Gặp nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm ngoài đời, mấy ai nghĩ ông là nhà thơ. Dáng to con như một cầu thủ bóng chuyền, giọng nói sang sảng, đôi tay mỗi khi nói là vung như một nhà hùng biện. Thế mới biết vẻ bề ngoài với nội tâm đâu có điểm trùng? Thế mới biết ở đâu đó trong thẳm sâu tâm hồn vẫn những thổn thức cùng nỗi đau và cả niềm hào hùng của những người mà trong cuộc đời thi sĩ đã gặp, đã thấy, đã nghe: "Tôi đã ở Cổng Trời 18 tháng, ở Lát-xê 6 tháng và ở Pù Nhi 6 tháng. Tôi hiểu sự khắc nghiệt của Cổng Trời. Những chịu đựng của "lính" mở đường thời ấy đã ngoài tưởng tượng của hàng triệu người. Đau thương, mất mát của Mường Lát bây giờ lại ngoài tưởng tượng của tôi hàng triệu lần".




Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm: Mắc nợ 40 năm giờ mới trả

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm không chỉ "ẵm" giải Nhất cuộc thi Thơ 2015 - 2016 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức với chùm 3 bài "Nhận hoa", "Xin về nhận lại" và "Đối thoại ở rừng" mà ông còn "sở hữu" những 26 giải thưởng Văn học do các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương trao tặng, trong đó có các giải Nhất, Nhì (hoặc giải A và B). Tôi quen biết nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã lâu, lại quý thêm bởi ông nhà thơ xứ Thanh này dường như gắn với mệnh danh "Vua giải thưởng". Với những người viết, nhất là những tác giả đã qua tuổi lục tuần thì "giải thưởng văn chương" có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó như một "chứng chỉ" để một tác giả thơ có thể "bằng lòng" với năm tháng còn lại. 
Vậy mà "anh" giáo viên dạy văn cấp 2 trường xã ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh đâu có bằng lòng với những gì đã đạt, ông tâm sự: "Bó hoa này của những người đã khuất/ Lập bao chiến công không ngồi ở lễ đài/ Của những người mang trong mình thương tật/ Biển thời gian lấp mãi chưa đầy/ Tôi xấu hổ mỗi lần lên nhận/ Bao nhiêu hoa ôm cả vào tay/ Đau như ôm vào lòng xương thịt/ Máu các anh như cánh hoa này" (Nhận hoa).
Gặp nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm ngoài đời, mấy ai nghĩ ông là nhà thơ. Dáng to con như một cầu thủ bóng chuyền, giọng nói sang sảng, đôi tay mỗi khi nói là vung như một nhà hùng biện. Thế mới biết vẻ bề ngoài với nội tâm đâu có điểm trùng? Thế mới biết ở đâu đó trong thẳm sâu tâm hồn vẫn những thổn thức cùng nỗi đau và cả niềm hào hùng của những người mà trong cuộc đời thi sĩ đã gặp, đã thấy, đã nghe. "Tôi đã ở Cổng Trời 18 tháng, ở Lát-xê 6 tháng và ở Pù Nhi 6 tháng. Tôi hiểu sự khắc nghiệt của Cổng Trời. Những chịu đựng của "lính" mở đường thời ấy đã ngoài tưởng tượng của hàng triệu người. Đau thương, mất mát của Mường Lát bây giờ lại ngoài tưởng tượng của tôi hàng triệu lần". Khi đọc những chia sẻ này trên "dòng thời gian" của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, tôi tin là ông thực lòng. 
Lại nhớ mới tháng 8 vừa rồi, gặp nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm ở Đại Lải, tôi thấy ông vừa như hài lòng lại vừa như còn vương vấn điều gì đó. Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã xuất bản gần hai mươi đầu sách (tính đến thời điểm hiện nay) nhưng xem ra ông còn "trường vốn" lắm. Tham dự trại viết lần này, ông hội viên Hội Nhà văn Việt Nam này đã hoàn thành tập trường ca mang tên "Hát nơi cửa sóng". Mấy lần thấy ông đảo qua phòng tôi, ngập ngừng rồi ông đứng dậy cáo lui. Mãi sau khi bế mạc trại, ông mới nhắn tin. Thì ra ông muốn cho tôi xem những trang đầu của truyện ký "Đường Cổng Trời". 
Bởi thế khi đọc những dòng những chữ trong bản thảo của tập truyện ký "Đường Cổng Trời" của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, tôi tin ngay vì sao ông để chuyện này mãi những bốn mươi năm sau mới viết: "Hơn sáu mươi vạn khối đất từ đỉnh đèo Pù-hin-hại rùng rùng chuyển động như một trận động đất ụp xuống cung đường Km46. Suýt nữa hai đại đội vĩnh viễn nằm dưới đáy thung sâu. Suýt nữa, máy ủi, máy lu thành trầm tích nghìn năm nơi đáy vực sâu cách mặt đường năm, sáu trăm thước. Chúng tôi xé ngực mình gọi tìm đồng đội từ đêm này qua đêm khác: Tràn ơi! Hương ơi! Dũng ơi! Hàng trăm lưỡi cuốc moi đất tìm bạn. Tìm bạn bằng máu, nước mắt. Tìm bạn bằng thày mo, ông ạu. Tìm bạn bằng cầu trời khấn Phật. Tìm bạn bằng hương khói" (Đường Cổng Trời). 
Một ngày đầu năm học mới của năm 1977, anh giáo trẻ 24 tuổi mới tốt nghiệp Trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa hăm hở xung phong vào đội Thanh niên tình nguyện rồi cùng toàn đội ngược rừng lên miền Tây Thanh Hóa mở đường nối huyện Hồi Xuân với xã Tén Tằn (huyện Mường Lát). Dạo đó lên miền Tây xứ Thanh vô cùng khó khăn, việc mở con đường chạy dọc biên giới Việt - Lào này không những giải quyết chuyện đi lại, vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bà con các dân tộc nơi đây mà nó còn có ý nghĩa thông với nước bạn Lào, giúp bạn những nhu cầu cần thiết. Anh giáo trẻ đã ở đội 42-12 tròn bốn năm, bốn năm thực sự là những ngày "chẳng thể nào quên". Ngày đó anh giáo trường làng được phân công dạy học cho anh chị em thanh niên xung phong, dạy chữ cho trẻ em trong bản nên được nghe nhiều chuyện, được biết nhiều thứ. 
Chuyện mà anh giáo biết nhiều nhất là sự khó khăn, vất vả của bà con. Thứ mà anh biết nhiều nhất là tinh thần "mở đường thắng lợi" của những chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi. Có mồ hôi rơi, có nước mắt vãi, có máu đổ và có rất nhiều những cơn mưa rừng xối xả, những cơn lũ ào ào bất chợt cuốn phăng đi mọi thứ "... Xuýt nữa cả Xê 7 không tìm thấy một ai, nếu đỉnh đồi Km57+800m không tự hãm phanh lại khi đã tạo thành một vết nứt rời sâu khỏi đỉnh ba mươi thước. Nếu sốt rét cứ liên miên như năm đầu tiên đến Cổng Trời chắc không đủ người đưa người đi bệnh viện cấp cứu chứ đừng nói đủ sức cho con đường đi tiếp. Cũng xuýt nữa Xê 6 và Xê 8 có một nghĩa trang liệt sĩ riêng ở Táo Ngoài, dưới chân dốc Năm Ông, nơi trước đó có mộ Nguyễn Thị Tắng, một A trưởng, bị lũ cuốn khi qua suối Táo từ công trường về để kết nạp đảng viên. Km62, nơi bắt đầu Lát-xê được mệnh danh là Cổng Trời 2 kỳ vĩ từ Km62-Km68, đoạn ranh giới hành chính giữa Nhi Sơn và Trung Lý bây giờ. Cả hai dãy lán của hai Xê ấy đã bị một phần ba quả đồi Táo trụt xuống lúc nửa đêm hất gọn xuống thung lũng. Giường chiếu bị vùi lấp. Quần áo, chăn màn bị vùi lấp. Nồi niêu xoong chảo nhà bếp bị vùi lấp. Dụng cụ lao động bị vùi lấp. Máy móc bị vùi lấp" (Đường Cổng Trời).
Nhưng dường như chính tại "chiến trường không tiếng súng" này đã hối thúc anh giáo trẻ Nguyễn Minh Khiêm viết. Anh viết để ghi lại những điều tai nghe mắt thấy. Anh viết để mọi người biết được đồng đội của anh đã "chiến đấu và hy sinh" như thế nào. Trong dòng ào ạt đó đã nẩy lên những tứ thơ mộc mạc, chân thành và để rồi "một ngày đẹp trời" thi sĩ tên Khiêm xuất hiện "Tôi chưng cất thịt da mình/ Chảy trên mặt giấy hiện thành ngày xưa/ Chữ nào còn khuất trong mưa/ Chữ nào trầm tích vọng chưa thành lời/ Chữ nào năm tháng đánh rơi/ Chữ nào đá lở sông trôi sấm rền/ Chữ nào không tuổi không tên/ Đồng đội ơi hãy nhìn lên bầu trời" (Hồi ức một con đường).
Quả thực với một thể loại văn học kiêm báo chí như truyện ký thì thời gian những bốn mươi năm dường như làm người viết rất dễ "bỏ cuộc". Rất dễ làm người đọc cảm thấy "băn khoăn". Đấy là chưa nói tới "tính thời sự" của bài viết.  Vậy mà như nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã chia sẻ trên FB của mình: "Nếu không có trận Đại hồng thủy này, nhiều trang "Truyện ký Đường Cổng Trời" của tôi chắc không thể viết được. Tôi không cầu mong điều này xảy ra. Nhưng Cổng Trời là thế. Mường Lát là thế. Quan Hóa, Quan Sơn là thế. Cách đây hơn bốn mươi năm chúng tôi đã trải qua những ngày như thế".
Trở về từ Mường Lát, người giáo viên trẻ giữ nguyên sự hăng hái của mình, câu chuyện mở đường dường như còn "nóng hổi" trong ký ức. Bốn mươi năm, những tưởng lũ rừng núi sạt đã qua đi nhưng chỉ cần chúng ta lơ là, chỉ cần chúng ta tự hài lòng là đã có thể xảy ra những tai ương. Câu chuyện Mường Lát của ngày hôm qua đã tái hiện trong những ngày vừa qua. 
Quá khứ luôn cho ta niềm tự hào nhưng quá khứ cũng là lời nhắc nhở chân thành nhất, hữu ích nhất. Như những câu thơ: "Tim mình xé đặt lên môi/ Âm âm rừng vọng những lời thẳm sâu/ Lời này nhói một nỗi đau/ Lời này thiêu đốt một màu tóc xanh/ Lời này úa lá trên cành/ Lời này nắng/ rụng xuống vành trăng non/ Lời này muối xát hoàng hôn/ Lời này buốt tiếng gọi hồn gần xa/ Nén đằng sau mỗi cánh hoa/ Bao nhiêu tâm chấn vỡ ra sóng thần/ Chạm vào vụn đất dưới chân/ Bao nhiêu khuôn mặt người thân hiện về" (Đối thoại ở rừng). 
Còn tôi tin rằng: một khi trái tim thi nhân còn nức nở, còn đau đáu, còn trăn trở và còn muốn được giải. Chúc nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, người đã "mang món nợ" suốt bốn mươi năm qua trả xong "nợ". Và sẽ thành công như chính ông mong muốn "Nếu cây lá đã lìa cành/ Chữ xin dâng nhựa cho xanh vào chồi/ Nếu mây còn ám chân trời/ Chữ xin làm nắng về soi cổng làng" (Xin về nhận lại).



Nguồn: Văn Nghệ Công An