Lần nhận được mấy tờ bản tin, đặc san có ma -
két quảng cáo của công ty, Ca tính liếc qua lấy lệ, vì chữ nghĩa gì như rừng rậm,
chưa kể minh họa xanh đỏ tím vàng lòe loẹt, nào ngờ vấp phải mấy bài thơ ở
trang Văn nghệ khổ chủ bày ra cho xôm
tụ đủ hoa lá cành. Ca giật mình. “Ơ, thế này mà là thơ à. Vậy thì mình nôn cũng
ra thơ.”.
Mỗi khi nhậu, sưng sưng
lên mấy chiến hữu vẫn hay đọc câu sáu câu tám chọc mấy em tiếp viên đấy thôi.
Khác gì thơ này đâu nhỉ…
Nhà thơ cấp nước
Truyện ngắn VĂN
THÀNH LÊ
1.
Với que tăm sặc mùi hương liệu quế
trong tay, Ca đẩy qua đẩy lại, chọc ngoáy tung tẩy tanh tách giữa các kẽ răng. Thuần thục đầy khoái
cảm. Thoắt cái, lôi ra mẩu
lá hành xanh rì, mướt mát. Ngón cái và ngón giữa của Ca búng cái phật, mẩu lá
hành bay khỏi đầu que tăm tạo thành quỹ đạo parapol, rớt xuống trước mặt. Xanh
nhẫn nhục.
Ục…
ục… ực. Làm thêm hớp nước xúc miệng, Ca nói với ông bạn ngồi đối diện, đang vét những cọng
bún cuối cùng trong tô.
“Năm nay phải vào Hội trung ương ông ạ.”
Ông bạn nghe, giật mình ngước lên, tưởng
sặc bún và nước lèo. Hú vía, sợi bún chưa kịp leo ngược hướng lỗ mũi.
Ca nghĩ chán rồi. Dù thực ra không có
gì to tát để phải nghĩ nhiều đến thế. Là chuyện vào Hội trung ương. Hội trung ương
hay còn gọi là Hội cấp quốc gia. Quốc gia là đất nước, để ngắn gọn, từ đây xin
gọi là Hội cấp nước.
“Trong số hơn nghìn hội viên cấp nước,
khối tên chưa viết được như mình, thậm chí nửa câu thơ sạch nước cản tìm tróc mắt
không ra. Chẳng lý gì mà mình không thể vào.”
Ca tự kết luận thẳng băng với chính
mình như vậy.
Ông bà mình sống bầm sống dập mới đúc
kết được, rằng thời nào cũng vậy, xã hội nào cũng vậy, bao giờ người có chữ
cũng ít nhiều được trọng vọng kính nể. Có kinh tế thị trường đi chăng nữa, đồng
tiền đủ sức đè bẹp hay cưỡng bức nhiều thứ, nhưng chữ nghĩa vẫn có vị trí riêng
của nó.
Đã tiền lại thêm chữ thì còn gì bằng.
Nguyên cả Văn Miếu đất vàng rêu phong tôn nghiêm lừng lững cũng chỉ lưu dấu tên
những vị chữ nghĩa cả bồ thiên kinh vạn quyển chứ Võ Miếu có hay không và ở đâu
nào ai biết. Nhiều tiền tiêu sẽ hết. Không hết chết cũng chẳng mang theo được.
Cho con cháu chưa hẳn đã là hay. Tay phải làm hàm mới có cái nhai. Nhai mới thấy
ngon. Chúng phải tự nuôi chúng chứ lộc rơi lộc vãi sao sống cả đời.
Cái gì có thể sống mãi? Chữ. Chữ
nghĩa đi vào đầu rồi ngồi chễm chệ ở miệng lưỡi thế gian lại càng sống. Sống
nhăn là đằng khác. Dai như đỉa. Hai mấy chữ cái đấy, thế hệ này nối tiếp thế hệ
kia, học cho nát ra, viết cho nhuyễn đi, vật vã mãi đã hết đâu. Lâu lâu lại thấy
lũ trẻ bi bô thòi ra từ mới, từ lóng, đi cùng thời cuộc thời đại.
Chữ nghĩa vô cùng. Thơ phú lại càng
vô cùng hơn. Trước khi nhắm mắt xuôi tay mặc kệ tang gia bối rối mà kịp để lại
chữ cho con cho cháu thì nhất. Nghĩa là mình vẫn sống với con cháu. Mình chẳng
bao giờ chết. Là nói theo nghĩa nhân văn tâm hồn cao cả, không phải hiểu theo lối
sống sờ sờ hít vào thở ra sinh học thuần túy như người ít chữ.
Thuốc trường sinh là chữ chứ còn gì nữa
sao các vị bào chế thuốc cứ phải nhọc công tất tả lẫn bí hiểm kiếm tìm. Bao
nhiêu sách bao nhiêu chữ để lại con cháu banh chách ra học, hết phân tích đến
bình giảng lại qua phát biểu cảm nghĩ rồi bình luận, vẫn không hiểu hết được, từ
bao đời nay. Đấy. Chữ nghĩa thiêng vậy. Chữ nghĩa như có chân vậy. Bám víu lấy
cuộc sống qua đời đời kiếp kiếp. Bảo sao người ta không ham.
Ca nghĩ chán rồi. Khi nào Ca cũng nghĩ
“chán rồi”. Tiền Ca
không thiếu. Cơ ngơi Ca ngồn ngộn. Ngồi tính tiền còn mất thời gian và mệt hơn
làm thơ. Vợ Ca cũng không thiếu. Bồ nhí lại càng không thiếu nữa. Sao Ca cứ thấy
thiêu thiếu gì đó?
*
* *
2.
Mặc dù đã khoác áo doanh nhân thành đạt, nhưng mỗi khi
nhìn lại quá khứ Ca vẫn cảm giác tủi tủi hờn hơn sao đó. Như người ta thì bung xòe ra, cho thiên hạ khiếp. Đằng
này, Ca thường hay dấu nhẹm gốc gác củ chuối của mình.
Khi anh đứng trên cái nền thấp, xuất
phát điểm thấp, mà vẫn chạm đỉnh cao ngất ngưỡng, mà vẫn làm được những điều lớn lao, vươn tới được những vì sao, thì
thành quả của anh càng được ghi nhận tới tấp, được hả hê tung hô. Nhiều anh
khôn vặt còn tự hạ mình xuống thấp hơn nữa so với thực tế vốn dĩ để nén dư luận
đám đông xuống tạo thành phản lực đẩy mình lên cao hơn.
Trò trẻ con ấy Ca dư sức biết. Biết
nhưng cứ ngài ngại. Cứ thấy nó bân bẩn.
Có không bẩn thì dòng giỏi nhà Ca chẳng
sang và sáng được với ai. Ông nội là đinh cùng khố rách áo ôm, bị bắt đi lính
thuộc địa cho Pháp chết rục xương mãi xứ Tuynisi. Bố là anh thợ đấu vùng vẫy khắp
xứ Bắc, quanh năm suốt tháng thì thụp dưới ruộng dưới ao, hết đào đất đến bốc đất
gánh đất, sau chết trẻ do lao lực. Đến Ca học lén chữ mất chữ được thả trôi
mình cho dòng đời xô đẩy, lên Tượng xuống Tuất quăng quật miền Bắc đã trải miền
Trung đã từng, cuối cùng dạt vào Nam. Cắm cọc nhận đất hoang làm vườn làm rẫy.
Ai ngờ sau đường xá mở tứ tung xuyên
ngang xẻ dọc qua nhà. Tiền đền bù giải tỏa. Đất mặt đường cò bay mỏi cánh. Thời
buổi trắng đen lẫn lộn, vàng thau lộn lẫn, mọi thứ sập xí sập ngầu, chụp giật
thắng lợi nhờ ăn may là nhiều. Chẳng mấy chốc từ cò đất Ca thành đại gia bất động
sản.
Có tiền mồm miệng như có gang có thép
như có lửa có phép. Ca lên vù vù như tên lửa hành trình. Vinh quy bái tổ, lục lại
gia phả mới ngả ngửa ông tổ hành nghề tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành, nói
toẹt ra là ăn mày.
Dòng tộc Ca là vậy. Bần cố nông tận cùng không thể tận
cùng hơn. Ca tung tiền xây lại nhà thờ họ. Trang hoàng lộng lẫy xa hoa hơi hướng
Tàu. Màu mè hơn nữa là bảng họ tên Ca công đức cho nhà thờ ngay cổng vào rồng
bay phượng múa sư tử chầu hổ phục. Ca cho làng cho xã tiền làm đường. Bê tông lạnh
lẽo mùa đông nực nồng mùa hạ. Cỏ xanh cây cối quang đãng tìm đường quy tiên.
Làng nước sáng mắt. Một tấc lên đến chị Hằng chú Cuội. Như lần đầu tiên thấy
ánh dương trời.
Riêng mấy cụ cao niên còn sót chút chữ
thánh hiền cười tủm tỉm, nói lắm tiền rồi cũng hết, cái chữ nó mới bền. Ca giật mình. Này thì
chữ! Vậy Ca chơi chữ chứ
khó gì… Thương trường đánh Đông dẹp Bắc Ca còn không ngán. Chứ chữ nhẹ hều như
lấy tiền từ túi ra.
*
* *
3.
Trước. Mỗi lần nhìn thấy chữ mắt Ca nổ
hoa cà hoa cải. Chữ nghĩa bò lổm ngổm trên giấy phát ngán như thứ gì đó vô hồn,
thậm chí vô tổ chức vô chính phủ. Ca không đủ tự tin lãnh đạo với chỉ huy mớ chữ
nghĩa của chính mình.
Ca có thể quát đám đàn em dưới trướng
ra rả xuống bỗng lên trầm bằng giọng nam cao trời phú đầy thăng hoa, nhưng động
tác trải tâm tư ra kí tự trên giấy thì, vả mồ hôi vẫn chữ tác chữ tộ giẫm đạp
lên nhau chẳng thành hàng lối không ra câu cú. Viết lách là cực hình. Khổ hơn
cõng vợ lội đường qua mấy mẫu đất đến trạm xá chờ vượt cạn.
Thế mà giờ Ca làm thơ. Chữ nghĩa tuôn
ào ào như hồ thủy điện xả lũ bất đắc dĩ vì rừng rỗng ruột sạch bách cây không
giữ được nước.
Lỗi rừng bị rút ruột theo chiến thuật
khoét lục phủ ngũ tạng bên ngoài xanh tươi thì ai cũng rõ? Còn Ca làm thơ không
hẳn ai cũng biết.
Chuyện là. Hơi ngược đời. Xưa nay ngoài nhìn vào
người ta nghĩ quảng cáo với truyền thông là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp.
Có những ông lớn môi trường kinh doanh không cần ầm ĩ, mạng lưới phát triển
không phụ thuộc vào đám đông lố nhố, làm ăn lớn nghĩa là cứ im mà làm cứ im mà
ăn. Họa hoằn lắm ông nào gặp sự cố nguy cơ phá sản dãy chết mới cần lấy le đánh
bóng niềm tin thì nhờ truyền thông đỏng đảnh hà hơi tiếp sức.
Đồng ý là có những loại hình kinh
doanh không thể tách rời truyền thông dọn đường đưa sản phẩm ra thị trường, mở
rộng thị trường. Dẫu gì thì chân lý vẫn là tôi cần anh tôi tự vác xác đến. Đằng
này, truyền thông lại đi xin, chỉ khác mặc áo vest đi xin, quả là chiêu độc.
“Báo cáo anh. Giai phẩm xuân bên em
đã có sự đồng ý của Ủy ban.”
“Báo cáo bác. Bên em đang làm số đặc
san kỷ niệm ngày thành lập ngành, đã có sự đồng ý của Tỉnh ủy.”
“Báo cáo anh. Em đang làm số bản tin thường kỳ của
ngành…”
Vẫn biết quảng cáo thật sự phải tìm
các kênh có số đông người quan tâm còn chẳng ăn ai. Đằng này giai phẩm với đặc
san, rồi bản tin, lũ lượt lưu hành nội bộ, đến nội bộ cũng chẳng ai buồn để mắt
vì khác nào tờ báo tường thế kỷ trước. Khổ nỗi tên các cốp to oành ký đàng
hoàng, dấu đỏ lóa mắt. Không ủng hộ khác nào chống ý các cụ ở trên, còn đường
nào làm ăn, sao dám tay bắt mặt mừng mỗi dịp cần.
Bản tin, đặc san, giai phẩm làm theo
mùa, giấy phép xuất bản ở địa phương quy định không được làm quảng cáo. Nhưng
chính đơn vị cấp giấy phép cũng ra tập san im ỉm làm quảng cáo thì trăm hoa đua
nở là chuyện thường. Đóng cửa bảo nhau ai biết đó là đâu.
Đơn vị nói kiếm miếng đã. Doanh nghiệp
tặc lưỡi xem như thêm hình thức tra dầu mỡ cho công việc dễ chạy khi cần. Tình
cảm. Tình cảm cụ thể hóa bằng hiện kim. Anh em dựa vào nhau mà sống. Chia bùi sẻ
ngọt.
Lần nhận được mấy tờ bản tin, đặc san
có ma - két quảng cáo của công ty, Ca tính liếc qua lấy lệ, vì chữ nghĩa gì như
rừng rậm, chưa kể minh họa xanh đỏ tím vàng lòe loẹt, nào ngờ vấp phải mấy bài
thơ ở trang Văn nghệ khổ chủ bày ra
cho xôm tụ đủ hoa lá cành. Ca giật mình. “Ơ, thế này mà là thơ à. Vậy thì mình
nôn cũng ra thơ.”
Mỗi khi nhậu, sưng sưng lên mấy chiến
hữu vẫn hay đọc câu sáu câu tám chọc mấy em tiếp viên đấy thôi. Khác gì thơ này
đâu nhỉ. Da diết nhẹ nhàng có “Nhớ em bồi hổi bồi hồi/ Hết đi đến đứng rồi ngồi
không yên”. Hảo hán trượng phu có “Anh đi cùng biển cuối trời/ Thân tàn ma dại
chẳng rời em đâu”. Dân dã hiện sinh có “Thịt cầy phải có mắm tôm/ Vắng em anh
thấy cái mồm vô duyên”… Vần vèo như ai. Hơn khối thơ lục bát gieo trật lất vần,
đọc tức anh ách, như ăn sơn hào hải vị lại dính sạn.
Được đà, Ca lục lại trí nhớ, còn nhúm
chữ, chắp chắp ghép ghép như lai ghép thực vật, sinh sản vô tính. Thông như ai,
cũng vần cũng vè. Ô! Một trò thư giản. Thoải mái thật. Thơ đấy. Chả phải là mọi
người, về cơ bản, khi sinh ra đều có những khả năng tiềm ẩn như nhau, quan trọng
là có biết đánh thức tiềm năng ấy sống lại hay không. Hình như có ai đó, uyên
bác lắm, nói vậy.
Thơ cũng là tiềm năng. Ca vò đầu bứt
tóc cho chữ rơi ra. Thơ phú văng tóe tung, bay như muồm muỗm mùa gặt.
*
* *
4.
Đến hẹn lại lên. Mấy tờ bản tin, tập
san, đặc san, giai phẩm lại đến.
“Ô kê. Anh em một nhà. Gì chứ bác
luôn nhớ chú. À mà bác học đòi có mấy bài viết. Chú xem có nhét vào góc nào của
bản tin cho thêm phần phấn khởi được không?” Ca hồ hỡi nói.
“Có gì cứ góp ý thẳng. Không cả nể
nhé.” Ca rộng rải tiếp.
“Ôi, quý hóa quá. Sao bác nói thế.
Bác cho bọn em chút chữ rơi chữ rớt của bác là bọn em mừng hết lớn rồi.” Cậu lơ
quảng cáo như bắt được vàng.
“Những anh làm ăn được, tư duy kinh tế
tốt thì văn chương cũng có chất riêng, hay làm nên chuyện. Chứ chính dân văn
làm văn nó cứ nhàn nhạt nhèo nhuột vì viết gì cũng sợ, cũng nghĩ là thiên hạ viết
hết rồi bác ạ.”
Cậu lơ quảng cáo miệng không vành và
lưỡi không xương nên nói dẻo quẹo. Ca ngất ngây nghe.
Ăn bao tiền quảng cáo của người ta,
giờ có bài thơ bé tin hít chưa bằng bàn tay không in thì còn ra thể thống anh em gì. Quảng cáo lần trước lần
này còn lần sau và những lần sau sau nữa. Chữ nghĩa yếu quá thì làm vài động
tác giả gia công lại cho nhuận sắc hơn. Hoặc không thể hơn thì vẫn chẳng sao.
Làm bản tin chủ yếu để kiếm nguồn thu tế nhị từ quảng cáo của các doanh nghiệp,
chứ có mấy người ngó ngàng nội dung.
Vậy là Ca có thơ lên bản tin.
Bản tin này nối tiếp đặc san kia rồi
giai phẩm kìa. Tác giả Vũ Thi Ca. Lúc này Ca mới giật mình. Tên Ca là để giành
cho thơ. Thời đói khát một chữ bẻ đôi còn nói ấp úng, bố mẹ đặt một loạt Chum,
Vại, Ca, Cốc, Bát, Đũa… Vũ Văn Ca. Khi in thơ được biên tập góp ý, thành Vũ Thi
Ca. Thi Ca mới là thơ. Ô hô,
bao nhiêu năm vác chữ “Văn” mà chả văn chương nước mẻ gì, bỏ quách “Văn” thành
“Thi”, Thi Ca, là như trở về với chính mình.
*
* *
5.
Tên Vũ Thi Ca xuất hiện đều đặn trên
trang thơ ở các bản tin, đặc san, giai phẩm rồi tiến đến các báo, tạp chí văn
nghệ trong tỉnh. Tần xuất đều như vắt chanh, nhanh như điện giật. Thành hiện tượng
thơ của tỉnh nhà.
Tiến thêm bước nữa, thơ Vũ Thi Ca có mặt ở các tuyển tập văn chương. Những tuyển tập
được thực hiện theo kiểu góp gạo thổi cơm chung, rau cháo thương nhau. Tuyển tập
khéo léo trộn lẫn các nhà thơ lớn của dân tộc, từ trung đại đến hiện đại rồi
đương đại với những người như Vũ Thi Ca. Chu choa là mát mặt và vinh dự. Vũ Thi
Ca ngồi cùng mâm cùng chiếu với những cụ Nguyễn Trãi, Chu Mạnh Trinh, Mãn Giác
Thiền Sư, rồi Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, rồi Tản
Đà, Tú Xương, Hàn Mặc Tử v.v…
Ca hào phóng mua số lượng lớn các tuyển
tập để tặng bạn bè thi hữu nên được người biên soạn ưu tiên cho in nhiều bài nhất
trong tập. Rồi tên Vũ Thi Ca lại được xướng lên ở lễ trao giải các cuộc thi. Hỏi ra
mới biết đấy là cuộc thi do mấy tên buôn chữ bán thơ đứng ra tổ chức. Các tác
giả vào giải phải đóng tiền để ban tổ chức làm giải và in tuyển tập thơ cho cuộc
thi. Cách thức tổ chức đầy chất… thơ.
Không lâu sau, người ta thấy ở bất kể
các buổi lễ, sự kiện của công ty, trong túi xách quà tặng ngoài những thứ như
thông lệ còn có thêm cuốn thơ dày cỡ nửa gang tay, bìa cứng, với tựa rất lẫm liệt,
Vẻ đẹp hồi sinh.
Vẻ đẹp hồi sinh dày dặn, nặng trình trịch, ai yếu tay hay lơ đãng cầm không khéo để rơi
xuống chân có thể bầm dập chảy máu như chơi, hoặc để trên giá sách mà rớt vào đầu
chấn thương sọ não là điều không phải bàn cãi.
Mớm vào tập thơ có tác giả tên tuổi
viết lời tựa đón đầu, cuối tập thơ có học giả tiếng tăm viết lời bạt nâng đít.
Một phần ba tập thơ là phụ lục in các ca khúc phổ thơ Vũ Thi Ca, đều là tên tuổi
nhạc sĩ khắp nơi ca hát. Lời bạt lời tựa khẳng định một tầm vóc một bản lĩnh một
nội lực một trường phái thơ Vũ Thi Ca. Ca khúc phổ thơ chấp cánh cho thơ bay
cao bay xa lả lướt hơn để đi vào lòng người.
Tất nhiên, trước khi các đại biểu cầm
quà ở sự kiện/ trong hội nghị, ai ai cũng đã được nghe các ca khúc ấy phổ thơ.
Hay dở thế nào chưa dám khẳng định. Có điều chắc chắn đó là ca khúc phổ thơ Vũ Thi
Ca chứ thuộc và hát được thì không. Không sao. Thời gian sẽ thẩm thấu tất cả, từ
từ. Nghệ thuật càng vậy. Không thể nhanh ẩu đoảng. Không thể đốt cháy giai đoạn.
Với nghệ thuật đích thực, thời gian là thứ lửa tốt nhất. Người ta nói thế. Ca
thấy đúng lắm.
Vũ Thi Ca tiến xa hơn bước nữa. Hội
ghị, diễn đàn này nọ, các chương trình văn nghệ luôn có tiết mục hát những ca
khúc phổ thơ Vũ Thi Ca. Nhiều nhạc sĩ giúp ca từ trong thơ Vũ Thi Ca đi vào nhiều
dòng nhạc nhiều thể loại. Từ ông ổng giật cục đến gào thét rên rỉ hay lả lướt ỡm
ờ. Các em xinh tươi lên sân khấu hát thì ít ngoáy đít thì nhiều tiếng vỗ tay
ràn rạt vang lên. Không hiểu tiếng vỗ tay dành cho ca khúc phổ thơ Vũ Thi Ca hay dành cho vòng một vòng ba nóng hôi hổi nhờ phẫu thuật bơm vá của mấy em
phong nhũ phì đồn.
Đến tập thơ thứ hai Tiếng lòng bất tử còn “bất tử” hơn. Vũ
Thi Ca tự tổ chức hội thảo thơ cho riêng mình. “Hành trình thơ Vũ Thi Ca, từ Vẽ đẹp hồi sinh đến Tiếng lòng bất tử.” Quy tụ nhiều tên tuổi trên văn đàn với các tham
luận rình rang trống kèn tiền hô hậu ủng. Sự hiện diện của mỗi vị được đảm bảo
bằng những phong bì nặng tay.
Cụ Tản Đà ơi, sao cụ bảo văn chương hạ
giới rẻ như bèo. Ở hội thảo thơ Vũ Thi Ca văn chương đắt lắm cụ ạ. Văn đàn chấn
động. Truyền thông được dịp lu loa. Mặt vị nào vị nấy hả hê thỏa mãn, như thể
lâu lắm rồi đất nước mới xuất hiện một kỳ tài thơ phú. Tổ đãi tổ đãi. Kiểu này
chẳng mấy chốc nhà mình có Nobel văn chương.
Trên card vidit của Ca một mặt đề
doanh nhân tổng giám đốc, mặt còn lại là Thi nhân Vũ Thi Ca. Đối nhau đều chằn
chặn. Chẳng biết từ đâu, có người rỉ tai nhau thơ Vũ Thi Ca gọi nhanh là thơ Vũ
Ca, nói ngược lại là Thơ vả cu. Chuyện đến tai Ca. Giận tím người. Biết ngay
mà. Chỉ kẻ ghen ăn tức ở, ngày rặn tái mặt như bị kiết lị không ra nửa chữ mới
ném đá sau lưng thế.
Ở đời, cứ hơn người là kiểu gì cũng bị
đè xuống, dè bỉu. Thời nay nó thế. Đời này nó thế. Nghĩ vậy Ca đỡ khó chịu hơn.
Đã vậy ta vào hẳn Hội cấp nước cho biết tay. Chứ Hội địa phương toàn những lão đương phịa, chỉ tổ quen thói thọc gậy bánh
xe với gắp lửa bỏ tay người.
*
* *
6.
Hiện tượng thơ Vũ Thi
Ca lên cao đỉnh điểm khi Ca cho xây dựng Thạch Thi Viên.
Khuôn viên rộng mười
nghìn mét vuông. Kiến trúc thập cẩm Đông – Tây kết hợp. Một chút Tàu một chút
Trung Đông một chút Ý một chút Pháp. Lọt giữa mớ hổ lốn kiến trúc là đá. Bạt
ngàn các thể loại đá được đưa từ khắp nước về. Đá Thanh Hóa. Đá Nghệ An. Đá Đà
Nẵng. Đá Ninh Bình. Đá Hà Giang. Đá Quảng Bình. Đá Bình Định. Đá Ninh Thuận… Trắng.
Xanh. Đen. Đỏ. Nâu... Trên ấy là thơ. Bạt ngàn thơ. Đá kèn cựa thơ. Thơ bức tử
đá. Những giọt thơ tinh túy của nhân loại được chưng cất qua thời gian. Những
Tagor, Neruda, Aragon, Rimbaud, Verlaine, Basho, Puskin, Esenin, Evtusenko, Đỗ Phủ, Lí Bạch… được tập hợp, điểm danh. Ngổn ngang
và nghiêng ngả. Việt Nam chỉ đóng góp hai đại diện, là Nguyễn Du và… Vũ Thi Ca.
Lần nào cũng vậy, mọi
người thuộc quá rồi. Ca dẫn khách đi một vòng khuôn viên, giới thiệu:
“Đoạn này kiến trúc
Tàu nên dĩ nhiên là Đỗ Phủ, Lí Bạch. Bên kia là kiến trúc kiểu Pháp nên thơ
tình lãng mạn. Người Pháp thì lãng mạn bậc nhất thế giới rồi. Còn khu này thuần
Việt nên phải là lục bát, mà lục bát ngoài Nguyễn Du chỉ có thể là Vũ Thi Ca.
Không lẫn lộn được. Điểm cao nhất trên kìa là lầu vọng nguyệt. Uống trà ngắm
trăng và ngâm thơ. Ngang đấy nữa sẽ là nơi đặt mộ mình sau khi mình chết. Mình
nói với con cháu rồi. Lúc mình chết đi thì có thể biến cơ ngơi này thành địa điểm
tâm linh, phát triển văn hóa du lịch được chứ chả đùa.”
Thạch Thi Viên thành
nơi diễn ra các cuộc hội ngộ văn chương theo cách của Ca. Những ông lớn được Ca
long trọng mời. Theo kiểu được ăn được nói được gói mang về. Bằng cách nào đó,
chỉ Ca hiểu, các sa lon thơ nhạc được tổ chức ở Thạch Thi Viên, chủ yếu xoay
quanh các sáng tác của Vũ Thị Ca đều có sự hiện diện của các phóng viên báo,
đài.
Nhiều vị đến một lần
rồi lè lưỡi lẳng lặng không thấy trở lại lần hai. Sợ như thằn lằn sợ nắng ngày
Tết Đoan Ngọ. Nhưng nhiều vị vẫn lối cũ ta về. Quen hơi bén mùi thấy bùi ăn
mãi. Tiếng Thạch Thi Viên ngày một lan ra, bay lên, cao hơn, xa hơn, nhanh hơn.
Mới nghe qua, ngỡ thơ Ca như vận động viên điền kinh.
*
* *
7.
Trở lại chuyện Ca
tính vào Hội cấp nước.
Thực ra Ca chẳng lạ gì Hội cấp nước.
Khối tên tuổi ở Hội vẫn hay về thành phố này chơi.
Thành phố du lịch biển. Đẹp miên man
mơ màng mê mãi. Có nguyên nhà sáng tác to đùng của Bộ dành cho những nghệ sĩ về ăn nằm dầm dề
để đẻ ra những quả trứng vàng tác phẩm. Là lý thuyết thế. Trứng vàng hay trứng
ung còn tùy. Vì đa số thấy các cụ suốt ngày tập trung chuyên môn ngắm đùi thiếu
nữ và tập dưỡng sinh mong kéo dài thêm vài tuổi để thêm thời gian tiếp tục ngắm
đùi thiếu nữ được ngày nào mừng ngày ấy.
Chính nhờ nhà sáng tác mà Ca gặp khối
cây đa cây đề cấp nước. Hóa ra không phải ai cũng đa đề như người ngoài nghĩ. Đọc
sách báo nghĩ mấy cụ là thánh tướng, là cõi trên, là… đại nhầm. Người trần mắt
thịt cả, khối anh ăn tục nói khoác, khối anh thích ngắm thích sờ thích ve thích
vuốt. Mấy thứ ấy Ca có thừa, là bản chất là máu thịt là xương tủy trong người.
Vậy hội viên cấp nước có gì không được?
Ngồi vỉa hè trà dư tửu hậu, người rỉ
tai người, Hội cấp nước vào cuối năm cứ gọi là sôi sùng sục như nồi nước dùng
làm phở trên bếp than tổ ong. Điện thoại réo rắt cả ngày đến các vị trong ban
chuyên môn, là nơi xét vòng sơ loại và những vị trong ban chấp hành chấp tỏi,
là nơi xét vòng chung kết. Người người vào ra nườm nượp, chân xoắn lại, mắt liếc
ngang liếc dọc vừa như chủ vừa như kẻ trộm. Đông lắm. Đông kinh lên được. Đa số
sồn sồn hoặc sắp lên lão. Vớ được ai trong cơ quan là như bắt được vàng, túm lại
bắn liên thanh vài bài thơ trang trọng tâm đắc để đời, xin góp ý, rồi hỏi vỗ mặt
liệu đủ chất vào Hội cấp nước không? Giọng đọc dẫu phều phào vẫn cố. Khổ cho mấy
cái răng lung lay cứ chực rơi ra.
May là cơ quan nhà nước nên không được
nuôi chó. Không thì mỗi khi có người lạ, chó lại cắn, chắc đến đứt hơi, nổ phổi
mà tử nạn. Lúc ấy phải tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật cho
cả cún thì nguy. Đấy là chuyện ban ngày ban mặt, chuyện mắt thấy tai nghe. Còn
nhiều chuyện tai nghe mắt không thấy nữa.
Ví như có cụ ở địa phương nào đó nhảy
dù ra cấp nước dò dẫm đi hết ủy viên này đến ủy viên khác. Gặp ai cũng một câu
“Em biết thân biết phận, thơ em chưa đến cấp nước được, nhưng trót dại làm đơn,
lại qua vòng sơ loại rồi. Em xin bác một phiếu ở vòng chung kết cho nó đỡ tủi.
Em biết mỗi bác thôi. Một phiếu chẳng bỏ bèn gì. Chẳng đủ để vào. Là an ủi vậy.
Chứ trắng phớ không được phiếu nào nó khó coi.”
Lời nói gió bay. Phong bì trao tay ở
lại. Rượu ngoại uống say. Ủy viên tắc lưỡi, chẳng sao. Một phiếu của mình làm
được gì. Ít nhất tay ấy cũng là người có tâm với thơ, nhiệt tình với thơ. Ai nỡ
từ chối người nhiệt tình, người có tâm. Một phiếu có là gì. Khi kiểm phiếu mới
tá hỏa, bỏ mẹ, hóa ra lão gặp tất cả chứ không phải mình mình.
Nghiễm nhiên Hội cấp nước nhiệt liệt đón chào thêm
thi sĩ lớn nữa nhập Hội. Thi sĩ lớn vác thẻ hội viên như vác bảo bối về quê mổ
lợn khao cả làng no say chè chén suốt ngày thâu đêm. Hơn trạng nguyên bảng nhãn
thám hoa vinh quy bái tổ thuở nào. Thẻ hội viên được đặt trong khay trải vải đỏ
bưng ra trang trọng, tuyên bố lý do đọc thêm vài câu thơ con cóc, rồi lần lượt
rước thẻ như lệnh bài cho mỗi người hôn lên như nghi thức quái đản mà chỉ lão mới
nghĩ ra được.
Đấy. Đơn giản có vậy. Phen này nhất định
phải vào Hội cấp nước. Ca quyết rồi. Cho mấy lão tức ói máu chơi. Đưa về quê
cho cả làng lác mắt.
Người làng vẫn mặc định Ca là anh ăn
to vác nặng một chữ bẻ đôi ấm ớ, đổi đời nhờ trúng quả chứ giỏi giang gì. Thì
nhé. Nhà thơ cấp nước nhé. Từ thuở khai thiên lập địa làng đã có ai thi sĩ
chưa? Còn khướt. Đại học cao học thậm chí tiến sĩ đã có, thi nhân thì chưa, nhà
thơ cấp nước càng chưa. Có mỗi ông lão viết câu đối cuối làng, giờ chuyển sang
in câu đối mừng thọ câu đối đám tang.
Rồi Ca sẽ là anh hay chữ nhất làng.
Nhà thơ là làm xiếc với chữ chứ hay chữ nhằm nhò gì. Tiến sĩ cử nhân nhà báo
này nọ cũng thua nhà thơ cấp nước, nhé!
Quyết rồi đấy. Ca sẽ rồng rắn lai
kinh.