Sáng ngày 21/12, Hội Nhà Văn Việt Nam, Bộ Giáo dục & đào tạo, Chi hội Nhà văn Giáo dục thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “ Nhà văn với nhà trường” và phát động cuộc thi viết “ Về sự học ngày mai” trên báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam. Cuộc thi viết dành cho mọi đối tượng là người Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm đến sự nghiệp  giáo dục & đào tạo, được thể hiện  qua các thể loại: Bút ký, phóng sự, điều tra, phỏng vấn, chính luận và chân dung; Với mỗi bài viết BTC giới hạn không quá 3.000 từ  và không chấp nhận tác phẩm là truyện ngắn, thơ.



Hội thảo có sự tham dự của Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT,  Nhà thơ  Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch hội Nhà báo Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ đến từ các ban chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam, Sở giáo dục đào tạo Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, các thầy cô giáo tại trường đại học sư phạm Thái Nguyên, các trường THPT tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội.
Theo BTC, trước khi diễn ra Hội thảo, công tác chuẩn bị đã được tiến hành rất nghiêm túc, Ban nhà văn giáo dục đã mời các nhà văn viết tham luận và nhận được trên 30 bản tham luận tâm huyết gửi đến hội thảo ( có tác giải viết từ 2 đến 3 tham luận), do có những tham luận trùng góc nhìn với nhau nên BTC đã chọn được 27 tham luận trình bày tại hội thảo.
Trước đó, chia sẻ trách nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam với ngành giáo dục. Nhà thơ Hữu Thính, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà Văn Việt Nam khẳng định, Hội nhà văn Việt Nam luôn đồng hành, và mong muốn ghé vai gánh vác cùng Bộ giáo dục trong sự nghiệp giáo dục hiện nay thể hiện qua những đóng góp hết sức tâm huyết của các nhà văn về chương trình sách giáo khoa ngữ văn mới, và về nội dung chương trình học tại các cấp học hiện nay. Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, trong tâm thức của ông và những người cùng thời với ông, môi trường giáo dục là môi trường công bằng nhất, hạnh phúc nhất cho cả người dạy và người học và trách nhiệm của nhà văn hiện nay là bảo vệ sự công bằng, hạnh phúc đó.
Sau phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, các đại biểu tham dự hội thảo đã lắng nghe các tham luận, đóng góp ý kiến về chương trình ngữ văn mới, về chế độ của Nhà nước đối với giáo viên nói chung, giáo viên vùng sâu, vùng xã nói riêng, về đời sống bán trú của các cháu học mầm non, của sinh viên nội trú đang được cho là buông lỏng hiện nay, và cả sự bất cập trong chương trình giáo dục bậc tiểu học đang được cho là lắp ghé của ( công nghệ giáo dục, của venen, của giáo dục truyền thống); Sự tích hợp giữa từ ngữ, ngữ pháp với tập làm văn tại bậc THCS (Những tham luận này sẽ được Báo Văn nghệ đăng tải trên các số báo ra hàng tuần).
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà văn tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Nguyễn Thị Nghĩa khẳng đinh, sẽ chuyển những ý kiến của các nhà văn đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đồng thời bà cũng khẳng định Bộ sẽ có những điều chỉnh chương trình, sách giáo khoa cho phù hợp, cụ thể với môn Văn, nếu như trước đây sách giáo khoa được soan thảo theo hướng học sinh học gì, thì nay sẽ chuyển sang học sinh học được gì... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Cho rằng giáo dục là một mặt trận quan trọng, và đang có những thay đổi, bước đi mới theo xu hướng phát triển của xã hội, của thời đại, Thứ trưởng mong muốn nhận được sự chung tay của toàn xã hội và mọi nguồn lực xã hội trong đó có Hội nhà văn Việt Nam nói chung và các nhà văn nói riêng không chỉ cho môn Văn mà cho sự nghiệp giáo dục đào tạo hiện nay
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Hội Nhà văn Việt Nam, Ban nhà văn giáo dục, báo Văn nghệ đã phát động cuộc thi viết “ Vì sự học ngày mai” .nhằm tôn vinh nghề dạy học, ca ngợi truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, đồng thời phản ánh nhận thức đầy đủ về vai trờ người thầy trong xã hội hiện nay. Bên cạnh đó là tôn vinh những nhân tố mới, những điển hình giáo dục đi đầu trong nâng cáo chất lượng dạy học, và những tồn tại, bất cập của giáo dục hiện nay từ đó đề xuất những giải pháp khả thi cho giáo dục...
Theo đó, cuộc thi viết giành cho mọi đối tượng là người Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm đến sự nghiệp  giáo dục & đào tạo, được thể hiện  qua các thể loại: Bút ký, phóng sự, điều tra, phỏng vấn, chính luận và chân dung; Với mỗi bài viết BTC giới hạn không quá 3.000 từ  và không chấp nhận tác phẩm là truyện ngắn, thơ.
Về cơ cấu giải thưởng, gồm 1 giải nhất trị giá 15 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng, 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Hình thức khen thưởng, ngoài tiền mặt tác giả đạt giải sẽ nhận được Giấy chứng nhận của Toà soạn Báo văn nghệ. Thời hạn nhận bài từ  1/1/2019 đến hết ngày 20/10/2020, dự kiến trao giải vào ngày 20/11/2020. Tác giả gửi bài tham dự cuộc thi qua địa chỉ: Tuần báo Văn nghệ 17 Trần quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc địa chỉ hộp thư điện tử: Visuhocngaymai@gmail.com. Bài viết có chất lượng sẽ được đăng tải trên báo Văn nghệ hàng tuần và  báo Văn nghệ điện tử tại địa chỉ: Baovannghe.com.vn. và được hưởng nhuận bút theo quy định của toà soạn. Bài viết không sử dụng, toà soạn không trả lại.