Trong lời giới thiệu "Cho câu kinh bước tới", nhà văn Vĩnh Quyền cho biết "Đọc Phong, tôi yêu thích bút ký hơn những thể tài khác". Nhà báo Hoàng Văn Minh thì viết trong lời bạt rằng: "Tôi không thích lắm Lê Thanh Phong gai góc và sắc lẹm với "bình luận". Tôi yêu quý một Lê Thanh Phong khác, nhẹ nhàng, sâu sắc và bay bướm với những phóng sự, bút ký về đề tài xã hội…". Còn riêng Phong thì sao? Nhà báo Hoàng Văn Minh đã hỏi: "Anh thích làm Lê Thanh Phong nào nhất?", câu trả lời làm tôi quý Phong gấp bội phần: "Tôi thích làm Lê Thanh Phong của bút ký văn chương hơn báo chính luận. Nhưng vào thời điểm này, trách nhiệm của một nhà báo thôi thúc tôi phải viết bình luận và tạm gác những sở thích và dự định khác".




LÊ THANH PHONG VÀ CÂU KINH BƯỚC TỚI

NGUYỄN QUỐC TÚY

Đầu tháng 8 này, tập bút ký đầu tay "Cho câu kinh bước tới" - NXB Hội Nhà văn - của Lê Thanh Phong đã ra mắt bạn đọc. Nhiều bút ký kết tinh từ những chiêm nghiệm trong nhiều chuyến đi về khắp nơi của Phong được tập hợp, đã chuyển tải được một phong cách dày dặn, mang dấu ấn riêng của một chàng trai tài hoa xứ Huế.
Cứ thế, tiếng chuông chùa cùng lời kinh, câu kệ miền đất Phật, những bài quyền dũng mãnh Không Thủ Đạo, âm nhạc Trịnh Công Sơn với xôn xao bạn bè bồng bềnh theo nước dòng Hương mà nhặt khoan bước tới. Thế nên, cũng chẳng có gì lạ khi Phong bén duyên với thành phố hoa Đà Lạt suốt thời sinh viên văn khoa, nơi đặt những viên gạch đầu tiên cho nghề báo của Phong sau này và cũng là nơi hồn thơ "Huế phú" của Phong có dịp bảng lảng cùng sương khói cao nguyên. Thời còn ở Đà Lạt, tôi và Phong cũng thường hay đưa học trò đi thi đấu các giải karate quốc gia. Phong viết: "Trên đường tới nhà thi đấu, tôi và Túy thay nhau đọc thơ cho học trò nghe thật say sưa. Đi đến đấu trường mà phong cách chúng tôi cứ như bước vào một bữa tiệc thơ mà ở đó chỉ có những nàng kiều Hà Nội xinh như mộng" (Tâm thức núi).
Chợt nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong "Chuyện cơm hến", nhà văn viết "người Huế bắt đầu thực đơn hằng ngày bằng một tô bún bò "cay dễ sợ"…, để kết thúc với tiếng rao "Ai ăn chè?", một chén ngọt lịm trước khi ngủ". Ở Phong vừa có cái dũng mãnh của "tô bún bò" Không Thủ Đạo vừa thủ đắc cái đằm thắm ngọt ngào của "ly chè" thơ phú.
"Cho câu kinh bước tới" là tập bút ký đầu tay của Phong. Trước đó, tôi đã đọc các sách của Phong ở thể văn chính luận, là tập hợp những bài bình luận trên các báo, đó là các tập "Sự kiện & Bình luận"; "Bản cáo trạng của trời"; "Dân chúng đâu phải trẻ con"…Tôi thích những bài tản văn, bút ký của Phong, ở đó thể hiện một sự hiểu biết sâu rộng; những suy ngẫm rất mực nhân văn, rất đời, dù được dẫn dắt bằng những trải nghiệm thấm đẫm chất "thiền", chất "đạo".
Trong lời giới thiệu "Cho câu kinh bước tới", nhà văn Vĩnh Quyền cho biết "Đọc Phong, tôi yêu thích bút ký hơn những thể tài khác". Nhà báo Hoàng Văn Minh thì viết trong lời bạt rằng: "Tôi không thích lắm Lê Thanh Phong gai góc và sắc lẹm với "bình luận". Tôi yêu quý một Lê Thanh Phong khác, nhẹ nhàng, sâu sắc và bay bướm với những phóng sự, bút ký về đề tài xã hội…".
Còn riêng Phong thì sao? Nhà báo Hoàng Văn Minh đã hỏi: "Anh thích làm Lê Thanh Phong nào nhất?", câu trả lời làm tôi quý Phong gấp bội phần: "Tôi thích làm Lê Thanh Phong của bút ký văn chương hơn báo chính luận. Nhưng vào thời điểm này, trách nhiệm của một nhà báo thôi thúc tôi phải viết bình luận và tạm gác những sở thích và dự định khác". Đó chính là chất chiến sĩ trong nghệ sĩ, đó chính là sự dấn thân quyết liệt của một karateka mà vẫn đầy công tâm, nhân ái.
"Cho câu kinh bước tới" gồm có năm chương: Đất Phật, Không Thủ Đạo, Trịnh Công Sơn, Bạn bè, Đó đây. Tôi tin rằng thứ tự các chương đã được tác giả sắp xếp một cách có chủ ý. Từ một không gian tâm linh nhỏ bé mở rộng dần đến đó đây vô lượng; từ Niết Bàn vô định thâm nghiêm của Phật tỏa bóng xuống tình đồng môn, nghĩa thầy trò trong đạo đường đến âm nhạc trần gian và bạn bè thắm thiết.
Và trong không gian rộng mở ấy, câu kinh đã bước vào đời. 



Nguồn: Người Lao Động