Những trang sách “Sài Gòn – Milano đang về hay sang?” là những trang sách đậm tình thương nhớ quê hương, bè bạn. Khoảng 10 năm nay, bước chân của anh Trương Văn Dân và chị Elena đã đi nhiều nơi trong và ngoài nước Việt Nam, đã gặp nhiều bạn bè văn chương. Tôi ấn tượng nhất trong tác phẩm “Sài Gòn – Milano đang về hay sang” là ở những trang tùy bút. “Paris ngày trở lại”, “Kiệt Tấn, đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời”, “Từ sông Seine Paris đến kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn”, “Nguyên Minh, một cuộc đời với văn chương”… và nhiều tùy bút khác nữa không chỉ đơn thuần là những trang ghi chép, những cảm nhận mắt thấy tai nghe, mà còn là tình cảm, là cảm xúc, là sự trân trọng, thấu hiểu của tác giả đối với những bạn văn của mình.




MILANO – SÀI GÒN ĐANG VỀ HAY SANG?

             HÀ THANH VÂN

Tôi ngồi đọc cuốn sách “Milano – Sài Gòn đang về hay sang?” của nhà văn Trương Văn Dân trên chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Dù biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng, song tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu được cảm xúc của nhà văn khi viết nên tập truyện ngắn và tùy bút này, khi bản thân tôi cũng bay từ Sài Gòn ra Hà Nội. Người ta ở một miền đất mà nhớ thương một miền đất khác chẳng phải là chuyện hiếm có trong đời. Song để hiện thực hóa nỗi nhớ thương đó bằng một quyển sách cũng nặng tình thương nhớ thì ở thời hiện tại, trên mảnh đất Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng chỉ có một Trương Văn Dân.
Tôi biết anh chị Trương Văn Dân và Elena Pucillo Truong từ mấy năm nay, trong các cuộc gặp gỡ bạn bè văn chương. Anh và chị gây ấn tượng đầu tiên trong tôi là một cặp đẹp đôi, hạnh phúc, trí thức và lịch lãm. Chị Elena là tiến sĩ về ngôn ngữ và văn chương Pháp. Anh Dân từng giữ trọng trách trong một tập đoàn hóa dược lớn của Italia. Chị Elena là người Italia đã đành rồi vì các phụ nữ Italia vốn nổi tiếng về sắc đẹp và sự thanh lịch, nhưng anh Dân có lẽ sau 40 năm học tập và làm việc trên đất nước Italia, cũng đã trở thành một quý ông Tây phương chính cống. Anh galant trong từng lời thăm hỏi bạn bè, trong cử chỉ dìu đỡ vợ lên xuống bậc cầu thang vì chị Elena lúc nào cũng tha thướt trong tà áo dài quyến rũ của phụ nữ Việt. Anh Dân là người con của đất Bình Định và chị Elena vì yêu chồng, đã yêu cả quê hương Việt Nam của chồng. Chị luôn mặc áo dài, lên chùa tụng kinh niệm Phật, ăn bún bò Huế biết phải có mắm ruốc, hiểu rành rẽ về vị vua Quang Trung, biết cả về tuồng Đào Tấn… Chị trở thành người con dâu “Xứ Nẫu” chính tông.
Anh chị hẳn là yêu Việt Nam, yêu quê hương lắm, cho nên đến tuổi nghỉ hưu đã quyết định về ở hẳn Việt Nam sinh sống. Trong khi bây giờ tình trạng người Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng ồ ạt, nhất là do những bất ổn xã hội, hoàn cảnh sống, thì anh chị Trương Văn Dân và Elena đã chọn cho bản thân mình con đường có vẻ ngược chiều. Anh chị bỏ ngôi nhà đẹp đẽ, ấm cúng của mình ở thành phố Milano, quay về Sài Gòn sống giản dị ở một căn hộ chung cư giản dị trên đường Ngô Tất Tố. Ở đây, hàng ngày những người hàng xóm chung cư có thể thấy cặp đôi Bà Tây và Ông Ta dìu nhau xuống uống cà phê ở quán bình dân, an nhiên, tự tại như những người đã đi qua dâu bể, am hiểu chuyện đời và biết tìm ra niềm vui ở cuộc đời vốn quá nhiều bất toàn, bất trắc.
Vậy thì câu hỏi: “Milano – Sài Gòn đang về hay sang?” đã có lời giải đáp. Milano lộng lẫy, tráng lệ, giàu có, là một trong những kinh đô thời trang và thương mại của thế giới. Song Milano không thay thế được quê nhà, dù quê nhà ấy còn nghèo khó, còn nhiều khổ cực.
Và Việt Nam là nguồn cảm hứng cho anh Dân và chị Elena sáng tác. Về Việt Nam, chị Elena đã có hai tác phẩm là “Một phút tự do” và “Vàng trên biển đá đen”, tập hợp các truyện ngắn và tùy bút của chị. Anh Dân thì vừa dịch vừa sáng tác được 7 tác phẩm. Tập truyện ngắn và tùy bút “Vàng trên biển đá đen” của chị Elena ra mắt đồng thời cùng với tập truyện ngắn và tùy bút “Sài Gòn – Milano” đang về hay sang?” của anh Dân. Là vợ chồng, phong cách viết văn của họ vừa giống mà lại vừa trái ngược nhau, như hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây vốn trái nhau nhưng lại gặp gỡ cùng nhau ở nhiều điều.
Những trang sách “Sài Gòn – Milano đang về hay sang?” là những trang sách đậm tình thương nhớ quê hương, bè bạn. Khoảng 10 năm nay, bước chân của anh Dân và chị Elena đã đi nhiều nơi trong và ngoài nước Việt Nam, đã gặp nhiều bạn bè văn chương. Tôi ấn tượng nhất trong tác phẩm “Sài Gòn – Milano đang về hay sang” là ở những trang tùy bút. “Paris ngày trở lại”, “Kiệt Tấn, đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời”, “Từ sông Seine Paris đến kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn”, “Nguyên Minh, một cuộc đời với văn chương”… và nhiều tùy bút khác nữa không chỉ đơn thuần là những trang ghi chép, những cảm nhận mắt thấy tai nghe, mà còn là tình cảm, là cảm xúc, là sự trân trọng, thấu hiểu của tác giả đối với những bạn văn của mình. Những người bạn văn ấy hiện ra trước mắt độc giả với dáng vẻ sinh động, hấp dẫn, nghệ sĩ và lúc nào cũng nồng nàn tình cảm với đời, với người.
Ngược với những dòng tùy bút “trôi theo dòng cảm xúc”, mượt mà như lụa, có những dòng tùy bút của anh Dân trong tác phẩm “Milano – Sài Gòn đang về hay sang” lại thấm đậm chất suy tư bằng một ngôn từ giản dị mà âu lo, khắc khoải. Nhà văn âu lo về thế giới bên ngoài mình đang bị chính con người tàn phá, âu lo về những thảm họa do chính con người tạo ra cho thiên nhiên và bị thiên nhiên đáp trả. Nhà văn băn khoăn về lẽ sống làm người, về những áp bức, bất công, những chênh lệch giàu nghèo của một đất nước đang phát triển phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp. Có những dòng chữ mà độc giả khi đọc thấy nghẹn lòng: “Rồi ba năm hạnh phúc, cũng chính là ba năm mà tôi đã trở về quê hương. Tôi đã bình an biết bao. Nhưng khi ánh hào quang của cuộc trùng phùng chấm dứt, những biến đổi xã hội Á Đông đang thay da đổi thịt, hòa theo nhịp sống cuống cuồng của toàn cầu hóa… đã xóa mất nếp bình thản cũ xưa, xuất hiện nhiều mâu thuẫn trong thời hội nhập. Những bất an thực phẩm, ô nhiễm môi trường, trái đất cạn kiệt… tạo ra bao căn bệnh ung thư… Ba năm, thời gian đủ để tôi nhận ra là đời sống như tôi nghĩ đã không còn. Con người, gia đình con cái ít quay quần bên nhau. Người già cô đơn. Các căn bệnh thời đại xuất hiện: lo âu, buồn rầu vô cớ rồi sinh ra trầm cảm. Rồi tự sát. Sức khỏe cơ thể có thể tốt nhờ tiến bộ y học mà sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội ngày càng kém sút. Chúng ta sống thọ hơn mà cuộc sống lại ít ý nghĩa hơn. Có khác gì những điều đang xảy ra ở trời Tây?” (Tùy bút “Milano – Sài Gòn đang về hay sang?”)
Là một nhà hóa dược kiêm nhà văn, anh Trương Văn Dân thấm thía rằng thuốc men hiện đại có thể cứu giúp sức khỏe cho nhiều người, nhưng có lẽ chỉ có những trang văn đánh động mới cứu được con người ra khỏi vũng lầy của căn bệnh tinh thần.
Chính vì thế, nối tiếp mạch cảm xúc ấy, những truyện ngắn và trích đoạn tiểu thuyết của nhà văn cũng là những khắc khoải chiêm nghiệm nhân tình thế thái về con người, cuộc đời và lẽ sống. Xuyên suốt mạch văn của tác phẩm “Milano – Sài Gòn đang về hay sang?” là một cảm hứng hướng con người tìm về với vẻ đẹp giản dị của đời sống thắm đượm tình yêu thương. Vẫn là những câu văn khắc khoải trong các truyện ngắn: “Xã hội hôm nay luôn khó khăn về những quan hệ giữa con người. Một xã hội đang bị tách rời và không còn khả năng đối thoại với người xung quanh. Chúng ta dường như không còn sống cho những giây phút quan trọng. Chúng ta đang có mặt mà không hiện diện. Ngồi nơi đây mà trao đổi với bạn bè ở Pháp, Đức hay ở Mỹ. Chúng ta lấp lửng với hiện thực, suốt ngày chạy đua với thời gian và chiếc điện thoại trên tay” (Truyện ngắn “Cuộc hội ngộ câm”)
Nhiều trang trong tác phẩm “Milano – Sài Gòn đang về hay sang?” thấp thoáng bóng dáng của người phụ nữ mà anh Dân rất yêu thương: Chị Elena. Những dòng viết về chị là những dòng tỏa sáng của tình yêu, của chia sẻ, gắn bó. “Thăng trầm, vinh nhục… tất cả đều đã trải, đều đã vô thường, thay đổi, và chỉ có hằng số Elena là còn ở lại. Nàng luôn ở bên tôi. Lúc nào cũng bên tôi. Dù có khi chúng tôi cách xa nhau hơn 10.000km.” (Tùy bút “Milano – Sài Gòn đang về hay sang?”)
Gấp lại cuốn sách của anh Dân, tôi không khỏi nhớ đến những câu thơ của Rydyard Kipling trong bài “The ballad of East and West” (Khúc ca của Đông và Tây):
Ô, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ
Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông lực lưỡng từ đường biên mặt đối mặt không thôi.
(Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet,
Till Earth and Sky stand presently at God's great Judgment Seat;
But there is neither East nor West, Border, nor Breed, nor Birth,
When two strong men stand face to face, tho' they come from the ends of the earth!)
Nếu được tôi xin mạn phép sửa lại là chẳng cần khi hai người đàn ông đối mặt nhau mới có sự gặp gỡ, giao hòa Đông Tây, mà có lẽ chỉ cần một người đàn ông và một người phụ nữ yêu nhau là ranh giới Đông Tây cũng bị xóa nhòa. Ở đây tôi muốn nói đến tình yêu của anh Dân và chị Elena. Với con hai người ấy, với tình yêu thương, ranh giới Đông Tây đã bị xóa nhòa và còn trở thành nguồn cảm hứng cho sáng tác của hai anh chị.

Cùng yêu thương và cùng viết. Cứ như vậy đi anh chị nhé.