Nhạc sĩ Y Vân (1933-1992) là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng. Ông sống 60 năm trên nhân gian, đúng như bài hát mà ông từng viết “em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời”, và để lại khoảng 200 ca khúc. Thế nhưng, điều thú vị là bút danh Y Vân theo ông suốt hành trình sáng tạo chính là kết quả mối tình đầu tan vỡ. Nhạc sĩ Y Vân viết được nhiều thể loại, từ những giai điệu trẻ trung cho đến những giai điệu trữ tình. Thế nhưng, nhắc đến nhạc sĩ Y Vân thì phải nói đến mối tình đầu mở lối cho ông vào âm nhạc, và ông không phụ bạc mối tình đầu ấy khi sẻ chia cho những kẻ đồng điệu niềm riêng xa vắng: “Kìa phồn hoa còn đó/ Những con đường buồn vui lộng gió/ Những ân tình chìm trong lòng phố/ Cũng theo hư không mà đi…”




NHẠC SĨ Y VÂN VÀ MỐI TÌNH ĐẦU MỞ LỐI VÀO ÂM NHẠC

TUY HÒA



Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu. Gia đình gốc gác ở Thái Bình, nhưng Trần Tấn Hậu được sinh ra và lớn lên ở ngõ nhỏ Tràng Tiền – Hà Nội. Có một khoảng thời gian không dài, Trần Tấn Hậu theo học nhạc với thầy Tạ Phước. Từ năm 17 tuổi, Trần Tấn Hậu đã đi chơi nhạc ở các tụ điểm giải trí để kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi hai em nhỏ. Trần Tấn Hậu luôn nghĩ rằng mình sẽ giữ vai trò một nhạc công mãi mãi, nếu không có khúc quanh bất ngờ của số phận.

Đấy là một lần tình cờ, đang lang thang ở Hồ Gươm, Trần Tấn Hậu nhìn thấy một thiếu nữ mặc áo dài trắng ôm cặp bước về phố Tràng Thi. Tấm lưng thon, bờ vai nhỏ, mái tóc dài khiến trái tim mơ màng chàng trai 19 tuổi xao xuyến. Trần Tấn Hậu chạy theo với ý định làm quen, nhưng không kịp. Trần Tấn Hậu chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt đẹp thoáng nét kiêu sa của cô gái trước khi được một chiếc xe hơi sang trọng đón đi.

Như bị tiếng sét ái tình, Trần Tấn Hậu cứ tơ tưởng đến cô gái xa lạ và quý phái kia. Ngày nào, Trần Tấn Hậu cũng đi bộ từ phố Tràng Tiền qua phố Tràng Thi với hy vọng gặp lại mỹ nhân trong mộng, nhưng vô vọng. Rồi một sự trớ trêu đem lại may mắn. Ban nhạc mà Trần Tấn Hậu đang là thành viên, bị giải tán. Trần Tấn Hậu chưa biết xoay xở mưu sinh ra sao thì người bạn giới thiệu cho một mối dạy đàn. Trần Tấn Hậu rụt rè đến ngôi nhà khá nguy nga trên phố Hàng Bông để nhận việc gia sư âm nhạc. Sau khi được phụ huynh trao đổi và thống nhất thù lao, thì học trò xuất hiện. Trần Tấn Hậu giật thót rồi đứng ngây như pho tượng, khi nhận ra cô học trò chính là thiếu nữ từng có cơ duyên hạnh ngộ ở phố Tràng Thi. Cô gái tên Tường Vân bắt đầu học đàn với thầy Trần Tấn Hậu mà đâu hề biết hình ảnh mình hơn một lần đi về trong giấc mơ của người đang dạy nhạc.

Trần Tấn Hậu làm gia sư khoảng nửa năm thì chinh phục được học trò Tường Vân. Tình yêu của họ nhen nhóm rồi phát triển từng ngày. Đến khi Tường Vân công khai với gia đình về quan hệ tâm đầu ý hợp với thầy dạy nhạc, thì hợp đồng gia sư của Trần Tấn Hậu bị… chấm dứt. Bố mẹ của Tường Vân kiên quyết chối từ con gái đi lại với Trần Tấn Hậu vì… dan díu nghệ sĩ nghèo chỉ khổ thân. Trần Tấn Hậu không còn điều kiện bước vào căn nhà trên phố Hàng Bông, nhưng Tường Vân vẫn không nguôi ngoai mối tình đầu. Những ngày hẹn hò lén lút đã khiến Trần Tấn Hậu có cảm hứng sáng tác. Ca khúc đầu tay Trần Tấn Hậu viết tặng Tường Vân có tên gọi “Tình ta nở giữa mùa đông” được ký bút danh Y Vân. Vì sao lại là Y Vân? Đơn giản, Y Vân nghĩa là… yêu Vân!

Ca khúc “Tình ta nở giữa mùa đông” được Tường Vân mang về nhà và hát đôi lần thì… bố mẹ cô quyết định đưa cô sang Pháp du học. Từ đó, bản nhạc ca khúc “Tình ta nở giữa mùa đông” rời khỏi Hà Nội, rời khỏi Việt Nam, và hầu như không còn ai được dịp hát nữa. Mối tình đầu chỉ còn lại… hai lá thư mà Tường Vân viết cho Y Vân.

Năm 1954, người cha qua đời, nhạc sĩ Y Vân cùng mẹ và hai em chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Đất mới nhiều thử thách, người mẹ nhọc nhằn may vá đêm ngày để gánh vác trách nhiệm nuôi con thờ chồng đã giúp Y Vân viết ca khúc “Lòng mẹ” rung động bao thế hệ suốt 60 năm qua: “Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu/ Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ/ Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ/ Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ/  Thương con thao thức bao đêm dài/ Con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao/ Thương con khuya sớm bao tháng ngày/ Lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương...”. Ca khúc “Lòng mẹ” ra đời năm 1958, nhanh chóng giúp Y Vân nổi tiếng trong giới âm nhạc. Nhạc sĩ Y Vân không chỉ nhận được lời mời chơi nhạc, mà còn được đặt hàng viết ca khúc. Khi đó ở Sài Gòn, ca khúc “Let’s Twist Again” rất được ưa chuộng trong giới trẻ, nên Hãng đĩa Sóng Nhạc đã đặt hàng nhạc sĩ Y Vân viết một ca khúc theo điệu twist. Chỉ trong vòng một tuần miệt mài, nhạc sĩ Y Vân đã đem nộp đến… 3 ca khúc “60 năm cuộc đời”, “20 và 40”, “Kim”. Với tiếng hát Hùng Cường, 3 ca khúc của nhạc sĩ Y Vân mang lại cho Hãng đĩa Sóng Nhạc một nguồn thu lớn. Vì vậy, ngoài thù lao giao kèo, nhạc sĩ Y Vân còn được thưởng thêm khoản tiền đủ mua một căn nhà.

Tuy nhiên, trong gia tài âm nhạc của Y Vân, hình ảnh Tường Vân thuở nào vẫn ghi đậm ký ức. Mối tình đầu không chỉ mang đến cái bút danh, mà còn góp cho Y Vân hai bản tình ca day dứt: “Ngăn cách” và “Ảo ảnh”. Ca khúc “Ngăn cách” được viết sau khi nhạc sĩ Y Vân nhận được tin Tường Vân đã lấy chồng môn đăng hộ đối. Cái tên Vân thân thiết của người xưa được chuyển thành “mây” âu yếm trong ca từ: “Em lên xe hoa rồi, biết rằng sầu để một người/ Rượu hồng chẳng được say mà đành lòng nếm chua cay…/ Mây sao quên hạn kỳ cho trăng buồn vì nhớ mãi câu thề/ Mây đem mưa trở lại, mưa hay nhiều lời, khiến trăng mỉm cười/ Không, trăm không ngàn lần, không ai giận hờn nếu đã hay rằng/ Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình ...”. Còn ca khúc “Ảo ảnh” được viết khi nhạc sĩ Y Vân chứng kiến một cuộc tình lỡ làng giống như mình với Tường Vân thuở nào: “Yêu cho biết sao đêm dài, cho quen với nồng cay/ Yêu cho thấy bao lâu đài, chỉ còn vài trang giấy/ Dòng mực xanh còn đấy/ Hứa cho nhiều dù bao lời nói/ Đã phai tàn thành mây thành khói/ Cũng xem như không mà thôi…/ Những neo thuyền yêu đương thường dễ đứt/ Khiến bao chiều trên bến tịch liêu/ Vắng con tàu sân ga thường héo hắt/ Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu...”
                                     
                                        
.
Nhạc sĩ Y Vân cưới vợ hai lần. Người vợ đầu Như Hường cưới năm 1959, sinh 4 người con cho ông. Người vợ sau Minh Lâm cưới năm 1970, cũng sinh 4 người con cho ông. Bà Minh Lâm, người vợ thứ hai từng được chính người vợ thứ nhất đi dạm hỏi cho Y Vân, đã thổ lộ: “Hơn hai mươi năm chung sống, vợ chồng tôi chưa một lần to tiếng. Tôi với ông như hai người bạn tri kỉ và thấu hiểu tâm can của nhau. Có những hôm chúng tôi trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Ông là người rất thật thà và chung thủy, yêu thương vợ con. Nhiều người cứ dựa vào những ca khúc có tên gọi phụ nữ nào đó như “Thúy đã đi rồi” hoặc “Hương” mà thêu dệt Y Vân thành một con người đa tình, trăng hoa. Là người vợ đầu gối tay ấp nên tôi rất hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ. Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con. Nhiều buổi trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập để kiếm tiền nuôi cả nhà, thấy thương vô cùng”.

Ngày 28-11-1992, nhạc sĩ Y Vân vẫy chào cõi người đắm say và rộn ràng, khi vừa viết xong ca khúc “Từ xa nghìn trùng” cho bộ phim “Người về từ nghìn trùng” của đạo diễn Lưu Bạch Đàn, với sự tham gia của các diễn viên Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Y Phụng, Nguyễn Huỳnh… Trong đám tang Y Vân, nguyên mẫu của ca khúc “Lòng mẹ” đã khóc tiễn con trai: “Người đời thường bảo con “đi” trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong “Lòng mẹ”… Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ, vì mẹ nuôi con 20 năm nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm…”.


Nhạc sĩ Y Vân viết được nhiều thể loại, từ những giai điệu trẻ trung cho đến những giai điệu trữ tình. Thế nhưng, nhắc đến nhạc sĩ Y Vân thì phải nói đến mối tình đầu mở lối cho ông vào âm nhạc, và ông không phụ bạc mối tình đầu ấy khi sẻ chia cho những kẻ đồng điệu niềm riêng xa vắng: “Kìa phồn hoa còn đó/ Những con đường buồn vui lộng gió/ Những ân tình chìm trong lòng phố/ Cũng theo hư không mà đi…”