Nhà báo – đạo diễn Thanh Hiệp đánh giá về bộ phim “Song Lang” phản ánh thăng trầm nghệ thuật cải lương: “Đi xem phim để hiểu hơn cụm từ “khen cho chết”. Với tôi bộ phim bình thường. Có chăng là sự đầu tư để những khung hình trở nên sạch sẽ, gọn gàng và có một vài góc máy quay đẹp. Trước hết phim thiếu chất ĐỜI, bởi lẽ đạo diễn có yêu nghệ thuật cải lương nhưng không có sự dấn thân nên phản ảnh đời sống sân khấu cải lương quá non… Do thiếu chất ĐỜI, mải mê chạy theo cái tứ văn học nên nội dung bị khiêng cưỡng, tình huống không hợp lý, khiến người xem suýt xao xuyến, rơi nước mắt thì lại bị tụt cảm xúc do câu chuyện dàn trải, lề mê, sa vào những tình tiết không cần thiết…”




Nghe “Song Lang” rớt nhịp

THANH HIỆP


Đi xem phim để hiểu hơn cụm từ “khen cho chết”. Với tôi bộ phim bình thường. Có chăng là sự đầu tư để những khung hình trở nên sạch sẽ, gọn gàng và có một vài góc máy quay đẹp.
Trước hết phim thiếu chất ĐỜI, bởi lẽ đạo diễn có yêu nghệ thuật cải lương nhưng không có sự dấn thân nên phản ảnh đời sống sân khấu cải lương quá non.
Thập niên 80 của thế kỷ trước là thời cải lương còn hưng thịnh. Gánh hát nào (thời đó cả Sài Gòn có 22 đoàn cải lương) mà về rạp Hào Huê (nay là rạp Nhân Dân) thì không phải dạng vừa (bối cảnh quay mặt tiền của rạp Hào Huê xưa, có thời gian được đổi tên là rạp Nhân Dân; còn bên trong khán phòng và sân khấu là rạp Kim Châu, nay là trụ sở của Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen).  Kiểu xông vào hậu trường đòi nợ như “Dũng thiên lôi” thì lực lượng bảo vệ của rạp, của đoàn đã tống cổ ra khỏi cửa, chứ đừng nói vào đến hậu trường kiếm chuyện. Trong phim đặc tả kép Linh Phụng, đào Thùy Vân được khán giả hâm mộ chen nhau nhìn mặt thì phải có rất đông đệ tử, người hâm mộ theo phục tùng. (Đây chính là một trong những hệ lụy khiến đời sống sàn diễn cải lương bị chi phối vì má nuôi, chị nuôi, em nuôi tác động)
Hậu trường sân khấu của thế giới màn nhung mà bộ phim đặc tả quá hiền và quá đơn giản. Những con nợ, chủ nợ của cải lương thời đó không đơn thuần như vậy.
Do thiếu chất ĐỜI, mải mê chạy theo cái tứ văn học nên nội dung bị khiêng cưỡng, tình huống không hợp lý, khiến người xem suýt xao xuyến, rơi nước mắt thì lại bị tụt cảm xúc do câu chuyện dàn trải, lề mê, sa vào những tình tiết không cần thiết.
Uổng nhất là cảnh Linh Phụng bắt gặp bài Trường Tương Tư trong quyển sách của ông thầy đờn để lại, “Dũng thiên lôi” kêu Linh Phụng hát, chàng kép từ chối vì không có đàn hát không hay? Gượng ép vô cùng. Chỗ đó với một nghệ sĩ có sẳn niềm say mê mà bắt gặp bài ca hay, Linh Phụng phải ca chay, thể hiện sự khao khát tìm kiếm, học hỏi. Rồi khi “Dũng thiên lôi” lôi cây đàn ra dạo (mà cây đàn từ khi cha chết chưa đụng tới, nhưng tiếng đàn rất mượt? Xin thưa, dẫu là danh cầm cũng phải lên dây, nắn phím thì tiếng đờn mới êm).
Vài câu thoại trong phim quá sáo. Thời đó là gì có chữ “chặt chém”, “đại gia”…rồi kiểu Linh Phụng nói: “Phải trải nghiệm nhiều thì diễn mới hay”? Trong giới sân khấu cải lương thường dùng chữ HÁT để nói đến sự diễn xuất kết hợp với giọng ca, hiếm khi dùng chữ diễn. Hát ở đây bao gồm cả ca và diễn, cũng như người trong nghề nói ca vọng cổ, chứ không ai nói hát vọng cổ.
Cảnh khó chịu nữa là “Dũng thiên lôi” bị đâm trước cửa rạp, trong lúc vở tuồng chưa đóng màn. Không có rạp hát nào bên trong sáng đèn mà ở ngoài vắng hoe đến đổi xảy ra án mạng chẳng có người nào ở đó. Thời sân khấu cải lương còn hưng thịnh, đoàn hát về rạp biểu diễn thì trước cửa rạp là những đêm hội. Đám con nít, người lớn, bu kín cửa chờ bảo vệ xả giàn (tức mở cửa vào phút chót cho ai muốn vào coi thì tùy ý, miến là ăn mặc đàng hoàng). thú thật chính tôi là một trong số đó, đứng ngoài cửa các rạp Hào Huê, Thủ Đô, Hưng Đạo, Kim Châu….để chờ coi cuối vở và khi cánh màn nhung khép lại thì đứng ở cửa hậu trường để nhìn mặt nghệ sĩ mình yêu thích. Cảnh “Dũng thiên lôi” bị đâm chết như ở chốn không người xem rất khiêng cưỡng.
Tôi biết Leon Quang trong một dịp anh về nước và đến rạp Hưng Đạo xem chương trình Sân khấu vàng tập tuồng. Lúc đó trên sân khấu NS Bạch Tuyết và Minh Vương đang tập. Anh ngồi xem say mê đến độ muỗi cắn nát cánh tay mà anh vẫn không rời khỏi rạp Hưng Đạo. Tôi biết anh và quý niềm đam mê sân khấu cải lương của anh. Nhưng xem phim “Song Lang” tôi cảm thông vì anh ít có cơ hội thâm nhập, tìm hiểu tường tận để làm bộ phim nói về niềm đam mê cháy bỏng của anh sẽ chạm đến tim những người khó tính như tôi. Thật ra với góc nhìn của anh về cải lương đủ để công nhận anh đã thể hiện tình yêu và niềm đam mê dành cho nghệ thuật cải lương. Song, như những gì tôi đã nói ở trên, bản thân tôi chỉ cho anh điểm 6. Nghệ thuật cải lương với khối tình mà anh gắn vào hai chữ “song lang” quá đơn điệu và uổng.
Nhiều người nhận xét anh bị ám bởi “Bá Vương Biệt Cơ” của Trần Khải Ca. Tôi không cho là vậy, vì mối tình man mác của hai nam chính trong phim thuần Việt đó chứ, khi nó có cả một thế giới màn nhung đầy “hỉ, nộ, ái, ố” của đời nghệ sĩ. Nhưng để khi xem phim mà ra khỏi rạp, người ta vẫn còn ám ảnh, tiếc nuối thì “Song Lang” chưa thật sự tạo được sự khao khát. Giá mà cảnh “Dũng thiên lôi” bị đâm, tin bắn vào trong hậu trường, khiến kép Linh Phụng đau đớn phải diễn cảnh khóc “Mỵ Châu” mà thật sự là khóc cho cuộc tình của mình, thì cảnh cuối của phim sẽ đời hơn, tú vị hơn.
Còn điều này, xem đến giữa phim mới nghe Isaac ca vọng cổ. Tôi thở phào nhẹ nhỏm (trong rạp lúc tôi xem chỉ có ba người khách họ nhìn tôi khác lạ vì tôi thể hiện sự mừng rỡ). Tưởng rằng Isaac không ca được vọng cổ, cho nên đạo diễn chọn các bài bản trong nhiều bối cảnh để em ca. Trên thực tế chọn Isaac là cách khôn khéo để lôi kéo khán giả trẻ hiện nay quan tâm, tìm hiểu sân khấu cải lương. Cách làm này góp phần cổ xúy, hướng các em trẻ tìm hiểu thêm về nghệ thuật truyền thống vì Isaac là ngôi sao của đám đông hiện nay. Nhưng ngoài em và Liên Bình Phát đã có những nỗ lực để tạo cú hít cho phim Việt thì “song lang” chưa thể làm người xem thổn thức đến mức “khen cho chết” mà tôi nghe mấy bửa nay.
Lời thật dễ mích lòng, nhưng đó là những điều tôi cảm thấy chưa hài lòng về bộ phim này. Dù sao cũng cảm ơn nỗ lực của đạo diễn, tác giả và đoàn làm phim đã góp thêm một tiếng nói để công chúng quan tâm đến viên ngọc quý đã tròn 100 tuổi và cũng đã đến hồi viên mãn.