Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh suy tư trước trường hợp diễn viên Mai Phương bị ưng thư giai đoạn cuối ở tuổi rất trẻ: “Tôi nghĩ, khi nghệ sĩ chấp nhận công khai căn bệnh của mình, cũng có phần mong muốn từ trường hợp của mình, có thể đánh hồi chuông cảnh báo khẩn thiết hơn. Đây cũng chính là lúc những người cầm bút vung mạnh vũ khí sắc bén, mở thêm một trận đánh, đấu tranh với những thế lực nhẫn tâm mang mầm bệnh tới trút trên quê hương mình. Dùng ngòi bút kêu gọi các nghệ sĩ cùng tham gia, cảnh tỉnh những ai còn tham tiền, làm ăn gian dối, vô trách nhiệm trước sức khoẻ đồng bào mình. Hàng ngàn người dân vô tội mắc bệnh ung thư mỗi ngày, chẳng khác gì cơn đại hồng thuỷ đang cuốn chậm, xin đừng chờ tới phiên mình, xin đừng chê trách nhau, ung thư không chừa một ai, tất cả chúng ta đã cùng chung một thuyền: nạn nhân, hãy dành sức để cùng nhau đánh trúng vào căn nguyên gốc rễ của đại dịch”. 




Năm 2005, tôi làm phim “Xóm cào cào”, các vai đã xong, duy vai Hồng tìm mãi vẫn chưa ra. Hồng là cô gái thôn quê khoảng 17 tuổi, hồn nhiên trong sáng, mang vẻ đẹp mong manh dễ vỡ như giọt sương mai, dáng vẻ cô quạnh nhưng không uỷ mị, lặng lẽ chịu đựng mọi bất hạnh trên đời, cuối cùng là nạn nhân của nạn cưa bom, thoát cái, Hồng tan thành tro bụi ngay từ đoạn thứ hai của phim. 
Thầy Nguyễn Văn Phúc khi nghe mô tả về nhân vật, lập tức bảo tôi vào lớp Thầy đi, có em sinh viên năm nhất hao hao vậy. Tôi đã gặp Mai Phương, em không rực rỡ như các bạn cùng lớp, nhưng càng nhìn càng hút, vừa mang vẻ mong manh, xanh xao, vừa có nét gì đó rất mạnh mẽ, cam chịu. Em làm việc rất nghiêm túc, nhẫn nại và lặng lẽ, nhiều lúc đang quay mà tôi giật mình, như chính là em đang sống chứ không phải là vai diễn, thoáng chơi vơi, thoáng mơ màng, ánh mắt em lúc tinh nghịch, lúc sâu hun hút xa thẳm, em gieo vào lòng tôi chút yêu mến, chút âu lo, nhưng rất nhiều tin cậy. 
Một mình vào chùa sinh con, bươn chải nuôi con, mấy ai biết ra sao, khi lâu nay em kín tiếng. Tới khi bệnh nặng cũng cắn răng chịu đựng một mình, vì lòng tự trọng, em không muốn vin bám vào tình thương khán giả, không muốn “bán bệnh” trên mạng, nhưng mạng nào có tha cho em, giữa bao dòng thương cảm, xót xa, vẫn có vài dòng đăng đắng. Không may cho em, như giọt nước làm tràn ly, mọi biến động xã hội như tới ngưỡng dồn lên đỉnh với cường độ cao, đánh vỡ bờ của sự chịu đựng cuối cùng, mọi thứ bung đứt, vỡ vụn như thác lũ, biến thành lời trách cứ, nhắm tới cái đích màu mè hào nhoáng, chẳng may rơi trúng vào thời khắc của em- người nghệ sĩ mộc mạc- lặng lẽ. 
Những người viết không sai khi đặt cái nhìn giữa toàn cảnh bề nổi hoa lệ giả tạo của hoạt động biểu diễn, nào mấy ai thấu bề chìm, hằng hà những nghệ sĩ thật sự sống lặng lẽ ra sao, tâm- ý đau đáu thế nào trước vận mệnh nước nhà, trước mọi bức xúc của xã hội. 
Không nói, không viết phải đâu là không quan tâm.
Nếu vũ khí của người cầm bút là câu chữ, thì của người diễn viên chính là việc thể hiện nhân vật, như em, qua nhân vật Hồng trong phim tôi, đâu chỉ tố cáo nạn cưa bom giết chết bao nhiêu sinh mạng giữa thời bình, mà chính cái chết trẻ của nhân vật mà em hoá thân 13 năm trước, mang tính dự báo mạnh về sự trả giá rất đắt của việc “tự ăn vào đuôi mình” của thế hệ ông- cha. Tiếng nói của em ẩn- lồng trong nhân vật là vậy.  
Nhớ nghệ sĩ Thanh Nga xưa, tuyên ngôn oai hùng lẫm liệt nằm trong tiếng ca- lời thoại hùng tráng của nhân vật Trưng trắc, của Thái hậu Dương Vân Nga... tạo nên hào khí anh hùng từ vở diễn lan truyền tự nhiên ra xã hội, như lời hiệu triệu toàn dân đứng lên bảo vệ đất nước, làm nức lòng triệu triệu trái tim, mãi cho tới giờ chưa ai thay thế được. Đó phải chăng chỉ là diễn, là lập lại lời thoại của người viết, hay chính tâm thế của người diễn viên đã thổi hồn vào nhân vật anh hùng. 
Nhớ nhà sưu tầm Nguyễn Thanh Phương cứ hỏi tôi mãi một câu:
- Vì sao một nghệ sĩ như bà Bảy Nam lại quan tâm sưu tầm cả mấy thùng tài liệu cắt từ báo chí về vụ mưu sát Ngô Tổng Thống và vụ nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu? Anh bất ngờ quá, anh không hiểu nổi! 
Bà sưu tầm từ những năm sáu mươi, nhưng mãi tới sát ngày mất, mới có một số người biết khi bà đem các thùng tài liệu đó tặng lại cho anh Nguyễn Thanh Phương.
Nghệ sĩ, phần lớn, không vô cảm với thời cuộc, với xã hội mà ngược lại, rất nhạy cảm, nếu không, làm sao có thể nhập vai để diễn cho ra nhân vật, mà có nhân vật nào lại không gắn liền với hoàn cảnh lịch sử- xã hội? Mà càng nhạy cảm thì càng đau đớn, đau tới u uẩn, nhưng diễn viên không giỏi dùng chữ nghĩa để diễn tả, để trải lòng. Viết được, nói được là giải thoát, hát được, hét được cũng giải thoát, nhưng diễn- không phải lúc nào cũng có vai phù hợp để phát ngôn, để giải thoát, chưa kể phần lớn phải diễn những vai ngược với suy nghĩ của mình, nói tiếng nói ngược với lòng mình. 
***
Hàng ngàn người Việt Nam mắc bệnh ung thư mỗi ngày, trong đó có một số nghệ sĩ, khi tin loan ra ngoài, hầu hết ai cũng ở giai đoạn cuối, hoặc đã ra đi. Phải đâu các nghệ sĩ không biết bệnh tình của mình sớm, nhưng vì sao họ giấu kín, tự chịu đựng một thời gian dài, tới khi vào giai đoạn cuối sắp đi xa mới thố lộ cho bạn bè, đồng nghiệp biết? Rồi tin lan ra tới báo chí và khán giả. Khách quan mà nói, tại thời điểm thập tử nhất sinh này, chính người trên giường bệnh không thể điều khiển nổi mọi thứ đang xoay cuộc đời mình. Có lẽ ai cũng muốn được sống trong tình yêu thương, và rất sợ bị thương hại. Đâu mấy ai mong nhận quyên góp từ bá tánh, tín ngưỡng Việt cho rằng “của cho là của nợ”, đó là cuộc vay nặng lãi truyền kiếp, đời mình, đời con cháu trả mãi không hết. 
Tôi nghĩ, khi nghệ sĩ chấp nhận công khai căn bệnh của mình, cũng có phần mong muốn từ trường hợp của mình, có thể đánh hồi chuông cảnh báo khẩn thiết hơn. Đây cũng chính là lúc những người cầm bút vung mạnh vũ khí sắc bén, mở thêm một trận đánh, đấu tranh với những thế lực nhẫn tâm mang mầm bệnh tới trút trên quê hương mình. Dùng ngòi bút kêu gọi các nghệ sĩ cùng tham gia, cảnh tỉnh những ai còn tham tiền, làm ăn gian dối, vô trách nhiệm trước sức khoẻ đồng bào mình. Hàng ngàn người dân vô tội mắc bệnh ung thư mỗi ngày, chẳng khác gì cơn đại hồng thuỷ đang cuốn chậm, xin đừng chờ tới phiên mình, xin đừng chê trách nhau, ung thư không chừa một ai, tất cả chúng ta đã cùng chung một thuyền: nạn nhân, hãy dành sức để cùng nhau đánh trúng vào căn nguyên gốc rễ của đại dịch. 
Các nghệ sĩ, hãy nói theo cách của mình!

                                         NGUYỄN MỸ KHANH


Nguồn: facebook Nguyễn Mỹ Khanh