Quan điểm của
nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Trận chung kết lượt về giữa tuyển Việt Nam và tuyển
Malaysia sẽ vô cùng hấp dẫn theo nghĩa và cách của bóng đá. Và nó sẽ trở lên rất
tệ nếu chúng ta coi đó như sự ăn thua đầy uất ức. Chúng ta khát vọng thì người
ta cũng khát vọng. Chúng ta quyết tâm thì họ cũng quyết tâm. Nếu Malaysia đá
hay thì chúng ta vẫn được xem một trận đấu hay đúng nghĩa của bóng đá. Và nếu
chúng ta đá hay và lại chiến thắng chúng ta sẽ được gấp đôi: xem một trận hay
và đạt được ước mơ. Giả sử nếu chúng ta không giành chức vô địch ( mà tôi
tin chắc chúng ta sẽ giành chức vô địch) thì tôi vẫn phải nói rằng: bóng đá Việt
Nam đã thực sự thay đổi và thay đổi quá lớn. Năm 2018 là một năm ngoạn mục của
bóng đá Việt Nam.
TẢN MẠN VỀ BÓNG
ĐÁ VIỆT NAM TRƯỚC TRẬN CHUNG KẾT LƯỢT VỀ
NGUYỄN QUANG
THIÊU
Hãy xem lại những
trận đấu ở Thường Châu và kết quả của giải đấu đó. U23 VN đã đi qua những đội
bóng mà trước đó ta không dám nghĩ tới như Iraq, Australia, Qatar…. để đi đến
trận chung kết. Cho dù trận cuối cùng, chúng ta không chiến thắng. Nhưng những
hình ảnh trong trận đó của U23 VN dưới tuyết trắng là vẻ đẹp vượt ra ngoài bóng
đá. Tôi thực sự không thi vị hóa điều này. Các bạn cứ thử ngẫm kỹ mà xem. Rồi đến
giải ASIAD 18, bóng đá Đông Nam Á chỉ còn Olympic Việt Nam lọt đến vòng tứ kết.
Và đến bây giờ tuyển VN vào đến trận chung kết và đã chơi trận lượt đi ở Bukit
Jalil mà mọi người gọi là chảo lửa lớn nhất Đông Nam Á, còn tôi gọi nơi này là
“tử địa” cho rất nhiều đội tuyển đã thi đấu ở đây và chúng ta đã đi qua "tử
địa" ấy. Xin mọi người hay tìm hiểu kỹ thêm về các đội bóng mà chúng ta đã
vượt qua trong năm 2018 như Iraq, Australia, Qatar, Syria...thì chúng ta mới thấy
sự trưởng thành của bóng đá VN như thế nào. Trong khi trước đó, bóng đá VN có
lúc thắng, lúc thua nhưng luôn là một hình ảnh lờ mờ, bất ổn, bất an và cả ngờ
vực.
Sự phát triển
bóng đá cũng giống sự lớn lên của một cái cây, của một con người cần thời gian
và cần sự chăn sóc một cách kỹ lưỡng và đúng hướng. Tôi thất kinh khi nghe tin
Bầu Đức không thể tham gia LĐBĐ vì chưa có bằng đại học. Nếu đúng như vậy thì
đây quả là một ám ảnh bi hài và khiếp sợ. Có phải họ đưa ra tiểu chuẩn này để
loại đi Bầu Đức, một người hy sinh lớn nhất cho bóng đá Việt Nam trong những
năm qua ? Lứa cầu thủ hiện nay có trình độ chuyên môn, có ý chí và “sạch” có
công rất lớn của Bầu Đức. Để phát triển bóng đá và nhiều lĩnh vực khác, chúng
ta cần nhiều hơn những người như Bầu Đức.
Sự thật là bằng cấp ở nước ta bây giờ rất ít giá trị . Không ít người tìm mọi
cách có cái danh giáo sư, tiến sỹ chỉ để phục vụ cho cuộc chiến quyền lực chứ
không phải vì sự phụng sự tổ quốc của họ.
Ở các nước khác,
ông chủ của những đội bóng lớn là những người có tiềm lực kinh tế, có tư duy
chiến lược để phát triển một đội bóng và dám dâng hiến không vụ lợi. Bóng đá
không phải là một tổ chức chính trị, hãy để bóng đá phát triển với bản chất và
đặc trưng của nó. Tất nhiên, bóng đá là một môn thể thao đặc biệt nhất và nhiều
khi nó tác động không nhỏ vào sự phát triển của một số lĩnh vực. Ví dụ như
thành công và hiệu ứng của HLV Park Hag Seo được hệ thống truyền thông Hàn Quốc
sử dụng một cách triệt để cho việc quảng bá hình ảnh con người và đất nước Hàn
Quốc. Như vậy, bằng một cách gián tiếp, HLV Park Hang Seo đã làm cho hình ảnh đất
nước ông được truyền bá rộng hơn. Và chắc chắn một điều là người VN yêu Hàn Quốc
hơn và đó là điều mà nhiều nhà ngoại giao Hàn Quốc không làm được .
Theo báo chí, số
lượng người Hàn Quốc có cảm tình với VN và hiểu biết VN hơn đã tăng lên rất nhiều
so với trước đây bởi chất lượng và ý chí của các cầu thủ, bởi tình yêu lạ lùng
với bóng đá và với ông thầy Park của người hâm mộ Việt Nam và bởi sự đóng góp của
một người Hàn Quốc vào những kỳ tích bóng đá Việt Nam trong năm 2018. Chẳng có
điều gì khi làm đến nơi đến chốn mà lại không trực tiếp hay gián tiếp quảng bá
hình ảnh cho đất nước họ cả. Hành động một người VN ăn cắp một cái bút bi trong
siêu thị nước ngoài cũng xóa đi một phần danh dự đất nước và món phở vỉa hè của
một người nấu phở vô danh cũng tạo ra thương hiệu cho VN hơn nhiều lần so với
nhiều thứ thứ được “ khua chiêng gõ mõ” ầm ĩ lâu nay. Có lẽ vì thế mà một số
người nói “yêu bóng đá là yêu nước” bởi hiệu ứng dây chuyền ngoài sân cỏ lúc
này của nó. Mọi người cũng không nên khó chịu và bắt bẻ với cách gọi đó. Những
người hâm mộ bóng đá không phải các nhà ngôn ngữ học. Vì thế mà lâu nay tôi vẫn
nghĩ rằng: một người làm tương ngon thì trở thành nghệ nhân còn một người ủ rượu
vang hỏng thì chẳng trở thành cái gì cả. Yêu nước không phụ thuộc vào công việc
anh làm, vị trí anh ngồi mà là sự hiến dâng trong sáng đến tận cùng của anh. Và
lúc này, tôi có thể tuyên bố rằng: một người nông dân làng Chùa của tôi yêu nước
hơn một số ngài bộ trưởng, tướng lĩnh đã phá hỏng đất nước một phần bởi việc
làm của họ đặc biệt là những vị đang ngồi trong trại giam.
Tôi hiểu nỗi
lòng của những người yêu bóng đá và cả những người vốn không yêu bóng đá lâu
nay nhưng vẫn khát khao một chiến thắng cho đội tuyển vì tôi là một người trong
số họ. Một chiến thắng với họ trong trường hợp này không phải sự ăn thua mà là
lòng tự trọng và tự hào. Nhưng hãy nhìn những gì mà bóng đá VN lớn lên trong thời
gian gần đây để lấy đó là niềm vui dài còn chưa thắng một trận nào đó chỉ là một
nỗi buồn ngắn. Chúng ta chỉ nên phân tích về chiến thuật và có quyền tiếc nuối
chứ đừng mạt sát một cầu thủ nào đó hay HLV trừ phi cầu thủ đó chơi một thứ
“bóng đá bẩn”. Bởi chính bản thân mỗi chúng ta cũng không ít những sai lầm, những
yếu kém cho dù lòng mình luôn ngập tràn khát vọng và ý thức dâng hiến. Và tôi
là một ví dụ của những sai lầm và yếu kém đó trong cuộc đời mình.