Những lá đơn tố cáo
qua lại giữa Trung tướng Hữu Ước và Luật sư Trần Đình Triển đã kéo dài nhiều
năm, nhưng vẫn chưa hạ nhiệt dư luận hoặc có quyết định pháp lý. Trung tướng Hữu
Ước đã từng lãnh đạo tổ hợp báo chí ngành công an suốt nhiều năm, còn Luật sư
Trần Đình Triển là Tiến sĩ Luật có văn phòng luật sư Vì Dân được không ít người
tin cậy. Cả hai ông đều nổi tiếng, nên câu chuyện giữa họ khiến công chúng xôn
xao không rõ thực hư thế nào!
TƯỚNG VỀ
HƯU GIỮA CÔNG VIÊN TÂM LINH VÀ THỊ PHI KIỆN TỤNG
TÂM
HUYỀN
Trung tướng
Hữu Ước có một số phận rất đặc biệt. Ông từng ngồi tù rồi lại trở thành sĩ quan
cao cấp trong lực lượng công an. Hữu Ước làm báo, Hữu Ước làm thơ, Hữu Ước làm
kịch, Hữu Ước làm nhạc, Hữu Ước làm phim, Hữu Ước làm hoạ… thời đương chức được
nhiều người vỗ tay nhiệt tình. Bây giờ về hưu, Hữu Ước lại viết văn một cách hào
hứng. Bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của Hữu Ước có dung lượng hơn 1000 trang, khiến
công chúng thích thú vì nhiều chi tiết được trải nghiệm từ chính cuộc đời Hữu Ước.
Trong tập 3 của bộ tiểu thuyết “Kiếp người” mang tên “Lạnh” có một chương đề cập
đến xung đột giữa nhân vật chính với một luật sư, không ngờ lại thêm dầu vào lửa
cho xung đột trước đó. Như lời Luật sư Trần Đình Triển hé lộ: “Tôi cũng được một
số anh em khuyên can là bỏ qua vụ việc đó đi. Tôi cũng đã im lặng. Ai ngờ tại tập
3 cuốn sách “Kiếp người”, ông ta viết tầm bậy tầm bạ không thể dung tha được…”.
Mâu thuẫn
dâng cao, hòn bấc ném đi hòn chì ném lại. Những bài tố cáo của Luật sư Trần
Đình Triển lan toả trên mạng với tốc độ chóng mặt, còn Trung tướng Hữu Ước
không đáp trả trên truyền thông mà gửi Đơn kiến nghị tới Công an TP Hà Nội, Sở
Tư pháp Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội.
Mở đầu Đơn kiến nghị, Trung tướng Hữu Ước viết: "Tôi xin được cáo lỗi vì
đã làm phiền các đồng chí về kiến nghị của tôi báo cáo về việc ông Trần Đình
Triển, luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có nhiều bài viết trên trang
facebook cá nhân bôi nhọ, xúc phạm và tố cáo vu khống tôi nhiều lần (có
văn bản kèm theo). Tôi đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công an,
Bộ Tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp và chính thức lần 2 đề nghị Công an Hà Nội điều
tra ông Triển về tội vu khống".
Vào
tháng 5-2016, luật sư Trần Đình Triển đăng một bài viết trên Facebôk cá nhân, có
tựa: “Ông Hữu Ước phù phép hơn 28.000m2 đất của cán bộ, chiến sỹ báo CAND đi
đâu?”, đồng thời gửi đơn tố cáo cho lãnh đạo Bộ Công an. Vụ việc ấy, theo Trung
tướng Hữu Ước cho biết có liên quan đến hai dự án đất ở (500m2 đất ở Xuân Đỉnh
và 2.300m2 đất ở huyện Từ Liêm (cũ) đã bị TP Hà Nội thu hồi, thì Bộ Công an đã
thành lập đoàn công tác do Thiếu tướng Mai Văn Hà, Phó tổng cục trưởng Tổng cục
Chính trị khi đó làm tổ trưởng kết hợp với các cơ quan điều tra PC44, PC45 -
Công an Hà Nội thanh tra, kiểm tra và điều tra mất hơn 1 năm. Cuối cùng,
phần thắng thuộc về Trung tướng Hữu Ước: “Kết luận của tổ công tác chứng minh,
tôi không sai phạm. Như thế, việc tôi tố cáo ông Trần Đình Triển tố cáo và vu
khống tôi là đúng sự thật. Tuy nhiên, anh em khuyên tôi 'bớt giận', bỏ qua và
điều quan trọng nhất là tôi trong sáng, không sai phạm gì”.
Từ năm
2016 đến nay, Luật sư Trần Đình Triển vẫn giữ nguyên quan điểm về những thông
tin mà mình đưa ra công khai: “Ông Hữu Ước nếu thấy tôi sai trái thì ông có quyền
khiếu nại, tố cáo. Tôi mong muốn và sẵn sàng cung cấp tài liệu cho cơ quan có
thẩm quyền để xem xét. Nếu tôi sai hoặc ông Hữu Ước sai thì cần phải xử lý
nghiêm minh, làm gương cho mọi người”. Không chỉ vậy, Luật sư Trần Đình Triển
còn khẩn thiết mong mỏi các cơ quan chức năng: “Xác minh làm rõ khối tài sản của
Hữu Ước: Biệt phủ nằm trên khuôn viên gần 2 ha đất ở Sóc Sơn (gần Sân bay Nội
Bài); dinh cơ nằm trên điện tích đất gần 500m2 tại Tương Mai HN; Nhà hàng nằm
trên điện tích đất gần 1000m2 đất tại đường đôi Kim Liên - Xã Đàn; một biệt thự
ở Tuần Châu; một biệt thự ở khu Nam Cường,...”.
Trung tướng
Hữu Ước từng là một nhân vật có sức ảnh hưởng trong xã hội hơn một thập niên.
Dù về hưu, thì tên tuổi Hữu Ước vẫn gây chú ý trong cộng đồng. Thuyền mục cũng
còn ba tấc đinh, huống hồ Hữu Ước vốn “không phải dạng vừa đâu”. Trước những
đòn tấn công vũ bão của Luật sư Trần Đình Triển, thì Trung tướng Hữu Ước không
dừng lại mở mức độ doạ sẽ viết riêng một cuốn về chuyện này, mà còn làm đơn phản
tố. Trước sau, Trung tướng Hữu Ước vẫn đinh ninh bản thân bị Luật sư Trần Đình
Triển vu khống liên tục: “Thời gian gần đây (tháng 6 và tháng 8), ông Trần Đình
Triển lại lên tiếng tố cáo vu khống tôi dồn dập bằng những từ ngữ chợ búa (có
văn bản kèm theo), như: “cần thiết phải đưa Hữu Ước vào lò”; “Ước kiêu hãnh,
kiêu ngạo, xử sự nhơ bẩn…” hoặc “Không để tên quan tham này ngông nghênh”… Việc
tôi tố cáo ông Trần Đình Triển vu khống tôi, cơ quan điều tra Công an Hà Nội sẽ
làm. Tất nhiên là tôi phải đưa ra các căn cứ, bằng chứng để chứng minh ông Trần
Đình Triển vu khống. Tôi yêu cầu ông Trần Đình Triển đưa các bằng chứng tố cáo
tôi mà ông đã nêu”.
Cao trào
thị phi giữa Trung tướng Hữu Ước và Luật sư Trần Đình Triển, là bài viết “Đôi
chút về đất nơi “chốn lưu ẩn” của Hữu Ước” được Luật sư Trần Đình Triển công bố
trên Facebook. Nội dung mà Luật sư Trần Đình Triển đưa ra rất đáng sửng sốt: “Gần
2 ha đất nơi Hữu Ước đổ tiền hàng ngàn tỷ để xây dựng chốn lưu ẩn. Nguồn gốc là
đất nông nghiệp của HTX, “chuyển nhượng” cho một vị công tác tại Hải quan sân
bay Nội Bài. Vị này bị “vướng lưới” nhờ Hữu Ước gỡ ra. Quà “ân nghĩa” “Đền ơn
đáp lễ” cho Hữu Ước là 1/2 thửa đất đó. Số kiếp run rủi thế nào, một thời gian
sau vị cán bộ Hải quan bị tai nạn giao thông chết. Hữu Ước làm công tác “tư tưởng,
chăm sóc” tận tình người vợ trẻ xinh đẹp của vị cán bộ Hải quan xấu số . Trong
tiếng rên ư hử thì mảnh đất ấy được liên kết trở thành một chủ là Hữu Ước”. Nếu
không có bằng cớ đúng đắn và rõ ràng, thì nội dung của bài viết trực tiếp bôi
nhọ thanh danh của Trung tướng Hữu Ước. Tuy nhiên, Luật sư Trần Đình Triển vẫn
tự tin: “Tôi chịu trách nhiệm trước những thông tin mà tôi đưa ra. Tôi cũng đề
nghị các cơ quan nhận được đơn kiến nghị của ông Hữu Ước vào cuộc. Tôi sẽ trưng
ra các bằng chứng về những thông tin, hồ sơ tôi đang nắm giữ”.
Cuộc giằng
co giữa Trung tướng Hữu Ước và Luật sư Trần Đình Triển có lẽ còn lâu mới kết
thúc. Không thể nói Luật sư Trần Đình Triển muốn chộp lấy vướng mắc trong đời
Trung tướng Hữu Ước để đánh bóng thương hiệu, vì vị trí của Luật sư Trần Đình
Triển đã được giới luật sư thừa nhận. Ngược lại, cũng không thể nói Trung tướng
Hữu Ước nao núng vì những cáo buộc đang nhắm vào ông. Hữu Ước lặn ngụp thương
trường và xuôi ngược chính trường nhiều năm, thừa bản lĩnh để đối phó tất cả mọi
rắc rối nảy sinh. Tuy nhiên, dao sắc không gọt được chuôi. Điểm yếu cúa Trung
tướng Hữu Ước nằm ở tính nghệ sĩ của ông. Ngay trong bộ tiểu thuyết “Kiếp người”
thì Hữu Ước cũng cay đắng bộc bạch rằng những người ông từng cưu mang đều phản
bội ông. Một người dám viết cái sai, cái xấu của mình ra giấy trắng mực đen như
Hữu Ước thì ông không có gì ngần ngại khi đối diện sự thật. Chỉ có thánh mới
không sai lầm. Có thể trong vài mối quan hệ nào đó, Hữu Ước đã xử lý cảm tính dẫn
đến thua thiệt cho người nọ người kia. Thế nhưng, Hữu Ước không phải loại ăn
không nói có, lừa trên dối dưới. Với tư cách nhà văn, Hữu Ước luôn biết chịu
trách nhiệm cho hành vi mà mình từng gây ra, dù nghiệt ngã hoặc dù bẽ bàng ra
sao!