Đỗ Trung Lai thong thả kể về chuyện một người con gái bí ẩn đã đến trong giấc mơ của anh: “Vào một đêm khuya khoắt. Gió bấc. Mưa phùn. Chợt một người con gái đến bên đầu giường tôi, khóc, rồi than rằng: “Sao các nhà thơ ta bất công thế này”. “Chúng tôi đã làm gì mà em bảo chúng tôi bất công” - Tôi hỏi lại. “Thì đấy, mấy trăm năm nay, các anh chỉ một mực khóc thương Vương Thúy Kiều. Lại còn đồng thanh bảo rằng, đó là một người đàn bà khổ nhất giời Nam”. “Nàng ấy không khổ thì còn ai khổ nữa?”. “Sao lại nói thế được? Nàng ấy yêu và được yêu, được hẹn thề: Tóc mây một món dao vàng chia đôi. Bán mình chuộc cha là tự nguyện. Mười năm lưu lạc cũng còn được nương bóng vua Từ Hải, được nhờ túi phong lưu của chàng Thúc. Sau lại được tái hồi Kim Trọng: Hoa tàn mà lại thêm tươi - Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa. Thân thì thế, danh thì ông Tiên Điền bênh cho: Chữ trinh kia cũng có ba, bảy đường; Rằng nàng lấy hiếu làm trinh. Thế là thân, danh đều vẹn. Nàng ấy khổ sao bằng em được”. Tôi giật mình vội hỏi: "Thế chuyện của em ra sao?". “Em bị gả cho thằng gián điệp! Quay đi quay lại chưa hiểu ra sao thì bị chém đầu. Mà người chém, trời ơi, lại là cha mình!”. 



NGƯỜI KỂ CHUYỆN THÀNH CỔ LOA BẰNG THƠ

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Trong cuộc đời văn chương của mình, tôi chơi với không ít thi nhân, nhưng không thấy cây bút tài hoa nào lại kiêu bạc và "ngang ngạnh" như nhà thơ Đỗ Trung Lai. Theo thói đời, người có tài (cũng như phụ nữ có nhan sắc), dĩ nhiên họ được phép “kiêu”, vì nếu  không tài (hoặc không có nhan sắc) thì “kiêu” với ai? Và ở một số người thơ tài năng, sự kiêu bạc trong chừng mực nào đó lại là một cá tính khả dĩ có thể chấp nhận được. Đỗ Trung Lai là một người đọc rất nhiều và đi khá nhiều, kiến thức sách vở và kiến thức đời sống trong anh cứ tích tụ mãi. Bởi thế, khi anh đàm đạo về văn chương với bạn bè, cái kho kiến thức ấy được mở ra toàn những “điển tích”, những “khuôn mẫu” từ cổ chí kim làm người nghe choáng ngợp. Nói thì trôi chảy như “rồng leo” mà viết thì cũng cuồn cuộn như “rồng cuốn”, sau hưu chỉ có vài năm “đóng cửa-ngồi dịch”, Đỗ Trung Lai đã hoàn thành việc dịch tổng tập các nhà thơ lớn đời Đường tới cả ngàn trang in. Sức làm việc như vậy thật đáng nể, vì thế, anh có tỏ ra kiêu bạc cũng là lẽ thường tình. 
Đỗ Trung Lai sinh năm 1949, quê ở Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Vật lý, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng làm lính chiến rồi làm giáo viên Trường Văn hóa Quân đội, sau về công tác ở Báo Quân đội nhân dân. Ngoài làm thơ, viết truyện, làm báo, anh còn vẽ tranh và đã được tặng nhiều giải thưởng văn học.
Theo tôi, thơ và người thơ Đỗ Trung Lai thuộc về khuôn mẫu cổ điển đã trở thành “kinh điển”. Kể cả khi anh cố tình viết theo kiểu hiện đại thì hơi văn của anh cũng nằm trong trường - thẩm - mỹ của những khuôn thước cổ điển. Những bài thơ của anh thường có một bố cục chặt chẽ và hài hòa, tứ thơ không lộ, thơ của anh giàu hình ảnh và nhạc điệu-cái chất liệu không thể thay được của thi ca truyền thống.
Trong thơ, Đỗ Trung Lai sử dụng khá nhuần nhuyễn các thể thơ 4,5,7 chữ và lục bát. Đặc biệt ở thể thơ 6 chữ, bài nào của anh cũng có một dư ba lắng đọng và hàm súc. Và dường như, ở những bài thơ thành công ở thể thơ cổ điển, Đỗ Trung Lai cố gắng không để cho hàm ý tư tưởng hiện ra một cách sống sít mà anh “hòa tan” nó đi, rồi viết một cách nhẹ nhõm, giản dị theo ngữ điệu của vài thể thơ quen biết. Trong nhiều bài thơ của Đỗ Trung Lai, hình tượng thi ca thường có sức biểu cảm lôi cuốn của ngôn ngữ mà vẫn chuyển tải được mạch liên tưởng của suy ngẫm với sự bộc lộ tâm trạng được phát hiện, lý giải và khái quát hóa thành hình tượng thi ca trữ tình. 
Với phong cách tài hoa khá nhuần nhuyễn này, thơ của anh đã có một thứ nhạc cụ riêng, với những âm hưởng riêng không lẫn với người khác khi cảm xúc thiên nhiên và dân dã trong thơ anh thường đem lại những hình ảnh bất ngờ và khơi gợi như bài “Khúc ngâm mùa thu” dưới đây:
Ngàn năm xưa đã thu rồi
Ngàn năm sau nữa đất giời còn Thu
Chỉ lo lòng đất không mùa
Làm sao nghe được tiếng Thu dịu dàng!
Tìm đâu cho đủ hoa vàng
Để ta kết chuỗi trang hoàng cho Thu?
Tìm đâu đủ khói lam mờ
Thả vào đồng đất, bãi bờ, rừng cây?
Tìm đâu vài vạt mây bay
Để giời bớt nỗi ngày ngày thiên thanh?
Tìm đâu ra lá sen xanh
Để còn bọc cốm cho mình gửi ta?
Tìm đâu móc với sương sa
Để vai mình lạnh để da mình mềm?
Tìm đâu lá lạc bên thềm
Để than van những nỗi niềm biệt ly
Người đi hun hút người đi
Lấy gì nhàn nhã, lấy gì bằng an?
Nỗi nào khuấy mãi không tan
Càng đem chôn chặt lại càng xót thương?
Nỗi nào khiến quạ kêu sương
Khiến trăng bạc phếch dọc đường nhân gian?
Người xưa nước mắt chứa chan
Người nay đẫm lệ ôm đàn phù vân
Đàn xưa gảy khúc phong trần
Đàn nay thì cũng mấy lần đứt dây  
Thì thôi hãy uống cho say
Miệng cười khanh khách, mặt gay gay hồng
Tình đời đâu khác mà mong
Sầu chưa bán được còn mong làm gì?
Nhìn đời bẻ bút quăng đi
Mai mùa Thu tới lấy gì làm thơ?
Có người nói với tôi, nhà thơ Đỗ Trung Lai có tài kể chuyện nghe như bịa mà người nghe nhiều khi “tin đến sái cổ”. Tôi không nghĩ như vậy, nhưng gần anh mới biết, cái duyên kể chuyện cũng là một nét độc đáo của nhà thơ tài hoa này. Trong một lần ngồi uống rượu với “cổ hũ, lòng lợn” ở nhà anh, tôi được nghe Đỗ Trung Lai kể lại câu chuyện khá thú vị về “lai lịch” bài thơ “Lời Mỵ Châu” của anh. 
Đỗ Trung Lai thong thả kể về chuyện một người con gái bí ẩn đã đến trong giấc mơ của anh: “Vào một đêm khuya khoắt. Gió bấc. Mưa phùn. Chợt một người con gái đến bên đầu giường tôi, khóc, rồi than rằng: “Sao các nhà thơ ta bất công thế này”. “Chúng tôi đã làm gì mà em bảo chúng tôi bất công” - Tôi hỏi lại. “Thì đấy, mấy trăm năm nay, các anh chỉ một mực khóc thương Vương Thúy Kiều. Lại còn đồng thanh bảo rằng, đó là một người đàn bà khổ nhất giời Nam”. “Nàng ấy không khổ thì còn ai khổ nữa?”. “Sao lại nói thế được? Nàng ấy yêu và được yêu, được hẹn thề: Tóc mây một món dao vàng chia đôi. Bán mình chuộc cha là tự nguyện. Mười năm lưu lạc cũng còn được nương bóng vua Từ Hải, được nhờ túi phong lưu của chàng Thúc. Sau lại được tái hồi Kim Trọng: Hoa tàn mà lại thêm tươi - Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa. 
Thân thì thế, danh thì ông Tiên Điền bênh cho: Chữ trinh kia cũng có ba, bảy đường; Rằng nàng lấy hiếu làm trinh. Thế là thân, danh đều vẹn. Nàng ấy khổ sao bằng em được”. Tôi giật mình vội hỏi: "Thế chuyện của em ra sao?". “Em bị gả cho thằng gián điệp! Quay đi quay lại chưa hiểu ra sao thì bị chém đầu. Mà người chém, trời ơi, lại là cha mình!”. 
Người con gái ấy nói rồi cứ khóc mãi không thôi, trong nước mắt hình như có máu. Tôi nhìn kỹ, đó là một nàng chừng tuổi trăng tròn, mặt hoa da phấn, cốt cách lá ngọc cành vàng, trên mình khoác chiếc áo lông ngỗng. Chợt hiểu, tôi bảo: “Ra em là Mỵ Châu đấy ư? Đúng rồi, em mới là người đàn bà khổ nhất giời Nam!”. Nàng ấy nghe, nét mặt có vẻ vui lên một chút. Khi tỉnh hẳn, chỉ còn mình tôi trong phòng. Trên bàn viết có mấy chiếc lông ngỗng trắng tinh. Lấy làm lạ, tôi cầm một chiếc lông ngỗng làm bút, viết bài thơ tạ lỗi Mỵ Châu”.
Kể xong câu chuyện trên, Đỗ Trung Lai ngửa mặt lên buồn bã, uống hết một chén rượu. Anh cầm đũa gõ vào thành bát, rồi nhấn nhá hát theo điệu ca trù bài thơ “Lời Mỵ Châu” sau đây: 
Cha ơi, cha chọn rể
Cha đắp lũy xây thành
Mà sao khi nước mất
Cha xử con tội hình
Thần rùa biết cơ giời
Cớ sao còn tặng nỏ
Sao nỡ trỏ vào em
Giặc đằng sau vua đó
Chàng đã phụ đời ta
Từ khi chưa gặp mặt
Chuyện tình thành Cổ Loa
Đau trước ngày thứ nhất
Sống cũng chẳng được nào
Nước mất, tình cũng mất
Nhưng chết dưới gươm cha
Thì ngàn năm oan khuất
 Nỗi oan này hóa ngọc
Dưới chín tầng bể sâu
Thần với người đâu cả
Bao giờ thì biết yêu?  
Đỗ Trung Lai hát xong bài thơ, lúc ấy, hình như cả anh và tôi đều bàng hoàng, thẫn thờ như vừa trải qua một sự đau đớn. Câu chuyện kể trên và bài thơ viết đêm mưa gió ấy, Đỗ Trung Lai đưa toàn bộ vào bài thơ “Lời Mỵ Châu” in trong tập thơ “Đêm sông Cầu” của anh do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2003. Có lẽ anh là một trong số ít các nhà thơ đương đại đầu tiên đưa truyện vào trong thơ, dùng truyện minh họa cho thơ và ngược lại. Trong tập “Đêm sông Cầu”, có nhiều bài Đỗ Trung Lai viết theo thể chuyện - thơ ấy.
Khoảng 30 năm trước đây, bài thơ “Đêm sông Cầu” của Đỗ Trung Lai được phổ nhạc, cũng là bài thơ tình đầu tiên anh tặng vợ mà giai điệu tha thiết còn đọng tới hôm nay: “…Con sông của người quan họ/ Suốt đời nước chảy lơ thơ/ Em ơi, em là cô gái/Từ lâu anh đợi anh chờ/ Em là cô Tấm thảo hiền/ Đến giữa đời anh trẩy hội/ Tình đã trao nhau êm đềm/ Mà vẫn mắt nhìn bối rối/ Sông Cầu khi đầy khi vơi/ Chảy ngang qua câu quan họ/ Ướt đầm vạt áo bao người/ Vạt thương ướt cùng vạt nhớ/ Em nói nhẹ như hơi thở/ Anh nghe để nhớ suốt đời/ Giữ tình yêu như giữ lửa/ Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi/ Tình yêu có từ phương em/ Đi qua năm tháng chờ đợi/ Tình yêu cũng từ phương anh/ Lửa rừng bồn chồn góc núi…”. Trong số ít các nhà thơ khéo chiều vợ thì Đỗ Trung Lai nổi tiếng là nhà thơ thích “nịnh vợ” bằng thơ, bằng chứng là trong tập thơ anh in năm 2003, trong số 74 bài thơ, thì có tới hơn chục bài thơ viết tặng “bà xã”. 
Suy nghĩ về nghề văn Đỗ Trung Lai từng cho rằng: “Họ tên khai sinh của tôi là Đỗ Trung Lai. Tôi dùng nó làm bút danh của mình. Chắc là khi đặt nó cho tôi, cha mẹ tôi cũng muốn tôi chịu trách nhiệm về nó. Vả lại, làm thơ rõ ràng không phải là một hoạt động bí mật. Vả lại, tôi không thể bắt một cái tên nào khác chịu trách nhiệm về những câu thơ tôi viết. Cũng như cây cúc không bao giờ phải chịu trách nhiệm về việc những bông hồng đẹp hay xấu. Mặc dù là hội viên ngành thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi không bao giờ coi mình là nhà thơ chuyên nghiệp. Vì theo tôi, làm thơ không phải là một nghề, với cái nghĩa là có thể đào tạo những người thợ của nó. 
Tuy nhiên, thơ lại cần có tính chuyên nghiệp cao. Mặc dù vậy, không thể lấy “tay nghề” để thay cho “nàng thơ” được. Tôi vẫn luôn cho rằng: Nhà thơ không phải là người có thế viết ra những câu thơ mà là người không thể không viết ra những câu thơ. Khi mà trong lòng không có thơ thật, thì đừng ép mình làm thơ làm gì. Làm như thế là tự lừa mình, và sau đó là lừa độc giả. 

Theo cách nghĩ này, không ai là người có “nghề cảm hứng” cả. Và vì vậy, tôi mới nói rằng, làm thơ không phải là một nghề. Và vì vậy, làm thơ được đã sướng, nhưng giá mà không phải làm thơ thì còn sướng hơn. Nói thế thôi, chứ chả ai chống được mệnh!”.