Sách “Lịch sử phổ thông” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018, do Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện sử học biên soạn), tập 3 (từ thế kỷ X đến năm 1593), do PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện sử học) chủ biên, trang 194, viết về Thống Quốc Thái Sư –Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ, có đoạn như sau “: Trần Thủ Độ sinh tại bến Trấn (nay là làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), cha ông là Trần Hoằng Nghị (tức Hoằng Nghị Đại Vương, có miếu thờ ở làng Phương La)”. Thông tin trên khiến dòng họ Trần trên cả nước và một số nhà nghiên cứu lịch sử sôi sục, cho là các tác giả đã bịa đặt ra nhân vật Trần Hoằng Nghị. Đó là nhân vật không có thật, càng không phải là thân phụ của Thống Quốc Thái Sư –Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ. Đại diện dòng họ Trần đã có đơn phản ánh về việc xuyên tạc, bịa đặt này. Trước áp lực của dư luận, NXB đã phải dừng phát hành cuốn sách.



Ai 'nặn' ra nhân vật Trần Hoằng Nghị là cha Trần Thủ Độ?

VŨ HỮU SỰ

Chúng tôi đã thử đi tìm Trần Hoằng Nghị, để góp phần làm sáng tỏ nhân vật này. Hiện tại, ở làng Phương La không có bất cứ đền miếu nào thờ Hoằng Nghị Đại vương, chỉ có một cái miếu, được gọi là “Miếu nhà ông”. Nhưng “ông” là ai ? Có phải Hoằng Nghị Đại vương không? Thì vẫn chưa rõ.
Còn ở làng Xuân La (cùng xã Thái Phương) thì có đình thờ “Trang Nghị Đại vương”. Tại cuộc hội thảo “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn khu di tích lịch sử-văn hóa Phương La”, do UBND tỉnh Thái Bình và Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức năm 2007, PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện sử học) nói “Trang Nghị đại vương chính là Hoằng Nghị đại vương, tên là Trần Hoằng Nghị, thân sinh ra Trần Thủ Độ”. Việc suy diễn này đã bị rất nhiều nhà sử học phản đối ngay trong hội thảo. Và tổng kết hội thảo, GS Vũ Khiêu đã khẳng định:" Thân sinh Trần Thủ Độ là ai, vẫn còn là một tồn nghi, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, cả ở trong nước lẫn ngoài nước, mới có thể trả lời được câu hỏi này". Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có thêm bất cứ một phát hiện nào mới. Danh tính và thân thế, sự nghiệp của thân sinh Trần Thủ Độ, vẫn vẹn nguyên là một câu hỏi.
Còn Trang Nghị Đại vương là ai? Tài liệu “Địa chí Thái Bình” tập II (do Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản năm 2007), ghi rõ :Trang Nghị Đại vương (hiện được thờ ở đình làng Xuân La) là Thiên thần chứ không phải nhân thần. Và vị “thiên thần” này đã có “công” âm phù cho kẻ từng cai trị nước ta là Cao Biền, giúp họ Cao đánh thắng quân Nam Chiếu. Nhờ được Cao Biền “báo công”, vua Đường Ý Tông đã phong cho Trang Nghị Đại vương là “Tối linh Trang Nghị Đại vương thượng đẳng thần”. Đã được vua nhà Đường phong thần, thì Trang Nghị Đại vương phải ra đời trước Trần Thủ Độ cả mấy trăm năm. Thế mà một thiên thần bỗng nhiên biến ngay được thành một ông bằng xương bằng thịt họ Trần, sinh ra Trần Thủ Độ.
Việc coi Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương là thân sinh Trần Thủ Độ, còn vô lý ở nhiều điểm. Thứ nhất, nhà Trần không bao giờ dùng tên người làm tước phong, mà dùng mỹ tự khác, như Trần Quốc Tuấn là Hưng đạo Đại vương; Trần Quáng Khải là Chiêu minh Đại vương; Trần Nhật Duật là Chiêu văn vương; Trần Quốc Khang là Tĩnh quốc Đại vương...Vậy, Hoằng Nghị Đại vương, nếu quả là một nhân vật có thật và là hoàng thất nhà Trần, thì đó chỉ là mỹ tự của tước phong, chứ không phải tên là Trần Hoằng Nghị. Ông ta tên thật là gì? Có công lao gì với dân với nước? Có sinh ra Trần Thủ Độ hay không? Cho đến nay, chưa có bất cứ một tài liệu lịch sử nào nói đến.
Thứ hai, tuy mới chỉ tìm sơ sơ, nhưng chúng tôi đã thấy có đến mấy nơi thờ Hoằng Nghị Đại vương, nhưng đều là những người có họ tên khác, như xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, có Hoằng Nghị Đại vương Lại Thế Mỹ. Làng Cổ Phúc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thờ “Quách Hoằng Nghị Đại vương”, tức là vị có tước phong Hoằng Nghị Đại vương này họ Quách. Thôn Trung Lệ, làng Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên thờ “Lý Hoằng Nghị Đại vương”, tương truyền là một vị thủy thần (Lý, chữ Hán, nghĩa là con cá chép)...Tất cả đều được chép trong sách “Thư mục thần tích, thần sắc”. Sách này hiện lưu trong thư viện Hán Nôm.
Thứ ba, theo cụ Trần Ngọc Bảo, nguyên chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Huệ D766, Trung đoàn 66, Sư đoàn 30 anh hùng, và Thiếu tướng Đào (Trần) Quang Cát, PGS, Tổng cục phó về chính trị Tổng cục II (Bộ Quốc phòng), thì Trần Hoằng Nghị nguyên là người họ Trần Hữu, gốc họ Chế, người Chăm pa (tức người Chiêm thành) từ nơi khác đến làng Ứng Mão (tức làng Phương La) sinh sống. Đến làng Phương La, ông này đổi chữ lót là Hữu thành chữ lót là Hoằng.
Trần Hữu Nghị thành Trần Hoằng Nghị. Làng Phương La (Ứng Mão) mãi đến thời vua Lê Hy Tông triều Lê Trung Hưng (1675) mới được thành lập, nên Trần Hữu Nghị có đến làng này sinh sống thì cũng phải sau năm 1675, chẳng liên quan gì đến Trần Thủ Độ cả. Ông sống và chết như một người bình thường, nên chẳng ai quan tâm thờ cúng ông, ngoài con cháu. Và nếu những tài liệu này mà chính xác, thì Trần Thủ Độ cũng không được sinh ra ở bến Trấn, vì thời nhà Trần, bến Trấn (làng Ứng Mão, nay là làng Phương La) chưa có.
Có thể khẳng định: Trang Nghị Đại vương được thờ ở đình làng Xuân La, xã Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình) dứt khoát không thể là Hoằng Nghị Đại vương (nếu có thật, nếu là hoàng thất nhà Trần, thì là nhân thần), lại càng không phải là Trần Hoằng Nghị, thân sinh ra Thống Quốc Thái sư- Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ. Việc cho Hoằng Nghị Đại vương là Trần Hoằng Nghị, thân sinh ra Trần Thủ Độ rồi đưa vào sách lịch sử, là một việc làm quá vội vàng, thiếu căn cứ khoa học!



Nguồn: Nông Nghiệp VN