Các tình tiết, chi tiết cốt truyện – kịch của Nguyễn Hiếu,
về đại thể, vẫn nương theo dòng thời gian của cốt Truyện Kiều. Dù đã lược đi
không ít tình tiết, chi tiết, nhưng vẫn không thấy bị đứt đoạn, khó theo dõi mà
đã phần nào khắc phục được sự thuật - kể, trình bày tỉ mỉ, phức tạp diễn tiến dòng sự việc của 1
tác phẩm tự sự, để thể hiện (phục dựng)
một cách cô đúc, tập trung hơn trong 1 tác phẩm sân khấu kịch cần và chỉ được
phép trình diễn trong thời gian dài nhất khoảng 3 tiếng đồng hồ.
KIỀU RỜI TRANG THƠ BƯỚC LÊN SÂN KHẤU
TS NGUYỄN VĂN ĐƯỜNG
Kiệt tác Truyện
Kiều – Truyện thơ Nôm của Đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du (1765 – 1820) từ lâu
đã được chuyển thể sang loại hình sân khấu dân tộc cải lương (Đoàn Chuông Vàng
dàn dựng, với những nghệ sỹ gạo cội lừng danh thể hiện: Kim Xuân (Thúy Kiều),
Tiêu Lang (Kim Trọng), Mộng Dần (Thúc Sinh, Tuấn Sửu (Từ Hải) … làm say mê,
thổn thức bao trái tim khán giả cả nước). Nhưng dựa vào cốt Truyện Kiều mà viết
thành kịch nói hiện đại thì, ở Việt Nam, cho đến nay, có lẽ Nguyễn Hiếu là
người đầu tiên. Cần ghi nhận và biểu dương, trước hết sự mạnh dạn dám đương đầu
với thách thức nghệ thuật khó khăn, phức tạp này. Tuy nhiên, tác giả chuyển thể
cũng có sẵn những thuận lợi khách quan và chủ quan làm đà, khích lệ. Chẳng hạn:
Truyện Kiều vốn là 1 tác phẩm tự sự - trữ tình có cốt truyện rất hấp dẫn và giàu
tính kịch, bởi những mâu thuẫn - xung đột (cả bên trong và bên ngoài) ngày càng
gay gắt hơn, những tình huống truyện – kịch căng thẳng, đầy bất ngờ, những nút
thắt và cởi nút đột ngột và thú vị, những đối thoại và độc thoại thể hiện tính
cách nhân vật và mâu thuẫn giữa các nhân vật, trong nội tâm nhân vật rất sâu
sắc và phong phú… Rõ ràng, đó là những yếu tố thuận lợi khách quan mà không
phải bất cứ tác phẩm truyện thơ Nôm trung đại Việt Nam nào cũng đạt được.
Nguyễn Hiếu là cây bút đã có những thành tựu và kinh nghiệm viết kịch nói và
chuyển thể tác phẩm tự sự sang kịch khá thành công. Chẳng hạn các vở: Chu Văn An
– Người thầy của muôn đời, Hàng rào mồng tơi gãy rập, Tàu hoang… và gần đây là Mạc
Đăng Dung – Ông vua làng chài, Án Dâm Đàm.
Nguyễn
Hiếu, cũng như bao người đọc Việt Nam khác, đã, đang và sẽ còn yêu mến, say mê
thơ Truyện Kiều của Tố Như từ thuở ấu thơ “Tiếng thương như tiếng mẹ ru những
ngày” (Tố Hữu) cho đến tuổi bạc đầu. Nhiều đoạn, nhiều câu thơ Kiều bất hủ đã
găm sâu vào trí nhớ, vào tâm não anh đến mức thuộc nằm lòng. Đó là những thuận lợi chủ quan giúp nhà văn
chuyển thể thành công tác phẩm vĩ đại này. Trong cảm nhận của chúng tôi, nghệ thuật kịch Chuyện
nàng Kiều của nhà văn Nguyễn Hiếu đã có những đặc sắc gì đáng lưu ý?
Phát hiện, khai thác
chủ đề và thể hiện tư tưởng chủ đề
Đó là xuất
phát điểm và linh hồn của kịch bản chuyển thể này. Kết quả đúng sai, mới cũ sẽ
tạo ra sự mới mẻ, hiện đại, nhưng vẫn liền mạch không đứt quãng với truyền thống
ông bà, hay ngược lại, kịch bản văn học sẽ chỉ là cái bóng mờ không đầy đủ, lũn
cũn chạy theo, ăn theo tác phẩm thiên tài? Trong Khúc hát nàng Kiều, Nguyễn
Hiếu, theo tôi đã chọn đúng, nhắm trúng vào 1 trong những chủ đề trung tâm của Truyện
Kiều, chủ đề mà từ khi ra đời cho đến nay, trong các giới phê bình chuyên
nghiệp và không chuyên đã chưa khám phá, đánh giá và chú ý đúng mức, bên cạnh
các chủ đề xã hội, tâm lý, thi pháp… đã được đào rất sâu; chủ đề đã giúp tác
phẩm kịch của anh hướng tới một tầm khái quát mới, một cái nhìn, một quan niệm
không mới về cái đẹp nhưng lại vẫn tỏa ra sức hấp dẫn, cuốn hút người xem,
người đọc hôm nay, vì nó vừa mang tính nhân văn, nhân đạo vĩnh cửu muôn đời vừa
mang đậm tính thời sự - xã hội như một hiện thực nhỡn tiền đang nhức nhối trên
đất nước ta trong 2 thập kỷ đầu thế kỷ 21 và một khát vọng vị tha cháy bỏng vì
tương lai con người.
Chủ đề
trung tâm và xuyên suốt ấy đã được 2 lần nhấn mạnh trong lời hát giáo đầu và
kết thúc của Dàn đồng ca dẫn truyện kịch:
Cái đẹp dù bị dập vùi,
Vẫn ngẩng cao như hoa chờ ánh nắng…
… Tình yêu luôn bị dập vùi,
Muôn cái đẹp vẫn tơi bời gió sương.
Chuyện xưa ngân mãi tiếng chuông
Cuộc đời mãi mãi hương thơm bốn mùa.
Tiếc là về
lời văn câu cuối cùng còn chung chung, mòn sáo; nhưng ở đây tôi chưa bàn về
nghệ thuật đặt lời ca mà chỉ muốn nhấn mạnh tới sự nhạy bén, sâu sắc của tác
giả kịch bản trong việc lựa chọn chủ đề tư tưởng, tạo nên linh hồn, ngọn lửa mới
trong tác phẩm của mình.
Kịch Chuyện
nàng Kiều của Nguyễn Hiếu sẽ đốt cháy nhiệt hứng của khán giả và người đọc từ
ngọn lửa ấy, rung động, lay động tâm can người xem từ ánh sáng ấy mà anh đã kỳ
công nhen nhóm và thổi bùng lên trong suốt 20 cảnh kịch nối liền một hơi, không
nghỉ. Đó là ưu điểm sáng tạo tiếp theo của tác giả mà tôi sẽ làm rõ ngay sau
đây.
Lược bỏ, chọn lọc và
sáng tạo cốt truyện – kịch và nhân vật
Nguyễn Hiếu
không tái hiện toàn bộ cốt Truyện Kiều lên sân khấu kịch nói hiện đại. Truyện -
kịch được bắt đầu bằng cảnh Kiều – Kim tình tự taị phòng văn mà Kim thuê bên
cạnh nhà Kiều. Theo lời đề nghị của Kim, Kiều đề thơ vịnh tranh, gẩy đàn, Kim
thưởng thức, bình phẩm. Hai người cắt tóc, thề nguyền dưới trăng…Kim Trọng tạm
biệt Kiều, ra về để xin phép song thân. Thằng bán tơ xuất hiện…và kết vở bằng
cảnh Thúy Kiều trên chiến trường tan hoang, nguyền rủa và vung tay, đuổi Hồ Tôn
Hiến, đoạn quỳ xuống, ôm đầu Từ Hải khóc nấc lên, thở than, kể lể, vấn tội mình;
rồi nàng vật vờ đi lang thang khắp sân khấu, lướt qua hầu hết các nhân vật từng
xuất hiện từ đầu vở, trong tiếng hát vừa não nùng, ai oán vừa hết lời tụng ca cái
Đẹp bị dập vùi vẫn bừng sen của Dàn đồng ca.
Như vậy, so
với cốt truyện, nhà viết kịch đã mạnh dạn lược bỏ khá nhiều tình tiết, chi
tiết, tình huống, nhân vật vốn có trong Truyện Kiều.
Chẳng hạn:
trong trường đoạn mở đầu, giới thiệu gia thế nhà Kiều, cảnh chị em Kiều đi chơi
tết Thanh minh – hội Đạp thanh, Kiều viếng mộ Đạm Tiên… Bỏ hẳn những cảnh: Kiều
tự tận ở sông Tiền Đường, đi tu lần thứ hai với sư Giác Duyên, Kim Trọng tìm
tung tích Kiều, cảnh đoàn viên hội ngộ sau 15 năm, đem tình cầm sắt đổi ra cầm
cờ… Trong trường đoạn lưu lạc hết nạn nọ đến nạn kia, cũng lược bỏ không ít…
Tuy nhiên,
trong cảm nhận của chúng tôi, khi đọc kịch bản, thấy sự lược bỏ ấy không những
không làm ảnh hưởng đến đường dây cốt truyện chủ yếu của Truyện Kiều, không làm
chúng bị xuyên tạc hay méo mó đi; ngược lại, làm cho cốt truyện kịch Thúy Kiều
trở nên mạch lạc, trong sáng, tập trung và nổi bật hơn, giàu tính kịch hơn bởi
những cảnh được nhấn mạnh, bằng cách cụ thể hóa lời thoại hoặc hành động của
nhân vật, đào sâu tâm trạng các nhận vật chính.
Ví dụ: nhân
vật Thằng bán tơ trong truyện rất mờ nhạt, chỉ được hiện ra qua 1 dòng đưa đẩy,
bán tín bán nghi: Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ, thì ở đây, trong kịch
bản, nó hiện ra lồ lộ: cười nói, đi lại, hành động huênh hoang, táo tợn và trơ
trẽn trước mắt người xem, rất hấp dẫn và thú vị. Đặc biệt là các cảnh cuối 17,
18, 19, 20, là kết quả sáng tạo giàu cảm xúc và suy tư của tác giả. Mâu thuẫn
giữa các nhân vật: Kiều – Từ, Kiều - Hồ Tôn Hiến…, mâu thuẫn trong nội tâm
Kiều, Từ Hải càng trở nên sống động hơn, bất ngờ hơn và hợp lý, hợp tình hơn.
Trong
truyện, Kiều chưa bao giờ đàn cho Từ Hải nghe (nàng mới chỉ đàn cho Kim Trọng
nghe (2 lần), Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến); nhưng ở đây, tác
giả chuyển thể đã dựa trên một nét tính cách của con người Từ Hải: Gươm đàn nửa
gánh, non sông một chèo (anh hùng – nghệ sỹ) để sáng tạo ra một tình tiết khá
quan trọng: Kiều đàn cho Từ Hải nghe với những dẫn dắt khá hợp lý.
Người xem
có thể sẽ ngạc nhiên không ít và chắc chắn sẽ có những ý kiến khác nhau về sự
thêm thắt có chủ ý này. Riêng tôi cho rằng đó là sự sáng tạo nghệ thuật có cơ
sở, mạnh bạo và mới mẻ, góp phần làm rõ hơn tâm hồn, tính cách của Kiều, Từ. Và
nếu nhìn từ lôgich tình huống cốt truyện – kịch và đặc điểm tính cách nhân vật thì
cũng không có gì khiên cưỡng, gò gượng.
Các tình
tiết, chi tiết cốt truyện – kịch của Nguyễn Hiếu, về đại thể, vẫn nương theo
dòng thời gian của cốt Truyện Kiều, dù đã lược đi không ít tình tiết, chi tiết,
nhưng vẫn không thấy bị đứt đoạn, khó theo dõi mà đã phần nào khắc phục được sự
thuật - kể, trình bày tỉ mỉ, phức tạp
diễn tiến dòng sự việc của 1 tác phẩm tự sự để thể hiện (phục dựng) một cách cô
đúc, tập trung hơn trong 1 tác phẩm sân khấu kịch cần và chỉ được phép trình
diễn trong thời gian dài nhất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Thành công của tác giả là
ở đó.
Giữ được linh hồn và phảng phất giọng thơ Kiều
trong ngôn từ đối thoại của các nhân vật
Để tạo được
hiệu ứng nghệ thuật trên, Nguyễn Hiếu đã vận dụng linh hoạt, đúng chỗ, đúng
người, đúng tình huống… 6 thủ pháp cơ bản sau, từ dễ đến khó, giản đơn đến phức
tạp:
+ Trích nguyên văn 1 đoạn thơ Kiều.
Ví dụ: Kiều
(cầm đàn, hát trước lầu Ngưng Bích): Buồn trông cửa bể chiều hôm… Ầm ầm tiếng
sóng kêu quanh ghế ngồi.
+ Trích nguyên văn bằng cách ghép các đoạn thơ Kiều ở những
vị trí khác nhau thành 1 lời liền mạch.
Ví dụ: Kiều
hát: Tóc tơ căn vặn tấc lòng/Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương…/Chén hà sánh
giọng quỳnh tương/… Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan (ghép 4 câu trong 3
đoạn khác nhau thành 1 đoạn lời nhân vật)
+ Lồng thơ Kiều (đoạn, câu, ngữ, từ … vào trong lời nói
(thoại và đối thoại của nhân vật) một cách tự nhiên.
Đây là biện
pháp đựợc sử dụng nhiều nhất với mức độ khá nhuần nhuyễn. Ví dụ:
Kim Trọng: “Vãn
sinh này sẽ về xin với mẹ cha chọn ngày lành tháng tốt, sắm sanh sính lễ, sang
thưa chuyện với song thân của nàng để chúng ta có thể mãi mãi ở bên nhau. Đã
nguyền hai chữ đồng tâm/Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai!”
Hoặc Thằng
bán tơ (giễu nhại): “Tóc tơ căn vặn tấc lòng/vầng trăng vằng vặc giữa trời/Song
song hai miệng… Hề hề! Thề với chả thốt! Thằng đàn ông đi thì tình yêu cũng
tếch!!!”
Mụ mối: “Em
biết thầy (MGS) là phú gia địch quốc. Em chỉ muốn nói là… Hàng nhà em đây là
chim sa cá lặn, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Ấy là chưa kể còn cầm kỳ
thi họa đủ mùi, /Cung thương làu bậc ngũ âm… Món gì cũng thạo, nghề nao cũng
sành!... đấy ạ!”
+ Lồng thơ Kiều với thơ của tác giả trong lời hát của dàn
đồng ca.
Ví dụ: “Và
trời xanh, trời xanh kia hỡi!/ Hễ thấy má hồng là lại đánh ghen!/Nên vẻ đẹp đi
liền với sự nhỏ nhen,/Sự hiểm độc luôn đi cùng ước vọng… Trong tay có sẵn đồng
tiền/Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì? Người đẹp, người xấu, cứ theo vàng mà
suy/Lòng tốt, sự bạc ác tính theo cân, theo lạng…”
+ Thú vị hơn nữa là ở nhiều câu thoại của các nhân vật không
hề trích dẫn, lồng ghép 1 từ, 1 ngữ, 1 câu Kiều nào cả, mà vẫn thấy phảng phất,
bàng bạc hơi Truyện Kiều, giọng Truyện Kiều. Điều đó chứng tỏ người chuyển thể
đã thuộc Kiều, ngấm Kiều sâu lắm.
Ví dụ: Kim
Trọng: “Nàng nhìn vầng trăng trên cao kia… Đêm nay trăng tròn quá! Vầng nguyệt
trên trời cao xanh kia hãy chứng giám lòng đôi lứa;…” Kiều (cầm kéo cắt dải
tóc): “Chàng cầm lấy! Món tóc này của thiếp thêm một lần chứng cho lòng thiếp.
Dười trăng, hai ta hãy cùng quỳ xuống…”
Thúc Sinh: “Không! Ta đã quyết rồi! ta không thể rời bỏ được
nàng. Chắc nàng không tin ta, chỉ rằng những lời ta nói là trêu hoa ghẹo nguyệt
chăng?”
Hoạn Thư: “Phu quân ta đã về! (Chỉ dàn đồng ca): Đứa nào hé
nửa lời thì ta bẻ, răng, rút lưỡi, nhớ chưa? …”
Kiều: “Thiếp thiển nghĩ: dẫu sao Hồ Tổng đốc cũng là tướng
triều đình. Nay đã khuất thân như vậy, thì ta nên chấp thuận”
Từ Hải: “Được! Nể lời phu nhân, ta cho sứ giặc vào!”.
+ Ngay cả một vài đoạn thơ do tác giả sáng tác, đứng riêng
hoặc lồng vào lời thoại của nhân vật cũng đượm hơi hướng thơ Kiều.
Ví dụ: “Đời
buồn, buông nửa câu ca/Buồn như ta với hồn ta giã từ/Bâng khuâng nhìn ánh trăng
lu/ Chàng về là lúc thiên thu xa chàng/Mây vần vụ, buổi chiều sang/ Trời hiu
hắt gió đưa tang tình mình/Tang tình, là tính tình tang”
Mạnh dạn sử dụng
những thủ pháp của nghệ thuật kịch nói hiện đại trong sắp xếp bố cục, trình bày
sân khấu, nhân vật dẫn truyện, khán giả và xây dựng nhân vật kịch…
+ Không chia màn, cảnh, lớp, không sử dụng chuyển
cảnh, chuyển màn bằng cách kéo màn, hạ màn hoặc dùng ánh sáng thay đổi (tắt,
bật đèn)… Toàn bộ diễn tiến của vở kịch chạy liền một mạch từ đầu đến cuối, chỉ
có 1 lần kéo màn và 1 lần hạ màn. Các cảnh nối nhau bằng tiếng của Dàn đồng ca
đứng ngay trên sân khấu. (Chúng tôi đã căn cứ vào dấu hiệu hình thức này, tạm
phân chia vở kịch thành 20 cảnh nhỏ liên tiếp để phân tích, bình luận).
+ Dàn đồng ca gồm hầu hết các nhân vật phụ (Đầy tớ, kẻ buôn
người, mụ Mối, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Giác Duyên, kỹ nữ, Khuyển Ưng, Khuyển
Phệ, Thằng bán tơ, Bạc Bà, bạc Hạnh, gia nô, dân thường, lứa đôi vãng cảnh
trong tiết Thanh minh…), các nhân vật chính sau khi tạm dừng vai diễn… Tới lúc
cần ra vai diễn, các nhân vật này lại tiến ra sân khấu diễn một cách tự nhiên,
như thường. Vị trí đứng của Dàn đồng ca khá linh hoạt, không cố định, cứng nhắc
một chỗ: phiá sau hoặc một bên (phải, trái), hoặc vòng quanh sân khấu, tùy từng
cảnh, với các nhiệm vụ sau:
Hát chuyển cảnh, bình luận tình huống truyện kịch
Phẩm bình, tỏ thái độ, cảm xúc, tình cảm với nhân vật
bằng cách hát, hát – nói, nói như đọc kệ, đối thoại với
nhau, đối thoại với các nhân vật, đối thoại với khán giả…
Thực ra thủ
pháp sân khấu này không có gì mới mẻ (được sử dụng từ thời Sêcxpia – Phục Hưng,
hoặc ở Việt Nam xưa, trên các sân khấu chèo sân đình, không có màn phông, cánh
gà; người xem vây quanh tứ phiá và đóng luôn vai trò (người đế, tiếng đế, đối
thoại với nhân vật khi bắt đàu ra vai, khi đang diễn). Nguyễn Hiếu đã vận dụng
thủ pháp này một cách sáng tạo. Sáng tạo của nhà viết kịch là ở chỗ:
- Góp phần xóa nhoà hoặc chí ít cũng giảm thiểu khoảng cách
giữa khán giả và truyện kịch cùng các tình huống, nhân vật trong kịch. Truyện
kịch (với ít nhiều hư cấu, tưởng tượng) cũng là chuyện đời thường trong thực tế
xã hội.
- Đồng thời, công khai một phần công việc của diễn viên, đạo
diễn, nhà văn viết kịch bản (trong các vở Mạc Đăng Dung, Án Dâm Đàm) trước khán
giả. Chẳng hạn, diễn viên cũng bê ngai vàng, vác vũ khí của nhân vật ra, vào
sân khấu. Nhà viết kịch có những lúc tự trình bày quan niệm viết của mình với
khán giả đang xem kịch, trò chuyện với họ…
- Hoạt động tích cực và có chủ định của Dàn đồng ca làm cho
vở kịch nói hiện đại trở nên dân chủ hơn, cởi mở hơn, trong tinh thần đối
thoại, tương tác đa chiều, với khán giả, ngay trong quá trình thưởng thức vở
kịch.
Bởi vậy,
tôi cho rằng vai trò của Dàn đồng ca trong các vở kịch nói, kịch chuyển thể gần
đây, trong đó có vở chuyện nàng Kiều, là một thủ pháp nghiệp vụ sân khấu kế
thừa - sáng tạo có chọn lọc, nâng cao từ kịch cổ điển phương Tây và kịch hát
truyền thống Việt Nam. Và tác giả đã bước đầu thành công.
+ Tiếng đàn Thúy Kiều:
Khác tiếng
đàn của Thúy Kiều trong Truyện Kiều là ở chỗ, tiếng đàn Tỳ bà của người con gái
đầu nhà họ Vương trên sân khấu kịch nói hiện đại được thể hiện trực tiếp, do
chính tay Kiều gảy (tất nhiên là hình thức, cử chỉ của diễn viên nhái theo
tiếng đàn thật của nhạc công ngồi dưới, trong dàn nhạc phụ họa), kết hợp với lời
ca của chính nàng, lời phẩm bình của khán – thính giả (nhân vật và Dàn đồng ca).
Thủ pháp đó
cũng góp phần không nhỏ làm cho chất trữ tình – nghệ thuật âm nhạc trong Truyện
Kiều và chất hiện đại của kịch hài hòa và nâng nổi nhau hơn với vai trò âm giai
chủ đạo. Chỉ tiếc người chuyển thể đã bỏ qua, không tái hiện những câu thơ
tuyệt bút của Tố Như, khi cụ miêu tả tiếng đàn Thúy Kiều trong lần đầu tiên
nàng đàn cho Kim Trọng nghe: Trong như tiếng hạc bay qua… Đục như nước suối mới
sa nửa vời/Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Hoặc tiếng đàn nhỏ máu năm đầu ngón tay và thái độ kỳ dị, quái lạ và dung tục
của Hồ Tôn Hiến, khi nghe đàn: Nghe càng đắm, ngắm càng say/Lạ cho mặt sắt cũng
ngây vì tình; (Tố Hữu bình: Nguyễn Du đã giết chết Sở Khanh bằng 1 từ lẻn và Hồ
Tôn Hiến bằng 1 từ ngây!) … cần được sân khấu hóa một cách cụ thể hơn, tập
trung hơn. Có thể làm thế nào để cảnh hiện ra thật gần (cận cảnh đặc tả như trong điện ảnh).
+ Xoáy sâu tâm trạng tạo thành mâu thuẫn bên trong của nhân
vật trung tâm Thúy Kiều.
Đây là một
trong những dụng ý nghệ thuật quan trọng của tác giả kịch bản khi anh đặc biệt tìm cách cụ thể hóa tâm
trạng đầy mâu thuẫn của Thúy Kiều trong những tình huống khác nhau theo chiều
hướng tăng tiến (tâm trạng ngay trong buổi đầu thề thốt với Kim Trọng, trong
buổi lũ sai nha tới hành hung vơ vét, trong cuộc mua bán với họ Mã, trong cuộc
đối mặt với họ Sở, trong nhà Hoạn Thư,
trong quân trung Từ Hải, đặc biệt là trong cảnh cuối cùng, đối mặt với Hồ Tôn
Hiến, bên xác thân Từ Hải. Nếu trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ dùng ít câu tả
nhanh gọn cái tâm trạng rất đàn bà, rất con người đời thường ấy:
Lễ nhiều, nói
ngọt, dễ xiêu… Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này/Mặt nào trông thấy nhau đây?...
thì trong kịch, Nguyễn Hiếu cụ thể hóa, chi tiết hóa tỉ mỉ hơn nữa để Kiều tự
bộc lộ tất cả sự hối hận sâu sắc, đầy đau đớn về sai lầm, tội lỗi lớn nhất của
đời mình, thẳng thắn phơi bầy cái tử huyệt, cái gót chân Asin rất đỗi mong manh
của nàng, và không chỉ của nàng, mà của cả giới đàn bà, của cả lòai người nói
chung: Sa ngã, mắc lừa bởi không đấu tranh nổi với cái lòng tham lam khốn nạn
của mình trước ánh vàng lấp lánh và những lời nịnh nọt, ngọt nhạt của kẻ thù
giấu mặt giả nai…, thậm chí cả tâm lý cầu an hưởng lạc, ước mơ hão huyền được
thụ hưởng cuộc sống vinh thân phì gia (do người khác hứa hẹn) rất tầm thường
của con người.
Về tâm
trạng nhân vật Từ Hải, tôi vẫn thèm được nghe vang vọng trên sân khấu đoạn thơ đầy
tính kịch, tả cái xung đột dữ dội trong lòng con người anh hùng cái thế “Râu hùm,
hàm én, mày ngài,… Dọc ngang, nào biết trên đầu có ai” đấu tranh quyết liệt với
chính lòng mình, với lý tưởng sống suốt đời của mình, trong hiện tại và trong
tưởng tượng, trước những lời thủ thỉ, nỉ non của người vợ đẹp mà chàng hết lòng
yêu thương, kính trọng và tin tưởng:
Hàng thần
lơ láo, phận mình ra chi! Sao bằng riêng một biên thùy/Sức này đã dễ làm gì
được nhau/Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/Vào luồn ra cúi, công hầu làm chi?!...
Quyết liệt
đến mức ấy, nhưng rồi đành buông xuôi, chuồi theo tiếng gọi của tình tri kỷ,
tình yêu mê muội, đã làm mờ hết lý trí và… cởi giáp, lại còn nhờ Kiều cất thanh
gươm báu (chi tiết sáng tạo của NH), sẵn sàng… đầu hàng, phản bội lại chính
mình!!!
Tâm trạng
và cuộc đấu tranh nội tâm kinh khủng ấy của nhân vật kịch cần được tái hiện
chân thực, sâu sắc hơn nữa, nhấn mạnh, gây ấn tượng mạnh hơn nữa, bằng những
thủ pháp riêng của thể loại kịch, trên sân khấu kịch nói hôm nay, để người xem
lại một lần nữa, tự ngẫm rằng: Những cuộc đấu tranh với chinh bản thân mình, để
giữ vững được bản ngã và niềm tin lý tưởng của mình mới là cuộc đấu tranh cam
go, khó khăn nhất. Muốn thắng kẻ thù, trước hết phải chiến thắng chính bản thân
mình!
Tính nhân văn
- thời sự của tình huống truyện – kịch này là ở đó.
Riêng đoạn độc
thoại trước anh linh Từ Hải, đối mặt với Hồ Tôn Hiến, trên chiến trường còn
ngút trời lửa khói và tanh nồng máu oan: “Vì thiếp, vì thiếp mà…! Thiếp không
ngờ ở bên cạnh người anh hùng của thiếp mà vẫn sa vào cạm bẫy …Vì sự tham lam,
đê tiện của mình, thiếp đã giết chết chàng, giết người anh hùng, giết ước mơ
trong lành, giết vẻ đẹp bình dị nhất của cuộc đời này!”. Trong cảm nhận của
tôi, đó là một trong những đoạn độc thoại sâu sắc, được đặt đúng lúc, đúng chỗ,
hay, xứng là một bổ sung đích đáng cho Truyện Kiều, làm rõ hơn mối mâu thuẫn
tâm trạng đang giằng xé, đau đớn tột cùng, căm uất tột cùng, ân hận tột cùng
của nàng Kiều – nạn nhân thê thảm - kẻ đồng phạm ngây thơ, gây nên sự thất bại
và cái chết của người anh hùng đất Việt Đông. Sau sự kiện bi thảm này, Thúy
Kiều phải tự tìm đến cái chết như một sự chuộc tội với người tri kỷ, như một sự
giải thoát vĩnh viễn. Bởi với nàng, khi ấy, không còn lý do gì để tồn tại ở
trên cõi đời! Sông Tiền Đường – mồ hồng nhan và hồn ma Đạm Tiên đang nóng lòng
chờ đợi người bạc mệnh, cùng hội cùng thuyền về hội ngộ… Đó là một tất yếu.
***
Đọc (xem)
vở kịch nói chuyện nàng Kiều của Nguyễn
Hiếu, khán giả yêu Truyện Kiều, yêu thể
loại kịch nói và tôi có thể còn không ít điều băn khoăn, chưa thỏa mãn, muốn
đổi trao, góp ý cùng tác giả và đạo diễn.
Chẳng hạn: kết
kịch như vậy đã thỏa đáng chưa? Có sớm quá không? Bởi vì tới đỉnh cao nhất và
cũng là vực thẳm sâu nhất của đời Kiều là chấm dứt ở trùng trùng sóng nổi trên
sông Tiền Đường mới thật là trọn kiếp hồng nhan. Nếu kết kịch Thúy Kiều ở đó,
tôi cho là còn bi tráng, hấp dẫn và hợp lý hơn dừng vở ở cảnh chiến trường, với
thân xác vừa ngã ra của Từ Hải, trước nụ cười đắc thắng, đê mạt của Hồ Tôn Hiến
và đồng bọn.
Hoặc một số
câu hát, câu thơ mà Dàn đồng ca thể hiện: hình ảnh, lời văn có phần sáo cũ, dễ
dãi, gây cảm giác quá chênh lệch khi đặt cạnh những câu lục bát như châu ngọc,
như gấm thêu hoa của Nguyễn Du.
Ví dụ: Tình
làm nên niềm vui/làm nên hoa đẹp, trên đời đầy hương … Cuộc đời mãi mãi, hoa
thơm bốn mùa.
Những câu văn
vần nôm na như thế cần được gia công, trau chuốt, sửa chữa hoặc mạnh dạn cắt bỏ,
(mặc dù mục đích chủ yếu của nó là dùng để dẫn truyện, đưa đẩy.)
Hay một chi
tiết nhỏ cũng cần được cân nhắc khi đưa vào kịch, bởi nó trái ngược hẳn với Truyện
Kiều, gây phản cảm với người đọc, người xem: Giác Duyên tu ở Quan Âm các trong
vườn nhà Hoạn Thư?! Theo tôi, nên bỏ hẳn chi tiết vẽ rắn thêm chân mà chẳng có
tác dụng gì này!...
Và tôi rất lấy
làm tiếc, rằng tại sao trong Dàn đồng ca lại không có mặt nhân vật Nguyễn Du,
với vai trò người kể chuyện như 1 MC thượng hạng đặc biệt! để các nhân vật, tác
giả chuyển thể kịch bản và khán giả hôm nay được kính ngưỡng và trực tiếp
chuyện trò, giao lưu với bậc Đại thi hào đất Việt?!... (như chính Nguyễn Hiếu
đã từng xử lý thành công trong vở kịch lịch sử: Mạc Đăng Dung – Ông vua làng chài,
với sự xuất hiện của Sử gia, Kịch tác gia và Mạc Đăng Dung, Nguyễn Bỉnh Khiêm…)
***
Nhìn chung,
kịch nói chuyển thể Truyện Kiều: Chuyện nàng Kiều của Nguyễn Hiếu là một kịch
bản văn học được viết công phu, với tất cả tâm huyết nghệ sỹ và tình yêu, niềm
say mê vô hạn của tác giả đối với Nguyễn Du vĩ đại và Truyện Kiều bất tử. Kịch
bản đã đạt được những thành công mới mẻ, chắc chắn, rất đáng ghi nhận vào nền
sân khấu kịch nói đương đại Việt Nam như bên trên chúng tôi đã phân giải đôi
điều sơ lược.