Nữ Đại biểu Quốc hội – Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ tâm sự của một người thường gây nóng nghị trường với những chất vấn nảy lửa: “Một năm chỉ có 2 kỳ họp, và 5 năm sẽ trôi qua rất nhanh. Tôi không cho phép mình ngồi đấy mà cân nhắc hay chọn cách dễ hơn cho riêng mình, trong khi mình được trao cho cái quyền lên tiếng đúng nơi, đúng chỗ. Đại biểu Quốc hội, ngoài trình độ và sự hiểu biết, bất kể anh làm mấy nhiệm kỳ mà không đủ dũng khí, không có tư duy độc lập thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ được. Chưa đương đầu đã sợ thì làm gì được cho sự phát triển chung”.



TRUNG NGÔN NGHỊCH NHĨ

N. HUYỀN

"Việc lên tiếng của tôi có thể động chạm đến một vài mối quan hệ mà nếu nhún nhường một chút có thể sẽ thuận lợi hơn cho công việc... Trung ngôn thì nghịch nhĩ. Tôi chấp nhận điều này”, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) chia sẻ xung quanh những phản ứng khi luôn có những phát ngôn gây dậy sóng nghị trường Quốc hội.

@ Là người hay chất vấn những vấn đề nóng, gai góc... ở diễn đàn Quốc hội. Đó có phải cá tính, cách tiếp cận vấn đề mà bà lựa chọn không?
Phạm Thị Minh Hiền: Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn. Cách tiếp cận vấn đề của tôi chỉ đơn thuần là lựa chọn góc nhìn. Khi quan sát vấn đề nào đó, tôi đặt mình ở đa góc nhìn nhưng khi lên tiếng, tôi đặt mình vào ý nguyện của đa số cử tri. Tôi cũng không cho đó là cá tính, nó thiên về cái “tôi” quá. Ra nghị trường thì ĐBQH chẳng thể đặt cái tôi của mình lên trên cả cử tri.

@ Dù lần đầu tiên tham gia Quốc hội nhưng bà đã “gây hấn” với không ít người, sau mỗi lần như vậy bà có gặp áp lực gì không? Có khi nào bà nghĩ chọn cách dễ đi hơn, ví dụ hỏi những câu vừa đủ, chọn những vấn đề "không chết ai" để tranh luận, góp ý?
Phạm Thị Minh Hiền: Tại sao gọi là “gây hấn”? Và cho đến thời điểm này, trong tôi cũng không có suy nghĩ “lần đầu tiên tham gia nghị trường”. ĐBQH thì có thể tham gia nhiều nhiệm kỳ nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Tôi chỉ nghĩ, một năm chỉ có 2 kỳ họp và 5 năm sẽ trôi qua rất nhanh. Tôi không cho phép mình ngồi đấy mà cân nhắc hay chọn cách dễ hơn cho riêng mình, trong khi mình được trao cho cái quyền lên tiếng đúng nơi, đúng chỗ. ĐBQH ngoài trình độ và sự hiểu biết, bất kể anh làm mấy nhiệm kỳ mà không đủ dũng khí, không có tư duy độc lập thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ được. Chưa đương đầu đã sợ thì làm gì được cho sự phát triển chung. Tôi không rõ khái niệm thế nào là “câu hỏi vừa đủ”, nhưng mọi lập luận và cách sử dụng câu từ trong phát biểu hay chất vấn của tôi vẫn luôn đúng mực. Còn tranh luận, tôi nghĩ nó xuất phát từ quan điểm khác nhau, có tranh luận thì sẽ càng phát huy tính dân chủ tại nghị trường, miễn là không nên quy chụp cách tiếp cận của ĐBQH. Đại biểu dân cử thì nhất định phải luôn bắt đầu từ người dân, bạn có thể phát biểu hài hòa trong giới hạn cho phép nhưng không được nhập nhằng.

@ Vậy làm cách nào để bà bước qua những khó khăn, áp lực?
Phạm Thị Minh Hiền: Cứ xem như tôi tự chọn cách "làm khó" mình, không thỏa hiệp, miễn là tôi luôn kiên định với sự lựa chọn ấy. Vì thế tôi nghĩ, vượt qua áp lực do chính mình đặt ra còn khó hơn rất nhiều, cứ lựa chọn ngay từ đầu thì cũng sẽ quen thôi và khó khăn thì đời người ai cũng có cả, đâu chỉ có riêng tôi. Sau vai trò của một đại biểu quốc hội, tôi làm quản lý nhà nước về công tác trẻ em, bình đẳng giới và công tác xã hội. Đó là công việc tôi yêu thích bởi nó mang đến cho tôi nhiều xúc cảm tri thức, nhiều trải nghiệm đáng quý. Giúp tôi vững vàng niềm tin khi lựa chọn góc nhìn tại nghị trường. Phần còn lại, tôi chỉ là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác.

@ Quan điểm thông thường thì phụ nữ là phải yếu để được phái mạnh chở che. Với tính cách mạnh mẽ, quyết liệt như vậy, có khi nào bà cảm thấy mình “đổi vai” cho chồng hay không?
Phạm Thị Minh Hiền: Tôi nghĩ người phụ nữ sẽ có thần thái hơn khi họ giữ được tinh thần độc lập. Chúng ta không nên mặc định phụ nữ luôn cần sự chở che. Ở khía cạnh nào đó, không nên lấy đôi vai của đàn ông để tạo thêm gánh nặng cho họ. Tôi luôn cố gắng giữ cân bằng mọi thứ, học cách chịu đựng mọi thứ áp lực liên quan đến công việc trước khi bước về tới cửa nhà, đó là một nguyên tắc. Dù đàn ông hay phụ nữ thì cũng đều có nhu cầu mong muốn tìm thấy sự bình yên trong ngôi nhà của mình. Có nhiều thứ cần sự chia sẻ cho nhau, tôn trọng nhau hơn là cứ cậy nhờ vào đặc điểm riêng về giới. Đương nhiên, đó chỉ là quan điểm của riêng tôi.

@ Khi chúng ta đang trò chuyện với nhau thì bà vẫn đang trong "tâm bão" của nhiều luồng ý kiến, bên cạnh sự ủng hộ cũng không ít ý kiến đả kích ở trên mạng xã hội sau phát ngôn về Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo. Điều bà suy nghĩ lúc này là gì?
Phạm Thị Minh Hiền: Tôi tin vào tâm thế của mình. Góc nhìn của tôi có thể gai góc bởi nó phản ánh sự bức xúc của người dân, của dư luận xã hội về vấn đề nào đó. Việc lên tiếng của tôi có thể động chạm đến một vài mối quan hệ mà nếu nhún nhường một chút có thể sẽ thuận lợi hơn cho công việc. Nhưng tôi tin vào sự lựa chọn này, những phát ngôn của tôi tại nghị trường cũng chưa bao giờ vượt quá quyền hạn của một ĐBQH. Trung ngôn thì nghịch nhĩ. Tôi chấp nhận điều này. Tuy nhiên, tôi cũng tôn trọng những ý kiến khác biệt với mình. Mỗi người một quan điểm, một góc nhìn. Tôi chỉ mong trong tâm thế mà tôi dành cho cử tri, sự lên tiếng không ngại va chạm nhưng có tính xây dựng sẽ được lan tỏa, thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của ĐBQH theo hướng tích cực hơn. Đặc biệt, không nên xem thường vai trò của nữ giới. Và tôi cũng mong rằng, muốn xã hội hướng đến sự phát triển, thì tất cả chúng ta hãy nên công tâm, phân định rạch ròi vai trò của ĐBQH khi họ đang làm nhiệm vụ trước cử tri. Không nên áp đặt sự “nhạy cảm” của mình lên người khác. Đồng thời, rất mong cử tri luôn đồng hành và chia sẻ với Chính phủ thông qua vai trò, chức năng của ĐBQH.

@ Xin cảm ơn bà!



Nguồn: Kiến Thức Gia Đình