Truyền thông lừa dối cũng đã tồn tại trong xã hội Việt Nam từ rất lâu, ngấm từ từ. Đầu tiên, nó theo chân các quảng cáo, nhất là các quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng. Nó biến những trạng thái, biến đổi bình thường, phù hợp quy luật tuổi tác… thành những nguy cơ kinh khủng, chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi hoặc e ngại, buộc người tiêu dùng phải tiêu thụ những sản phẩm “cứu tinh” thật ra là không cần thiết, vô ích. Nó có thể là những triệu chứng kiểu mãn dục ở đàn ông, hay đơn giản là triệu chứng nổi mụn ở nam nữ tuổi dậy thì. Khi người tiêu dùng theo lứa tuổi luôn “sống trong sợ hãi” thì doanh số sẽ tăng vọt nhờ những quảng cáo bất lương. Nó cũng được áp dụng cho chiêu trò triệt tiêu đối thủ trong kinh doanh.



MỘT KHUYNH HƯỚNG TRUYỀN THÔNG NGUY HIỂM

NGUYỄN HỒNG LAM

Trong tiếng Anh, từ “Mongering” vẫn chưa xuất hiện trong từ điển với nghĩa ổn định. Tuy nhiên, từ gần 15 năm trở lại đây, nó đã được sử dụng rộng rãi, được đưa vào giáo trình báo chí đại học như một phần thuật ngữ truyền thông ở Mỹ, Úc với hàm nghĩa là một nỗi ám ảnh, một điều gì đó bị thổi phồng, tương tự từ “ngáo ộp” trong tiếng Việt. Trong đó, tiền tố “Mon” nguồn gốc là từ “Monster”, hiểu đơn giản nhất nghĩa là “quái vật”. 
Tháng 7-2004, trong Tạp chí Nghiên cứu xã hội của Đại học Báo chí Johns Hopkin (Hoa Kỳ), nhà báo kỳ cựu Barry Glassner đã có bài nghiên cứu nhan đề “Kỹ thuật thổi phồng nỗi ám ảnh sợ hãi” (Narrative Techniques of Fear Mongering). Ông đã đưa ra mô tả khá đầy đủ tác động của nguy cơ này trong đời sống báo chí - truyền thông. Nó hủy hoại sự thật. Nó gây nên sự hỗn loạn, méo mó thông tin. Nó kích hoạt sự rối loạn, đẩy con người đến những cảm xúc và hành vi phản ứng sai trái có tính chất tập thể. Nó phá hoại đời sống xã hội rất kinh khủng nhưng khó nhận diện và ngăn chặn. Nó tạo ra “ngộ độc” thông tin trên diện rộng theo hướng cực đoan. Tồi tệ hơn, khi kỹ thuật thổi phồng nỗi sợ hãi được áp dụng vào đời sống chính trị và được lan truyền trên môi trường mạng. Tác giả viết: “Ngôn ngữ điện tử đe dọa và nguy hiểm tràn ngập sự hùng biện chính trị khiến cho nó trở nên hoàn toàn bình thường khi sợ hãi....”. Có lẽ, nơi mà kỹ thuật tồi tệ này được áp dụng đầu tiên và nhiều nhất chính là điện ảnh. Số lượng nạn nhân bị thiệt mạng do hành vi khủng bố trong một bộ phim hình sự lấy New York làm bối cảnh thậm chí có thể nhiều gấp cả chục, hàng chục lần con số nạn nhân thật sự của toàn nước Mỹ trong nguyên một năm. 
Trong thực tế, Barry Glassner chú thích rằng: “Nguy cơ bị giết trong một vụ khủng bố là thấp hơn thống kê so với tử vong do tai nạn sửa nhà, ong đốt hay bị sét đánh. Ngay cả trong những năm tồi tệ nhất, kỷ lục tại Hoa Kỳ, số người chết hằng năm từ khủng bố thậm chí không thể so sánh với số ca tử vong do tai nạn xe cộ liên quan đến rượu” (!).
Truyền thông lừa dối cũng đã tồn tại trong xã hội Việt Nam từ rất lâu, ngấm từ từ. Đầu tiên, nó theo chân các quảng cáo, nhất là các quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng. Nó biến những trạng thái, biến đổi bình thường, phù hợp quy luật tuổi tác… thành những nguy cơ kinh khủng, chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi hoặc e ngại, buộc người tiêu dùng phải tiêu thụ những sản phẩm “cứu tinh” thật ra là không cần thiết, vô ích. Nó có thể là những triệu chứng kiểu mãn dục ở đàn ông, hay đơn giản là triệu chứng nổi mụn ở nam nữ tuổi dậy thì. Khi người tiêu dùng theo lứa tuổi luôn “sống trong sợ hãi” thì doanh số sẽ tăng vọt nhờ những quảng cáo bất lương. Nó cũng được áp dụng cho chiêu trò triệt tiêu đối thủ trong kinh doanh. Đó là khi các sản phẩm kiểu như thuốc bổ Philatov trích xuất từ nhau thai được mô tả trần trụi và đáng sợ là “thuốc điều chế từ thịt người”, “thịt trẻ con”…
Ngôn ngữ điêu toa của phường buôn gian bán lận đang lây lan sang nhiều mặt khác của đời sống xã hội, kể cả lĩnh vực chính trị. Đối với đặc thù kinh tế mậu biên, việc cho phép lưu thông đồng tiền của các quốc gia chung đường biên là điều bình thường, tạo thuận lợi giao thương, kích cầu thương mại. Lào và Campuchia vẫn cho phép lưu hành cả 4 đồng tiền, gồm tiền sở tại, bath của Thái, đồng của Việt Nam và đôla của Mỹ, rất thuận tiện cho thanh toán thương mại. 
Thế nhưng, ở Việt Nam, khi 7 tỉnh biên giới được Chính phủ cho phép lưu thông đồng nhân dân tệ thì ngay lập tức, các trang mạng đã nhao nhao lên rằng chính phủ mở cửa cho kinh tế Trung Quốc nuốt chửng kinh tế Việt Nam. Chiêu trò dân túy đi kèm này kích động tinh thần dân tộc cực đoan, xuyên tạc bản chất sự việc, gây nguy hại cho đất nước.
Ngay cả sự vô tình cũng có thể khiến người ta sa vào vũng lầy truyền thông này, tạo nên ngộ độc thông tin hết sức tai hại. Trường hợp sử dụng con số thống kê ngộ nhận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trên diễn đàn Quốc hội vừa qua là một ví dụ. 
Thậm chí, xuất phát từ vài mẩu tin tưởng chừng như khách quan, nguy hại cũng có thể dẫn đến mức gây bạo loạn. Ngày 10-6-2018, một số thanh thiếu niên quá khích, thiếu hiểu biết đã bao vây, phá phách trụ sở cơ quan Nhà nước tại một số nơi ở Bình Thuận. 
Ngay hôm sau, có bức ảnh chụp tại sân bay kèm chú thích thổi phồng, rằng Bộ Công an điều 20.000 Cảnh sát cơ động đến trấn áp tại Bình Thuận. Không mấy ai thắc mắc đến sự thổi phồng điên loạn của con số phi lý - bị phóng đại lên cả trăm lần, thông tin này cứ thế được chia sẻ đến chóng mặt, tạo ra một không khí đối đầu căng thẳng. Và hậu quả thì ai cũng biết: thêm nhiều xe cộ, trụ sở… bị đốt phá, ném đá, không chỉ ở Bình Thuận và cả một số nơi khác, khiến xã hội hoang mang lo lắng, đời sống nhiều mặt bị đình trệ.

Thổi phồng nỗi sợ hãi đã thật sự trở thành một tội ác được che đậy dưới lớp áo tự do thông tin sạch sẽ. Nó đang được các thế lực bất lương, những phần tử chống đối sử dụng như một chiêu bài, vũ khí hữu hiệu để kích hoạt mầm mống chủ nghĩa dân túy phá hủy sự thật, phá hoại đời sống, làm suy yếu các cơ cấu xã hội. Đã đến lúc phải coi nó là tội ác, loại trừ khuynh hướng này bằng những chế tài nghiêm minh của luật pháp.