Ở cuốn sách mới ra mắt, Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục mang tới những phận người đau khổ. Cái khổ đầu tiên của họ là nghèo. Muôn hình vạn trạng cái nghèo được Nguyễn Ngọc Tư dựng lên trong sách. Nó chân thật tới mức, dường như đâu đó ngoài đời có một “dì A”, “nhỏ B” nào đó xác xơ nghèo từ bao đời nay vậy… Nguyễn Ngọc Tư lâu nay được yêu thích bởi giọng văn đậm chất Nam Bộ. Chị dùng nhiều phương ngữ trong lối kể như rủ rỉ về số phận của những người dân nghèo. Nhưng trong cuốn sách này, cách kể của Nguyễn Ngọc Tư đã có phần đổi khác.



Cái nghèo - trong muôn hình vạn trạng bi kịch

TẦN TẦN

Văn chương, nghệ thuật rất dễ dẫn người thưởng thức tới hai thái cực: “thích” và “không thích”. Một tác phẩm hay, hoặc tốt chưa chắc đã được thích, và ngược lại, tác phẩm được thích chưa chắc là tuyệt hảo.  Cuốn sách mới phát hành của Nguyễn Ngọc Tư - Cố định một đám mây- rơi vào trường hợp đó. Rất khó có thể chê trách một điểm gì về văn chương trong tập truyện ngắn này, song sẽ không ít độc giả trung thành của Nguyễn Ngọc Tư nói không thích, bởi ở cuốn sách này, “chị Tư Cà Mau” đã khác xưa.
Cố định một Nguyễn Ngọc Tư
Một trong những điểm chung làm nên sức nặng cho văn chương của Nguyễn Ngọc Tư là chị luôn viết về những thân phận một cách thật nhất, tạo thương cảm nhất.
Ở cuốn sách mới ra mắt, Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục mang tới những phận người đau khổ. Cái khổ đầu tiên của họ là nghèo. Muôn hình vạn trạng cái nghèo được Nguyễn Ngọc Tư dựng lên trong sách. Nó chân thật tới mức, dường như đâu đó ngoài đời có một “dì A”, “nhỏ B” nào đó xác xơ nghèo từ bao đời nay vậy. 
Nó thật tới mức người đọc không khỏi cảm giác Nguyễn Ngọc tư chỉ trực chờ một biến cố, một sự kiện xảy ra với các nhân vật để rồi “tóm” đúng cái ung nhọt đó mà phơi bày ra cả một căn bệnh nan y là cái nghèo. Và từ nghèo, tác giả dẫn các số phận tới bi kịch.
Đó là cái nghèo của Nhị (trong truyện Những biển), với sự cố người chồng đột nhiên “lặn” mất trước mặt mình; để lại cho cô khoản nợ đến kỳ đáo hạn ngân hàng và vườn sầu riêng mải miết rụng ngày đêm khi chưa đầy múi. 
Đó là cái nghèo của Biền (trong truyện Cố định một đám mây), khi cố gắng giữ lại người yêu mà chẳng được. “Chỉ có người chết mới chịu ở lại cái đất này”, An - bạn gái của Biền đã nói khi quả quyết bỏ xứ bìa Nước Mặn nghèo xác xơ, bỏ ngôi nhà chỉ trụ lại được cùng lắm là 10 năm của Biền, bỏ lại Biền ngày ngày vô vọng ngồi trên con thuyền chờ khách.
Đó là tình trạng của Chín (truyện ngắn Bão đêm) khi bắt gặp gia đình Kim trong căn phòng trú bão. Nếu không nghèo thì anh đã có thể xây nhà to vững chãi, kiên cố trước cơn bão. Như vậy, anh đâu phải đưa gia đình tới chỗ trú bão, để rồi gặp lại người yêu cũ trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy.
Không chỉ viết về cái nghèo, truyện của Nguyễn Ngọc Tư còn xoáy sâu vào những tâm trạng, những bi kịch của nhân vật. Đó là tình trạng mệt mỏi của Ngà (truyện ngắn Thấm Mệt) khi người chồng cũ thỉnh thoảng lại xuất hiện, “gửi” một vài con thú mà đội cứu hộ của anh mới cứu được: khi là một con khỉ mù, lúc là đôi cò lạo bị động kinh… Cho tới khi anh chồng cũ mang tới gửi một cô gái hoang dại, mệt mỏi, thì Ngà đã thấm mệt…
Hay tình cảnh của vợ chồng Tam (Cơn nước ngang qua) với cuộc sống rệu rã, uể oải tới mức họ phát ngại với một kẻ lạ xuất hiện và tự nhiên sống trong ngôi nhà của mình. Đó là ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng Tam, nhưng từ khi biết không thể sinh con, họ chẳng còn tha thiết điều gì, dần dần trở thành kẻ lạ trong chính ngôi nhà mình.
Hoặc ở “Một mùa sương thức”, Nguyễn Ngọc Tư dựng lên một không gian sương đêm lạnh với một gánh hát. Ở đó có những phận đời thao thức nương vào nhau tìm hơi ấm, là chàng trai 17 xưng “tôi” đêm đêm đi ra tận bờ sông cho gió sương thấm lạnh, là Nhu tật nguyền đã hạn chế ăn tối đa để khỏi phiền mọi người trong gánh hát, là Mỹ, là Nhã… là những người kiên quyết “bốc hơi” khỏi gánh hát, hay những người ở lại mòn mỏi sống.
Sự sắc lạnh và trau chuốt trong từng câu chữ
Nguyễn Ngọc Tư lâu nay được yêu thích bởi giọng văn đậm chất Nam Bộ. Chị dùng nhiều phương ngữ trong lối kể như rủ rỉ về số phận của những người dân nghèo. Nhưng trong cuốn sách này, cách kể của Nguyễn Ngọc Tư đã có phần đổi khác.
“Vào ngày linh ái nở” là một truyện ngắn khác nhất so với các truyện còn lại trong tập sách, từ cấu trúc, cách kể cho tới nội dung. Ở tác phẩm này, Nguyễn Ngọc Tư không đi vào thân phận người nông dân nghèo, mà kể một câu chuyện lãng xẹt: hai cậu lính trẻ bắn vào kho khiến cả khu đảo nổ tung. Họ gây ra sự việc nghiêm trọng ấy bởi một lý do quá mức khó tin: linh ái nở hoa (rất có thể linh ái là một loài cây do Nguyễn Ngọc Tư hư cấu) khiến các cậu khó chịu, ngột ngạt, cần phải làm cho cái gì đó nổ tung để phá đi sự đơn điệu. Cách kể không còn theo trật tự thời gian, mà là sự xáo trộn, đan xen giữa hồi tưởng của nhân vật về buổi trưa đảo Côi phát nổ, hồi ức về tuổi thơ phải điều trị tâm lý tới hiện tại trong phòng giam. Những sự việc mơ mơ, thực thực khó phân định khiến người đọc không dễ nắm bắt. Để rồi, cái cuối cùng nhận được không phải là một câu chuyện ly kì về nguyên nhân vụ nổ, mà khắc sâu một tâm trạng ngột ngạt của người mãi chịu đựng sự tẻ nhạt, buồn chán.
Cách dùng từ của Nguyễn Ngọc Tư trong tập sách này kỹ càng, trau chuốt. Mỗi từ ngữ được đưa ra đều là sự lựa chọn, chắt lọc cẩn thận, nhiều chỗ là sự tiết chế, cắt gọn đến tối giản những từ phải xuất hiện để diễn đạt ý trong câu. Tác giả viết kỹ thuật hơn, điều đó tạo sự lạnh lùng, dửng dưng khi kể câu chuyện. Sẽ có những người quen với câu chuyện chân chất của Nguyễn Ngọc Tư cảm thấy xa lạ với chính tác giả mình yêu thích. Nhưng dù bạn đọc có thích hay không, thì một điều chắc chắn rằng tác giả vẫn âm thầm sáng tạo. Trên chặng đường ấy, dù có chọn cách kể nào, thay đổi kỹ thuật ra sao, thì chị vẫn mang tới những câu chuyện về thân phận người, về vùng đất Nam Bộ.



Nguồn: Zing