Giải thưởng của Nguyễn Ngọc Tư cho thấy viết một câu chuyện Việt, dù trong bối cảnh văn chương mất cân bằng như hiện nay, vẫn là một hành động có ý nghĩa. Giải thưởng này không chỉ vinh danh Nguyễn Ngọc Tư và những người bạn (hai dịch giả Günter Giesenfeld và Marianne Ngo) đã giúp Cánh đồng bất tận trải dài sang tận xứ sở của Goethe, mà còn phết một chút lạc quan lên bức tranh u ám của văn học Việt. Có thể sau này những đơn vị làm xuất bản hoặc những hiệp hội văn chương sẽ để tâm hơn đến việc "xuất khẩu" các tác phẩm của chúng ta sang tiếng nước ngoài, bởi rõ ràng giữa muôn vàn nền văn hóa khác nhau, những câu chuyện đặc thù về Việt Nam vẫn được độc giả quốc tế quan tâm đón nhận.



Đã lâu lắm rồi chúng ta mới lại có thêm một cây bút văn xuôi đoạt giải thưởng văn học của nước ngoài: nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải LiBeraturpreis 2018 do LitProm sáng lập và trao tặng. LitProm là tên của Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt, Đức. Tác phẩm được chọn là Cánh đồng bất tận (Endlose Felder)do hai dịch giả Günter Giesenfeld và Marianne Ngo chuyển ngữ sang tiếng Đức.
Có lẽ trong ký ức của nhiều người đọc thì người được vinh dự này gần đây nhất lại là một nhà văn đã ngừng viết - Nguyễn Huy Thiệp. Năm 2008, ông đoạt giải Premio Nonino của Ý, có 3 đầu sách được dịch tại đất nước này là Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát (khi dịch sang tiếng Ý được đổi tên là Những ngọn gió từ Việt Nam) và Muối của rừng.
Văn học Việt Nam trong tiềm thức nhiều người vẫn là một lựa chọn thứ hai. Người ta không thấy lý do để đọc cũng như ủng hộ những cây bút viết bằng tiếng Việt, trong khi quá nhiều tác phẩm văn học dịch có chất lượng xuất hiện đều đặn mỗi năm. Sự mất cân bằng không chỉ ở số lượng những tác phẩm trong nước và nước ngoài, nó còn nằm ngay ở nội tại văn chương được viết bởi nhiều cây bút trẻ hiện nay. Họ là những người thừa hưởng nhiều hơn hẳn những kiệt tác văn chương của thế giới, nhưng ở trong tác phẩm của mình, con người Việt, bối cảnh Việt và lời nói của những nhân vật mang tên rất đặc trưng Việt Nam ấy lại hoàn toàn cứng nhắc và xa lạ. 
Một điều khó hiểu hơn nữa là với vốn đọc tưởng chừng đa dạng như thế, nhưng chúng ta hoàn toàn không thấy một bài tiểu luận thuyết phục nào. Thực chất với một người đọc lớn: Proust không chỉ là dài, Kafka không chỉ là phi lý, Kundera không phải chỉ có lưu vong...
Văn chương ở trong trang sách, văn chương cũng ở ngoài kia. 
Nguyễn Ngọc Tư khi viết tập truyện đầu tay Ngọn đèn không tắt và kể cả khi bắt đầu viết Cánh đồng bất tận chỉ dựa hầu hết vào nguồn vốn có sẵn là mớ rau muống sau nhà, con đường đến chợ, ông bán kem, đàn vịt...  Sự hiểu biết rằng những tên tuổi lớn đã định hình không cản nhà văn miền Tây này viết những dòng chữ của chính cô, xét cho cùng, mỗi vùng đất đều có đủ dinh dưỡng để nuôi lớn một nhà văn có thể đại diện cho chính nó.
Giải thưởng của Nguyễn Ngọc Tư cho thấy viết một câu chuyện Việt, dù trong bối cảnh văn chương mất cân bằng như hiện nay, vẫn là một hành động có ý nghĩa. Giải thưởng này không chỉ vinh danh Nguyễn Ngọc Tư và những người bạn (hai dịch giả Günter Giesenfeld và Marianne Ngo) đã giúp Cánh đồng bất tận trải dài sang tận xứ sở của Goethe, mà còn phết một chút lạc quan lên bức tranh u ám của văn học Việt. Có thể sau này những đơn vị làm xuất bản hoặc những hiệp hội văn chương sẽ để tâm hơn đến việc "xuất khẩu" các tác phẩm của chúng ta sang tiếng nước ngoài, bởi rõ ràng giữa muôn vàn nền văn hóa khác nhau, những câu chuyện đặc thù về Việt Nam vẫn được độc giả quốc tế quan tâm đón nhận.
Giải thưởng, nhất là giải cho riêng một tác phẩm, đương nhiên không phải là thước đo chuẩn xác lao động đường dài của một nhà văn, nhưng đó là một khích lệ đáng kể, cho cả những quyển sách sắp tới của Nguyễn Ngọc Tư cũng như cho nhiều tác phẩm văn học của những cây bút khác, vốn dĩ đang thao thức nằm chờ để được chuyển mình sang tiếng bạn!


HUY HUỲNH – Tuổi Trẻ