Lệ thuộc vào đồng tiền, những cuộc trao đổi văn hóa với nước ngoài bỗng trở thành phiên diện, chăng chớ. Màn ảnh lớn thì toàn chiếu phim hành động Mỹ. Màn ảnh nhỏ nhan nhản phim Ấn độ, Hàn Quốc và phim “nhảm” Việt… Người thưởng ngoạn phim ảnh có “gu” ở nước mình hầu như không biết tới các tác phẩm điện ảnh xuất sắc và “những cây đại thụ” của các nền điện ảnh hiện đại ở Italy, Đan Mạch, Tây Ban nha, Brasin… Ví như bạn đã xem 2 bộ phim Italy “Cinema Paradiso” và Malena”, nhưng tác giả của chúng bạn còn chưa biết tới..



CÂY ĐẠI THỤ CỦA ĐIỆN ẢNH ITALY HIỆN ĐẠI

            Giuseppe Tornatore sinh năm 1956 tại khu cư xá Begheria nhỏ bé nắm gần Palero, đảo Sicily. Cha của ông- từng là người đứng đầu một tổ chức công đoàn khá lớn tại Italy, đã nuôi dưỡng và vun đắp niềm say mê thế giới sân khấu và điện ảnh của Tornatore. Ngay từ khi 16 tuổi, đang là sinh viên tại một trường cao đẳng ở địa phương, chàng trai Tornatore đã đứng đầu một nhóm bạn bè dàn dựng những vở kịch của hai kịch tác gia có tiếng tại Italy là Piradello và De Philippo. Đồng thời Tornatore cũng đã đặt bước chân đầu tiên vào lĩnh vực điện ảnh-dàn dựng bộ phim ngắn “Xe thổ mộ” khiến các ông chủ của RAI- tập đoàn sản xuất radio-truyền hình Italy chú ý tới. Tornatore làm việc khá lâu trong lĩnh vức truyền hình, là tác giả của nhiều bộ phim dành cho màn ảnh nhỏ, đáng chú ý là các phim “Chân dung kẻ cắp” và “Nhật ký của Guttuzo”.
            Vào năm 1984, Tornatore với sự cộng tác của Juyppe Feppapa đã cho ra mắt bộ phim “Một trăm ngày ở Palermo” lần đầu tiên đụng chạm tới tổ chức maphia ở địa phương này.Hai năm sau, tự cho rằng mình đã đạt tới độ chín của việc dàn dựng những bộ phim dài hơi nên một mình ông quay bộ phim “Kamorist”, chuyển thể theo cuốn tiểu thuyết của nhà văn Giuseppe Morasso. Bộ phim này ngay lập tức đạt doanh thu cao và chiếm nhiều giải thưởng có tiếng tại các liên hoan phim trong nước. Nhà sản xuất phim danh tiếng Franko Kristaldi nhận dạng ngay ra ở Tornatore một đạo diễn nhiều hứa hẹn. Ông bầu này liền đỡ đầu cho Tornatore làm phim. Bộ phim thứ hai của Tornatore với tên gọi “Rạp chiếu bóng thiên đường“ (Cinema Paradiso) lập tức mang tới cho ông tiếng tăm thế giới. Bộ phim khiến Cannes rúng động, được trao Giải Oscar, Giải BATTA của Viện hàn lâm Điện ảnh Anh quốc. Kể từ thời gian này trở đi, mỗi bộ phim tiếp theo của đạo diễn này đều được giới điện ảnh thế giới nôn nóng chờ đợi.
            Đạo diễn Giuseppe Tornatore gắn bó mật thiết với mảnh đất quê hương- đảo Sicily, và như môt lẽ tự nhiên tình yêu này đã thể hiện trong những tác phẩm điện ảnh của ông. Tornatore đã nhiều lần đề cập tới lịch sử của đảo Sicily trong các bộ phim tài liệu của mình. Ví như phim “Những tộc người ít ỏi” ông quay ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường cao đẳng và đã được trao Giải Nhất tại LHP Salerno. Hay ông ca ngợi đảo Sicily trong bộ phim “Thanh kiếm và ba lá chắn”. Phim này được tạo nên bởi hơn 500 trích đoạn từ 100 bộ phim khác nhau phản ánh cuộc sống của hòn đảo này. Nhiều những nhân vật trong các bộ phim của Tornatore là người dân của đảo Sicily. Đạo diễn thường nghĩ ra một địa danh không có thực trên hòn đảo này và để các nhân vật của mình sống, hành động trên mảnh đất ấy. Ví dụ như nhân vật chính trong phim “Rạp chiếu bóng thiên đường” là cư dân của thị trấn Jancando, một địa danh được nghĩ ra thuộc đảo Sicily; còn địa điểm hành động trong phim “Malena” là thành phố Castelcuto cũng là sản phẩm tưởng tượng của đạo diễn Tornatore. Bộ phim “ Bagheria” công chiếu năm 2009 phản ánh sự việc xẩy ra trên chính quê hương của ông đạo diễn đáng coi là một ngoại biệt.
            Hầu như trong tất cả các bộ phim của mình Giuseppe Tornatore đều cộng tác với nhà soạn nhạc Italy nổi tiếng Ennio Morricon.Đạo diễn thừa nhận giữa hai người có một mối quan lạ lùng, có phần thần bí. Tornatore nhiều lần khẳng định rằng quan điểm về âm nhạc dành cho điện ảnh ở ông được hình thành là nhờ nhạc sỹ Morricon: “Ông ta viết ra những đoạn nhạc riêng lẻ và sau đó dành chúng cho đạo diễn tiếp tục tự sử dụng. Làm như chính đạo diễn là nhà soạn nhạc của bộ phim tương lai. Sự liên kết các phần nhạc ấy là cả một cuộc phiêu lưu”.
            Tornatore thường không trực tiếp viết lấy kịch bản. Ông dành thời gian để làm những công việc khác liên quan đến thế giới nghệ thuật.Ví như bắt đầu từ những năm 1990, Tornatore tích cực tham gia vào dự án Philip Morris là hoạt động nhắm phục hồi lại những bộ phim kinh điển của Điện ảnh Italy. Hoặc lên lớp về thẩm mỹ học tại trường đại học tại Palermo- thành phố quê hương. Vào năm 2010 ông tham gia vào một công việc chưa từng làm bao giờ - soạn thảo tập ảnh về Monica Bellucci- nữ diễn viên mà ông hết lòng ca ngợi. Đạo diễn Tornatore cũng có thành công âm nhạc riêng của mình, ông đã sáng tác bài hát “Ricordare” dành cho bộ phim “Sự giả dối hào nhoáng” của ông.

                                        
Nữ diễn viên Monica Bellucci trong phim “ Malena”


“Nghệ thuật và Văn hóa có mối quan hệ trực tiếp tới những quan niệm về cái đẹp. Mà cái đẹp, bằng những phương cách hoàn hảo nhất của mình,  lại giúp con người tạo dựng nên sự kết nối cộng đồng” – Giuseppe Tornatore thường nói như vậy.

“Rạp chiếu bóng thiên đường” cho đến tận hôm nay vẫn là tác phẩm thành công nhất của Tornatore. Chính bộ phim này đã khẳng định vị trí của ông trong đời sống Nghệ thuật thứ 7 ở Italy và mang lại cho đạo diễn nhiều giải thưởng quốc tế cao quý nhất. Nhiều bộ phim khác của đạo diễn này cũng được trao giải thưởng tại các Liên hoan phim ở Italy hay ở nước ngoài như : “Với họ mọi điều đếu tốt đẹp”, “Sự giả dối hào nhoáng”, “Malena”,  “Người đàn bà xa lạ”, “Baaria”.
“Tôi không biết tôi có tài hay không. Một số người nói rằng tôi có tài, nhưng chính tôi không xác định chắc chắn được điều đó. Và tôi vẫn hy vọng rằng tôi sẽ không nhận biết được điều này! ”- Giusppe Tornatore nói.

TÔ HOÀNG