Tờ báo ra đời trong một khu rừng căn cứ địa thuộc tỉnh Tây Ninh với một cơ sở vật chất ban đầu rất nghèo nàn, in bằng chữ chì rời. Công nhân xếp chữ phải bốc từng con chữ trong một cái khay nhiều hộc nhỏ, như các thầy thuốc Bắc bốc thuốc. Người trực tiếp làm báo rất ít ỏi, lại phải vừa làm báo vừa tự lo xây nhà, tải gạo, làm rẫy để bảo đảm cho cuộc sống hàng ngày. Ấy vậy mà tờ báo này đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung…



SỨC SỐNG CỦA MỘT TỜ BÁO

HOÀNG XUÂN HUY

Báo Quân Giải phóng miền Nam ra đời từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam. Ngày 25-12-2018, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức trọng thể lễ trao tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” theo Quyết định số 623/QĐ-CTN, ngày 26-4-2018 của Chủ tịch nước cho báo Quân Giải phóng (B2). 
Báo Quân Giải phóng đã đi cùng Quân giải phóng miền Nam suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc với một sức sống phong phú, mãnh liệt, gắn bó với đời sống chiến đấu của quân đội ta, và là công cụ chỉ đạo về chính trị, quân sự, xây dựng lực lượng quân đội bách chiến bách thắng của Quân ủy và Bộ Chỉ huy miền Nam (B2) mà người đứng đầu là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 
Tờ báo ra đời trong một khu rừng căn cứ địa thuộc tỉnh Tây Ninh với một cơ sở vật chất ban đầu rất nghèo nàn, in bằng chữ chì rời. Công nhân xếp chữ phải bốc từng con chữ trong một cái khay nhiều hộc nhỏ, như các thầy thuốc Bắc bốc thuốc. Người trực tiếp làm báo rất ít ỏi, lại phải vừa làm báo vừa tự lo xây nhà, tải gạo, làm rẫy để bảo đảm cho cuộc sống hàng ngày. Ấy vậy mà tờ báo này đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của Quân Giải phóng trong sự nghiệp chiến đấu oanh liệt giải phóng miền Nam.
Tờ báo được Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quan tâm đặc biệt. Các đồng chí lãnh đạo đọc tờ báo rất kỹ và góp ý chấn chỉnh, xây dựng rất kịp thời. Có lần, Đồng chí Nguyễn Chí Thanh gởi một bài đăng báo; góc trên bên trái bài báo, Đồng chí đã ghi dòng chữ nghiêng nghiêng như sau: “In, chú ý in đúng dấu chấm, phết!”. 
Điều đó chứng tỏ quân đội ta là một quân đội rất có văn hóa. Đảng không những dạy quân đội chiến đấu giỏi, dân vận khéo, mà còn nhắc nhở quân đội phải trau dồi hiểu biết, chữ nghĩa tinh thông. 
Mặc dù in ấn khó khăn, hình thức còn hạn chế nhưng tờ báo được bộ đội và du kích đón nhận rất nhiệt tình. Mỗi lần tờ báo về tới đơn vị là anh em reo vui, mừng rỡ như gặp được người thân. 
Chiến sĩ tranh nhau đọc. Người thích mục này, kẻ thích mục kia, bàn tán rôm rả. Đặc biệt, tờ báo hồi đó có mục “Mũi chông nhọn”, các chiến sĩ rất thích đọc. Nó châm biếm kẻ thù, đề cao trí tuệ nhân dân, ý chí của bộ đội, khiến anh em rất vừa lòng. 
Tướng Nguyễn Văn Quảng, Tư lệnh Quân đoàn 4 thì thích thú loại tranh biếm họa của tờ báo. Đồng chí ấy thường nhắc câu than thở của một viên chỉ huy Mỹ rằng: 
“Việt Nam xứ sở có hai mùa,
Một mùa thất bại, một mùa thua”
Cán bộ, chiến sĩ khắp nơi cũng hăm hở gởi bài cho báo. Trong số đó có một bạn ký tên là Pháo Thủ, viết rất hay. Đến nỗi anh em chúng tôi phải trầm trồ bài viết và đề nghị Cục Chính trị Miền cho rút đồng chí ấy về bổ sung cho báo. Tướng Trần Văn Phác, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị bèn hỏi đùa chúng tôi: “Ở đây, có ai làm Tư lệnh Pháo binh Miền được không? Nếu có thì tớ sẽ rút Pháo Thủ về cho!”. Hóa ra, Pháo Thủ chính là tướng Bùi Cát Vũ, sư đoàn trưởng sư đoàn pháo Biên Hòa – một đơn vị đã làm khiếp đảm quân Mỹ ở sân bay Biên Hòa và nhiều trận khác. 
Suốt năm, lúc nào các phóng viên báo Quân Giải phóng cũng có mặt trên chiến trường. Cho nên sự gắn bó giữa các phóng viên báo Quân Giải phóng đối với các sư đoàn, các địa phương rất mật thiết. 
Chẳng những hăng say làm báo, phóng viên báo Quân Giải phóng còn xông xáo trên trận địa, thậm chí có người còn đứng ra thay thế người chỉ huy đơn vị vừa hi sinh để dẫn đơn vị xông lên chiến đấu và chiến thắng, được sư đoàn đề nghị thăng cấp quân hàm. 
Sau ngày miền Nam được giải phóng, các anh em làm báo Quân Giải phóng được bổ sung cho các nơi như giáo dục, văn học, báo chí địa phương và trung ương. Ở đâu, các anh các chị cũng phát huy được tác dụng tốt đẹp của mình, giữ vững truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân, của “người lính Cụ Hồ”.


Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM