Dưới triều vua Thành Thái và Duy Tân, Nguyễn Hữu Bài
là một Thượng thư trụ cột triều đình, là người có rất nhiều uy quyền trong tay,
nên ảnh hưởng và vây cánh rất lớn. Nguyễn Hữu Bài nhiều lúc đã lộng quyền, qua
mặt cả vua; điển hình là việc đào xới trong nội thành để tìm vàng… Không thể
nào có chuyện “Đào mả không Bài” được, mà phải là “Đào mả là Bài” có nhiều
chính xác hơn, vì ngay cả đất trong đại nội mà còn bị đào xới để tìm vàng bạc,
thì chuyện đào lăng vua Tự Đức có chi mà không dám làm? Hơn nữa, dưới thời này,
ai dám đào mả hoàng tộc để tìm châu báu vàng bạc nếu không phải là tay sai thân
tín của Pháp?
CÓ PHẢI ÔNG NGUYỄN HỮU BÀI CHỐNG VIỆC ĐÀO MẢ VUA TỰ
ĐỨC?
ĐẶNG MINH PHƯƠNG
Tạp chí Xưa và Nay số 500, tháng 10/2018 đăng bài Về
nhân vật Nguyễn Hữu Bài cuối thời Nguyễn của Tôn Thất Thọ. Tác giả viết: “Năm
1908, một sự kiện quan trọng xảy ra: Khâm sứ Mahé đã cho lấy lượng vàng trên
tháp Pháp Duyên chùa Thiên Mụ, đồng thời đòi khai quật mộ vua Tự Đức để lấy
vàng bạc châu báu… Ông (tức Nguyễn Hữu Bài, lúc này là đại thần bộ Công) đã đứng
ra chống đối quyết liệt hành động thô bạo này. Bấy giờ dân gian lan truyền câu
ca:
“Phế vua không Khả, đào mả không Bài”
Chung quanh câu ca trên đã từng có nhiều đánh giá
khác nhau. Chúng tôi xin đăng sau đây ý kiến của ông Lê Trọng Văn để bạn đọc
tham khảo.
Ông Lê Trọng Văn, người Quảng Bình, là dược sỹ, cùng
quê và có họ hàng bên ngoại với ông Ngô Đình Diệm, rất được anh em ông Diệm và
ông Nhu tin tưởng giao nhiều trọng trách thời ông Diệm thống trị miền Nam. Sau
một thời gian hợp tác với Diệm – Nhu, ông Văn chứng kiến nhiều hành động tàn bạo
của hai ông này nên đã không hợp tác nữa. Năm 1975, ông Văn sang sống ở Mỹ. Ông
viết cuốn sách “Những bí ẩn lịch sử dưới chế độ Ngô Đình Diệm” với bút hiệu Cửu
Long in lần thứ nhất tháng 4/1989, phát hành ở Mỹ.
Về Ngô Đình Khả và Nguyễn Văn Bài, tác giả viết:
… Khi ông Diệm làm Tổng thống, nhân dân thường được
nghe một bài vè là: “Đầy vua không Khả! Đào mả không Bài! Hại dân không Diệm!”.Thật
ra, trong hàng ngũ chống Pháp, câu vè trên nó ngược hẳn lại, đó là: Đầy vua là
Khả! Đào mả là Bài! Và khi ông Diệm tiêu diệt các giáo phái, các đảng phái, thì
dân gian thêm một câu nữa là: “Hại dân là Diệm!”.
Để chứng minh luận cứ nào đúng, tôi xin trở lại
giòng lịch sử để chúng ta cùng suy nghiệm.
Năm 1889, khi vua Đồng Khánh băng hà, Pháp lập Thành
Thái kế vị, khi ấu chúa này mới 10 tuổi. Trái ngược với vua cha, ông vua này là
ông vua có chí lớn, rất thông minh, muốn làm cách mạng để giành độc lập cho xứ
sở. Ngài thường vi hành bất thình lình để tìm hiểu dân tình. Có lần vua Thành
Thái trốn khỏi Hoàng cung định ra Bắc để liên lạc với các nhóm Cần Vương chống
Pháp, nhưng không may, ngài bị Pháp bắt lại và bị canh giữ rất gắt gao.
Năm 1907, vua Thành Thái lại bí mật liên lạc với Kỳ
Ngoại Hầu Cường Để ở Nhật để mưu đồ chống Pháp, nhưng cơ mưu bị bại lộ, Pháp bắt
vua thoái vị và đầy sang đảo Réunion (Phi châu)!
Sự kiện đầy vua Thành Thái cả nước đều biết và lịch
sử ghi rất rõ ràng, nhưng chưa hề có một chứng tích nào cho thấy Ngô Đình Khả
phản đối việc đầy vua Thành Thái (Nếu có thì lịch sử đã cho ông ta một chỗ đứng
vinh quang rồi!). Tiếc rằng việc đó đã không xẩy ra, mà còn có nghi vấn là
chính Ngô Đình Khả với chức vụ Chỉ huy Cấm Vệ đã theo dõi việc làm của vua
Thành Thái rất kỹ, cho nên mọi việc làm của vua Thành Thái đều không giấu được
thực dân Pháp và bè lũ tay sai!
Khi vua Thành Thái thoái vị, Pháp đặt Hoàng tử Vĩnh
San lên ngôi. Ấu chúa này cũng chỉ mới có 8 tuổi, lấy đế hiệu là Duy Tân. Ngài
là một vị vua giống tính cha rất thông minh và có tinh thần cách mạng. Năm 13
tuổi, Ngài đã gửi thư cho Pháp, phản đối việc chính phủ Pháp không thi hành
đúng hòa ước Giáp Thân 1884.
Một điểm son trong lịch sử của vua Duy Tân là trong
lúc Pháp bối rối vì chiến tranh với Đức trong Đệ nhất Thế chiến, thì Ngài cùng
hai nhà cách mạng Trần Cao Vân và Thái Phiên đã tổ chức Đảng Tân Việt Nam để
mưu việc diệt thực dân Pháp, giành độc lập cho xứ sở. Đảng Tân Việt Nam đã tổ
chức vào cả hàng ngũ quân sĩ dưới quyền hai ông Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài
cùng những người sắp đi sang Pháp để đánh với Đức cho Pháp. Vua Duy Tân định
3-5-1916 là ngày khởi nghĩa. Nhưng không may cho đất nước ta là cơ mưu bại lộ,
nên số quân sĩ bị nghi ngờ đã bị tước hết khí giới, và quân Pháp được tăng cường
đề phòng binh biến.
Trong lúc cơ mưu bị bại lộ, hai nhà cách mạng Trần
Cao Vân và Thái Phiên vẫn không hay biết gì nên vẫn đến đúng giờ để đón vua vào
Quảng Nam để truyền hịch khởi nghĩa…
Khi vua Duy Tân và các nhà cách mạng vừa ra khỏi
hoàng thành thì bị Pháp bắt lại! Thế là cuộc khởi nghĩa không thành! Hầu hết
các chiến sĩ cách mạng đều bị bắt và bị xử tử, trong đó có hai nhà cách mạng Trần
Cao Vân và Thái Phiên, còn vua thì bị Pháp truất phế và đầy sang đảo Réunion,
nơi vua cha là Thành Thái đang bị giam lỏng. Sau đó, Pháp lập con của Đồng
Khánh là Khải Định lên ngôi.
Sự kiện vua Duy Tân bị đi đày, chúng ta lại càng thấy
rõ như ban ngày là ông Ngô Đình Khả mặc dù là cận thần của vua, nhưng chưa hề
bao giờ lên tiếng phản đối việc Pháp truất phế và lưu đầy hai vị vua đầy khí
phách với lòng yêu nước vô bờ này. Không những thế, mọi hành động của hai vị
vua cách mạng dân tộc còn bị Pháp biết rõ, như vậy chúng ta khó mà tránh được
nghi ngờ đám cận thần của nhà vua đã tâng công với quan Đại Pháp của chúng để
giết hại những nhà ái quốc Việt Nam, lưu đầy những vị vua có chí khí, có tinh
thần cách mạng.
Riêng về Nguyễn Hữu Bài, chúng ta nên biết thêm về
con người hai mặt này. Dưới triều vua Thành Thái và Duy Tân, Nguyễn Hữu Bài là
một Thượng thư trụ cột triều đình, là người có rất nhiều uy quyền trong tay,
nên ảnh hưởng và vây cánh rất lớn. Nguyễn Hữu Bài nhiều lúc đã lộng quyền, qua
mặt cả vua; điển hình là việc đào xới trong nội thành để tìm vàng mà cuộc đối
thoại của Bài với vua Duy Tân đã được cụ Hoàng Trọng Thược ghi lại như sau:
- Vua Duy Tân: Đại nội ni thuộc về ai rứa thầy?
- Bài tâu: Của Vua!
- Vua Duy Tân: Vậy trẫm có biểu đào mô?
- Bài tâu: Vì ở kho ta thiếu tiền và người Pháp đang
đánh nhau với Đức.
- Vua Duy Tân: Nước Pháp bị giặc xâm lăng, chứ nước
ta không bị giặc xâm lăng đó sao?
- Bài: (Cúi đầu không đáp)…
Một buổi khác, nhân ngồi thuyền câu cá, vua Duy Tân
muốn thử lòng ái quốc của Nguyễn Hữu Bài, nên ra một câu đối để Bài đối lại.
Vua nói:
“Ngồi trên nước, khôn toan việc nước, trót buông câu
đã lỡ phải lần”.
Nguyễn Hữu Bài đối lại:
“Nghĩ việc đời, mà ngán cho đời, nên nhắm mắt đến
đâu hay đó”.
Vua Duy Tân thấy khẩu khí của một vị Thượng thư mà
cam tâm làm nô lệ cho ngoại bang như vậy nên ngài tỏ ra không vui và sau lời đối
đáp của Bài, ngài lẳng lặng nhìn mây nước và không nói gì nữa.
Xem cung cách trả lời trên của Nguyễn Hữu Bài, chúng
ta thấy không thể nào có chuyện “Đào mả không Bài” được, mà phải là “Đào mả là
Bài” có nhiều chính xác hơn, vì ngay cả đất trong đại nội mà còn bị đào xới để
tìm vàng bạc, thì chuyện đào lăng vua Tự Đức có chi mà không dám làm? Hơn nữa,
dưới thời này, ai dám đào mả hoàng tộc để tìm châu báu vàng bạc nếu không phải
là tay sai thân tín của Pháp? Và Nguyễn Hữu Bài đã chống lại ai để có cái điệu
ví von như trên?
Do vậy, điệu vè “Đầy vua là Khả! Đào mả là Bài!” quả
thật đúng với lời nhân gian truyền tụng vậy!
Nguồn: Văn Nghệ TPHCM