Cảm nhận của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: "Tôi viết văn xuôi không
làm thơ và nói thật rất ngại dân thơ. Ở những nhà thơ có cái gì đó rất khó cắt
nghĩa. Họ vừa phức tạp khó chơi vừa điệu đàng và hay diễn. Cư xử của họ không
thẳng tuột như dân văn. Tư duy thơ cũng khác văn xuôi nó trúc trắc và sâu ở mọi
bề. Chả thế mà chỉ có các nhà thơ làm được chính trị. Dân văn nghệ làm đến những
chức vụ cao trong xã hội và nghề nghiệp chỉ có nhà thơ. Nói thế nhưng khi chơi
với Trần Anh Thái dù bội phần phức tạp nhưng anh lại rất dễ thương. Khác với hầu
như tất cả các nhà thơ, Trần Anh Thái dành toàn bộ cuộc đời mình cho thơ. Anh
tôn sùng thơ, coi thơ thiêng liêng như thánh thần, gần gụi hơn thơ là nhịp thở
là lẽ sống. Ngồi ở bất cứ đâu, với nhà văn nào Trần Anh Thái cũng tuyên ngôn chỉ
thơ là số một, văn xuôi và nhà văn là thứ bỏ..."
NGƯỜI THƠ TRONG TRẺO TRẦN
ANH THÁI
PHẠM NGỌC TIẾN
Không hiểu sao cứ nghĩ đến
nhà thơ Trần Anh Thái là ngay lập tức tôi lại hình dung ra sự trong trẻo. Không
phải vì Trần Anh Thái hay dùng từ này với một ngữ điệu rất đặc biệt là anh uốn
lưỡi cong đến tận cùng theo kiểu dân miền Trung dù anh là người Tiền Hải, Thái
Bình. Cũng không phải “trong trẻo” là cách anh hay nhận định về một điều gì đó
thật tốt đẹp chẳng hạn như một bài thơ, một câu thơ, một hành động, một nghĩa cử...lớn
hơn là một con người như thằng ấy, cô ấy... “trong trẻo” lắm. Sự trong trẻo tôi
nghĩ dành cho chính con người anh. Một người thơ “trong trẻo”.
Có một lần đã lâu lắm tôi với Trần
Anh Thái ngồi uống bia hơi ở quán bia hơi Trần Bình Trọng. Quán này nay đã bỏ.
Nhớ và nhắc đến quán này bởi câu chuyện hôm ấy giữa tôi và Trần Anh Thái nó ấn
tượng, tạo sự sâu đậm, khắc vĩnh viễn vào trí nhớ của tôi. Hôm ấy hai thằng gọi
món rạm rán. Rạm là con giống như cua được ướp muối mặn chát là món ăn hay dùng
thời bao cấp nghèo khó của dân miền Bắc. Dân ta có mốt hay quay trở lại những
thứ rất bình thường và đại chúng của quá khứ để tôn thành đặc sản của hiện tại.
Rạm là món ăn như vậy. Hôm ấy tôi đặc biệt thích thú với món rạm rán. Và Trần
Anh Thái trầm trầm kể về con rạm ở cửa sông Tiền Hải đổ ra biển quê anh.
Anh kể về người cha đã mất từ lâu
dẫn anh đi bắt rạm trứng. Đến bữa ăn, cha ngồi tỉ mẩn khêu từng tí trứng một ra
bát cho anh ăn. Thái bảo khêu trứng rạm khó lắm vì nó có ít. Quãng non nửa bát
trứng ông khêu mất đến cả tiếng đồng hồ. Thái kể về trứng rạm nhưng lại hiện ra
trong tôi ảnh hình một người cha thương con đến cỡ nào với tấm lòng thật bình dị
nhưng lớn lao, cao cả. Tôi nghĩ về cha tôi và cứ thế nước mắt tuôn trào. Cái
bát trứng rạm cha anh khêu ám ảnh tôi đến mức khi về quê anh lần đầu tiên, chứng
kiến ngôi nhà ngói cũ xưa với mảnh sân gạch trong một đêm trăng sáng vằng vặc
tôi đã hỏi Trần Anh Thái nơi cha con anh ngồi khêu rạm. Cũng cần phải nhắc, Trần
Anh Thái gọi món trứng rạm đó là món ăn “trong trẻo”.
Tôi viết văn xuôi không làm thơ
và nói thật rất ngại dân thơ. Ở những nhà thơ có cái gì đó rất khó cắt nghĩa. Họ
vừa phức tạp khó chơi vừa điệu đàng và hay diễn. Cư xử của họ không thẳng tuột
như dân văn. Tư duy thơ cũng khác văn xuôi nó trúc trắc và sâu ở mọi bề. Chả thế
mà chỉ có các nhà thơ làm được chính trị. Dân văn nghệ làm đến những chức vụ
cao trong xã hội và nghề nghiệp chỉ có nhà thơ. Nói thế nhưng khi chơi với Trần
Anh Thái dù bội phần phức tạp nhưng anh lại rất dễ thương. Khác với hầu như tất
cả các nhà thơ, Trần Anh Thái dành toàn bộ cuộc đời mình cho thơ. Anh tôn sùng
thơ, coi thơ thiêng liêng như thánh thần, gần gụi hơn thơ là nhịp thở là lẽ sống.
Ngồi ở bất cứ đâu, với nhà văn nào Trần Anh Thái cũng tuyên ngôn chỉ thơ là số
một, văn xuôi và nhà văn là thứ bỏ. Chả cứ tôi những nhà văn đàn anh như Trung
Trung Đỉnh, Bảo Ninh...cũng rất ngại khi chẳng may nhỡ miệng đụng chạm gì đến
thơ là coi như xong om cuộc ngồi đấy bởi Trần Anh Thái sẽ nổi giận và sẵn sàng
xúc phạm lại kẻ mà anh cho là đã “xúc phạm” thơ.
Có một lần khi trường ca “Đổ bóng
xuống mặt trời” của anh vừa ra mắt và giành được giải thưởng Hội nhà văn VN, một
giải thưởng bấy giờ là vinh dự và mơ ước của tất cả mọi nhà văn, có một nữ nhà
báo nổi tiếng chỉ trót nói nhầm tên sách là đổ móng xuống mặt trời thế là bị ăn
đủ. Trần Anh Thái mắng xa xả nữ nhà báo kia là ngu dốt về thơ mà nọ kia, kia nọ.
Đám bạn quen tính anh không sao nhưng nữ nhà báo bị một phen mất mật đến mức
tôi đồ rằng cô dù rộng lòng, tốt bụng đến mấy cũng phải thù và sợ Trần Anh Thái
đến hết đời.
Tôn sùng thơ nhưng Trần Anh Thái lại rất tự hào về một cuốn tiểu thuyết anh viết
về chiến tranh. Vốn là một người lính chiến đấu ở chiến trường miền Trung Nam Bộ,
anh đã rất thành công với “Số phận nghiệt ngã” một tiểu thuyết về chiến tranh
và tình yêu. Nhưng Trần Anh Thái cũng chỉ coi đấy như là một kỷ niệm về đời lính.
Với anh thơ mới là đỉnh cao trí tuệ mới là đền đài thiêng liêng. Tôi là người
viết vạ vật, bạ đâu viết đấy nhưng ngay cả việc viết, nhất là thơ thì Trần Anh
Thái cũng khác người coi đó là sự hệ trọng đến mức thánh thần. Thái thành công
nhiều ở trường ca. Anh đã có 4 tập trường ca đều nổi tiếng và giành những giải
thưởng lớn. Mỗi tập trường ca Trần Anh Thái viết trong chừng 2 năm. Và khi đó
anh như đàn bà ở cữ, kiêng khem đủ điều. Tắt điện thoại, tránh những cuộc gặp bạn
bè, thậm chí bỏ rượu, ép xác để đóng cửa viết. Khi chưa về hưu chỉ lúc phải ở
tòa soạn Thái mới chịu rời khỏi tháp ngà. Sau mỗi cuốn trường ca người anh rộc
đi, hốc hác, sụt cân. Và khi đó anh lại cười cười bảo, xong rồi. Xong rồi. Nếu
có ai hỏi nó thế nào, Thái uốn lưỡi rất hồn nhiên. Nó “trong trẻo”.
Tôi không mấy hiểu thơ nhưng đọc
Trần Anh Thái thấy vỡ rất nhiều điều từ cuộc sống. Không phải nhà thơ nào cũng
làm được như thế. Có những câu thơ của Thái đọc một lần là nhớ mãi kiểu như
“hài hạnh phúc đã bao người ướm”. Chỉ thế, tưởng đơn giản mà đọng lại chân lý
mà làm day trở cõi nhân sinh thậm chí là vật vã của kiếp người. Đọc thơ Trần
Anh Thái bao giờ tôi cũng buồn, rất buồn. Có lẽ nỗi buồn số phận của thơ Thái
là hiện thân chính con người anh. Tôi có cảm giác kể cả lúc cười anh cũng buồn.
Với một người theo binh nghiệp cả đời như Trần Anh Thái từ lúc quân hàm binh
nhì đến đại tá khi về hưu thì nghiệp thơ vận vào anh có lẽ lại là sự may mắn. Bởi
nỗi buồn của anh đắc dụng cho thơ. Tôi quan niệm thơ phải buồn. Càng buồn tầm của
thơ càng lớn. Thơ mà hơn hớn thì thà đi viết truyện cười còn hơn.
Trần Anh Thái làm báo Quân đội nhân dân. Tất
nhiên là anh làm mảng văn nghệ. Vậy mà từng có thời anh là phóng viên kinh tế.
Chỗ này tôi nghi ngờ không hiểu anh viết về kinh tế thế nào khi bản thân Thái
là người tuyệt đối không biết làm kinh tế. Cảm giác anh sống không cần vật chất
mà chỉ cần thơ. Túi có bao nhiêu tiền chả cần biết, mà cũng ít khi có nhiều.
Nhà một căn hộ là vừa đủ không cần phấn đấu dù tôi biết Trần Anh Thái có không
ít những cơ hội kiếm ra tiền. Có lẽ một nhà thơ đích thực hay nói theo ngôn ngữ
“trong trẻo” của anh là phải như thế chăng?
Tôi có những người bạn văn nói thật
là chơi với họ phải chịu đựng. Có lẽ quá yêu quý nhau nên mới phải hạ mình thế.
Trần Anh Thái là một người trong số đó. Chỗ này nói thêm tính tôi cũng cực khó
chịu và ngông ngạo nên chắc bạn bè cũng phải chịu đựng tôi. Thôi thì chịu đựng
nhau vậy. Thái ít nhậu nhẹt nhưng mỗi lần uống là một lần say. Khi say Thái
cũng khác người. Anh như thành một con người khác. Lúc ấy mắt Thái sáng rực và
anh nói tuồn tuột những điều mình nghĩ không cần kiềm chế. Mỗi lần như thế
không khỏi làm người đối diện đau đớn. Tôi cũng đôi lần bị như vậy. Mỗi lần bị
là mỗi lần nguyện rằng cạch mặt thằng nhà thơ điên này, chơi tiếp mình không phải
là giống người. Nhưng chỉ sáng sau thôi, Trần Anh Thái đã gọi điện giọng khê đặc
nói tôi ốm nặng rồi, tôi ân hận lắm, Tiến ơi đừng giận bạn, tôi tệ thế đấy. Kết
cục là tình thế chuyển ngược lại phải dỗ dành, phải động viên Thái đừng nghĩ ngợi,
đừng ốm, không có gì cả, chuyện tầm phơ thôi mà, thề là tôi không giận. Mà
không giận thật. Với một người trong trẻo như thế nếu có giận đúng không phải
giống người thật.
Các nhà thơ Việt Nam thường đa
tình và đào hoa. Trần Anh Thái cũng được nhiều độc giả ngưỡng mộ yêu mến. Trong
số đó có không ít bóng hồng. Người làm thơ thường lãng mạn nhưng trong tình cảm
trai gái họ thực dụng hơn dân văn xuôi cục mịch nhiều. Với Trần Anh Thái thì
khác. Điểm này tôi thấy anh cực kỳ trong trẻo. Có lần một người yêu thơ Thái
đâm si mê cả người. Tôi cùng Trần Anh Thái có việc đi qua quê người đó. Tôi uống
rượu còn Thái dẫn bạn gái đi tâm sự ở ngay quả đồi trước mặt trong lúc trời
chang chang nắng. Nếu vào hoàn cảnh các nhà thơ khác tôi đảm bảo họ sẽ vào
khách sạn chứ không ra đồi xem hoa mua như thế. Đừng nghĩ Trần Anh Thái không
màng nhục thể hãy đọc thơ tình của anh. Sẽ là những đam mê chưa từng, những bạo
liệt sắc dục chẳng giới hạn. Cũng đừng nghĩ Trần Anh Thái ngẩn ngơ, khi về hưu
anh từng là Tổng biên tập một tờ báo lớn.
Mọi sự khác biệt ở Trần Anh Thái đều có. Không lạ, bởi Trần
Anh Thái là thế và tôi đã không nhầm khi coi anh là một người thơ. Người thơ
“trong trẻo”./.