Nếu lấy đi và trả lại, đều được xem như không có gì to tát, thì nền tảng pháp luật và kỷ cương xã hội sẽ chênh chao niềm tin như thế nào trong lòng mỗi người? Đành rằng, kim cương và đá quý không bị hao hụt suốt quá trình lấy đi và trả lại, nhưng tinh thần văn minh của cộng đồng đã bị hao hụt ít nhiều đấy! Tịch thu tài sản công dân không phải trò chơi, để có thể tùy tiện đùa dai và đùa dại. Bởi lẽ, tịch thu tài sản công dân, ngoài giá trị vật chất còn ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân và tôn nghiêm của thể chế. Đã lấy đi và đã trả lại, thì nhất định phải xác định nguyên nhân sai quấy, ở nơi tham mưu và ở nơi ký duyệt quyết định tài sản công dân.



TỊCH THU TÀI SẢN CÔNG DÂN NHƯ MỘT TRÒ ĐÙA?

Vụ thu đổi tờ 100 USD bị phạt tổng cộng 270 triệu đồng ở Cần Thơ, đã tạo ra những luồng ý kiến tranh luận sôi nổi từ quán xá vỉa hè đến diễn đàn Quốc hội. Nếu dư luận không lên tiếng, thì không chỉ người bán và người mua phải chấp nhận cay đắng, mà những tổ chức và cá nhân liên quan đến quyết định xử lý hành chính ấy cũng không nhận ra họ đã sử dụng quyền lực rất thiếu cân nhắc. Đặc biệt, thông qua việc ngăn chặn hành vi thu đổi trái phép tờ 100 USD, tài sản của tiệm vàng Thảo Lực gồm 20 viên kim cương và 19.910 viên đá quý bỗng dưng bị tịch thu một cách miễn cưỡng.

Sau khi đón nhận những phản ứng gay gắt từ nhiều giới nhiều ngành, lãnh đạo UBND Cần Thơ đã thống nhất trả lại toàn bộ số kim cương và đá quý mà trước đây bị xem là tang vật. Thiện chí ấy đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu khổ chủ không kiên quyết khiếu nại, các luật sư không trực tiếp tham gia và truyền thống không tích cực phản ánh, thì liệu kết quả có khả quan như vậy không? Chắc chắn không! Mặt khác, nếu cơ quan chức năng đã làm đúng hoàn toàn, thì lẽ nào tài sản đã quyết định sung công lại được giao trả kiểu nhẹ nhàng vui vẻ cho tiệm vàng Thảo Lực?

Câu chuyện cần làm rõ thêm là tài sản công dân bị lấy đi rất dễ dàng mà trả lại cũng dễ dàng chăng? Ai chịu trách nhiệm về những bất cập, những phiền phức, những xáo trộn đã gây nên cho cá nhân thiệt thòi và đời sống bình yên? Nếu lấy đi và trả lại, đều được xem như không có gì to tát, thì nền tảng pháp luật và kỷ cương xã hội sẽ chênh chao niềm tin như thế nào trong lòng mỗi người? Đành rằng, kim cương và đá quý không bị hao hụt suốt quá trình lấy đi và trả lại, nhưng tinh thần văn minh của cộng đồng đã bị hao hụt ít nhiều đấy! Tịch thu tài sản công dân không phải trò chơi, để có thể tùy tiện đùa dai và đùa dại. Bởi lẽ, tịch thu tài sản công dân, ngoài giá trị vật chất còn ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân và tôn nghiêm của thể chế. Đã lấy đi và đã trả lại, thì nhất định phải xác định nguyên nhân sai quấy, ở nơi tham mưu và ở nơi ký duyệt quyết định tài sản công dân. Trên cơ sở hợp tình hợp lý để xây dựng Nhà nước công bằng và dân chủ, không thể cao hứng lấy đi rồi hờ hững trả lại, mà ai cũng thấy mình vô can!

Ở một góc độ khác, ông Lê Hữu Thọ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Quảng Trị vừa nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì có nhiều khuyết điểm, trong đó có việc nhận quà và trả quà không đúng quy định. Nhận quà và trả quà ở quan hệ riêng tư, cũng giống như tịch thu và bồi hoàn tài sản công dân ở quan hệ hành chính, đều phải minh bạch và trong sáng. Có lẽ đã đến lúc phải có những quy định nghiêm khắc về hành vi lấy đi và trả lại. Làm sao để mọi người, dù ngồi vị trí nào hoặc dùng tư cách nào, cũng phải tự nhắc nhở rằng: Tài sản cá nhân luôn được pháp luật bảo vệ chính đáng, lấy đi rất khó mà trả lại còn khó hơn!


                                              LTN