Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, đã có cuộc gặp lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và dự định không nói về “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” nữa, nhưng không ngờ xuất hiện công văn của đơn vị trực tiếp làm sách. Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh: “Những người đáng lẽ có trách nhiệm (ông Lê Mã Lương và NXB Văn học) trả lời, phản biện lại bài viết của tôi, bảo vệ cho cuốn sách của mình đã im lặng, mà lại trao quyền cho Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt gởi công văn phê phán bài viết với lời lẽ trịch thượng, đe dọa sẽ có biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn. Qua đọc trang Facebook của ông Nguyễn Văn Phước, tôi thấy ông ta thường xuyên chê trách xã hội ta thiếu dân chủ, song qua việc làm của ông thì chính ông ta chẳng hiểu dân chủ là thế nào?”



CÂY MUỐN LẶNG MÀ GIÓ CHẲNG DỪNG…

NGUYỄN THANH TUẤN ( Trung tướng)

Sau buổi gặp lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ, tôi nghĩ mình nên dừng lại để chờ kết luận và xử lý cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” của các Cơ quan chức năng. Thế nhưng, nay lại có tin chính thức ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt đã có công văn gởi anh Nguyễn Chí Hiếu – TBT Tuần báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh – về việc bản báo đã đăng bài viết của tôi và yêu cầu đăng công văn, đính chính những sai phạm và chính thức công khai xin lỗi ông ta và Ban biên tập cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do ông Lê Mã Lương làm chủ biên. 
Như vậy “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, qua đọc trên Tuần báo Văn Nghệ thư trả lời của TBT – anh Nguyễn Chí Hiếu, tôi hoàn toàn tán đồng bức thư này, song cũng cần phải làm rõ thêm, và tôi hy vọng Tuần báo sẽ biên tập lại bài này và đăng trên số báo gần tiếp để bạn đọc rộng đường trao đổi.

Trước hết, việc tôi đồng ý theo đề nghị của lãnh đạo Tuần báo đăng bài trên mục này của bản báo Văn Nghệ với ý định trao đổi phản biện cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” và kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đến cuốn sách để có biện pháp xử lý nhằm tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Việc này cũng là việc bình thường thể hiện sự dân chủ trên lĩnh vực phê bình văn học và dân chủ về hoạt động xã hội; theo thông lệ thì tác giả cuốn sách thấy tôi phê bình có chỗ nào đúng thì tiếp thu sửa chữa, đính chính hoặc sai phạm nghiêm trọng thì phải nghiêm túc thu hồi sửa chữa; còn nếu chưa đúng thì có quyền viết bài phúc đáp phản biện bảo vệ cái đúng của mình, tạo nên sự trao đổi làm cho hoạt động văn học nước nhà sôi nổi, dân chủ, sáng tạo để mục đích cuối cùng là nhận ra cái hay, cái đúng, cái chân, thiện, mỹ… nhằm làm cho hoạt động văn học nước nhà ngày càng phong phú, tốt đẹp, sáng tạo. Còn việc kiến nghị của tôi thì phải chờ các cơ quan có trách nhiệm đánh giá tiếp thu hoặc không tiếp thu sẽ trả lời trước công luận, việc này cũng thể hiện bản chất dân chủ của các Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn học – nghệ thuật.

Thế nhưng rất tiếc, những người đáng lẽ có trách nhiệm (ông Lê Mã Lương và NXB Văn học) trả lời, phản biện lại bài viết của tôi, bảo vệ cho cuốn sách của mình đã im lặng, mà lại trao quyền cho Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt gởi công văn phê phán bài viết với lời lẽ trịch thượng, đe dọa sẽ có biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn. Qua đọc trang Facebook của ông Nguyễn Văn Phước, tôi thấy ông ta thường xuyên chê trách xã hội ta thiếu dân chủ, song qua việc làm của ông thì chính ông ta chẳng hiểu dân chủ là thế nào? Dân chủ trước hết là phải thượng tôn pháp luật, chẳng hạn tham gia giao thông muốn mọi người đi lại tự do thuận tiện thì phải nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông, chỉ có chấp hành tốt thì giao thông sẽ an toàn và không gây ách tắc, còn ngược lại thì chắc chẳng cần giải thích mọi người đều rõ… Thế nhưng, ông ta chẳng một lời giải thích, trao đổi phản biện mà chủ yếu dùng lời lẽ quy chụp rằng tôi vu khống, bịa đặt, xúc phạm… (việc cuốn sách có quá nhiều sai phạm và lỗi phạm không chỉ mình tôi vạch ra mà còn rất nhiều bạn đọc trên mạng cũng đã chỉ rõ, và cũng không chỉ Tuần báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh đăng mà một số tờ báo khác như Báo CCB thành phố, Trang tin điện tử Tri Ân, Báo điện tử Hội Nhà báo cũng đặt vấn đề đăng lại, tôi đều đồng ý với điều kiện các báo thấy cần; song điều đáng nói bản thân ông Phước cũng đã thay mặt Công ty Trí Việt thừa nhận bằng một tờ đính chính với 8 điểm giấy trắng mực đen rõ ràng, và không chỉ 8 điểm đó mà còn hàng chục lỗi phạm khác ông ta chưa đính chính, việc này tôi sẽ tiếp tục chỉ ra trong một bài viết khác để bạn đọc cùng nghiên cứu, chỉ riêng với bài viết của James Zumwalt đã có ít nhất 4 điểm sai với sự thật). Và mới đây cũng chính Zumwalt đã có một bài viết trên báo Mỹ đã dựa vào cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” này đã xuyên tạc toàn bộ sự thật, với động cơ nói xấu Đảng, Nhà nước vả Quân đội ta. 

Với trách nhiệm một công dân yêu nước tôi yêu cầu các Cơ quan có trách nhiệm của Quân đội, Nhà nước phải nhanh chóng làm rõ, đừng để các thế lực thù địch lợi dụng cuốn sách này xúc phạm 64 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, xúc phạm cán bộ chiến sĩ hải quân thực hiện nhiệm vụ CQ88, xúc phạm Quân đội ta, Nhà nước và Đảng ta.



Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 515