Phần xuất sắc nhất tiểu thuyết “Kiếp người” là những trang viết
về cuộc sống trong tù của một cán bộ trẻ bỗng dưng bị tước đoạt tự do một cách
éo le. Còn phần sinh động nhất tiểu thuyết “Kiếp người” là những trang viết về hành
trình làm báo của Thanh Hữu giữa hàng trăm sự kiện và hàng trăm con người xảo
trá lẫn lương thiện. Ở đây, phải ghi nhận một đóng góp của Hữu Ước trong tư
cách nhà văn, chính là hé lộ cho bạn đọc thấy được nhiều góc khuất chốn danh vọng.
Trong những hoàn cảnh nhất định, khi lịch sử không thể xuất hiện dưới dạng
chính sử, thì lịch sử cần phải tồn tại dưới dạng huyền sử. Và nhờ huyền sử “Kiếp
người” của Hữu Ước, công chúng được tiếp cận khá đầy đủ về một vụ lạm dụng tình
dục từng xôn xao làng báo Việt Nam!
"KIẾP NGƯỜI" VÀ THỰC HƯ MỘT LÃNH ĐẠO BÁO CHÍ LẠM DỤNG
TÌNH DỤC NỮ CỘNG TÁC VIÊN
TUY HÒA
Kỳ 1: Phó Tổng Biên
tập ngủ với gái rồi tống gái vào tù!
Hữu Ước không phải một văn tài nổi bật, nhưng Hữu Ước viết
tiểu thuyết thì rất đáng quan tâm. Bởi lẽ, Hữu Ước có một cuộc đời đậm chất
tiểu thuyết. Hữu Ước có lẽ là trường hợp hiếm hoi trên thế giới, từng bị công
an tống giam vào tù 3 năm rồi lại trở thành Trung Tướng công an, trong cùng một
chế độ. Khi ở đỉnh cao sự nghiệp, Hữu Ước làm gì cũng có khối kẻ xung quanh xúm
vào vỗ tay và reo hò rất nhiệt liệt, kể cả Hữu Ước thực hiện những hành vi
nghệ thuật không phải sở trường của ông như vẽ tranh hoặc sáng tác ca khúc. Sự
hồn nhiên của Hữu Ước không gây hại cho ai, chỉ trực tiếp phơi bày bộ mặt nịnh
bợ diêm dúa của vài đối tượng được gọi là tri thức nhưng ít dùng đến sự tự trọng
cần thiết. Có lẽ, vì vậy mà Hữu Ước suy nghiệm thêm nhiều điều bổ ích sau khi rời
khỏi chiếc ghế quyền lực trong giới truyền thông và an ninh, để bắt tay vào bộ
tiểu thuyết “Kiếp người” có dung lượng hơn ngàn trang.
“Kiếp người” của Hữu Ước gồm ba tập: tập một “Sống”, tập
hai “Lửa” và tập ba “Lạnh”. Một chuỗi ngày tháng và một xâu sự kiện được đúc kết
thành Sống – Lửa – Lạnh, không phải không mang hàm ý nhân sinh thế sự. Xét về
ngôn ngữ và cấu trúc tiểu thuyết, “Kiếp người” chỉ nằm ở dạng bình thường,
nhưng có nhiều chi tiết rất thú vị. Chi tiết hay, vì được trả giá bằng chính số
phận Hữu Ước, từ lâm nạn bất ngờ phải vào tù đến lăn lộn thương trường để mưu
sinh và thành đạt hô mưa gọi gió trong làng báo.
Về mặt thể loại, phải gọi “Kiếp người” là tiểu
thuyết tự truyện. Thế nhưng, ở cái xã hội hôm nay, một lời nói thật cũng gây
phiền phức, huống hồ một cuốn sách kể lại chìm nổi cuộc đời của một nhân vật từng
làm đến Tổng Biên tập tổ hợp báo chí Công An Nhân Dân, Văn Nghệ Công An, An
Ninh Thế Giới, Cảnh Sát Toàn Cầu đồng thời kiêm luôn Tổng Giám đốc Truyền hình
Công an – ANTV và giữ cương vị Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Chính trị - Bộ Công
an. Vì vậy, cứ khoác cái áo “tiểu thuyết” cho lành, cho đỡ rách việc. Tuy nhiên,
nhân vật chính Thanh Hữu luôn xưng “hắn” trong “Kiếp người”, thì ai cũng nhận
ra là phiên bản của Hữu Ước!
Phần xuất sắc nhất tiểu thuyết “Kiếp người” là những trang viết
về cuộc sống trong tù của một cán bộ trẻ bỗng dưng bị tước đoạt tự do một cách
éo le. Còn phần sinh động nhất tiểu thuyết “Kiếp người” là những trang viết về hành
trình làm báo của Thanh Hữu giữa hàng trăm sự kiện và hàng trăm con người xảo
trá lẫn lương thiện. Ở đây, phải ghi nhận một đóng góp của Hữu Ước trong tư
cách nhà văn, chính là hé lộ cho bạn đọc thấy được nhiều góc khuất chốn danh vọng.
Trong những hoàn cảnh nhất định, khi lịch sử không thể xuất hiện dưới dạng
chính sử, thì lịch sử cần phải tồn tại dưới dạng huyền sử. Và nhờ huyền sử “Kiếp
người” của Hữu Ước, công chúng được tiếp cận khá đầy đủ về một vụ lạm dụng tình
dục từng xôn xao làng báo Việt Nam!
Cách đây hơn 10 năm, dư luận râm ran về một Phó Tổng Biên
tập có dính líu đến chuyện ái tình gay cấn cùng một nữ cộng tác viên. Bất ngờ
hơn, nữ cộng tác viên ấy đột ngột bị bắt vì hành vi tống tiền, mà người tố cáo
chính là Phó Tổng Biên tập kia. Một quả bom sắp nổ giữa làng báo, bỗng dưng im
bặt. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra. Rồi ít lâu sau, Hữu Ước được phong Thiếu
Tướng vào năm 2006. Đời thường liệu có chưng cất thành tiểu thuyết được chăng?
Trong “Kiếp người” tập 2 “Lạnh”, từ trang 347 đến trang
399, nhà văn Hữu Ước viết về nhân vật Đỗ Mão – cấp dưới của nhân vật chính
Thanh Hữu với những tình tiết khá lâm ly. Bối cảnh được “hắn” tường thuật là thời
điểm trước khi "hắn" lên Tướng: “Cho đến một ngày… lại một ngày u ám đối với toà
soạn báo Minh An của hắn. Thằng Đỗ Mão, trong ban biên tập của hắn ngủ với gái.
Không biết mô tê ất giáp thế nào, đứa con gái mà thằng Đỗ Mão ngủ giở trò phạt
nó bằng tiền về cái tội ngủ với nó, lại định chạy làng và lại muốn “tòm tem” với
em gái nó. Như người đàn ông khác thì trả mẹ nó tiền đi… của đi thay người cho
xong mẹ nó đi. Đằng này nó tiếc tiền, nó dứt khoát không chịu nộp phạt vì cái
khoản phạt lên tới hai trăm triệu đồng, với nó là quá to. Thật đúng là kẻ cắp gặp
bà già. Cô gái mà nó ngủ, doạ tung những bức ảnh hai đứa ngủ với nhau lên mạng.
Thằng Đỗ Mão hoảng quá giở cái trò nghiệp vụ ma quái mà nó chưa học ngày nào là
hẹn đưa tiền và… báo công an. Vậy là từ một câu chuyện tình “cơm chẳng lành,
canh chẳng ngọt” trở thành vụ tống tiền. Cô gái tống tiền nó bị bắt…”.
Nếu mặc định tiểu thuyết là sản phẩm tưởng tượng, thì khả
năng tưởng tượng của nhà văn Hữu Ước gần khớp với những thông tin từng ồn ào một
thời. Nhân vật Phó Tổng Biên tập ngoài đời vốn là một anh làm thơ lục bát vần
điệu du dương kiểu đăng đối câu trên con chó chạy ra thì câu dưới con mèo trèo
vô, nhưng bất ngờ nổi tiếng nhờ vài cuốn sách sưu tầm tư liệu chiến trường. Còn
chân dung Đỗ Mão trong “Kiếp người” được chính đồng nghiệp Thu Huyền phác thảo “Anh
ấy vừa ra được mấy đầu sách được bạn đọc tung hô, anh ấy tưởng vụ này bạn đọc cả
nước sẽ đứng về phía anh ấy…”. Cụ thể hơn, Thanh Hữu nhận xét về Đỗ Mão: “Nhìn
mặt nó cứ thấy hiểm hiểm thế nào. Chẳng ra dại, chẳng ra khôn. Đểu giả thì
không phải, mà tử tế lại càng không…”.
Thanh Hữu đã ra tay giải cứu cho Đỗ Mão: “Tao không chỉ cứu
mày mà vụ này là tao phải cứu tao… Hàm Tướng của tao tới nơi rồi, vụ của mày mà
vỡ lở ra là tao “đi” đứt…”. Việc đầu tiên là “hắn” xin thả cô gái vừa bị bắt,
và những bức ảnh ân ái cũng bỏ ra khỏi hồ sơ vụ án. “Điều mà hắn sợ nhất không phải
là việc của thằng Đỗ Mão, mà cái chính là hắn sợ mất cái uy tín, thương hiệu của
báo Minh An, An ninh toàn cầu, Văn hoá – Văn nghệ trong dư luận xã hội. Vụ này,
nếu cứ làm theo pháp luật, nghĩa là cô gái kia phải ra toà về tội tống tiền, và
những bức ảnh thằng Đỗ Mão đang khoả thân với gái được tung lên mạng thì báo của
hắn chỉ còn bán cho ma…”.
Cô cộng tác viên vừa hú vía thoát khỏi trại giam tên Hương đã
mua một can xăng đến trước nhà Đỗ Mão với ý định tự thiêu. Thanh Hữu cho người
theo dõi, giật được can xăng. Sau đó Thanh Hữu cho Hương một ít tiền và bảo vào
miền Nam sinh sống, kèm lời doạ nạt “cô mà còn quậy nữa là tôi cho lên báo tên
tuổi cả hai chị em cô, xem có ôi với bạn bè, hàng xóm không”. Thế nhưng, cái
khó hơn là làm sao bịt kín việc này, khi dư luận đã xì xào khắp nơi?
Bằng bản lĩnh của một nhà báo lăn lộn thương trường lẫn
chính trường, Thanh Hữu quyết định chọn giải pháp “rút củi đáy nồi”, gạch tên Đỗ
Mão ra khỏi ban biên tập. “Việc các ấn phẩm của báo Minh An phát hành không có
tên của nhà báo Đỗ Mão trong Ban biên tập cũng tạo sự xôn xao trong toà soạn và
bạn đọc cả nước, nhất là trong giới báo chí… Bỏ mặc dư luận, hắn hăm hở mang
các ấn phẩm báo Minh An không có tên Đỗ Mão trong Ban biên tập đến cuộc họp
giao ban báo chí, do lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông Tin Truyền
thông chủ trì”…
( Thanh Hữu làm sao để thuyết phục báo chí không đưa
scandal Phó Tổng Biên tập Đỗ Mão lên báo? Mời
đọc tiếp kỳ 2: Vì năm người phụ nữ, mà tha thứ cho một gã đàn ông đồi bại?)