Giải trí là một nhu cầu rất lớn của con người hiện đại. Trước bao nhiêu vấn đề đặt ra trong cuộc sống hàng ngày mỗi cá nhân đã quá mệt mỏi, nên họ thường có xu hướng tìm đến những tác phẩm lôi cuốn hấp dẫn, thoả chí tò mò của họ. Trong lúc xã hội hiện đại vẫn đặt ra bao vấn đề mới mẻ mà các thế hệ trước chưa từng biết tới. Một nền văn học có trách nhiệm nhất thiết không thể lảng tránh mà phải nhận lấy việc ghi chép những thay đổi trong thực tại và mỗi tác giả theo cách của mình mà đưa ra câu giải đáp những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong tâm trí nhiều người. Truyện chưởng của Kim Dung phần nào cùng lúc thoả mãn cả hai nhu cầu đó.



NHỮNG NHẬN THỨC MỚI VỀ VĂN HỌC 
           Không chỉ nói về chính mình mà một tác giả lớn thường cũng đồng thời đưa ra một quan niệm mới về văn học, cũng có nghĩa là giúp cho người đọc hiểu thêm về bản chất văn học nói chung. Theo nhận thức của chúng tôi thì tác giả Kim Dung là một người như thế, điều này không rõ đúng với công chúng ở các nước khác đến đâu, nhưng đúng với công chúng và các nhà văn Việt Nam, và đây là một điều mặc dù đã thấy từ lâu, nhưng đến đợt tiếp nhận Kim Dung lần này thì mới có dịp bộc lộ rõ. 
      Trước 1975 ở Hà Nội và từ sau 1975 thì trên phạm vi cả nước, đóng vai trò chi phối trong văn học Việt nam là một quan niệm không khỏi có phần cứng nhắc: Nhấn mạnh tính giáo dục của văn chương mà xem nhẹ sự giải trí. Chú trọng diễn tả đời sống trước mắt mà ít khai thác lịch sử (như cách nói trước đây ở Bắc Kinh: hậu kim bạc cổ). Và cách hiểu về cái thực trong văn học khá thô sơ, đại khái là là một thứ thực tế trần trần ai cũng thấy, ai cũng cảm nhận được. Thứ đời thực ấy phẳng lặng một chiều, có nhiều phần giông giống như đời sống diễn ra hàng ngày. 
    Có thể nói đó là một quan niệm lành mạnh nhưng có phần thô thiển, nó trực tiếp ảnh hưởng từ văn học phương Tây thế kỷ XI X và văn học Nga thời kỳ Xô -viết.
    Dần dà mỗi ngày một ít, với sự tiếp nhận văn học nước ngoài đầy đủ hơn, trong đó có những tác giả tác phẩm Mỹ la tinh, văn học trong quan niệm nằm sâu trong tiềm thức các nhà văn và bạn đọc có phần trở nên cởi mở hơn. Người ta thích thú chấp nhận cả những tình tiết có vẻ hoang đường của Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez) hoặc Ngài tông thống (Miguel Asturias).  Rồi người ta thích thú quay trở về với những tác phẩm có trí tưởng tượng phong phú kiểu như Tây du, Liêu trai chí dị của Trung quốc. Nhưng dẫu sao đó cũng là văn học cổ điển. Đến khi tiếp xúc với các loại chưởng nhất là tiểu thuyết Kim Dung, quan niệm về cái thực càng có điều kiện thay đổi. Với nhiều bạn đọc và cả những người viết văn, có nhiều vấn đề cơ bản: Cốt tuỷ của văn chương là gì? Thế nào là sức hấp dẫn...bắt đầu được nhìn nhận khác đi so với trước. 
     Lâu nay ở Việt Nam gần như văn học đồng nghĩa với sự cao nhã, người đọc bình thường và cả các văn nhân vẫn đọc các loại truyện cười, truyện trinh thám, truyện giải trí, có điều xem đó không phải là văn học và không công nhận nó có tác động tới đời sống tinh thần của mình. Với những cuốn truyện chưởng thành công như tác phẩm Kim Dung, loại sách thông tục này không còn bị thành kiến nữa. Nói như một thành ngữ của phương Tây, chú vịt què xấu xí đã tự xác định rằng mình có thể trở thành con thiên nga xinh đẹp.

    Kết luận:
  Giải trí là một nhu cầu rất lớn của con người hiện đại. Trước bao nhiêu vấn đề đặt ra trong cuộc sống hàng ngày mỗi cá nhân đã quá mệt mỏi, nên họ thường có xu hướng tìm đến những tác phẩm lôi cuốn hấp dẫn, thoả chí tò mò của họ.
   Trong lúc đó, xã hội hiện đại vẫn đặt ra bao vấn đề mới mẻ mà các thế hệ trước chưa từng biết tới. Một nền văn học có trách nhiệm nhất thiết không thể lảng tránh mà phải nhận lấy việc ghi chép những thay đổi trong thực tại và mỗi tác giả theo cách của mình mà đưa ra câu giải đáp những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong tâm trí nhiều người. 

   Truyện chưởng của Kim Dung phần nào cùng lúc thoả mãn cả hai nhu cầu đó. Các tác phẩm của ông vừa nối tiếp truyền thống tiểu thuyết phương Đông, vừa bắt được vào cái mạch chung của văn học hiện đại. Việc chúng được các tầng lớp bạn đọc Việt Nam nhiệt tình chào đón theo chúng tôi là một hiện tượng hoàn toàn hợp quy luật: nó chứng tỏ văn học vẫn là một công cụ tốt của con người trong việc tìm hiểu chính mình cũng như tìm hiểu thế giới. /.