Ca khúc sáng tác trước năm 1975 và ca khúc của người Việt ở nước ngoài, vốn bị xem là những tác phẩm nhạy cảm. Cho nên, việc cấp giấy phép thường trục trặc ở quan hệ xin-cho. Cùng một ca khúc X, cá nhân này xin phép thì được hát, mà cá nhân khác xin phép thì không được hát. Cùng một ca khúc Y, hãng băng đĩa nọ có thể phát hành nhưng công ty biểu diễn kia lại không được mang lên sân khấu...




  
Bộ VH-TT& DL chính thức thay đổi phương pháp cấp phép đối với việc “phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài”. Nếu như trước đây, những ca khúc dạng này phải chuẩn bị hồ sơ chi tiết gồm đơn, văn bản tác phẩm, lý lịch tác giả và những tài liệu liên quan về tác quyền để nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Nghệ thuật biểu diễn, thì bây giờ có thể gửi qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Nghĩa là, không chỉ cải thiện thủ tục hành chính, mà chi phí đi lại cũng được giảm thiểu hết mức.

Ca khúc sáng tác trước năm 1975 và ca khúc của người Việt ở nước ngoài, vốn bị xem là những tác phẩm nhạy cảm. Cho nên, việc cấp giấy phép thường trục trặc ở quan hệ xin-cho. Cùng một ca khúc X, cá nhân này xin phép thì được hát, mà cá nhân khác xin phép thì không được hát. Cùng một ca khúc Y, hãng băng đĩa nọ có thể phát hành nhưng công ty biểu diễn kia lại không được mang lên sân khấu.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cam kết, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, các tác phẩm gửi xin cấp phép phổ biến sẽ được thẩm định đầy đủ và nhanh chóng. Nếu trường hợp nào không đủ điều kiện cấp giấy phép sẽ có văn bản trả lời cụ thể và nêu rõ lý do. Khi quy trình cấp phép được minh bạch như vậy, thì một tác giả Việt kiều bên Mỹ hoặc một người thân của tác giả quá cố có thể tự gửi mail để xin ra mắt tác phẩm, mà không cần trông cậy vào những đối tượng trung gian. Hơn nữa, Cục Nghệ thuật biểu diễn khi phản hồi qua mạng một cách trực tiếp, thì cũng có sự đắn đo và cân nhắc cần thiết, chứ không thể nửa gật nửa lắc theo lời nói gió bay!

Năm ngoái, Cục Nghệ thuật biểu diễn từng tạo ra thị phi bất bình cũng vì ứng xử không khéo léo trước những ca khúc cũ, mà tiêu biểu là trường hợp “Con đường xưa em đi” ( ảnh). Cách làm mới chắc chắn kích hoạt những tác phẩm còn phủ bụi thời gian được dự phần vào sinh hoạt văn hoá xã hội.


                                        TUY HÒA