Thoáng chốc, nhà văn Nhật Tuấn đã “đi về nơi hoang dã” được 3 năm. Sinh thời, nhà văn Nhật Tuấn có cuộc sống mạnh mẽ và phóng túng, ít khi chăm chút danh vọng riêng tư. Ông mất cũng đột ngột, nên hầu như chưa kịp làm tuyển tập hoặc thực hiện bất cứ một tổng kết nào về sự nghiệp cá nhân. Thế nhưng, tác phẩm của Nhật Tuấn vẫn còn hiện diện trong đời sống xã hội và con người của Nhật Tuấn vẫn hiện diện trong tâm tưởng bạn bè. May mắn thay, con trai của ông – Bùi Nhật Tấn đã ý thức được việc xây dựng một hồ sơ văn học cho người cha quá cố. Xin giới thiệu những nét cơ bản về hành trình cầm bút của nhà văn Nhật Tuấn!





Tưởng nhớ 3 năm ngày mất của nhà văn Nhật Tuấn
6/10/2015 ( 24/8 Âl  Ất Mùi) - 3/10/2018 ( 24/8 Âl Nhâm Tuất)

Nhà văn Nhật Tuấn tên thật là Bùi Nhật Tuấn, sinh ngày 07/09/1942 tại Hà Nội, trong một gia đình trung lưu, có bảy người con ( sau có ba người theo nghiệp văn chương là hai nhà văn Nhật Tiến, Nhật Tuấn; và dịch giả Nhật Tân).

Nhà văn Nhật Tuấn ở tuổi ngoài ba mươi mới bắt đầu sự nghiệp văn chương. Là biên tập viên của NXB Văn Học, ông nổi danh với các tác phẩm: Trang 17, Con chim biết chọn hạt, Bận rộn, Lửa lạnh, Niềm vui trần thế, Những mảnh tình đã vỡ, Đi về nơi hoang dã v.v…

            Sau năm 1980 ông chuyển công tác vào Nam, thường trú tại Sài Gòn, tiếp tục làm  biên tập viên, rồi Giám đốc chi nhánh NXB Văn Học phía Nam.

            Trong sự nghiệp văn học của ông, hai thể loại nổi bật nhất là truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong giới Văn chương, nhà văn Nhật Tuấn được đánh giá là tác giả viết truyện ngắn hay,  lôi cuốn, độc đáo đặc biệt là lối nhìn rất nhân văn. Theo nhà văn Trần Đức Tiến thì văn xuôi Nhật Tuấn là thứ văn đậm chất “Đàn ông”, mạnh mẽ, trần trụi và tốc độ… luôn giữ vững một nhịp điệu gấp gáp, lôi cuốn. Phong phú chi tiết gây ấn tượng mà không cường điệu.

            Từ năm 1992 ông còn là cộng tác viên của đài Little Sài Gòn Radio, Tuần báo Việt Tide, Hồn Việt TV và Vietstream. Ở đây ông còn thể hiện mình là một nhà báo sắc sảo, nhạy bén với mọi sự kiện chính trị, xã hội trong nước. Đặc biệt loạt bài THƯ SÀI GÒN ký dưới bút hiệu Người Sài Gòn của ông được đăng hàng tuần trên tuần báo Việt Tide ở Nam Cali,  phát thanh trên đài Little Saigon Radio và được chuyển thể thành kịch nói trên đài Hồn Việt TV có trụ sở phát hình ở Nam Cali và Houston, Texas..
            Ngoài các tác phẩm Văn chương, ông còn viết Kịch bản phim. Một trong những kịch bản phim nổi tiếng của ông là “Giao thời” được đạo diễn Phan Hoàng dựng thành phim truyền hình nhiều tập( 38 tập)  do hãng phim TFS sản  xuất năm 2000.
Các tác phẩm tiêu biểu của ông:
 Trang 17 (1977); Con chim biết chọn hạt (1981); Tiếng gọi lúc mờ sáng- Truyện phim (1984); Bận rộn (1985); Biển bờ (1987); Những mảnh tình đã vỡ (1990); Mô hình và thực thể (1986); Lửa lạnh (1987); Tín hiệu của con người (1987) ; Đi về nơi hoang dã (1988); Niềm vui trần thế (1989); Một cái chết thong thả (1995).

Nổi bật nhất trong toàn bộ sáng tác của ông phải kể đến tiểu thuyết gần 300 trang “Đi về nơi hoang dã” được NXB Huyền Trân tái bản tại Mỹ năm 2001.  Năm 2002 cuốn này được hai dịch giả Phan Huy Đường và Đặng Trần Phương dịch sang tiếng Pháp với tựa đề Retour à la jungle và do NXB Arles, Philippe Picquier- Paris ấn hanh.
Ông cũng đã đoạt hai Giải thưởng Văn chương gồm: Giải Nhất- Giải Văn Học của Tổng Công đoàn Việt Nam với Truyện ngắn “Trang 17” (1977); Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ với Truyện ngắn “Ngôi nhà đang lên tầng” (1978).

Nhà văn Nhật Tuấn qua đời ngày 6/10/2105 tại Bệnh viện Thống Nhất – Sài Gòn Việt Nam hưởng thọ 74 tuổi.

                                      BÙI NHẬT TẤN