Khác với một đơn vị truyền thông, có Tổng Thư ký, có Tổng Biên tập, có Biên tập viên, tất cả thông tin bài viết đều phải qua ít nhất một người kiểm duyệt trước khi đến với công chúng và xã hội. Nhưng với mạng xã hội ngày nay thì khác. Mỗi người dùng là một Tổng Thư ký, kiêm Chủ bút, kiêm nhà báo, kiêm biên tập viên… Một quyền lực không hề nhỏ! Vậy khi một người có đầy đủ quyền lực trong tay, có quyền kiểm soát tất cả hành vi, lời nói của mình thì người đó sẽ trở nên thế nào? Và hành vi đó sẽ có sức ảnh hưởng như thế nào với xã hội?


Báo động một cuộc sống thiếu nhân văn trên mạng xã hội

PHAN HUÊ LY

Một thống kê của We are Social Meida năm 2017 cho biết, Việt Nam có hơn 46 triệu người thường dành thời gian cho mạng xã hội, đứng vị trí thứ 22 trên thế giới. Trong đó, người khổng lồ Facebook tuy mới ra đời năm 2009 nhưng đến nay đã trở thành công cụ quyền lực nhất của truyền thông. Đây, vô hình trung đã làm thay đổi hình thức giao tiếp trong cộng đồng loài người. Hơn thế nữa, nó làm cho người ta thể hiện rất rõ cá tính của bản thân mình, qua cách sử dụng.
Nhớ thời còn đi học, học trò hay đố nhau "Đố trò, trên đời cái gì nhanh nhất". Người thắng cuộc phải là người có câu trả lời: "Đó là cái suy nghĩ hoặc cái chớp mắt", có lẽ bắt nguồn từ câu "nhanh như chớp (mắt)". Ngày nay, khác rồi. "Nhanh" nhất là cái nút post của mạng xã hội. Hiểu theo một cách nào đó, thì thời đại này, thông tin đến người, hay người đến với thông tin, nhanh và thuận lợi trong tầm tay. Nhanh đến mức, sự việc của thông tin đó có thể chưa kết thúc hoặc có thể chưa được kiểm chứng. Nhanh đến mức, thông tin đó không có được ít nhất một giây suy nghĩ của người gửi đi.
Khác với một công ty truyền thông, có Tổng Thư ký, có Tổng Biên tập, có Biên tập viên, tất cả thông tin bài viết đều phải qua ít nhất một người kiểm duyệt trước khi đến với công chúng và xã hội. Nhưng với mạng xã hội ngày nay thì khác. Mỗi người dùng là một Tổng Thư ký, kiêm Chủ bút, kiêm nhà báo, kiêm biên tập viên… Một quyền lực không hề nhỏ! Vậy khi một người có đầy đủ quyền lực trong tay, có quyền kiểm soát tất cả hành vi, lời nói của mình thì người đó sẽ trở nên thế nào? Và hành vi đó sẽ có sức ảnh hưởng như thế nào với xã hội? Lẽ thường tình, nếu đó là một hành vi đúng xuất phát từ một tư tưởng đúng thì không có gì phải bàn cãi, tiếng ngân của nó vang rất xa và lâu. Nhưng ngược lại, nếu đó là một hành vi khởi nguồn từ một tư tưởng chưa kiểm soát được, thì sẽ là một "trận đại dịch". Hàng ngàn, hàng triệu con người sẽ bị nhiễm bệnh.
Lựa chọn một từ, một câu để nói ra bằng lời khó và quan trọng bao nhiêu thì lựa chọn một hình ảnh, một nội dung để đăng tải trên mạng xã hội khó và quan trọng gấp bội phần. Vì sao? Một lời động viên, hay đóng góp bằng lời giữa cá nhân với nhau, đôi khi khó nói ra, hoặc không dám nói ra vì tính cách của người đó, nhưng không hề khó để người đó phơi bày trên mạng xã hội. Do đó, nó là phương tiện nhanh nhất và dễ dàng nhất để thể hiện thái độ, tình cảm, đặc biệt là văn hoá của người dùng.
Người Việt Nam xưa hay thể hiện tình cảm bằng những câu ca dao, hát đối, e ấp, kiệm lời, có thương cũng chỉ dám "chín trăng em đợi mười thương em chờ" hay có ghét thì cũng chỉ là "ghét ai ghét cả đường đi lối về". Ngày nay, khác rồi. Đôi khi chỉ một lời chê trách về sự việc nào đó đang rất "hot" được "post" lên mạng xã hội, từ một người chưa từng gặp mặt ngoài đời, chưa biết "tôn ti họ hàng" người ta, thì chúng ta đã vội "hùa" vào để "đánh giá" ngay sự việc đó. Người dùng mạng xã hội khi đó nghiễm nhiên trở thành những hội đồng xét xử của phiên toà "ảo", hoàn toàn có quyền cáo buộc hoặc bênh vực một sự việc hay một ai đó.
Văn hoá dùng mạng xã hội được thể hiện ở hình thức đăng tải hình ảnh và nội dung. Ảnh hưởng của văn hoá này với thời đại công nghệ 4.0 ngày nay có tầm quan trọng không kém gì một toa thuốc của bác sĩ. Cơn bão Usagi vừa qua mà người dân Việt Nam ở các tỉnh, thành trong nước phải hứng chịu đã xuất hiện với tần suất không nhỏ trên mạng xã hội. Không phủ nhận là do có mạng xã hội mà chúng ta mới nhanh chóng biết được người dân ở nơi nào đang chịu sự hoành hành của cơn bão. Chúng ta biết được có những tấm lòng vàng dang tay đón người hoạn nạn. Thế nhưng, cũng không thiếu những hình ảnh mang tính chất "câu view" trêu đùa, đùa trên sự khó khăn của người khác. Có lẽ đôi tân lang tân nương trong buổi tiệc cưới diễn ra ngay đêm mưa dai dẳng đổ vào Sài Gòn sẽ không bao giờ muốn hình ảnh ngày vui của mình bị mang ra bàn tán trên mạng xã hội. Cô dâu bị ví như Mị Nương, chú rể là Sơn Tinh và cơn bão Usagi là Thuỷ Tinh. Một ví dụ khập khiễng và không có tính nhân văn. Thậm chí còn có lời bình rất "thông cảm": Nhìn đám cưới ảm đạm thấy mà thương. Ngày quan trọng trong cuộc đời của hai bạn trẻ đó có lẽ sẽ trở thành một cơn ác mộng, vì hình ảnh và thông tin trên những trang mạng xã hội sẽ mãi mãi còn ở đó.
Cô ca sĩ nổi tiếng được mệnh danh là một trong 4 diva của dòng nhạc nhẹ hẳn phải một phen "điên đảo" với cộng đồng mạng sau khi bày tỏ ý kiến cá nhân của mình lên mạng xã hội. Là nghệ sĩ, cô không xa lạ gì với những thị phi người khen kẻ chê. Nhưng chắc chắn cô sẽ không bao giờ hình dung sẽ có một ngày, tên tuổi, hình ảnh của mình bị cộng đồng mạng "nghiền nát" không thương tiếc, với hàng loạt cách gọi khởi đầu bằng "con". Cô có thể đã vô tình với nỗi đau dài đằng đẵng 20 năm của người dân mất đất, nhưng người dùng mạng xã hội cũng đã rất "nhiệt tình" phản ứng sự bức xúc của mọi người. Sự thù ghét, bất bình, miệt thị đã được khai thác triệt để bằng những status cá nhân. Kết quả là, văn hoá ứng xử trên mạng xã hội đã lộ diện rõ rệt là một văn hoá bất cần ngôn ngữ và nhân văn.
Chẳng phải tự nhiên người xưa để lại câu "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói".

Nguồn: Văn Nghệ Công An