Vinh quang thế giới đến với Paustovsky ngay từ giữa thập niên 1950, khi ông được phép đi sang các nước châu Âu. Nhà văn Nga đã đến Bungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Thụy Điển, Italia, sau đó qua Paris, Athen và các thành phố nước ngoài khác. Tài năng của nhà văn Nga từng đã được nữ diễn viên huyền thoại người Đức Marlene Dietrich (1901 – 1992) đánh giá cao, truyện ngắn “Bức điện” của Paustovsky đã để lại cho bà ấn tượng “chưa có truyện nào, tên tuổi của một nhà văn nào mà tôi chưa bao giờ nghe thấy lại khiến tôi không thể quên được như vậy”.



VÌ SAO PAUSTOVSKY BỊ “TƯỚC” GIẢI NOBEL

Nhà văn Nga- Konstantin Paustovsky (1892 – 1968), chứng nhân của ba cuộc chiến tranh và hai cuộc cách mạng, bậc thầy của thể loại phong cảnh văn học và văn xuôi tâm lý, người có biệt danh “Tiến sĩ Paust”.
*
Một thiên tài ngoài đảng
Hiện nay các truyện vừa và truyện ngắn của Paustovsky đã được đưa vào chương trình môn văn của các lớp trung học. Nhưng khi lần giở các trang văn của ông các học sinh vị tất đã biết rằng tác giả của chúng không chỉ là nhà văn được đọc nhiều nhất ở Liên Xô (theo điều tra xã hội học năm 1963), mà còn là tấm gương về sự tử tế và công bằng.
Dưới thời toàn trị của Stalin, Paustovsky không hề viết một dòng nào về “người bạn và lãnh tụ vĩ đại”, ông không bao giờ là đảng viên, là đại biểu của các loại xô viết khác nhau và thậm chí không ký vào một đơn thư nào vu khống ai. Ngược lại, năm 1967 tác giả truyện “Bánh mì nóng” còn ủng hộ bức thư của Solzhenitsyn đòi bãi bỏ sự kiểm duyệt các tác phẩm văn học. Cùng với Kornei Chukovsky ông đã lên tiếng bảo vệ hai nhà văn Andrei Sinyavsky và Yuri Daniel bị kết án vì tội in tác phẩm ở phương Tây. Và khi đã ốm nặng ông vẫn gửi một bức thư đến Alexei Kosygin (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô) đề nghị không cách chức đạo diễn chính của Nhà hát Tagank Yuri Lyubimov: “Đây là những lời của Paustovsky đang sắp chết nói với anh. Tôi van anh đừng giết chết những giá trị văn hóa của đất nước chúng ta. Nếu anh bãi chức của Lyubimov, nhà hát sẽ sụp đổ, một sự nghiệp to lớn sẽ bị chết”. Nhờ thế lệnh cách chức đã không được ký.
Đáng tiếc, những chiến công nhỏ bé ấy của nhà văn nổi tiếng đã để lại cho ông những hậu quả. Paustovsky bị “bỏ qua” tất cả các giải thưởng và phần thưởng quan trọng, còn đến năm 1965 thì ông bị “tước” giải thưởng chính – giải Nobel văn chương.
Đến nay ai cũng đã biết việc Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan đã đề cử Paustovsky nhận giải thưởng danh giá này, nhưng chính phủ Liên Xô đã tìm mọi cách để Ủy ban Nobel bãi bỏ việc đề cử ông. Sau đó giải đã được trao cho “nhà văn của đảng” Mikhail Sholokhov.
Thư ký văn học của Pautovsky là Valery Druzhbinsky kể rằng trước hôm trao giải, ở Italia và Thụy Điển người ta đã chuẩn bị xuất bản một tập sách của Paustovsky trong tủ sách “Nobel”. Ông đã có trong tay mấy bản in thử của ấn phẩm này.
Trong sách “Từ điển văn học Nga thế kỷ XX” nhà Slave học nổi tiếng người Đức Wolfgang Kasack đã viết về chuyện này như sau: “Kế hoạch trao giải Nobel cho K. Paustovsky năm 1965 đã không diễn ra, bởi vì chính phủ Liên Xô bắt đầu đe dọa trừng phạt kinh tế đối với Thụy Điển. Và bằng cách như thế thay cho Paustovsky giải thưởng đã được trao cho viên chức văn học xô viết nổi tiếng M.Sholokhov”.
*
Mong ước của Dietrich
Vinh quang thế giới đến với Paustovsky ngay từ giữa thập niên 1950, khi ông được phép đi sang các nước châu Âu. Nhà văn Nga đã đến Bungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Thụy Điển, Italia, sau đó qua Paris, Athen và các thành phố nước ngoài khác.
Tài năng của nhà văn Nga từng đã được nữ diễn viên huyền thoại người Đức Marlene Dietrich (1901 – 1992) đánh giá cao, truyện ngắn “Bức điện” của Paustovsky đã để lại cho bà ấn tượng “chưa có truyện nào, tên tuổi của một nhà văn nào mà tôi chưa bao giờ nghe thấy lại khiến tôi không thể quên được như vậy”. Năm 1964 trong chuyến lưu diễn đến Moskva, bà mong muốn nhất là gặp được thần tượng của mình và bà đã sung sướng thỏa được ước mong. Những bức ảnh chụp cuộc gặp gỡ huyền thoại này ghi lại cảnh người nữ diễn viên biểu tượng sexy của thế kỷ XX quỳ gối hôn tay nhà văn xô viết đã gây chấn động và bay nhanh khắp thế giới.
Dietrich đã dành hẳn một chương trong cuốn tự truyện của mình kể về cuộc gặp đó với Pautovsky tại Nhà Văn học Trung tâm. Bà viết: “Khi buổi diễn kết thúc, tôi được yêu cầu đứng lại trên sân khấu. Và bất ngờ Pautovsky từ dưới bước lên theo các bậc thang. Sự có mặt của ông khiến tôi bàng hoàng đến độ không thể thốt ra được một lời tiếng Nga nào, không tìm thấy cách nào khác biểu thị sự ngưỡng mộ của mình ngoài việc quỳ gối trước ông… Tôi không chắc ông đã nổi tiếng ở Mỹ, nhưng rồi sẽ có lúc người ta “phát hiện” ra ông. Trong các mô tả của mình ông có nhắc đến Hamsun. Ông là nhà văn Nga hay nhất mà tôi biết. Tôi đã gặp ông quá muộn”.
Cuộc gặp của hai người diễn ra không lâu trước khi nhà văn qua đời. Vào lúc đó ông đã trải qua mấy cơn nhồi máu và bị hen nặng. “Tiến sĩ Paust” đã đi thẳng từ bệnh viện với sự hộ tống của bác sĩ riêng đến dự buổi diễn của Dietrich.
*
Không biết quý trọng
“Cuộc đời văn học của tôi bắt đầu từ khát khao muốn biết tất cả mọi điều, thấy tất cả mọi thứ và đi du lịch. Và hiển nhiên nó cũng sẽ kết thúc ở đó” – Pautovsky viết. Ông sinh ở Moskva, thời trẻ sống ở Kiev, sau đó lại đến sống ở Pervoprestolnyi. Nhưng cuối đời ông lại chuyển đến thành phố nhỏ Tarusa.
Paustovsky đã tập hợp các bài viết của mình trên báo văn học về những nhà văn không được chính quyền xô viết ưa thích: Ivan Bunin, Marina Tsvetaeva, Osip Mandelshtam, cũng như những tác phẩm của các tác giả trẻ bị kiểm duyệt cắt gọt: Nikolai Zabolotsky, Bulat Okudzhawa, David Samoilov… Tiếc là những bài viết đó đã bị phát hiện không chỉ bởi những độc giả thận trọng, mà cả bởi những quan chức sợ sệt, họ đã trừng trị các nhà xuất bản, thu hồi và tiêu hủy tất cả những bản chưa bán hết.
Sau cái chết của Boris Pasternak, Paustovsky đã viết: “Chúng ta đã không biết quý trọng bảo vật này, một bảo vật mà chúng ta không xứng đáng được nhận – một nhà thơ Nga vĩ đại đã làm vẻ vang cho đất nước ta trên toàn thế giới. Chúng ta đã không gìn giữ Pushkin, Lermontov, Chekhov, Blok, Esenin, Mandelshtam, Tsvetaeva, Zabolotsky…” Trong danh sách này có thể mạnh dạn điền thêm cả Paustovsky vào.
Ông mất ở Tarusa ngày 14/7/1968.
Ba ngày sau nữ nhà thơ xô viết nổi tiếng Margarita Aliger đã viết những dòng thơ cảm động:
Tarusa đã chôn cất Paustovsky
Đã mang trên tay mà không đánh rơi,
không cất lên tiếng kêu, không vật vã,
chỉ nước mắt lăn theo nước mắt
Tất cả đã ra đi, nó còn lại một mình
Và khi đó nó nổi cơn sấm sét.

NGÂN XUYÊN (theo báo Nga)