Năm 1942, khi
Hoài Thanh – Hoài Chân ấn hành “Thi nhân Việt Nam” lần đầu tiên, thì Đông Hồ và
Mộng Tuyết cùng góp mặt với tư cách anh rể và em vợ. Còn hôm nay, độc giả mở lại
“Thi nhân Việt Nam” thì lại có cảm giác thú vị vì phát hiện Đông Hồ và Mộng Tuyết
là đôi uyên ương duy nhất được vinh danh trong tuyển tập thơ mới trứ danh này.
Sự thay đổi quan hệ giữa Đông Hồ và Mộng Tuyết theo thời gian, như thể chứng
minh rằng họ là một cặp thi sĩ trời sinh.
ĐÔI UYÊN ƯƠNG ĐỘC
ĐÁO TRONG THI NHÂN VIỆT NAM
TUY HÒA
Mảnh đất Hà Tiên
do Mạc Cửu khai phá, bây giờ là thị xã cực Nam nước ta. Nơi ấy không chỉ có nhiều
cảnh đẹp thanh bình, mà còn được truyền tụng về phong vị văn chương. Nơi ấy, từ
năm 1736, Mạc Thiên Tích đã lập ra Chiêu Anh Các là tổ chức văn học thứ hai tại
Việt Nam (sau hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông ra đời năm 1495). Nơi ấy, bây
giờ còn lưu giữ mối tình đẹp của cặp vợ chồng thi sĩ Đông Hồ - Mộng Tuyết.
Năm 1942, khi
Hoài Thanh – Hoài Chân ấn hành “Thi nhân Việt Nam” lần đầu tiên, thì Đông Hồ và
Mộng Tuyết cùng góp mặt với tư cách anh rể và em vợ. Còn hôm nay, độc giả mở lại
“Thi nhân Việt Nam” thì lại có cảm giác thú vị vì phát hiện Đông Hồ và Mộng Tuyết
là đôi uyên ương duy nhất được vinh danh trong tuyển tập thơ mới trứ danh này.
Sự thay đổi quan hệ giữa Đông Hồ và Mộng Tuyết theo thời gian, như thể chứng
minh rằng họ là một cặp thi sĩ trời sinh.
Thi sĩ Đông Hồ
(1906-1969) tên thật Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi. Ông được người đời quý trọng với
tư cách một người cổ vũ chữ quốc ngữ một cách say đắm. Năm 1926, Đông Hồ mở Trí
Đức Học Xa ở Hà Tiên, là trường dạy chuyên chữ quốc ngữ duy nhất ở miền Nam lúc
chính quyền Pháp còn đô hộ Việt Nam. Dù chỉ tồn tại 5 năm, nhưng Trí Đức Học Xá
tạo được tiếng vang lớn. Trong những học trò của Đông Hồ lúc ấy, có nữ sĩ Mộng
Tuyết cắp sách theo thầy với tên thật Thái Thị Út!
Học trò Thái Thị
Út nhỏ hơn thầy giáo Đông Hồ 8 tuổi. Khi học trò Thái Thị Út đến Trí Đức Học
Xá, thì thầy giáo Đông Hồ đã có vợ là Lại Linh Phương và một cô con gái là Lâm
Mỹ Tuyên. Bà Lại Linh Phượng mất vào năm 1928, Đông Hồ viết bài ký “Linh Phượng”
khóc vợ, được đánh giá tương đương với bài thơ “Giọt lệ thu” của Tương Phố khóc
chồng. Mãn tang vợ, Đông Hồ tục huyền với Thái Nhàn Liên là… chị thứ 5 của Thái
Thị Út. Trong hồi ký “Núi Mộng gương Hồ”, chính nữ sĩ Mộng Tuyết kể lại giây
phút ấy: “Tôi là người em gái của cả hai người thành ra tôi phải chuyển những ý
muốn của anh Trác Chi với chị tôi và chị tôi chỉ là người thụ động. Cuộc hôn
nhân chính thức cử hành long trọng. Đám cưới chọn được giờ lành giữa khuya một
đêm trăng”. Thầy giáo Đông Hồ trở thành anh rể, vẫn vẹn nguyên hình ảnh một thần
tượng trong mắt Thái Thị Út. Vì vậy, khi được mời tham gia với tư cách nữ sĩ Mộng
Tuyết trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Thái Thị Út tự đổi tên mình thành Lâm
Thái Út theo họ thầy Lâm Tấn Phác để gửi tiểu sử văn học cho Hoài Thanh – Hoài
Chân!
Khi Đông Hồ đám
cưới với Thái Nhàn Liên, nữ sĩ Mộng Tuyết làm bài thơ mừng: “Vui chị, chị
tình trong cốt nhục/ Mừng anh, anh nghĩa chốn chi lan/ Trăm năm gia thất nhiều
êm đẹp/Trang điểm hồ Đông cậy bóng sen”. Còn trong tập thơ đầu tay “Phấn hương
rừng” của nữ sĩ Mộng Tuyết, thì Hoài Thanh – Hoài Chân phát hiện: “Người xem
thơ bỗng thấy lòng run run như được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người
thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tư của một tâm hồn, trong tay dường như đương nắm
cả một niềm ân ái”. Thật vậy, bài thơ “Vì anh thọ xuân” của Mộng Tuyết viết tặng
Đông Hồ không hề giấu giếm tình cảm của nàng em vợ dành cho chàng anh rể: “Bởi
sợ nhà thơ nghèo đến chữ/ Yêu nhau đưa tặng mấy muôn lời/ Tiếng nhà, của sẵn
kho vô tận/ Mặc sức tiêu hoang, mặc sức chơi/ Mua bốn phương trời mây nước đẹp/
Mua nghìn năm cảnh cỏ hoa tươi/ Hãy còn thừa thãi, tiêu chưa hết/ Mua lấy trần
gian tiếng khóc cười/ Trước hết, đã mua rồi một món: Thành Phương hương điểm mối
tình dài”. Ở đây, xin lưu ý, Thành Phương hoặc Phương Thành là tên gọi cũ của mảnh
đất Hà Tiên, nơi mà nữ sĩ Mộng Tuyết trong cuốn sách “Đường vào Hà Tiên” đã bày
tỏ sự gắn bó máu thịt: “Riêng ở đây, ngoài tấm cảm tình riêng biệt đã sẵn dành
cho chốn quê hương, còn thêm tấm lòng yêu đằm thắm đối với cảnh thiên nhiên,
bao bọc quanh mình từ nhỏ. Biển rừng hồ núi quanh đây, đối với Út như là chiếc
nôi êm ấm của đứa hài nhi. Thêm vào, lại còn niềm kính mến tôn sùng mảnh đất lịch
sử đượm một phong khí thiêng liêng huyền bí”.
Người vợ thứ hai
Thái Nhàn Liên cũng sinh cho thi sĩ Đông Hồ một cô con gái, đặt tên là Lâm Mỹ
Diễm. Tuy nhiên, do bạo bệnh, Thái Nhàn Liên đoản mệnh vào năm 1946. Từ đó, người
dì Mộng Tuyết trở thành người mẹ thứ hai ân cần chăm sóc cho hai cô gái Lâm Mỹ
Tuyên và Lâm Mỹ Diễm. Nữ sĩ Mộng Tuyết thổ lộ: “Suốt một thời gian dài, tôi vừa
là học trò, vừa là bạn thơ, vừa là bảo mẫu cho hai đứa con của Đông Hồ. Mãi tới
đầu thập niên 1950, khi chúng tôi chuyển lên Sài Gòn sinh sống, thì tôi và anh ấy
mới chính thức là bạn đời của nhau!”.
Mối tình Đông Hồ
- Mộng Tuyết được thăng hoa qua chính tác phẩm của họ. Đông Hồ viết cho ngày
nên nghĩa phu thê với Mộng Tuyết: “Tuổi trẻ vui lây hồn thế hệ/ Đường chiều
thêm đẹp bước vân trình/ Thời gian dẫu đổi màu sương tuyết/ Ngan ngát còn thơm
mái tóc trinh”. Còn Mộng Tuyết dành cho Đông Hồ sự yêu thương và kính trọng hết
mực: “Còn anh, em chẳng làm thơ/ Có anh là sống giấc mơ tuyệt trần/ Yêu anh tự
kiếp tiền thân/ Gặp anh biết có được gần kiếp sau”. Tình thơ giữa Đông Hồ và Mộng
Tuyết đã biến mảnh đất Hà Tiên thành một địa chỉ văn chương, được nhiều nhân vật
cầm bút nổi tiếng thường xuyên lui tới. Chẳng hạn, những ngày thi sĩ Nguyễn
Bính ở Hà Tiên được nữ sĩ Mộng Tuyết ghi lại: “Mỗi đêm, dưới ánh hồng lạp, Bính
viết bốn năm trang thơ lục bát. Thời kỳ bấy giờ không dầu lửa. Ở tỉnh nhỏ, ai
cũng đốt bằng dầu dừa, dầu cá. Duy với Bính thì anh Đông Hồ phải dành trên Nam
Phong Tiểu Các cho Bính những ngọn hồng lạp để đêm hôm Bính làm thơ. Mỗi sáng
ra, Bính đem đọc cho chúng tôi nghe, bàn lại, cùng thưởng thức. Giữa lúc
đó, vào tiết Đoan Ngọ, theo tục lệ ở Hà Tiên, tôi nấu nước lá thạch xương bồ để
tắm gội. Bính thích ba chữ "thạch xương bồ", và lấy ba chữ đó đặt tên
cho tác phẩm đang khởi thảo của mình. Trong lúc sáng tác, Bính thường bảo
viết truyện thơ, tả cảnh tả tình không khó. Tự sự mới thiệt khó khăn. Bính nói:
"Mình có làm rồi mới biết văn tự bằng lục bát của Nguyễn Du quả là tài
tình. Người sau đố mà theo cho kịp". Bính sáng tác truyện "Thạch
Xương Bồ" được gần hai ba trăm trang. Tới lúc rời đi, thì chuyện mới chỉ
xong được một phần. Nếu Bính còn nằm ở Hà Tiên ít lâu nữa thì chắc chắn đã hoàn
tất được một quyển truyện diễn ca khá độc đáo. Bởi chúng tôi thấy khi đó Nguyễn
Bính viết rất hào hứng, rất dồi dào. Bính viết lục bát nhanh như văn
xuôi. Anh Đông Hồ và tôi tiếc vì tác phẩm chưa hoàn thành mà Bính bỏ đi, bỏ
dở dang thi uổng. Chúng tôi cố lưu Bính ở lại thêm một thời gian nữa mà Bính nhất
quyết ra đi. Bịnh giang hồ đã nổi dậy lên trong lòng người nghệ sĩ...”.
Đông Hồ và Mộng
Tuyết không có con chung với nhau. Những năm tháng ở Sài Gòn, Mộng Tuyết không
chỉ giúp Đông Hồ nuôi hai con gái, mà còn phụ Đông Hồ quản lý tạp chí Nhân Loại
và Yễm Yễm thư trang do ông sáng lập. Ngày 23-5-1969, khi đang đứng trên giảng
đường Đại học Văn khoa Sài Gòn để dạy cho sinh viên bài thơ “Trưng Nữ Vương” của
Ngân Giang, thi sĩ Đông Hồ đã bị đột quỵ và qua đời. Năm 1996, sau khi xây xong
“Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường” ở Hà Tiên trên nền nhà Trí Đức học xá cũ, Mộng
Tuyết bán ngôi nhà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận, TPHCM) trở về Hà
Tiên, sống ở đấy để ngày đêm hương khói cho Đông Hồ. Khi có bạn bè đến thăm, bà
thường chỉ vào ngọn núi Tô Châu trước mặt, nơi có mộ của nhà thơ Đông Hồ và
nói: Tôi sẽ về ở đó với anh Đông Hồ mãi mãi…”. Từ đó, đến khi mất vào ngày
1-7-2007, Mộng Tuyết không bước chân đi đâu xa, mà chỉ sống lặng lẽ với kỷ niệm
Đông Hồ xung quanh.
Bây giờ, Đông Hồ
- Mộng Tuyết không còn trên dương gian. Thế nhưng, mối tình của họ còn tồn tại
như những cảnh đẹp trên mảnh đất Hà Tiên. Nhà văn Nguyễn Đình Thi viết cảm tưởng
khi đến thăm Nhà lưu niệm Đông Hồ do Mộng Tuyết xây dựng: “Trong lịch sử văn học
mỗi nước, thường ghi lại những đôi thi nhân, vừa là người yêu, vừa là bạn thơ,
vừa là bạn đời. Trong văn học nước ta suốt một thời gian dài của thế kỷ 20, đã
ghi lại hình ảnh hai nhà thơ Hà Tiên mà những người yêu văn học cả nước đều biết
và quý trọng: Đông Hồ và Mộng Tuyết!”. Còn nhà thơ Huy Cận nhận xét: “Cặp thi
nhân Đông Hồ - Mộng Tuyết sẽ ở lại trong lịch sử thi ca Việt Nam như một mối
tình thơ đằm thắm, thủy chung, đã nhuốm chút màu huyền thoại…”./.