Nhớ hôm hội sách
năm 2015 ở Công viên Thống Nhất, nhà thơ Hữu Việt khi thấy tôi đi ngang qua quầy
sách của “Nhà xuất bản Trẻ” bèn huơ huơ trên tay cuốn sách dày ự nhìn qua đã thấy
hốt mọc da gà. Sách gì mà cồm cộp thế, tác giả thì lạ hoắc, đọc cuốn kia phải mấy
ngày, họa có là thánh mới đọc nổi. Hữu Việt vồn vã, làm một cuốn đi anh, mới cứng
vừa ra lò đây, hay lắm, nhanh kẻo hết. Tôi xem bìa sách, lật giở vài trang như
thói quen khi cầm một cuốn sách lạ rồi hỏi, Bình Ca già hay trẻ? Anh ruột của
em. Hữu Việt khoe với một vẻ mặt đầy hãnh diện. Nói thật, tôi chơi với Hữu Việt
đã lâu, đôi ba lần qua tư gia thăm nhà văn Hữu Mai, cha của Hữu Việt nhưng
không hề biết gì về Bình Ca. Chỉ nghe loáng thoáng Việt có một người anh trai
theo nghiệp quan trường không một vảy dính líu đến văn chương. Chắc gã này đây,
lại một dạng quan lại hứng tình, thừa lộc giở giói chơi trò văn veo thơ phú.
Nghĩ thế và tôi thoáng nghi ngờ ngay cả độ dài cuốn sách.
NGƯỜI KHÔNG TÌNH
CỜ CỦA VĂN CHƯƠNG
PHẠM NGỌC TIẾN
Đi dự một hội
nghị văn chương gặp nhà báo Phan Thanh Phong. Rất nghiêm trọng Phong bảo, anh bố
trí trong tuần gặp nhau anh em mình bàn công việc. Chả là từ hai năm nay tôi giữ
một chuyên mục trong tờ “Nhân Dân hàng tháng” do Phan Thanh Phong là trưởng
ban. Thoáng chút bối rối, sao “Góc ngẫm luận” của anh có vấn đề gì về bài vở à?
Không, em muốn cải tiến tờ báo, thêm chuyên mục. Rất nhanh, tôi với Phong thống
nhất về nội dung cái chuyên mục mới này. Nó là một dạng chân dung văn học nhưng
nhân vật không bó hẹp với những người làm nghệ thuật mà là chân dung bất kỳ người
làm nghề nào trong đời sống miễn là hợp tiêu chí. Tên chuyên mục không phải việc
của mình nên tôi chỉ bàn với Phong về chân dung số đầu tiên. Tôi buột ra, Bình
Ca. Gần như tức thời Phong đồng ý ngay tắp lự bằng một nụ cười tươi rói đầy
khoái trá xác nhận chọn đúng nhân vật. Chỉ dặn anh phải thật bí mật kẻo Bình Ca
không cho viết đâu.
Bình Ca là ai,
riêng chuyện này đã là một bí ẩn khơi gợi không biết bao nhiêu thắc mắc của
hàng ngàn người hâm mộ. Về mục này Bùi Huy Hội một người nổi tiếng trên
facebook, bạn từ thuở “quần đùi không áo” của Bình Ca đã viết hẳn một bài dài
kiểu “vạch áo xem lưng” tiết lộ nhân thân của tác giả cuốn tiểu thuyết vừa xuất
hiện đã gây bão văn đàn: “Quân khu Nam Đồng”. Trong giới văn chương cái tên
Bình Ca cũng gây sốc không kém gì đối với độc giả ở chính sự ngoại biệt, lạ lẫm.
Bình Ca là tay nào, ở đâu sao viết mả thế. Hoặc là rất ngờ một nhà văn cứng cựa
nào đó chơi trò ú tim dùng bút danh chọc ngoáy thiên hạ. Vân vân và vân vân.
Tôi cũng vậy cái
tên Bình Ca lạ thì hẳn rồi và nó chả tạo ra một cảm giác gì liên quan đến văn
chương cả. Nhớ hôm hội sách năm 2015 ở Công viên Thống Nhất, nhà thơ Hữu Việt
khi thấy tôi đi ngang qua quầy sách của “Nhà xuất bản Trẻ” bèn huơ huơ trên tay
cuốn sách dày ự nhìn qua đã thấy hốt mọc da gà. Sách gì mà cồm cộp thế, tác giả
thì lạ hoắc, đọc cuốn kia phải mấy ngày, họa có là thánh mới đọc nổi. Hữu Việt
vồn vã, làm một cuốn đi anh, mới cứng vừa ra lò đây, hay lắm, nhanh kẻo hết.
Tôi xem bìa sách, lật giở vài trang như thói quen khi cầm một cuốn sách lạ rồi
hỏi, Bình Ca già hay trẻ? Anh ruột của em. Hữu Việt khoe với một vẻ mặt đầy
hãnh diện. Nói thật, tôi chơi với Hữu Việt đã lâu, đôi ba lần qua tư gia thăm
nhà văn Hữu Mai, cha của Hữu Việt nhưng không hề biết gì về Bình Ca. Chỉ nghe
loáng thoáng Việt có một người anh trai theo nghiệp quan trường không một vảy
dính líu đến văn chương. Chắc gã này đây, lại một dạng quan lại hứng tình, thừa
lộc giở giói chơi trò văn veo thơ phú. Nghĩ thế và tôi thoáng nghi ngờ ngay cả
độ dài cuốn sách.
Có thể là cơ may
hay là nhân duyên đến kỳ gieo gặt khi ngay hôm đó tại quầy sách của riêng tôi,
cuốn “Quân khu Nam Đồng” vốn được tôi nhận một cách hờ hững, đọc vì nể lời giới
thiệu của Hữu Việt nhưng ngay từ những trang đầu đã cuốn hút tôi một cách mãnh
liệt. Đến mức tôi sao nhãng cả việc bán sách của mình. Đêm đó và cả hôm sau tôi
đọc miên mải như nhập đồng. Cái khu gia binh trong truyện ít nhiều đều có trong
ký ức của người Hà Nội. Với riêng tôi câu chuyện của Bình Ca đẩy ập đến cho tôi
cả một trời ký ức lô xô. Những năm tháng đầu xanh tuổi trẻ, những ngỗ nghịch học
trò với những trận đánh nhau bạt tử, cả tình yêu vụng dại ngây thơ, nhiều lắm
những kỷ niệm cứ thế xoay chong chóng xô đẩy tôi trong miên mải ký ức về một Hà
Nội yêu dấu. Có điều rất lạ dù là lần đầu tiên viết sách nhưng giọng văn của
Bình Ca cực kỳ chững chạc chuyên nghiệp, kiểm soát và làm chủ được mạch văn
cũng như câu chữ và tình tiết câu chuyện. Phải nói một cách đố kỵ rằng, văn của
Bình Ca hay ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nó trong văn vắt, lúc đằm thắm, mượt
mà lúc bùng nổ dữ dằn đưa người đọc đến mọi cung bậc cảm xúc.
Ngay khi đọc
xong chẳng thể cầm lòng tôi viết ít dòng cảm nhận tốt đẹp về “Quân khu Nam Đồng”
trên trang cá nhân. Và ngay từ lúc đó tôi đã nung nấu ý định chuyển thể câu
chuyện thành kịch bản phim. Cũng vì chuyện làm phim tôi đề nghị Hữu Việt tổ chức
cho tôi gặp Bình Ca. Phải mất kha khá thời gian cuộc gặp mới được thực hiện. Lý
do có nhiều trong đó tôi không hề giấu diếm ý nghĩ của tôi. Chắc thằng cha này
chảnh bởi lúc đó “Quân khu Nam Đồng” nổi bần bật luôn ở tình trạng cháy sách phải
tái bản liên tục. Ngay chuyện làm phim, Bình Ca cũng nhận được không ít lời đề
nghị hấp dẫn. Thậm chí một nhóm nhà làm phim hạng đầu mấu của nền điện ảnh nước
nhà đã tự tập hợp với những phân công rành rẽ về vai trò từng người.
Quả thật tôi
không ngờ cái lần gặp đầu tiên ấy, Bình Ca đã gieo vào tôi niềm tin tưởng, quý
trọng bởi sự thẳng thắn, lịch lãm và hiểu biết. Chúng tôi ngồi với nhau chuyện
trò đến mấy giờ đồng hồ chỉ nhấm nháp chút bia chai suông điều mà tôi khó lòng
thực hiện được khi có mặt ở quán. Câu chuyện tâm đầu ý hợp trong sự giám sát của
Bùi Huy Hội (cũng là người lần đầu tiên tôi gặp). Đến mức dù không uống được
bia nhưng tôi quên phắt thú vui uống rượu của mình. Tôi và Bình Ca thỏa thuận
miệng về những điều kiện chuyển thể tác phẩm. Sau đó vì lý do không tìm được
nhà sản xuất đồng cảm nên “Quân khu Nam Đồng” vẫn yên vị chỉ là một giấc mơ
không có hồi kết với thằng tôi nuối tiếc.
Cũng từ đó tôi
cùng Bình Ca, tất nhiên cả Bùi Huy Hội trở thành bạn bè đúng nghĩa. Nghĩ cũng lạ
kỳ cho thứ tình bạn bất chợt của đàn ông. Nó tựa như trai gái phải lòng nhau ở
lần đầu gặp gỡ không cần quá trình, chẳng màng tìm hiểu, nó tự nhiên như thể đó
là một tình bạn đã lên men chín bất chấp thời gian, chẳng cần rào đón, không hề
giữ gìn. Tiếp xúc với Bình Ca tôi dần hiểu và lý giải được vì sao dù là cuốn
sách đầu tay nhưng “Quân khu Nam Đồng” lại thành công đến thế. Thì ra gen văn
chương từ người cha, nhà văn Hữu Mai đã được truyền sẵn trong khí huyết Bình
Ca. Nhưng điều này mới là quan trọng, mới làm nên “Quân khu Nam Đồng”, đó là vốn
sống của một người có những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp, có một quá trình sống
lao động hết mình và dĩ nhiên đó còn là tâm hồn của một người cầm bút thực thụ.
Tôi luôn tin vào sự trong sáng, nhạy cảm cả với những ẩn trắc thời cuộc của những
người làm chữ nghĩa dù chưa một lần Bình Ca nhận mình dẫu chỉ là một anh viết
văn bình thường.
Bình Ca tên thật
là Trần Hữu Bình. Sinh năm Mậu tuất. Tôi không biết nhiều về con đường hoạn lộ
của anh và cũng chưa bao giờ có ý định tìm hiểu. Chỉ biết Bình Ca là một quan
chức có nhiều thời gian lãnh đạo mảng văn xã của một tỉnh, hiện Bình Ca đang giữ
trọng trách trong một cơ quan Trung ương. Quen biết chưa nhiều, đôi lần đến tư
gia tôi cảm nhận được sự viên mãn trong hạnh phúc gia đình của anh. Khác với
tôi và Bùi Huy Hội đẻ con một bề vịt giời, Bình Ca tự nhận mình là người không
biết đẻ khi anh là cha của hai chàng thanh niên trẻ nhưng sớm biết học hành, tự
lập và thành đạt. Trong bất cứ câu chuyện nào dù ở trên mạng xã hội hay ngoài đời
khi gặp lũ chúng tôi, Bình Ca đều say mê kể về con trai. Đôi lúc chẳng biết vô
tình hay hữu ý, Bình Ca cao hứng như thể xát muối vào nỗi đau của những thằng
thèm khát con giai như tôi. Nhưng điều đó thảy đều vặt vãnh. Một Bình Ca nhiệt
thành với bạn bè, đặc biệt là với những người “lính quân khu Nam Đồng” xưa, có
những quan điểm rõ ràng về những vấn đề xã hội và hóm hỉnh, bình dị cùng một
trí tuệ văn chương thiên bẩm được thực tiễn bồi đắp thực sự là một người bạn
tin cậy của không chỉ mình tôi.
Vài lát cắt chẳng
thế phác nổi chân dung Bình Ca. Anh đang làm thủ tục nghỉ hưu với một sự bình
thản, thậm chí là hứng thú. Con người Bình Ca còn rất nhiều góc khuất tôi chưa
được biết. Nhưng tôi biết dù Bình Ca luôn né tránh mọi giao tiếp cũng như những
gì thuộc về văn chương, chỉ coi “Quân khu Nam Đồng” như là một cuộc chơi tình cờ
thì anh vẫn không giấu được những khát vọng đam mê về những gì sắp đến của chữ
nghĩa.
Tôi luôn giục giã Bình Ca viết về những học sinh của trường Nguyễn Văn Trỗi. Đấy
sẽ là một đề tài ăn khách và nhiều giá trị. Bình Ca chỉ tủm tỉm cười nụ không
ra xác nhận nhưng tôi tin một ngày không xa cuốn sách ấy sẽ ra đời. Cũng như
tôi tin Bình Ca hoàn toàn không phải tình cờ đến với văn chương mà điều đó như
là một sắp đặt của số phận./.