“Người góp phần
tạo nên diện mạo văn học nghệ thuật Việt Nam 1930 – 1945”. Đó là lời ngợi ca của
nhà văn Vũ Bằng về ông Vũ Đình Long - ông chủ nhà xuất bản Tân Dân - chủ bút
nhiều tờ báo, tạp chí giai đoạn lịch sử 1930-1945. Ông là một con người đặc biệt,
được nhiều nhà văn danh tiếng của Việt Nam kính trọng và đánh giá cao bởi những
cống hiến lớn lao của ông đối với văn hóa, văn học nước nhà!
NGƯỜI GÓP PHẦN TẠO
NÊN DIỆN MẠO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM 1930-1945
CAO MINH
Vũ Đình Long
sinh năm 1896, tại làng Mục xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay
là Hà Nội). Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, ông đã được
hấp thụ ngay từ nhỏ những kiến thức văn chương từ người cha nổi tiếng hay chữ.
Mẹ ông lại là người phụ nữ thuộc làu nhiều ca dao, tục ngữ; và luôn đưa ca dao,
tục ngữ vào những câu chuyện hay lời ăn tiếng nói hàng ngày. Những điều ấy đã
góp phần vun đắp cho Vũ Đình Long một tâm hồn nhạy cảm và một vốn liếng văn hóa
cơ bản.
Vũ Đình Long học
chữ Hán, sau đó học Trường Tiểu học Pháp - Việt rồi vào Trường Trung học Pháp
mang tên Paul Bert. Năm 1916, ông học trường thuốc, sau khi tốt nghiệp trường
thuốc, ông làm việc ở ngành bào chế một thời gian rồi về Hà Đông dạy học.
Những năm tháng
làm nghề dạy học, Vũ Đình Long là một nhà giáo tâm huyết, có tầm nhìn xa trông
rộng với những tư tưởng tiến bộ, cùng tấm lòng vì thế hệ trẻ. Trong bài
"Câu chuyện ngày khai trường", ông hướng lớp trẻ có cách nhìn nhận việc
học hoàn toàn mới, cho đến nay vẫn hoàn toàn đúng: "Ngày xưa đi học là để
làm quan. Ngày nay nhiều người đi học là để làm việc nhà nước. Nghĩ thế là lầm
to đấy các em ạ! Nếu ai đi học cũng muốn làm quan, làm việc nhà nước thì lấy ai
làm ruộng, làm thợ, đi buôn?
Ngày xưa chỉ có
làm quan, làm việc nhà nước là sang trọng, chứ ngày nay, người nước ta đã tỉnh
ngộ, đã biết quý nghề rồi. Làm thợ mà khéo, đi buôn mà giỏi, làm ruộng mà tinh
thì cũng được quý trọng chẳng khác gì ông quan, ông thông hay ông giáo. Ấy thế
mà làm thợ, làm ruộng, đi buôn lại tự do hơn ông thông, ông quan. Các em chọn
nghề cũng phải nghĩ cho chín. Tục ngữ có câu "phi thương bất phú", lại
có câu "bách nghệ nông vi bản". Vậy nông, công, thương không phải là
nghề tầm thường".
Thời gian dạy học
ở Hà Đông cũng chính là giai đoạn Vũ Đình Long chuẩn bị mọi mặt để tung hoành
trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và sân khấu... sau này. Năm 1921, mới 25 tuổi,
Vũ Đình Long viết vở kịch đầu tay "Chén thuốc độc", công diễn tại Nhà
hát Lớn Hà Nội tháng 10 năm đó. Vở kịch nhanh chóng trở thành hiện tượng độc
đáo và tác giả của vở kịch được đặc biệt chú ý.
Với vở kịch
"Chén thuốc độc", Vũ Đình Long là người Việt Nam đầu tiên viết kịch
nói dân tộc, ông cũng là người tiên phong khai sáng ra nghệ thuật kịch hiện đại
Việt Nam. Tiếp đó, năm 1923, Vũ Đình Long cho ra mắt vở "Tòa án lương
tâm" cũng lập tức gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn trong dư luận đương thời.
Năm 1925, trong
khi vẫn đang làm việc tại Sở Học chính Hà Nội, Vũ Đình Long mở một hiệu sách nhỏ
và sau đó chuẩn bị cho việc ra đời một nhà xuất bản của riêng ông. Nhà xuất bản
ấy đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn chương nước ta giai đoạn 1930-
1945 của thế kỷ trước, đó là nhà xuất bản Tân Dân (93 Hàng Bông, Hà Nội).
Nhà xuất bản Tân
Dân ra đời đầu những năm 1930, cùng ông chủ Vũ Đình Long đã ngày càng trở nên địa
chỉ quen thuộc và nổi tiếng trong giới xuất bản, báo chí, văn nhân; đặc biệt từ
khi Vũ Đình Long bắt đầu thử nghiệm nghề báo, với tờ tuần báo Tiểu thuyết Thứ Bảy,
năm 1934.
Từ quan niệm
cách tân và cách nhìn độc đáo, Vũ Đình Long muốn tờ báo của mình khác hoàn toàn
với các tờ báo đương thời. Báo chí khi ấy tờ nào cũng xã thuyết một chút, phóng
sự điều tra một chút, vài cái truyện ngắn hay đăng dài kỳ tiểu thuyết; rồi thơ
trào phúng, tranh châm biếm...
Tiểu thuyết Thứ
Bảy chỉ đăng tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài và một truyện chọn dịch
từ văn học nước ngoài. Sự mới lạ và độc đáo này đã lập tức thu hút đông đảo độc
giả. Ông chủ xuất bản kiêm chủ bút Vũ Đình Long đã tạo dựng nên các mối quan hệ
bạn bè, đồng liêu và cộng sự quanh mình những tên tuổi: Nguyễn Đỗ Mục, Ngô Văn
Triện, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Thanh Châu, Thâm
Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Kinh Kha, Nguyên Hồng, Nguyễn
Tuân, Lan Khai, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển, Vũ Trọng Phụng, Hồ Dzếnh... Tờ Tiểu
thuyết Thứ Bảy nổi đình đám đến độ, sau đó xuất hiện những tờ bắt chước phong
cách ấy như Tiểu thuyết Thứ Năm, Tiểu thuyết tuần san, Hà Nội báo...
Là người thông
minh, ham học, ham đọc và có cái tâm, Vũ Đình Long cũng là người sớm biết nhìn
trào lưu mà ra sách, ông biết gắn kết giữa thương mại với văn hóa, biết làm thế
nào để bán sách chạy nhưng đồng thời giúp ích cho người đọc. Hơn hẳn một số ông
chủ bút của các tờ báo khác chỉ xuất bản sách của mình hoặc do mình dịch...
Vũ Đình Long đã
thu hút về mình những tài năng văn chương đương thời; đồng thời cũng chính ông
đã biết cách ươm trồng, vun đắp nhiều tài năng đang khởi phát; nhất là sau đó
năm 1936 - 1937, ông cho ra tiếp tờ Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Tao Đàn,
Tuổi trẻ, Truyền bá.
Các nhà văn Trúc
Khê, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư... đều thừa nhận danh tiếng của họ là nhờ Tân
Dân giới thiệu và quảng bá. Nhà văn Tô Hoài cho biết, chính nhờ Vũ Đình Long và
cộng sự của ông (nhà văn Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan) gợi ý mà Tô Hoài đã có
"Dế mèn phiêu lưu ký" thay vì ban đầu chỉ là một truyện ngắn bình thường.
Chính Vũ Đình
Long là người thẩm định xuất bản và đã phát hiện ra khá nhiều văn nhân, thi sĩ,
kịch sĩ tài năng làm rạng rỡ cho nền văn học Việt Nam. Ông được nhiều văn nghệ
sĩ coi là bậc tri kỷ, nhiều người đến với ông say sưa trò chuyện, mạn đàm chuyện
văn, chuyện đời và luôn nhận được từ ông sự khích lệ, cổ vũ chân thành.
Phải là một con
người có đầu óc quảng bác, có tâm hơn người, không vị kỷ và vì sự phát triển của
văn hóa, văn học nước nhà, Vũ Đình Long mới có được vị trí đặc biệt trong lòng
các văn nghệ sĩ; có được sự đồng nhất thừa nhận những đóng góp lớn của ông vào
sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học Việt Nam, trong một giai đoạn lịch sử
quan trọng - giai đoạn nở rộ và đạt đến đỉnh cao của nhiều tài năng văn học,
nghệ thuật.
Nhân hậu, giàu
tình yêu thương, quan tâm chia sẻ với mọi người, tạo điều kiện để mọi người được
làm việc trong điều kiện tốt nhất có thể,Vũ Đình Long cũng là một con người đặc
biệt biết quý trọng người tài, đặt lòng tin vào những con người mà ông đã cân
nhắc, lựa chọn. Như việc ông giao cho Lê Văn Trương làm chủ bút tờ Hữu ích là một
ví dụ về sự tín nhiệm và sẵn sàng sẻ chia với cộng sự.
Nhà văn Vũ Bằng
là người trông nom bài vở cho các tờ báo của ông suốt mười một năm trời, hiểu
Vũ Đình Long hơn nhiều người khác: "Ông Long không uống rượu, không hút
thuốc, không say mê thứ gì cả, chỉ say mê viết kịch và làm báo, say mê đọc sách
báo Tây, Tàu để tìm kiếm sáng kiến mới, mới luôn luôn, trước hết là để khuếch
trương nghề nghiệp của mình, mà sau là để mong có một ngày kia theo kịp đà tiến
của báo chí Âu Mỹ và Nhật Bổn". Một người làm văn, làm báo, xuất bản như
Vũ Đình Long cách chúng ta đã gần một thế kỷ vẫn là mẫu mực cho cách sống và
làm việc hôm nay.
Giáo sư Phong Lê
đã khẳng định: "Những cống hiến, hoạt động của Vũ Đình Long đã góp phần tạo
nên diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945". Đặc biệt, tờ Tiểu thuyết
Thứ Bảy đã trở thành bà đỡ mát tay cho nhiều đỉnh cao văn chương, nghệ thuật ra
đời vào những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước.
Không chỉ là kịch
tác gia tiên phong, nhà văn hóa, Vũ Đình Long còn là người đi tiên phong đổi mới
cách làm báo, công nghệ làm báo, cách quản lý tờ báo. Từ những kinh nhiệm thực
tế, Vũ Đình Long đã đúc kết phương châm làm báo, xuất bản và thực hiện đúng
phương châm đã đặt ra: Thứ nhất: bán thật rẻ; thứ hai: báo in phải đẹp, rõ
ràng, sửa lỗi nhà in thật kỹ; thứ ba: khi ra một tờ báo phải chuẩn bị thật kỹ
càng (ví dụ: để ra tờ Phổ thông bán nguyệt san, ông đã chuẩn bị bản thảo đủ để
ra 10 số, rồi thăm dò thị trường, ý kiến bạn bè, sự quan tâm của độc giả...);
thứ tư: không bao giờ đi chệch định hướng đã đề ra, dù có bị áp lực này kia...
Khi đất nước bị
chia cắt, nhiều bạn bè văn nghệ sĩ đã vào Nam nhưng Vũ Đình Long kiên quyết bám
trụ ở Hà Nội. Ngày Vũ Bằng đến chào ông để đi Nam, Vũ Đình Long đã bộc lộ quan
điểm qua lời tâm tình: "Ông đi đó là ý thích của ông. Tôi ở lại không phải
là không có lý do. Dù là đất nước bị chia làm hai miền Nam - Bắc nhưng tất cả
cũng chỉ là một mối mà thôi. Ông giúp nước theo cách của ông, còn tôi giúp nước
theo cách của tôi. Ở bất cứ nơi đâu ta đều có thể giúp được nước, miễn là có
thiện chí, thiện tâm".
Vũ Đình Long trút
hơi thở cuối cùng ngày 14-8-1960, trong chính ngôi nhà và cũng là trụ sở nhà in
Tân Dân lừng danh một thời, 93 Hàng Bông, Hà Nội.
Cuối năm 2010, hội
thảo về nhà văn hóa, kịch tác gia đầu tiên của Việt Nam - Vũ Đình Long do Hội
Nhà văn Việt Nam và Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo
cũng lần đầu tiên "Tuyển tập Kịch Vũ Đình Long" được ra mắt. Để có thể
có đầy đủ các tác phẩm kịch của ông là sự kỳ công sưu tầm tại cơ quan lưu trữ
Trung ương, Thư viện Quốc gia và nhiều nguồn khác của cô con dâu người Nga
Natasha. Hội thảo cũng thêm một lần nữa đánh giá và khẳng định vai trò và những
đóng góp của Vũ Đình Long trong sự nghiệp sân khấu, văn hóa, văn học, báo chí,
xuất bản Việt Nam. Đã đến lúc cần nhìn nhận khách quan, công bằng những đóng
góp lớn của Vũ Đình Long trong sự nghiệp văn hóa dân tộc. Ông là một con người
xứng đáng được nhận sự kính trọng và biết ơn sâu sắc; một con người mà tên tuổi
sẽ còn mãi theo thời gian.
Nguồn: Văn Nghệ
Công An