Những ngày qua, đâu đâu người ta cũng nhắc tới nhà
hát này. Số ủng hộ thì ít. Số phản đối thì nhiều. Người dân cần lao thì đau đáu
xây nhà hát làm gì khi mà điện, đường, trường, trạm... còn chưa có đủ. Người
trí thức thì hiểu rằng, nhà hát và bệnh viện là hai chuyện khác nhau, bệnh viện
vẫn phải có, nhà hát vẫn phải xây nhưng họ lại hoài nghi làm sao đảm bảo tính
minh bạch của số tiền khổng lồ bỏ ra cho dự án. Nhiều nhà báo khẳng định, nhà
hát dựng lên thì ai nghe? Hay lại đàn gảy tai trâu? Dân trí nước ta dù sao vẫn
thấp. Những thú vui hàn lâm như nhạc giao hưởng vốn chỉ dành cho người giàu.
NHÀ HÁT THỦ THIÊM VÀ BÃI LẦY GIÁO DỤC ÂM NHẠC
HIỀN TRANG
“Ta tội gì. Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm
đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những
công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công. Vậy thì ta có tội gì? Ta xây
Cửu Trùng đài có phải đâu để hại nước? […] Vài năm nữa, đài Cửu Trùng hoàn
thành, cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực, có một cảnh bồng lai”. - lời tự
sự của nhân vật Vũ Như Tô trong tấn bi kịch “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài” của Nguyễn
Huy Tưởng viết từ năm 1941, sau hơn 80 năm, bỗng chốc lại dội về trong tâm trí
người viết khi dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch trên đất Thủ Thiêm
được thông qua. Công trình trị giá 1.500 tỷ được thông qua, khi mà nước mắt Thủ
Thiêm còn chưa ráo.
Những ngày qua, đâu đâu người ta cũng nhắc tới nhà
hát này. Số ủng hộ thì ít. Số phản đối thì nhiều. Người dân cần lao thì đau đáu
xây nhà hát làm gì khi mà điện, đường, trường, trạm... còn chưa có đủ. Người
trí thức thì hiểu rằng, nhà hát và bệnh viện là hai chuyện khác nhau, bệnh viện
vẫn phải có, nhà hát vẫn phải xây nhưng họ lại hoài nghi làm sao đảm bảo tính
minh bạch của số tiền khổng lồ bỏ ra cho dự án. Nhiều nhà báo khẳng định, nhà
hát dựng lên thì ai nghe? Hay lại đàn gảy tai trâu? Dân trí nước ta dù sao vẫn
thấp. Những thú vui hàn lâm như nhạc giao hưởng vốn chỉ dành cho người giàu. Nhưng,
trước khi nói chuyện cái nhà hát, ta hãy cứ ngẫm lại mà trông những công trình
lớn của đất nước và nhân loại. Có mấy công trình không xây dựng trên xương máu
nhân dân?
Lăng Tự Đức, hay còn gọi Vạn Niên Cơ, kiến trúc kỳ
công, sơn thủy phong tình, với người Việt ngày nay cũng là một niềm tự hào nho
nhỏ, nhưng trong dân gian xưa vẫn truyền miệng câu ca dao:
“Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân”.
Và Loạn Chày Vôi cũng là bắt nguồn từ đó. Nói rộng
ra thế giới, Vạn Lý Trường Thành không phải là tội ác của thiên tử với hàng vạn
phu phen hay sao?
Có người còn gọi vui Vạn Lý Trường Thành (thành dài
vạn dặm) là “Nghĩa địa vạn dặm”, vì quá trình xây cất ước tính đã lấy đi mạng sống
của rất nhiều nhân công. Còn nếu bảo chuyện Vạn Lý Trường Thành đã trôi xa cả
ngàn năm nên không tính, vậy thì hãy lấy nhà hát con sò tại Sydney làm ví dụ.
Với người Australia, công trình ấy vừa là biểu tượng,
vừa là một thảm họa tài chính, khi mà từ chi phí xây dựng dự kiến ban đầu chỉ
là 7 triệu USD, cuối cùng nó đã ngốn 100 triệu USD (tính theo thời giá hiện nay
là gần 1 tỉ USD). Mà số tiền ấy ở đâu ra? Tất nhiên là từ tiền đóng thuế của
người dân.
Nói như vậy không phải để bênh vực nhà hát Thủ
Thiêm, mà chỉ để thấy rằng, những công trình có giá trị thẩm mỹ đời nào cũng
gây nhiều phẫn nộ. Nghệ thuật hàn lâm thì luôn bị đóng mác trưởng giả, xa rời
quần chúng nhân dân, chỉ dành cho những kẻ ru rú trong những tháp ngà. Cái đẹp
không cứu rỗi được thế giới như lời đại văn hào Dostoevski từng viết.
Đọc lời tâm sự của ông Trần Vương Thạch, Giám đốc
Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP HCM, rằng dàn nhạc đã 25 năm nay là một
“dàn nhạc không nhà”, có khi tập phải tập dưới tầng hầm, dự án xây nhà hát thì
truân chuyên, bao năm qua vẫn chưa được hiện thực hóa, tuy cảm động nhưng dường
như thế vẫn là chưa đủ để làm nguôi giận cộng đồng.
Như Vũ Như Tô có tội gì đâu nhưng vẫn bị hành hình,
người đời căm giận, đài Cửu Trùng thì bị đốt ra tro. Đây là nỗi đau của nghệ
thuật.
Giáo
dục âm nhạc - một bãi hoang mạc
Thực ra, giới trí thức không ai không hiểu rằng đầu
tư cho văn hóa là điều cần thiết. “Nghệ thuật không phải bánh mì nhưng là rượu
của cuộc đời” - một đất nước không chỉ cần trường học khang trang, bệnh viện hiện
đại, nhân dân nhà cao cửa rộng mà còn cần có âm nhạc, văn chương - những thứ
làm nên tâm hồn của một dân tộc.
Cho nên câu hỏi, liệu có cần thiết xây nhà hát 1.500
tỉ khi đất nước còn nghèo là một câu hỏi thừa. Câu hỏi đúng đắn hơn có lẽ nên
là, thay vì đầu tư vào nhà hát, ta nên đầu tư trước tiên vào giáo dục âm nhạc?
Câu hỏi trên tôi mượn từ một người bạn của mình, chị
Lã Diễm Mỹ, một nhạc công trong Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam. Đã từng
biểu diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới ở cả châu Á và châu Âu, chị nhận xét
nhà hát ở Việt Nam không bằng các nước phát triển nhưng so với các quốc gia
Đông Nam Á thì là tạm ổn.
Bản thân cũng là một giảng viên âm nhạc, chị cho rằng
việc phổ cập âm nhạc giao hưởng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nên được
ưu tiên trước, sau đó xây nhà hát cũng chưa muộn.
Giáo dục phổ cập âm nhạc cho học sinh trung học ở Việt
Nam chẳng khác gì một bãi hoang mạc. Môn âm nhạc mới trở thành môn học bắt buộc
từ năm 2002, tuy nhiên ai đi học ở thế hệ tôi cũng hiểu, trong số mười mấy bộ
môn học ở trường, chỉ có Toán - Lý - Hóa - Văn - Anh là 5 môn chính, các môn Sử,
Địa là môn phụ, riêng Âm nhạc - Mỹ thuật - Thể dục là môn năng khiếu, mà vì là
năng khiếu nên không được chú tâm giảng dạy, chỉ dạy cho đủ tiết để đối phó. Thậm
chí, khi lên đến cấp 3, môn Âm nhạc bị loại khỏi chương trình học.
Giờ học âm nhạc cho học sinh chỉ gói gọn trong 1 tiết/tuần.
Còn về giáo trình dạy, theo như lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường,
hình thức thì chưa đẹp, nội dùng thì còn sai và thiếu, thậm chí mắc lỗi chính tả.
Sự cẩu thả đó cũng đủ để nói lên “sức nặng” của bộ môn âm nhạc đối với người Việt.
Chưa kể, theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, giáo trình âm nhạc hầu như đều xoay
quanh các ca khúc từ thời xa xưa, không có tính cập nhật. Còn các bài
học về nhạc lí lại không có tính thực tiễn, chỉ toàn lí thuyết suông, học sinh
không biết mục đích học cách đọc nốt đen nốt trắng, học xướng âm để làm gì khi
mà không được học kèm thêm cách chơi nhạc cụ.
Bản thân tôi là học sinh trường chuyên lớp chọn
nhưng nhớ lại ngày đi học, đến bài giảng về Chopin chỉ được ra rả dạy Chopin là
nhạc sĩ vĩ đại người Ba Lan, ông sáng tác nhiều bài dạ khúc, mazurka, ballad
nhưng không ai giải thích dạ khúc hay ballad là gì, càng không bao giờ được
nghe các tác phẩm của ông để biết nhạc ông hay ra sao mà được người đời tán thưởng.
Âm nhạc đáng lẽ là môn học cách dạy thưởng thức cái đẹp, lại trở thành một gánh
nặng của học trò.
Chúng ta không phải không có những tên tuổi tài danh
về âm nhạc cổ điển. Đặng Thái Sơn được gọi là “người được Chopin chọn”, chúng
ta có Bùi Công Duy, Lưu Hồng Quang, Trang Trịnh, những người được thế giới biết
mặt đặt tên. Nhưng, đó đều là các trường hợp tự phát, con nhà nòi chứ không có
một hệ thống đào tạo thực sự chuyên nghiệp.
Giáo
dục âm nhạc không được coi trọng, vì đâu?
Đối với âm nhạc nói chung thì có lẽ là vì tư tưởng
“xướng ca vô loài” vẫn còn di chứng. Thời vua Lê Thánh Tôn từng quy định rằng:
“Nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản
thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ,
thì trị tội theo luật”.
Ngày nay, xã hội không còn khắt khe vô lí như vậy,
nhưng những kẻ làm nghệ thuật vẫn thường bị coi có cuộc đời phức tạp, dễ dàng
sa ngã.
Nhưng, với âm nhạc cổ điển nói riêng, nhánh âm nhạc
“thượng lưu” bác học thì lại khác. Người làm nghệ thuật bác học ít khi bị
“khinh rẻ” nhưng họ lại ít có đất để phát triển, ít được đầu tư vì đơn giản âm
nhạc hàn lâm không thể tạo ra nhiều lợi nhuận, mà xã hội thời nào cũng trọng đồng
tiền. Giờ lại còn cái oan với nhân dân lao động.
Và nói rộng ra, mọi thứ nghệ thuật hàn lâm ở ta đều
chưa nhận được sự quan tâm xứng tầm. Ngay đến đạo diễn Trần Anh Hùng, một trong
những nhà làm phim gốc Việt được quốc tế kính trọng, cũng thừa nhận rằng, anh rất
muốn làm phim ở Việt Nam, nếu có người đầu tư, anh nhất định sẽ làm, nhưng đáng
tiếc không ai dám mạo hiểm đầu tư cho những tác phẩm kén khán giả.
Đến đây, xin nhắc lại một lời tâm sự đau đớn khác của
người nghệ sĩ tài hoa Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng đài, rằng: “Chẳng qua
là cái nợ tài hoa, chứ thực ra theo nghề ở ta lợi chẳng có mà nhục thì nhiều”.
Nguồn:
An Ninh Thế Giới cuối tháng