Có thể nói
“Tôi” là một nhân vật xuyên suốt tác phẩm này, cho dù đây không phải là một cuốn
tiểu thuyết. Tôi là người trong cuộc, Tôi hiểu làng mình đến từng chân tơ kẽ
tóc, Tôi thuộc làng mình như lòng bàn tay. Hồi sống ở làng tôi lam lũ thật sự,
tôi khổ thật sự, khổ đến mức không còn chỗ cho khổ hơn được nữa. Dẫu vậy, hồi
đó tôi vui, tôi sướng thật lòng và tôi tin thật lòng, lắm khi tin như điếu đổ, dẫu
“có phần bồng bột và nhuốm mầu ảo tưởng”, như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói. Tôi
và các bạn cùng thế hệ thời đó là như vậy. Xin kể vài thí dụ về nhân vật “Tôi”
trong tác phẩm này: Tôi từng cởi truồng tắm mưa trên sân nhà tôi trong trận mưa
vào hạ. Tôi từng ôm quần áo, sách vở cởi truồng lội qua sông Chu khi đi học trường
huyện, ra điều hôm nay ta đếch phải lụy đò.
TÔI VIẾT HỒI ỨC “TÔI VÀ
LÀNG TÔI”
LÊ BÁ THỰ
Cuốn sách “Tôi và
làng tôi” vừa mới trình làng quý II năm 2018 là cuốn sách đã được tôi ấp ủ từ
hàng chục năm nay. Câu cuối cùng của cuốn sách này tôi viết: “Giã biệt làng Nguyệt
Lãng yêu thương, ngày 4 tháng 8 năm 1964, trong một ngày đẹp trời, tại Ga Hàng
Cỏ Hà Nội, tôi lên tàu liên vận sang Ba Lan du học”. Tôi xa làng kể từ ngày ấy.
Tuy nhiên, đó chỉ là xa về khoảng cách địa lý. Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng
cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức, làng ở trong tôi ngay cả khi
tôi ngủ. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa
với các bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh
phân, nhổ mạ, đang bắt cua, bắt ốc, bắt ếch, kiếm cá, đang chăn bò trên cánh đồng
làng, đang cắp sách cuốc bộ đến trường, đang xem phim “Bạch Mao Nữ” tại bãi chiếu
bóng ngoài trời… Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy bố, thấy mẹ, thấy các em tôi, thấy
bà con làng xóm đang sinh sống trong cảnh thanh bình, giàu tình làng nghĩa xóm,
hồn nhiên, lạc quan và yêu đời “mà ta ngỡ
chỉ có thể tìm thấy ở nước Thiên Đàng” ( lời nhà thơ Trần Đăng Khoa). Những
ký ức về làng chất chồng trong đầu tôi năm này qua năm khác. Chúng thấp thỏm đợi
chờ để được nhảy ra khoe mình trên những trang sách. Tôi đã ấp ủ, tôi đã tự nhủ,
tự hứa với làng và với cả chính tôi là nhất định tôi sẽ viết về làng. Nhà văn Đỗ
Ngọc Yên đã có lý khi anh bảo rằng: “Lê
Bá Thự vừa mới xuất bản cuốn “Tôi và làng tôi”, dưới dạng tản văn, như một khế
ước văn hóa làng mà ông từng mang theo hai phần ba thế kỷ”. Bản “giao kèo
không văn bản” này đã được tôi thực thi một cách nghiêm túc mà cuốn “Tôi và
làng tôi” là một minh chứng. Mới rồi, những lớp trầm tích ký ức chất chồng rủ
nhau chui ra khỏi đầu tôi, ùn ùn chảy vào 304 trang sách. Điều này lý giải tại
sao tôi viết tác phẩm này nhanh đến như vậy, chỉ trong ba tháng trời, viết đến đâu
được đến đấy. Đọc cuốn “Tôi và làng tôi” bạn đọc nhận ra, tôi và làng tôi những
năm 50 và 60 diện mạo ra sao, sướng khổ như thế nào. Khi viết cuốn sách này tôi
luôn luôn ý thức một điều rằng, làng Nguyệt Lãng trong sách của tôi phải y
chang làng Nguyệt Lãng năm xưa, Lê Bá Thự
trong cuốn sách này phải y chang Lê Bá Thự năm xưa. Trung thực là bút pháp của
tôi. Không tô son, không trát phấn. Trung thực làm cho cuốn sách thêm thú vị và
đáng tin cậy. Lẽ dĩ nhiên trung thực nhưng phải sinh động và hấp dẫn. Có lẽ bạn
đọc không khó nhận ra giọng điệu Lê Bá Thự, “cái tôi” Lê Bá Thự trong cuốn sách
này. Bản sắc, tính cách xứ Thanh trong tác phẩm của tôi cũng được biểu đạt rất
rõ nét từ đầu đến cuối, mà phương ngữ, thổ ngữ, tiếng địa phương hay giọng
Thanh Hóa sử dụng trong sách là một minh chứng. Tôi tâm đắc khi nhà lí luận phê
bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, người đồng hương xứ Thanh của tôi viết: “Đọc Tôi và làng tôi, phần thú vị nhất và
cũng là máu thịt nhất (với tôi) chính là được nghe lại giọng quê trong ký ức.
Nhớ xưa, Hạ Tri Chương từng viết: Khi đi trẻ, lúc về già/ Giọng quê không đổi,
tóc đà khác bao (Hồi hương ngẫu thư). Mỗi lần về quê hay gặp đồng hương, cứ tự
nhiên tôi lại nói giọng quê và thấy ấm áp một nỗi niềm thân thuộc. Cuộc sống
tha hương và đòi hỏi của công việc, buộc chúng ta phải nói thứ tiếng “phổ
thông” lắm khi xa lạ với thổ ngữ quê mình. Lê Bá Thự với tất cả sự thành thật
đã đem vào những câu chuyện chất giọng quê Thanh không hề pha tạp. Vẫn đó thôi,
phương ngữ của miền Trung khó nghèo, gai góc, riết róng và thô mộc: Chi (Gì) –
Mô (Đâu) – Răng (Sao) – Ri (Thế này) – Rứa (Thế) – Mi (Mày) – Tau (Tao) – Hấn
(Hắn) – Nhà va (Nhà họ) – Đau bộng (Đau bụng) – Cấy chi (Cái gì) – Trốc (Đầu) –
Cẳng (Chân) – Viền (Về),… Ai đi xa về gần, ai phiêu bạt đằng đẵng, chỉ cần nghe
giọng là biết người quê mình. Lắm khi, cái giọng quê không đổi ấy đã gắn kết những
kẻ đồng hương xa lạ nơi đất khách quê người. Trung thực, thật thà giúp tôi chuyển tải thông
điệp của tôi một cách hữu hiệu, dễ đi vào lòng người. Tôi chủ trương, tác phẩm
tôi viết phải hóm hỉnh, dí dỏm, trào lộng để người đọc được thoải mái, vui vẻ
cùng tôi thực hiện cuộc du ngoạn qua từng trang sách. Đọc “Tôi và làng tôi” bạn
cũng dễ nhận ra, kể chuyện ngày xưa nhưng tôi thường liên hệ với những chuyện
bây giờ, chuyện ngày nay. Cho nên lắm khi cái cũ và cái mới hòa quện, đan xen với
nhau, bổ sung cho nhau, làm cho câu chuyện thêm súc tích, thú vị, chuyện cũ mà
không cũ. Điều này được thể hiện rõ nét trong các câu chuyện “Xem phim Bạch Mao
Nữ”, “Bụi tre trước nhà và đôi chim chào mào”, “Tôi làm xã viên hợp tác xã nông
nghiệp”, “Chợ Tết cầu may”, “Trường làng”, “Trường huyện”, “Trường tỉnh”…
Có thể nói “Tôi” là một nhân vật xuyên suốt
tác phẩm này, cho dù đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Tôi là người trong
cuộc, Tôi hiểu làng mình đến từng chân tơ kẽ tóc, Tôi thuộc làng mình như lòng
bàn tay. Hồi sống ở làng tôi lam lũ thật sự, tôi khổ thật sự, khổ đến mức không
còn chỗ cho khổ hơn được nữa. Dẫu vậy, hồi đó tôi vui, tôi sướng thật lòng và
tôi tin thật lòng, lắm khi tin như điếu đổ, dẫu “có phần bồng bột và nhuốm mầu ảo
tưởng”, như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói. Tôi và các bạn cùng thế hệ thời đó là
như vậy. Xin kể vài thí dụ về nhân vật “Tôi” trong tác phẩm này: Tôi từng cởi
truồng tắm mưa trên sân nhà tôi trong trận mưa vào hạ. Tôi từng ôm quần áo,
sách vở cởi truồng lội qua sông Chu khi đi học trường huyện, ra điều hôm nay ta
đếch phải lụy đò. Tôi đã nằm ngủ trên cành bàng chênh vênh giữa trời khiến các
bà các chị người làng hoảng hồn vì sợ tôi ngã gãy xương. Tắm giặt hoàn toàn
không có xà phòng, tôi nhiều chấy lắm rận đến mức phát tởm. Mẹ tôi sợ ma bắt mất
con trai của mình, cho nên mỗi khi đi qua nghĩa địa mẹ tôi phải dùng nước tiểu rửa
mặt cho tôi để tránh tà ma. Tôi từng dày công luyện tập để bỏ thói quen nhà quê
mà có người bảo là ăn uống kiểu lợn, nghĩa là ăn phát ra tiếng, nhai chôm chốp,
cắn đôm đốp, hụp xì xụp. Đi làm cỏ lúa, tôi kể truyện Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên
Hồng cho các xã viên nghe, khiến nhiều o thôn nữ khóc thút thít vì thương Tám
Bính và sau bữa đó đi đâu trong làng cũng nghe đám trẻ con và thanh niên hát
câu nói lóng của Năm Sài Gòn: “Anh đây công tử không vòm/ Ngày mai kện rập biết
mòm vào đâu”. Và một chuyện tình cờ thú
vị đã xảy ra, điều tôi không hề nghĩ tới hồi đó. Đó là, mấy chục năm sau, tôi
trở thành người bạn thân thiết, là bạn đồng nghiệp của người con gái của cụ Nguyên
Hồng, nhà văn tôi hằng sùng bái mến mộ từ hồi tôi còn sinh sống ở làng. Người bạn
thân thiết này của tôi chính là nữ nhà văn dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư.
Bây giờ, lắm khi suy ngẫm tôi thấy mẹ tôi có
lý khi lấy tên ông quyét chợ làng Vạc, một kẻ nghèo cùng đinh, ông Thự, đặt tên
cho tôi, để các Ngài không bắt tôi đi và để cho tôi được sống, được làm người.
Năm nay tôi đã 76 tuổi đời, sự thật này khẳng định rằng mẹ tôi đã chọn đúng, chọn
trúng, và chắc mẹ tôi đang ở dưới mồ đã mãn nguyện.
Tôi
tâm đắc với phát biểu của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi anh nói: “Tuổi thơ của Lê Bá Thự cũng như tuổi thơ của
hầu hết những người dân miền Bắc Việt Nam vào những năm 50, 60. Đó là bầu khí
quyển trong vắt “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa”. Nhìn đâu cũng thấy hoa. Đến
đâu cũng có tiếng hát. Dù đời sống thực lại vô cùng đói rét và bần hàn. Khổ
nhưng mà vui. Một niềm vui có phần bồng bột và nhuốm màu ảo tưởng. Đọc Lê Bá Thự,
ta thấy thú vị cũng vì thế. Nhờ có những trang viết rất chân thực và sinh động
của anh mà ta hiểu được một thời. Cái thời ấy hiện không còn nữa”.
Tuy mới ấn hành,
nhưng những dư âm đầu tiên về cuốn sách từ phía bạn đọc khiến tôi lấy làm mừng.
Nhà thơ Văn Đắc
chia sẻ:
“Tôi và làng tôi” là một tác phẩm tư liệu về
làng quê Việt Nam một thời, một bài thơ văn xuôi dài, dặt dìu hương hoa cỏ, lảnh
lót tiếng chim đồng bãi, xao xác tiếng nói cười gồng gánh, tiếng chân sục bùn của
người nông phu, tiếng hát trong trẻo xa xăm của trai gái quê mùa bình yên, hồn
hậu.
Làng quê nông thôn Việt Nam qua bao nhiều
thăng trầm đổi thay, mới mẻ lên rất nhiều. Nhưng trong tình yêu của chúng ta vẫn
ám ảnh một hồn quê xưa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói:
Nhà văn Lê Bá Thự - Người “gọi hồn làng”
Tôi muốn bổ sung thêm:
Nhà văn Lê Bá Thự - Người làm mới những
câu chuyện cũ.
Xin được xếp tác phẩm “Tôi và làng tôi” vào
kho tàng văn học Việt Nam xưa và nay”.
Nhà lí luận phê bình văn học Vũ Nho viết:
“Bằng một giọng kể chân mộc, hóm hỉnh
và hài hước, nhà văn Lê Bá Thự đã vẽ lên
trong trí tưởng tượng của bạn đọc chú bé Thự với tất cả những điều hay ( tất
nhiên có cả điều dở nhưng ít) của một tuổi thơ lam lũ ở làng quê nhưng cũng đầy
những niềm vui hồn nhiên, trong trẻo. Chú bé cùng với cha mẹ, những người làng
Nguyệt Lãng được kể, được tả trở thành một bảo tàng về tuổi thơ ở làng quê. Tuổi
thơ và hồn làng sẽ còn mãi trong kí ức bạn đọc. Và những người làm sử, làm
nghiên cứu tâm lí, xã hội học, nghiên cứu
văn học có một nguồn “sử liệu”, “tư liệu” quý báu về tuổi thơ một thời không thể
nào quên ở nông thôn nước Việt”.
Nhà lí luận phê bình văn học Nguyễn Thanh tâm đã mạnh tay
nâng ý nghĩa của cuốn sách lên tầm vĩ mô, khi anh viết: “Lê Bá Thự đã gợi lên ký ức của cả một cộng đồng, một dân tộc, của nền
văn minh lúa nước và văn hóa làng xã”.
Đọc “Tôi và làng
tôi” những người lớn tuổi rất dễ tìm thấy hình ảnh của làng mình và của bản
thân mình trong đó. Còn đối với bạn đọc trẻ tuổi, mỗi người có cách riêng để tiếp
cận tác phẩm này. Chẳng hạn bạn Trần Hùng Cường hiện sinh sống tại phường Tân
Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh, trong thư gửi cho tôi đã viết: “Cháu đang đọc sách của chú ngấu nghiến. Rất
hay và giống tuổi thơ của bọn cháu, chỉ khác là cháu là thế hệ thứ 3 của chú.
Cháu rất thích cách viết của chú. Cảm ơn chú đã dày công viết một cuốn sách thật
ý nghĩa như vậy để bọn cháu được đọc và hiểu thêm về quê hương mình những năm
tháng xưa”.
Thời kỳ tôi ở làng
là thời kỳ tôi sống lam lũ, rất hồn nhiên, rất “tự nhiên” và rất “làng”. Sau
này, mỗi lần về thăm quê, tôi thường thích kể lại với bố mẹ tôi, với các em tôi
và các cháu tôi, những câu chuyện cũ mà tôi là người trong cuộc, những câu chuyện
cũ không bao giờ cũ đối với tôi”. “Bây giờ, lắm lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy nhớ
cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa. Và tôi thấy mình
càng yêu làng, càng đa tạ làng đã cho tuổi thơ tôi đong đầy những “cảm xúc
làng”.