Quyển “Les senteurs des forêts de Cà Mau” (bản dịch tiếng Pháp của Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam) do Nhà xuất bản La Frémillerie ở Paris ấn hành năm 2011 đã xuất hiện đúng lúc để đáp ứng một đòi hỏi chính đáng của những bạn đọc người Pháp quan tâm đến đời sống văn học của chúng ta. Từ hơn nửa thế kỷ nay, tác phẩm này của Sơn Nam đã được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu mến và đánh giá cao. Đó là một tác phẩm mà tôi tin rằng khi đọc xong những người bạn Pháp của Việt Nam sẽ hiểu Việt Nam hơn, nhất là sẽ hiểu cái “finisterre” (mũi đất) của miền Nam Việt Nam, cái mà dịch giả Nguyên Đức gọi là “Le Sud profond de Son Nam”. 



Đọc bản dịch tiếng Pháp của HƯƠNG RỪNG CÀ MAU

MINH MINH

Trong khoảng mười mấy năm trở lại đây, kể từ lúc một dịch giả người Việt sống bên Pháp giới thiệu với những người Pháp yêu mến Việt Nam mấy tác phẩm của một vài nhà văn Hà Nội thì ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ và ở một số nước khác trên thế giới người ta bắt đầu để ý đến những sáng tác hiện đại của những nhà văn Việt Nam hiện đại. Đúng như Jean de La Guérivière, một nhà báo người Pháp, đã nói trong một quyển sách của ông, Indochine, l’envoûtement, là người Pháp tuy đã rời Đông Dương nhưng hãy còn quyến luyến Đông Dương nhiều lắm, nhất là quyến luyến Việt Nam. Thành thử chúng ta có thể nhận thấy là càng ngày quần chúng độc giả bên Pháp càng tỏ ra tò mò và thích thú đối với Việt Nam, đối với những tác phẩm của nền văn học hiện đại ở Việt Nam.
Quyển “Les senteurs des forêts de Cà Mau” (bản dịch tiếng Pháp của Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam) do Nhà xuất bản La Frémillerie ở Paris ấn hành năm 2011 đã xuất hiện đúng lúc để đáp ứng một đòi hỏi chính đáng của những bạn đọc người Pháp quan tâm đến đời sống văn học của chúng ta. Từ hơn nửa thế kỷ nay, tác phẩm này của Sơn Nam đã được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu mến và đánh giá cao. Đó là một tác phẩm mà tôi tin rằng khi đọc xong những người bạn Pháp của Việt Nam sẽ hiểu Việt Nam hơn, nhất là sẽ hiểu cái “finisterre” (mũi đất) của miền Nam Việt Nam, cái mà dịch giả Nguyên Đức gọi là “Le Sud profond de Son Nam”. Họ cũng sẽ hiểu thật nhiều về đời sống thường nhật và cảnh sinh hoạt của “những bóng người Việt vô danh, khoảng hơn một trăm năm trước đây, đã từ bên nầy sông Tiền qua bên kia sông Hậu, mang theo chiếc độc huyền và điệu thơ Lục Vân Tiên với câu chữ “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” để tới Cà Mau - Rạch Giá cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng… Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ. Chướng khí mù như sương” rồi bắt đầu công cuộc khẩn hoang khai phá và cuối cùng để lại cho chúng ta cả một vùng đồng bằng sông Cửu Long mênh mông, phì nhiêu và một di sản “văn hóa miệt vườn” vô cùng phong phú và quý báu.
Hơn bất cứ nhà văn nào khác, Sơn Nam nổi tiếng là một đứa con của xứ sở hiểu được tấm lòng của từng tấc đất ngọn rau của quê hương chôn nhau cắt rún của mình, biết chia sẻ những vui buồn, những giờ phút tràn trề hy vọng, những ngày u ám, chán chường, mệt mỏi của những ông thầy Quít, của những anh Sáu Bộ, Năm Hên, của những chú Tư Định, Tư Đức ở Chắc Băng, Nha Rộn, Cạnh Đền, Cà Bây Ngộp, Rộc Lá, Đìa Gừa… Và chính nhờ vậy mà những truyện trong tập Hương rừng Cà Mau của anh có một sức thu hút và truyền cảm khiến chúng ta và cả những người đọc bên Pháp nữa, khi đọc tự nhiên nghe dấy lên trong lòng một nỗi nhớ nhung nhè nhẹ, hiu hiu, lãng đãng, chập chờn lúc không lúc có về những sự việc đã qua rồi hoặc về những chuyện mà chúng ta không hề biết đến.
Người đã chuyển “Hương rừng Cà Mau” thành “Les senteurs des forêts de Cà Mau”, ông Nguyên Đức, đã cho chúng ta một bản dịch khá hay, khá trôi chảy, khá nhuần nhuyễn, nhưng khi đọc tôi cũng thấy có một vài chỗ cần bàn lại với ông. Trong truyện “Ông già xay lúa”, cái ông Năm của Sơn Nam không xay bột như ông cụ maître Cornille của Alphonse Daudet nên có lẽ chúng ta phải dịch bằng một chữ gì khác hơn chữ meunier. Không biết chữ décortiqueur de paddy có được không? Trong truyện Miễu Bà Chúa Xứ, nhân vật xưng tôi trong truyện đã nói với ông Tư Đạt một câu như thế này: “Thưa ông, cháu về”. Nói như thế là muốn cáo từ xin phép chủ nhà để về nhà của chính mình chớ không phải để trình với ông Tư Đạt là mình vừa đi đâu về đến. Do vậy, câu nói “Bonsoir oncle, je suis rentré” để ở đây không ổn. Trong truyện Bác vật xà bông, khi dượng Hai bác vật đưa những bà con cô bác chòm xóm ở Xẻo Bần vào tham quan phòng làm việc của mình thì ai nấy đều trố mắt trước những cái ống, cái bầu thủy tinh sáng ngời: “Cái gì ngộ vậy, dượng Hai?”. Dượng bác vật đáp: “Đồ dùng để thí nghiệm hóa học”. Bà con cô bác lại hỏi: “Hóa học là chi vậy, thưa dượng?”. Câu hỏi này của cô bác bà con được ông Nguyên Đức dịch là “C’est quoi la chimie?”. Tôi xin ông Nguyên Đức bỏ tiếng article la trước chữ chimie đi và chỉ nên dịch là “Chimie? C’est quoi ça?” thôi. Ông Nguyên Đức khi nhớ ra có lẽ cũng sẽ hiểu tại sao. Cũng trong truyện này, ở đoạn nói về chú Xồi bơi chiếc “xuồng-tạp hóa” ghé bến mời dượng Hai bác vật mua xà bông, ông Nguyên Đức đã hiểu chữ chú trong chú Xồi là chú em nên dịch là le jeune Xồi. Tôi đề nghị ông dịch lại là le Chinois Xồi vì ngày trước ở khắp miền Nam của chúng ta hễ nhắc đến hai chữ chú Xồi hoặc chú tửng thì ngay đến một đứa con nít cũng biết đó là một chú Ba. Trong truyện Một cuộc biển dâu, hai câu thơ “Có rau nội quạnh dân xanh mặt/ Không trái bần khô khỉ bạc đầu” của cụ Cử Trị đã được dịch là “Gavé de maigres légumes le peuple a le teint livide/ Sans le moindre fruit sec les singes ont des têtes chenues”. Ở câu thơ trên chúng ta thấy người dân An Giang quanh năm hái rau bắt ốc ăn không đủ no, vậy mà ông dịch giả lại cho là họ được “gavé” (ăn nhồi ăn nhét đến ứa họng ra). Còn ở câu thơ dưới hai chữ bạc đầu đúng ra phải hiểu theo nghĩa bóng thì lại bị hiểu theo nghĩa đen và bị dịch là avoir des têtes chenues. Theo tôi tưởng thì nên dịch là: “N’ayant pour toute nourriture que quelques maigres légumes trouvés sur place les gens du pays ont le teint livide/ Sans le moindre bần desséché à se mettre sous la dent les singes ont l’air triste et soucieux”.
Nhưng đáng buồn hơn hết là chuyện ông Nguyên Đức dịch những câu hò đối đáp, những câu hát huê tình của miền Nam ra tiếng Pháp. Tôi không kể hết ra ở đây mà chỉ đưa ra một hai câu để làm thí dụ thôi. Chẳng hạn câu “Một mai thiếp có xa chàng/ Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin” và câu “Đôi ta như quế với gừng/ Dầu xa nhau nữa xin đừng tiếng chi” trong hai truyện Miễu Bà Chúa Xứ và Con Bảy đưa đò đã được dịch là “Si un jour, nous devons nous séparer, mon ami/ Je rendrai les boucles d’oreilles, mais je garderai les bracelets d’or” và “Tels le gingembre et la cannelle/ Même séparés gardons-nous de nous médire”. Dịch như vậy thì rất sát nghĩa nhưng khi người ta, bằng một giọng nhỏ nhẹ, dễ thương, nài nỉ xin lại một đôi vàng để có một kỷ niệm của những ngày đầm ấm sống bên nhau mà ông Nguyên Đức cứ “phang ngang bửa củi” (tôi xin phép được dùng một cách nói bình dân của miền Nam) dịch là mais je garderai les bracelets d’or thì bao nhiêu cái mượt mà, bao nhiêu cái tình tứ, bao nhiêu cái nên thơ của những câu hò, câu hát đều bay đi đâu mất cả, chỉ còn lại những câu tầm thường, khô khan, nhạt nhẽo, vô hồn, vô cảm không có lấy một tí gì làm lay động lòng người

Nguồn: Hồn Việt