Trong kinh tế thị trường, sự cấu kết của quan chức và doanh nghiệp luôn gây ra những tổn thương sâu sắc cho cộng đồng. Vụ án Phan Văn Anh Vũ ngỡ chừng xử lý một tên lưu manh mà lại kéo theo sự gục ngã của nhiều quan chức. Quyền chi phối tiền, hay tiền chi phối quyền? Đó là vấn đề đang càng ngày càng phức tạp. Những quan chức như ông Nguyễn Hữu Tín hoặc ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến trả lời ra sao với những người dân từng tín nhiệm mình? Quan chức là một nghề quản lý và điều hành xã hội, chứ quan chức không phải cơ hội ban phát tài lộc cho người khác nhằm thu lại lợi ích cho bản thân…




Mở rộng điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ ( Vũ “nhôm”) thao túng và chiếm hữu tài sản công, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố thêm 8 bị can, gồm 4 bị can tại Đà Nẵng và 4 bị can tại TPHCM. Phạm vi hoạt động chủ yếu của Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng, vì sao lại dính líu sâu rộng đến các quan chức ở TPHCM? Đó là điều khiến người dân băn khoăn nhất và day dứt nhất. Vòi bạch tuộc của loại tội phạm “bình phong” đã vượt ra ngoài sự tưởng tượng mà những ai lương thiện có thể hình dung chăng?

Thật chua chát khi sự thật phơi bày, trong 4 bị can vừa bị khởi tố, có ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Một quan chức thuộc hàng đầu đô thị lớn nhất nước mà dễ dàng bị một kẻ chợ búa như Phan Văn Anh Vũ đưa vào đường dây phạm pháp ư? Ông Nguyễn Hữu Tín chịu một sức ép vô hình nào hay ông Nguyễn Hữu Tín bị hạn chế năng lực để đối diện tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”? Con đường lầm lạc của ông Nguyễn Hữu Tín có giống hai cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến? Ông Nguyễn Hữu Tín không phải trường hợp thăng tiến thần tốc, mà đi lên từ lãnh đạo cơ sở. Nếu bề dày công tác và kinh nghiệm quan trường của ông Nguyễn Hữu Tín không đủ chiến thắng những cám dỗ khó lường từ những dự án đầu trộm đuôi cướp, thì bẽ bàng lắm thay.

Vụ án Phan Văn Anh Vũ chưa có dấu hiệu dừng lại, nghĩa là có thể còn không ít quan chức tầm cỡ như ông Nguyễn Hữu Tín sẽ phải cúi đầu trước ánh sáng công lý. Bi kịch ấy không chỉ là nỗi đau của riêng giới quan chức. Bởi lẽ, những người như ông Nguyễn Hữu Tín từng chi phối lên tình cảm và lối sống của biết bao cán bộ và thường dân. Ở những nơi từng xuất hiện, ông Nguyễn Hữu Tín đã phát biểu bao nhiêu lời hay ý đẹp về đạo đức, về tư tưởng, về cống hiến, về phụng sự… mà hôm nay những ngôn từ ấy vẫn ở lại như những vết nhơ không thể nào xóa sạch! Quan chức nói một đằng rồi làm một nẻo, thì những ai trót tin quan chức làm sao tránh khỏi ngậm ngùi?

Trong kinh tế thị trường, sự cấu kết của quan chức và doanh nghiệp luôn gây ra những tổn thương sâu sắc cho cộng đồng. Vụ án Phan Văn Anh Vũ ngỡ chừng xử lý một tên lưu manh mà lại kéo theo sự gục ngã của nhiều quan chức. Quyền chi phối tiền, hay tiền chi phối quyền? Đó là vấn đề đang càng ngày càng phức tạp. Những quan chức như ông Nguyễn Hữu Tín hoặc ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến trả lời ra sao với những người dân từng tín nhiệm mình? Quan chức là một nghề quản lý và điều hành xã hội, chứ quan chức không phải cơ hội ban phát tài lộc cho người khác nhằm thu lại lợi ích cho bản thân. Nguyên tắc ấy, khi bị xâm phạm trắng trợn thì nhiều chuẩn mực và nhiều giá trị sẽ bị lung lay!


                                             LTN