Trong dòng chảy của văn xuôi đương đại, một số cây bút đã bắt kịp những vấn đề nóng bỏng và bức xúc trong đời sống xã hội những năm gần đây: thân phận con người trong dòng xoáy của kinh tế thị trường, sự suy thoái và xuống cấp về đạo đức xã hội...  Nhưng không phải nhà văn nào cũng dũng cảm đặt ra các vấn đề đó một cách trực diện. Với niềm say mê sáng tạo nghệ thuật cùng những trải nghiệm và trăn trở của người cầm bút, nhà văn Lê Hoài Nam đã không né tránh khi đặt bút khai thác những lĩnh vực được cho là nhạy cảm và gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc qua cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông.



Tiểu thuyết “Hạc Hồng” và vấn đề đạo đức xã hội

NAM HỒNG

 “Hạc Hồng” là tiểu thuyết có dung lượng vừa phải (370 trang, NXB Hội Nhà Văn) đã dựng lại một cách sinh động bức tranh xã hội với những diễn biến phức tạp có sự đan xen giữa đạo và đời, cái tốt và cái xấu, cái chân thực và cái giả dối. Bối cảnh không gian của tác phẩm là một vùng quê yên ả, thanh bình thuộc một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nơi có con sông Vạm hiền hòa chảy qua, có cánh đồng ngát thơm của lúa nếp thầu dầu và lúa tám xoan, có một ngôi đền thánh, một trường THPT, một phòng khám chữa bệnh tư của giáo xứ.
Nắm bắt được thực trạng xã hội đương thời, nhà văn Lê Hoài Nam đã xây dựng những chân dung nhân vật ấn tượng để phản ánh đạo đức xã hội với biết bao vấn đề nóng bỏng: từ chuyện mua quan bán chức, tham ô tham nhũng đến chuyện ô nhiễm môi trường. Từ chuyện làm từ thiện, khám chữa bệnh đến chuyện dạy học văn trong nhà trường hiện nay…
Ám ảnh nhất là tình trạng những sinh linh bị tước bỏ quyền sống ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, bị cho vào những túi ni lông và vứt xuống dòng sông Vạm. Những vấn đề nhức nhối đó diễn ra trong một xã hội mà bề ngoài tưởng như thanh bình, êm ả, được nhà văn phơi bày ra ánh sáng thanh thiên bạch nhật và giải quyết một cách tự nhiên nhờ những con người tâm phúc: Nhân vật chính của tiểu thuyết là ông Lương Hải Hựu - Phó giám đốc Sở, người phải làm đơn xin nghỉ hưu sớm trước tuổi vì mệt mỏi và buông xuôi trước những đấu đá bọn chen, mưu kế của đồng nghiệp. 
Về hưu, cũng là lúc ông tĩnh tâm để nhìn lại cuộc đời mình, những mất mát và những điều đã gây dựng được từ thực lực và tâm huyết của ông. Về hưu, cũng là lúc ông có thời gian để lắng nghe cơ thể mình lên tiếng. Sau khi phát hiện bị tiểu đường, ông được con gái Lương Hải An - một giáo viên dạy Văn đồng thời là Phó hiệu trưởng một trường THPT đưa đến phòng khám Hoa Huệ điều trị. Đó là phòng khám của nhà thờ, do linh mục Dương Khắc Thiệu phụ trách. 
Ông còn được cô con gái yêu duy nhất hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội để tiếp cận với những vấn đề xảy ra hằng ngày, hằng giờ mà con người ở thời đại công nghệ số 4.0 không thể không biết. Vốn là một cựu quân nhân, sau đó chuyển ngành từ quân đội về cơ quan dân sự, làm cán bộ cấp Sở bao nhiêu năm thì không dễ gì mà Lương Hải Hựu có thể đón nhận những bài giảng đạo của linh mục Thiệu áp lên Facebook vào mỗi dịp cuối tuần. Sự e dè, cảnh giác ở ông là tâm lý tất yếu của một người từng vào sinh ra tử. Nhưng nhờ mắt thấy tai nghe những việc làm chân chính của nhà thờ, của linh mục và các xơ mà dần dà, ông đã có cái nhìn thiện cảm hơn với đạo Thiên Chúa, với những bài thuyết giáo của linh mục. 
Những vấn đề bức xúc mà xã hội không thể hoặc chưa thể giải quyết thì đền thánh Hải Hà đã chìa tay ra, như: xây nghĩa trang Thiên Thần làm nơi an nghỉ cho hàng ngàn hài nhi xấu số; mở phòng khám Hoa Huệ để khám và chữa bệnh cho nhân dân với mức chi phí thấp; là nơi trú ngụ cho những người cơ nhỡ, thậm chí còn dang rộng vòng đón nhận những con người lầm lạc khi họ biết sám hối về những việc ác mà họ đã gây ra cho đồng loại. Chúa nhân từ và bao dung. Điều đó rất gần với triết lý của nhà Phật bởi Phật từng dạy rằng: “Tài sản lớn nhất của đời người là lòng khoan dung”.
Như vậy, mục đích của Lê Hoài Nam không phải là hướng người đọc đến một niềm tin tuyệt đối vào Chúa mà nhà văn khẳng định giáo lý của Thiên Chúa rất gần gũi với đời sống của nhân loại, luôn hướng con người ta đến cái Thiện, diệt trừ cái ác. Nhà văn đã xây dựng nhân vật linh mục Dương Khắc Thiệu - sứ giả của Nước Chúa, người từng tham gia cuộc chiến Tây Nam, chứng kiến tội ác man rợ của quân Pôn Pốt, ám ảnh đến nỗi mắc bệnh trầm cảm, tìm đến nương náu dưới chân Chúa như một cơ duyên, như được tái sinh cuộc đời thứ hai nên được vào chủng viện đào tạo từ năm 19 tuổi, đến năm 37 tuổi thì được thụ phong linh mục. Người không chỉ thông tuệ mà còn chăm lao động và giàu lòng nhân ái, được nhân dân kính nể, tin phục.
Cốt truyện “Hạc Hồng” có sự lôi cuốn đặc biệt bởi những tình tiết bất ngờ, sự đan xen giữa chuyện đời và chuyện đạo, giữa quá khứ và hiện tại. Đặc biệt, nhà văn khéo léo lồng vào ý nghĩa của Kinh Thánh qua việc tái hiện cuộc đời của Chúa Giê-su cùng hành trình nhiều gian truân của Người để giúp chúng sinh giác ngộ chân lý. Sự ra đời của bài hát huyền thoại trong đêm Giáng sinh, sự phản bội của môn đệ, quá trình tử nạn của Chúa được nhắc đến qua các bài thuyết giáo của linh mục Dương Khắc Thiệu là những chi tiết gây ấn tượng mạnh, vừa hiện thực lại vừa mang sắc màu huyền ảo.
Thành công của tiểu thuyết “Hạc Hồng” là đã phản ánh sinh động tình trạng đạo đức xã hội có nguy cơ bị xói mòn vì đồng tiền ngự trị, vì lối sống thực dụng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo thoái hóa biến chất bằng cách xây dựng nhân vật Giám đốc sở Hoàng Ngọc Tốt lắm mưu nhiều kế, người muốn lợi dụng việc xây nhà máy xử lý rác thải, khắc phục ô nhiễm môi trường của dòng sông Vạm để nhân dân phải xây đền thờ sống hắn. 
Trơ trẽn, tráo trở và tham lam, đó là bản chất của những kẻ như hắn. Xã hội hiện tại không hiếm những con người giả dối như bà Nhân Ái, đi làm từ thiện khắp nơi, lên truyền hình chỉ để “làm màu” nhưng lại nhất mực từ chối một chỗ nghỉ tạm qua đêm khi có người cầu khẩn.
Tuy nhiên, bức tranh xã hội trong tiểu thuyết “Hạc Hồng” không chỉ toàn một màu u ám khiến người đọc mất niềm tin hay bi quan về xã hội, về những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, bởi bên cạnh những nhân vật tha hóa về đạo đức và lối sống như Hoàng Ngọc Tốt, chúng ta vẫn bắt gặp những cán bộ liêm khiết, trong sạch, hết lòng vì cái tốt, cái thiện. 
Đó là Lương Hải Hựu, tuy mấy chục năm ngụp lặn trong guồng máy quyền lực, giá trị nhân bản ở con người ông tuy bị hư hao đi ít nhiều nhưng nó đã được đánh thức và hồi sinh. Đó là xơ Hòa - bác sĩ trưởng, người từng là y tá trong chiến trường, phải trải qua nỗi đau khủng khiếp cả thể xác và tinh thần nhưng bằng một nghị lực phi thường, bằng một đức tin mãnh liệt, người phụ nữ ấy đã vượt lên số phận để tiếp tục sống và làm những điều tốt đẹp cho cuộc đời; là xơ Lệ với một tâm hồn trong sáng, thánh thiện, tận tâm; là Lương Hải An, người giáo viên chính trực đã truyền được ngọn lửa tình yêu văn chương đến các em học sinh…
Làm nên sức hấp dẫn của “Hạc Hồng” còn bởi cách dẫn chuyện lôi cuốn của Lê Hoài Nam. Nhà văn đã kín đáo giấu đi nhiều tình tiết về lai lịch của các nhân vật. Càng đọc, ta càng bị cuốn vào nội dung câu chuyện, như một độc giả tò mò trên hành trình khám phá ý nghĩa của nhan đề tiểu thuyết và khám phá mối quan hệ giữa các nhân vật trong tác phẩm. 
Phải gần đến đoạn kết thì người đọc mới hiểu được ý nghĩa của “Hạc Hồng”. Đó là một loài chim thiêng, là sứ giả của những điều tốt đẹp, hanh thông. Vì vậy, khép lại tiểu thuyết là niềm vui của xã Phương Điền khi được lắp đặt máy xử lý ô nhiễm môi trường nhờ công lớn của linh mục Dương Khắc Thiệu, là cuộc hội ngộ của những con người có mối quan hệ đặc biệt, là những tình cảm trong sáng, mới mẻ được nhen lên.
Dù cái kết của tiểu thuyết có phần nhẹ nhàng, đậm màu sắc nhân văn nhưng là một kết thúc mở, gợi nhiều suy ngẫm ở người đọc. Chứng tỏ nhà văn Lê Hoài Nam đã khai thác những mặt trái của đạo đức xã hội với mục đích là khơi gợi, thức tỉnh con người tránh xa cái xấu, cái thấp hèn, thiếu nhân cách để nuôi dưỡng, nâng đỡ, bồi đắp cái thiện vốn có trong mỗi con người và trong cuộc sống.
“Hạc Hồng” đã chĩa ngòi bút đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực của xã hội, với những dấu hiệu suy thoái về đạo đức, không chỉ gợi ra sự căm ghét, không chỉ là nơi nhà văn trút bỏ ẩn ức, bức xúc của mình mà cao hơn, tác phẩm còn giúp công chúng nhận thức, tìm cách vượt qua cái xấu, cái bất công, phi lý bằng niềm tin sâu sắc vào những con người giữ vững được phẩm chất, cốt cách trong những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.
Tôi tin tiểu thuyết “Hạc Hồng” sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận.




Nguồn: Văn Nghệ Công An