từ…là nhiều tên khác nhau của một cuốn truyện thơ do Nguyễn Du (1765-1820) sáng tác. Thời điểm sáng tác hiện nay vẫn chưa được xác định do bản gốc đã thất lạc ngay từ đầu. Đời Minh Mạng, Phạm Quý Thích (1760-1825), bạn thân của Nguyễn Du, người được một số nhà nghiên cứu Kiều cho rằng “đã được đích thân Nguyễn Du cho xem bản thảo và có tham gia nhuận sắc một đôi chỗ” (Truyện Kiều, Sở Thông tin văn hoá TPHCM 1975) truyện thơ nầy, cho khắc in Kiều ở Hà Nội, gọi là bản Phường. Đời Tự Đức (1841-1883), Kiều được chính thức in ở Huế sau khi sửa chữa. Hai bản Kinh và Phường in bằng chữ nho có nhiều dị biệt. Kiều bằng chữ nho xưa in chắc không nhiều và phổ biến cũng không rộng.
Năm 1875, hơn nửa thế kỷ sau khi Nguyễn Du mất, Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đã xuất bản quyển “Kim, Vân, Kiều truyện” quốc ngữ. Đây là quyển truyện Kiều chuyển từ chữ Nôm (nho, nhu) sang “quốc ngữ” đầu tiên trong văn học Việt Nam. Không thấy ông Ký nói đã chuyển ngữ Kiều từ bản in nào. Trong lời tựa bằng tiếng Pháp, ông Ký chỉ ghi, đây là truyện thơ mà “mọi người đều thuộc lòng, bất kể là trẻ già hay trai gái”. Mọi người là những ai? Thuộc giai tầng nào? Chắc rằng, không phải là những người thuộc tầng lớp ăn trên ngồi chốc trong xã hội thời bấy giờ. 
Khi ra đời, Kiều đã “bị” coi là một “dâm thư” và trở thành truyện “truyền miệng” dù là sáng tác của một vị quan. Có thể, trước khi chuyển ngữ từ chữ nho sang quốc ngữ, ông Ký cũng đã “thuộc lòng” truyện thơ nầy như nhiều người đương thời. Thậm chí, ông đã viết một bài phú và 36 bài vịnh Kiều (mà ông đặt tên là Tuý Kiều thi tập) cho thấy ông Ký đã “nhuần nhuyễn” Kiều khá lâu trước khi bắt tay vào chuyển ngữ, cho in. Nếu không thế, ông phải gặp nhiều người để nghe, ghi chép nhiều lần để có hơn 3000 câu thơ. Đây cũng là cách làm của những nhà nghiên cứu Pháp ghi lại Lục Vân Tiên. Ông cũng nói rõ “sách nầy là sách ông Nguyễn Du, hữu tham tri bộ lễ làm ra; sách nầy đặt hay hơn hết trong các sách”.
Thế kỷ 19, ở Nam Kỳ đã xuất hiện nhiều “thơ truyện” diễn nôm từ các tích truyện của Trung Quốc như Bạch Viên Tôn Các, Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối, Lâm Sanh Xuân Nương, Quan Âm Thị Kính…Ban đầu, những thơ truyện nầy có thể do những người “biết chữ” sáng tác rồi đọc cho người khác nghe. Dần dà thơ truyện được truyền miệng từ người nầy sang người khác theo thể “nói thơ” đặc trưng của Nam Kỳ và thấm sâu, rộng trong đời sống văn hoá người dân. Có thể Kiều đến Nam Kỳ và “phổ biến” cùng phương thức như vậy.
Sau khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ, họ tích cực đẩy mạnh việc “phổ thông hoá” chữ quốc ngữ “ghi âm bằng mẫu tự la tinh” nhằm mục đích xoá nền văn hoá chữ nho trong quần chúng và buộc dân chúng xa dần những quan lại cũ, chế độ cũ và triều đình Huế, mỗi một ngày đều kích động dân chúng đứng lên chống lại họ. Nhiều trường học dạy quốc ngữ hình thành, một phần dạy cho lính Pháp để tiếp cận dân chúng, một phần dạy cho lớp thanh thiếu niên để đào tạo lớp công chức cho Pháp. Số trường học nầy từ 1861 đến 1875 tăng vọt từ một lên hàng trăm trường, từ chỉ có ở Sài Gòn đến có khắp Nam Kỳ. Từ 1863 đến 1865, Pháp tích cực chuẩn bị một bộ “chữ in tiếng Việt” và ngày 15-4-1865, “văn bản bằng quốc ngữ đầu tiên” ra đời. Đó là tờ Gia Định Báo. Trong điều kiện chỉ “vài ngàn người biết chữ quốc ngữ” tờ báo hẳn in chừng vài trăm bản và cũng chỉ phổ biến trong giới “thông ngôn, người Pháp biết tiếng Việt và một số học sinh” nhằm để “tập đọc quốc ngữ”.
Phải nói rằng, khi Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ, đã có một số người Việt và Pháp biết chữ quốc ngữ qua sự hướng dẫn của một số cố đạo truyền giáo. Một vài người học quốc ngữ bằng cách nhờ người khác chỉ dẫn như trường hợp Tôn Thọ Tường. Đa số những người nầy đều cộng tác với Pháp.
Trong 10 năm, từ 1865 đến 1875, quốc ngữ đã truyền khá rộng trong cộng đồng người Việt ở Nam Kỳ, dù rằng việc buộc thanh thiếu niên “đi học quốc ngữ như bắt lính”. Pháp buộc mỗi làng phải có “một hai thanh thiếu niên đi học”, và người dân đã phản ứng bằng cách trốn lánh, mướn người nghèo đi học thay…

Tại sao lại sợ đi học chữ quốc ngữ?

Có nhiều nguyên nhân, song có ba nguyên nhân thấy rõ nhứt.

1- Sợ triều đình: Từ năm 1859, quân Pháp đã hạ thành Gia Định và vào Sài Gòn-Chợ Lớn, rồi hạ đại đồn Chí Hoà, chiếm ba tỉnh miền Đông năm 1861. Đến năm 1867, lại chiếm ba tỉnh miền Tây và mãi tới năm 1874 hai bên Pháp-Việt mới ký hoà ước Giáp Tuất nhượng Nam Kỳ cho Pháp cai trị. Suốt thời gian nầy, ở cả lục tỉnh hằng ngày hằng giờ tinh thần chống Pháp vẫn diễn ra bên cạnh những cuộc nỗi dậy của Trương Định, Huyện Thoại, Trần Thiện Kế, Thủ khoa Huân, Trương Quyền, Võ Duy Dương, Đoàn Công Bữu, Phan Công Hớn, Trần Văn Thành…Trong lòng người dân, người Pháp sẽ không ở lâu tại Nam Kỳ và rồi triều đình sẽ quay trở lại. Những người có con “được chọn đi học” phần lớn là người có tiền của nên rất sợ tương lai con họ sau ngày Pháp rút khỏi Nam Kỳ. Với tiếng “thân Pháp” hay “theo Pháp” làm sao họ tồn tại được. Phần khác, ngay trong cuộc sống bình thường, hai tiếng “theo tây” cũng đã khiến họ khó sống trong làng, xã.

2- Sợ mất con: Trước khi Pháp vào, việc học hành ở Nam Kỳ vẫn diễn ra theo cách bình thường là học vỡ lòng ở trong làng với một thầy đồ nào đó. Cao hơn một chút thì ra tỉnh, quận rồi sau đó đi thi. Nay “đùng một cái” tây bắt con đi học tuốt ở Sài Gòn hoặc Mỹ Tho, những địa phương không phải ai cũng có nhà ở gần. Họ không biết con mình được dạy dỗ điều gì, sinh sống ra sao…Và sợ hơn hết là “học quốc ngữ sẽ vô đạo tây, sẽ quên mất ông bà, cha mẹ”. (Xưa đạo công giáo không thờ cúng cha mẹ, ông bà).

3- Sợ tương lai con không ra gì: Học chữ nho thì ra làm quan cho triều đình, giúp dân, giúp nước. Còn học quốc ngữ thì làm gì ngoài làm Việt gian? Trong thời gian Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, đã có rất nhiều tin đồn về việc “quân Tây sẽ rút đi khỏi Nam Kỳ” càng khiến việc dân chúng sợ học chữ quốc ngữ do Pháp dạy trong các trường học.
Mặt khác, việc “buộc” thiếu niên từ 9 đến 15 tuổi đi học là một dịp để hương chức làng xã kiếm chác. Khi tỉnh “sức” lịnh xuống “mỗi làng chọn một hai thanh thiếu niên đi học” thì con những nhà có tiền của được nhắm vô trước. Họ phải đút lót để hương chức “tới nhà người khác” và cứ vậy cho tới khi họ dọn nhà đi nơi khác hoặc kiếm được người đi học thay. Và những người “được” hay “bị” đi học quốc ngữ thời kỳ nầy phần đông là con nhà nghèo, người mồ côi hoặc dân du thủ du thực.  Họ được người có tiền “mướn” đi học thế cho con em người có tiền và đã tạo ra một lớp thông ngôn với nhiều tay ba đá, gian giảo sau nầy.
Song như một xu thế khó cưỡng, dù có nhiều kháng cự, song quốc ngữ đã đi vào đời sống văn hoá của mọi người. Và có lẽ lớp thông ngôn “chính qui” đầu tiên ra trường vào năm 1874 gồm 84 người. Trước đó, các thông ngôn được đào tạo không lâu và phần nhiều là những người đã biết chữ nho hoặc biết chút ít chữ quốc ngữ.

Năm 1875, lần đầu tiên Trương Vĩnh Ký đi miền Bắc. Chuyến đi nầy ông đã ghi chép lại và in thành sách “Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876)”. Có thể trong chuyến đi nầy, ông đã tiếp cận được văn bản truyện Kiều bằng chữ Nho mà các nhà nho miền Bắc đã chép lại và in ấn, phổ biến trong giới văn chương miền Bắc, hoặc đã được nghe, trao đổi về Kiều. Có thể vì vậy mà ông có “Kim Vân Kiều tập án” của ông Nguyễn Văn Thắng, tham hiệp tỉnh Thanh Hoá và ông đã chuyển ra quốc ngữ và in kèm trong quyển “Kim, Vân, Kiều truyện” in năm 1875. “Kim, Vân, Kiều tập án” của ông Nguyễn Văn Thắng, gồm 22 bài án (1), ít thấy ai nói tới. Phải chăng điều nầy đã thúc đẩy ông in Kiều quốc ngữ?
Năm 1875 cũng là năm mà lực lượng biết chữ quốc ngữ dồi dào hơn và nhà in ở Sài Gòn cũng đã nhiều hơn một! Năm 1874, ở Sài Gòn Pháp bắt đầu xây trường Chaseloup Laubat (trường Lê Quí Đôn ngày nay), trường Tabert của các giáo sĩ cũng hình thành và trường dành cho nữ (sau nầy là trường Saint Paul trên đường Tôn Đức Thắng) cũng đi vào hoạt động. Thông ngôn nhiều hơn, học sinh nhiều hơn nhu cầu “rèn chữ” quốc ngữ cũng nhiều hơn. Ngoài tờ Gia Định Báo sách báo quốc ngữ không nhiều lắm, cũng có thể là lý do khiến ông Ký cho in Kiều.

Kiều quốc ngữ ra đời trước tiên ngoài việc rèn chữ quốc ngữ còn truyền thêm một ngọn lửa văn học Việt cho những người học chữ quốc ngữ. Khi đó văn xuôi chỉ là những bài báo trên Gia Định Báo và vài cuốn sách do ông Ký viết. Với vai trò ấy, Kim Vân Kiều truyện xứng đáng là cuốn sách được đời sau biết đến với tư cách là văn bản văn học quốc ngữ đầu tiên của của Việt Nam. Rất tiếc vì nhiều lý do mà văn bản nầy “biến mất” trong đời sống văn học từ thế kỷ 20.
Đọc Kiều của Trương Vĩnh Ký, chúng ta sẽ thấy rất nhiều chữ xưa, cổ của thế kỷ 19 mà người ngày nay không hiểu được, hoặc những câu cũng khó hiểu và ít suôn sẻ như những bản Kiều sau nầy. Điều nầy có thể ông Ký khi chuyển ngữ đã không thuộc hoàn toàn Kiều của Nguyễn Du hoặc không đủ chữ để diễn tả nội dung truyện. Nên biết, đến năm 1875, quốc ngữ chưa “mượn” nhiều chữ từ các ngôn ngữ khác ngoài chữ nho. Việc vay mượn từ ngữ của nước ngoài khiến quốc ngữ rất phong phú, điều mà ở thế kỷ 19 có nhưng không nhiều.
Tại sao bản Kiều của Trương Vĩnh Ký “biến mất” trong thế kỷ 20? Có thể nói rằng, hơn 100 năm qua, bản Kiều quốc ngữ đầu tiên biến mất hoàn toàn trong đời sống văn học của người Việt, mà thay vào đó là bản Kiều của Trần Trọng Kim-Bùi Kỷ (in lần đầu năm 1925) và các bản khác. Không chỉ trong chương trình giáo dục của cả hai miền đất nước mà cả trên trường nghiên cứu về Kiều của nhiều học giả đều bỏ qua hoặc không đề cập đến bản Kiều của Trương Vĩnh Ký.

Sau 1954, không chỉ ở miền Bắc với “nhận định” “Trương Vĩnh Ký là người cộng tác với Pháp” nên không in lại tác phẩm của ông, mà cả ở miền Nam, nơi mà Kiều được in đi in lại hàng trăm lần với nhiều thứ tiếng, bản Kiều quốc ngữ đầu tiên cũng bặt tăm! Điều gì đã xảy ra?
Có lẽ cần nói tới một giai đoạn “chuyển tiếp” khiến văn học miền Nam, trong đó có Kiều của Trương Vĩnh Ký, biến mất trong đời sống văn học và chương trình giáo dục nước nhà.
Trong vòng 34 năm, từ 1920 đến 1954, là thời kỳ cực thịnh của trí thức miền Bắc. Sau khi vua Thành Thái ký lịnh bãi bỏ các kỳ thi chữ nho ở miền Bắc và miền Trung, chữ quốc ngữ trở thành thứ chữ duy nhất của người Việt. Với sự ham học, thanh niên miền Bắc đã học tập nhanh chóng thứ chữ mới và phát triển một lực lương trí thức đông đảo trong nhiều hoạt động từ giáo dục đến nghiên cứu văn học, sáng tác, báo chí. Họ sáng tác thơ, truyện, tiểu thuyết…, viết báo, tổng kết văn học, viết chương trình giáo dục bằng quốc ngữ sau khi chương trình bằng tiếng Pháp bị bãi bỏ…
Với định kiến sẵn có “người miền Nam không có văn chương” Phạm Quỳnh, nhà trí thức tiên phong của miền Bắc, đã viết trên tạp chí Nam Phong năm 1918 “Ông Trương Vĩnh Ký chỉ là người viết sách cho con nít học” nhằm đánh đổ cây đại thọ về văn học miền Nam. Trương Vĩnh Ký là “trí thức hàng đầu của miền Nam”, và người Pháp coi ông là “nhà bác học của Việt Nam” của cuối thế kỷ 19, người đã viết vài trăm tác phẩm từ tự điển, sách học cho trẻ con, chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang quốc ngữ…mà đến nay chưa có người có thể theo kịp. Khi đánh đổ cây đại thụ về văn học của miền Nam thì miền Nam còn gì nữa?

Năm 1945, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và một số người khác đã được chánh quyền Bảo Đại giao nhiệm vụ viết sách giáo khoa mới thay cho chương trình Pháp, với định kiến “miền Nam không có văn học”, các nhà biên soạn sách giáo khoa người miền Bắc, đương nhiên đưa các tác phẩm của người miền Bắc vào chương trình. Các nhà tổng kết văn học người miền Bắc cũng loại bỏ các cây bút, các trước tác của người miền Nam ra khỏi các công trình của họ. Trường hợp nhà thơ Nguyễn Thị Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm), người Gò Công, nổi tiếng từ thập niên 1920-1930, nhưng khi Hoài Thanh-Hoài Chân viết Thi Nhân Việt Nam hoàn toàn không đề cập tới bà! Tại sao? Cho tới nay không ai trả lời. Nếu không do định kiến “miền Nam không có văn học” thì lý do gì?
Người ta cũng tung hô chỉ có miền Bắc mới có văn học, có nhà văn với tạp chí Nam Phong, với báo Phong Hoá, Ngày Nay, với nhóm Tự Lực văn đoàn…Trong khi đó, trước khi miền Bắc “được học chữ quốc ngữ”, miền Nam đã có nhiều trí thức, nhiều nhà văn, nhiều trước tác bằng quốc ngữ. Các tên tuổi xếp hàng sau Trương Vĩnh Ký như Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Lương Khắc Ninh, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Tân Dân Tử (Nguyễn Hữu Ngơi), Trương Duy Toản rồi Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung), Phú Đức (Nguyễn Đức Nhuận), Bửu Đình…Nhưng tất cả những tên tuổi nầy đều bị “xếp xó”, bị loại ra khỏi các chương trình giáo dục, các sách giáo khoa, các tổng kết văn học và các tác phẩm của họ không được tái bản, nằm chết dí trong các thư viện, trong các tủ sách gia đình!

Các chương trình giáo khoa do người Bắc soạn (Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hản…) đã loại bỏ hoàn toàn “văn học Nam Kỳ”, coi đó không phải là của người Việt, nước Việt. Các công trình với định kiến nói trên, đã được các nhà báo người Bắc vào Sài Gòn làm báo, tung hô, vổ tay coi đó là chân lý! Sự vắng mặt của các văn nhân miền Nam trong sách giáo khoa rất quan trọng. Bởi điều đó không chỉ làm cho người đương thời dần quên những tác phẩm mà họ đang đọc hàng ngày mà làm cho người đời sau hoàn toàn không biết gì về một nền văn học đáng kính trọng của miền Nam. 
Rất nhiều người có đi học ở miền Nam sanh và lớn lên trong thế kỷ 20 hầu như không biết gì về văn học miền Nam mặc dù họ đã từng ngạc nhiên khi nghe nói thơ Lục Vân Tiên, thơ thầy Thông Chánh, thơ Cậu Hai Miêng, nghe và đọc các tích truyện Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương…từng bàn cãi về nhân vật Hoàng Ngọc Ẩn, từng đọc qua truyện Gia Long tẩu quốc, cậu Tám Lọ...Có người đã từng thắc mắc “chẳng lẽ ông bà mình tệ đến mức viết không nỗi một cuốn sách để lại cho con cháu?”.

Lúc đó, trí thức Lục tỉnh ở đâu? Xin thưa, họ đang bận dấn thân vào các cuộc đấu tranh với Pháp để giành độc lập cho dân tộc. Vậy trí thức miền Bắc không đấu tranh sao? Xin thưa, có rất nhiều nhưng số trí thức “cộng tác với Pháp” cũng rất nhiều. Và chính số trí thức miền Bắc cộng tác với Pháp đã gạt bỏ văn học miền Nam ra khỏi văn học sử và chương trình giáo khoa.
Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt, trí thức miền Bắc di cư vào miền Nam và được chính quyền Ngô Đình Diệm, ưa công giáo, thích người miền Bắc, đã để người miền Bắc tiếp tục những gì họ đã làm trước đó. Và các tác phẩm, các công trình nghiên cứu văn học, các chương trình giáo khoa tiếp tục gạt bỏ văn nhân, trước tác miền Nam. Người ta in tràn lan những tác phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn nhưng không hề in một cuốn sách nào của tác giả người miền Nam. Chúng ta có thể lục lại các thư viện để chứng nhận điều nầy. Người ta ca ngợi văn chương Việt và coi đó là “đặc sản” của người Bắc, hoàn toàn gạt bỏ văn chương miền Nam. Riêng Kiều, đã được in lại hàng trăm lần nhưng hoàn toàn không có bản quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký.

So với các bản Kiều sau nầy, Kiều quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký không chải chuốt, văn vẻ. Với từ ngữ rặt phong cách miền Nam, Kiều 1875 là những gì mà người phương Nam cuối thế kỷ 19 “nói thơ” cho nhau nghe. Đọc Kiều 1875, chúng tôi như thấy được cảnh một người nằm vắt vẻo trên võng ngân nga “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài, chữ mạng…khéo là…ghét nhau”, chung quanh là hàng vài chục người, ngồi nằm, đứng dựa cột…lắng nghe và lẩm nhẩm lại những gì đã nghe. Đó là cách “truyền lửa văn học” cho mọi người của người xưa. Đó là cách phổ biến văn học đến rộng rãi mọi người khi chữ nghĩa hảy còn là thứ gì đó quí báu, không phải ai cũng biết. Dù ít chải chuốt, dù đôi chỗ còn lục cục, lòn hòn…nhưng đây là văn bản ít ỏi còn lại của văn học Nam Kỳ! Thứ văn bản lẽ ra phải được trân trọng, gìn giữ và phổ biến nhiều nhưng vì “định kiến” của một thời kỳ lịch sử mà biến mất trong đời sống văn học nước nhà.

Với ý thức gìn giữ vốn cổ, với ý thức “nói lại cho rõ” rằng miền Nam nước Việt đã và từng có một nền văn học đáng trân trọng, đáng học, đáng nghiên cứu, chúng tôi cho in lại tác phẩm nầy. Kiều của Trương Vĩnh Ký năm 1898 đã được in lần 2 (không rõ nhà in vì không tìm được bản gốc và không rõ thời điểm trước hay sau khi ông Ký mất). Do không kiếm được bản gốc in năm 1875, chúng tôi dùng tạm bản in năm 1911, thời điểm mà ông Trương Vĩnh Ký đã mất gần 30 năm, và trước khi bản của ông Trần Trọng Kim-Bùi Kỷ ra đời gần 15 năm. Cần lưu ý, bản Kiều quốc ngữ thứ hai sau bản của ông Ký là Kim Tuý tình từ do ông Phạm Kim Chi chuyển ngữ và in năm 1917 hiện nay cũng khó kiếm. Bản nầy, năm 1972 được Nha văn hoá Bộ quốc gia giáo dục Sài Gòn in lại và năm 1973, nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát đã tái bản và chú giải.
Khi cho in lại bản Kiều của Trương Vĩnh Ký từ bản in lần thứ 3 năm 1911, nhà in F.H. Schneider ở Sài Gòn đã in thêm phần tranh minh hoạ của Nguyễn Hữu Nhiêu (2), chúng tôi giữ nguyên bản gốc và scan lại tranh với những chú giải những chữ khó hiểu kèm theo chú thích của ông Ký. Đáng chú ý là tranh minh hoạ trong sách nầy đều “rất Việt Nam” chứ không Tàu như nhiều bản in sau nầy, từ năm 1943 trở về sau. Chúng tôi giữ nguyên văn bản và các bài phú cùng các bài án để các vị cùng tham khảo.
Chúng tôi hy vọng những nhà nghiên cứu Kiều ở khắp nơi với vốn hiểu biết lớn sẽ coi đây là một văn bản đáng để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đúng mực văn học ở miền Nam và riêng bản thân ông Ký. Rất mong được góp ý.


(1) theo Doãn Quốc Sỹ-Việt Tử trong Khảo luận về Đoạn trường tân thanh, Nam Sơn in năm 1957 tại Sài Gòn thì ông Nguyễn Văn Thắng “đậu cử nhân khi 23 tuổi năm 1825…Mùa đông năm Canh Dần (1830) ông bị hạ ngục, nhân dịp này ông mới được đọc sách của Nguyễn Du mà làm ra Kim Vân Kiều án”. Còn tài liệu của Ngô Đức Thọ chủ biên ở Thư viện quốc gia, Hà Nội 2004 thì ghi “vốn người phường Yên Thái, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên phạm tội tham nhũng trong vụ thu mua gỗ lim, bị kết án rất nặng. Ngồi trong ngục buồn rầu, ông thường ngâm ngợi truyện Kiều cho khuây khoả, lại đem các nhân vật trong truyện Kiều làm đề tài bình luận, mỗi nhân vật làm thành cả một bài phú quốc âm gọi là “án” (bình luận, đánh giá). Tập án Kim Vân Kiều của ông về sau được phường sách in ra để lưu hành”. Nhóm ông Ngô Đức Thọ chỉ nói có “20 bài án”. Nhưng chúng tôi đếm trong bản in của ông Trương Vĩnh Ký có tới 22 bài. 


(2) Nguyễn Hữu Nhiêu hiện nay chúng tôi vẫn chưa tìm được tiểu sử và hành trạng.Chỉ biết ông là người Vĩnh Long, dạy học ở trường Chasseloup Laubat trong những năm đầu thế kỷ 20. Trong lịch sử hội hoạ Việt Nam chưa đề cập đến ông. Với những tác phẩm được biết đến, ông có thể là một trong lớp những hoạ sĩ người Việt đầu tiên xuất hiện tác phẩm trên sách. Nên nhớ, đến năm 1925 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mới ra đời. So sánh các tranh vẽ, có thể ông Nhiêu cũng là tác giả bức hình vẽ ông Trương Vĩnh Ký đầu tiên in trên báo Nam Kỳ ngày 8-9-1898. Đây cũng là hình vẽ in báo đầu tiên của lịch sử báo chí nước ta. Ông vẽ khá nhiều minh hoạ cho sách của ông Trương Vĩnh Ký. Ngoài những minh hoạ trong Kim Vân Kiều truyện (bản in năm 1911), ông còn vẽ minh hoạ cho Tiểu tự điển Việt-Pháp của ông Ký, bản in 1920 và bản in 1937. Chúng tôi cũng được biết, bản Kiều in năm 1911 có hai loại. Loại không có hình minh hoạ, giá bán 1 đồng/cuốn. Bản có hình minh hoạ, giá bán 2 đồng/cuốn. Không rõ bản in lần thứ hai năm 1898 có hình minh hoạ hay không, e rằng không vì tới năm 1897, kỹ thuật in hình trên báo chí mới xuất hiện ở Sài Gòn và việc chế bản in hình rất tốn kém.