Hãy thử đặt câu hỏi “Nếu bây giờ cần đổi mới, thay đổi hình tượng nhân vật Bắc Đẩu, để từ đó làm mới hơn trong sáng tạo cho “Gặp nhau cuối năm”, người đạo diễn có thể làm gì?”. Và chúng ta sẽ thấy nó khó trả lời thế nào. Vai diễn đó đã được hình tượng hoá một cách hệ thống kéo dài nhiều năm trong hình ảnh “cô Đẩu” và nếu muốn tiếp tục nằm trong một chuỗi nối tiếp có kế tục nhau từ năm này qua năm khác, việc không để Công Lý giả gái nữa sẽ rất cần một cái cớ cho thật logic. Nghĩ ra cái cớ là không khó, nhưng nghĩ ra cái cớ để nó thuyết phục, không khiên cưỡng thì lại rất khó. Và khó hơn cả là “sau giả gái thì phải làm gì cho đặc sắc hơn?”.


ĐƯỜNG CÙNG CỦA Ý TƯỞNG

VĂN ĐOÀN

Mới đây, có một tranh luận khá thú vị xoay quanh chương trình “Gặp nhau cuối năm” của VTV và người mở màn cho tranh luận ấy là MC Tùng Leo, với những chia sẻ cả trên trang facebook cá nhân lẫn trên sóng VTV3 (chương trình “Cafe sáng cùng VTV3”). Cũng như mọi năm trước, lần này tranh luận tiếp tục rơi vào vai Bắc Đẩu của nghệ sỹ Công Lý, vai diễn đã được dính chặt với cái tên “cô Đẩu”.
“Mỗi năm, chỉ cần xem Táo quân là biết họ nghĩ gì về LGBT (cộng đồng người đồng tính)”. Đó là dòng trạng thái của MC Tùng Leo, viết ngày 30-12-2018. Một tuần sau, ngày 6/1, sau khi buổi trò chuyện của Tùng Leo trên VTV3 được phát sóng cũng liên quan đến “Gặp nhau cuối năm”, MC này viết cụ thể hơn. Đại ý, anh bày tỏ sự yêu thích của mình với “Gặp nhau cuối năm”, với sự thú vị từ Công Lý, nhưng anh cũng nói rất rõ rằng “không nên đùa cợt trên giới tính của người khác”.
Thực sự, MC Tùng Leo đã nói rất hợp tình hợp lý và nhận được nhiều sự ủng hộ từ quan điểm này. Ở phía ngược lại, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, linh hồn của “Gặp nhau cuối năm” không có bất kỳ phản hồi nào, phản ứng nào về nhận xét, đánh giá của Tùng Leo.
Phải thừa nhận, sau khi Tùng Leo đăng đàn trên facebook để “tạm gọi là” chỉ trích vai Bắc Đẩu của “Gặp nhau cuối năm”, việc VTV3 vẫn mời anh tham gia một talkshow với chủ đề chính là vai diễn ấy rõ ràng là một thái độ cực kỳ cởi mở và tiến bộ, đúng tinh thần đối thoại của truyền thông hiện đại. Chính sự cởi mở và tiến bộ ấy đã khiến tranh luận trở về đúng nghĩa tranh luận, chứ không phải là chê bai, dè bỉu và “đấu đá” lẫn nhau như rất nhiều vụ việc từ xưa tới nay. Và cũng từ tranh luận cởi mở này, chúng ta nhận ra một điều thực sự rất đáng suy nghĩ về vai Bắc Đẩu của Công Lý trong “Gặp nhau cuối năm” và nhiều vai diễn tương tự trên sân khấu giải trí nhiều năm nay.
Hãy thử đặt câu hỏi “Nếu bây giờ cần đổi mới, thay đổi hình tượng nhân vật Bắc Đẩu, để từ đó làm mới hơn trong sáng tạo cho “Gặp nhau cuối năm”, người đạo diễn có thể làm gì?”. Và chúng ta sẽ thấy nó khó trả lời thế nào. Vai diễn đó đã được hình tượng hoá một cách hệ thống kéo dài nhiều năm trong hình ảnh “cô Đẩu” và nếu muốn tiếp tục nằm trong một chuỗi nối tiếp có kế tục nhau từ năm này qua năm khác, việc không để Công Lý giả gái nữa sẽ rất cần một cái cớ cho thật logic. Nghĩ ra cái cớ là không khó, nhưng nghĩ ra cái cớ để nó thuyết phục, không khiên cưỡng thì lại rất khó. Và khó hơn cả là “sau giả gái thì phải làm gì cho đặc sắc hơn?”.
Thực tế ấy cho thấy, việc giả gái vốn dĩ có thể gây cười được khá nhanh cho khán giả nhưng nó rất dễ trở thành ngõ cụt của ý tưởng. Và ngay cả trong đời sống, ở các hội diễn phong trào cấp nghiệp dư thôi, chúng ta cũng dễ gặp phải tình trạng lựa chọn giả gái làm yếu tố gây hài là một lựa chọn dễ dàng nhất. Khi dễ dàng, nó dễ dãi và nó khiến người ta khó có thể thoát ra cái “xác” ấy nếu đó là một người hoạt động giải trí chuyên nghiệp, đường dài. Nhiều nhân vật giải trí thực sự tài năng nhưng cuối cùng đã “chết cứng” trong cái hình hài giả gái ấy, và cuối cùng không thể thoát nổi nó.
Quay trở lại câu chuyện tranh luận thú vị mà MC Tùng Leo đưa ra, đúng là thực sự những người thực hiện “Gặp nhau cuối năm” không hề có ý đồ xem thường giới tính của người khác, nhưng có vẻ họ đang bế tắc với hình ảnh của Bắc Đẩu. Thay đổi hình ảnh ấy không thể là việc của năm nay, và ngay cả năm sau đi nữa, nó cũng sẽ vẫn còn là một thách thức lớn.

Nguồn: Văn Nghệ Công An