“Tuổi già hạt lệ như sương”, câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Dương Khuê, đã vận vào tình bạn của ông. Những cuộc chia tay bè bạn cùng thế hệ, đôi lúc làm Nguyễn Xuân Khánh buồn sững lại. Các ông Mạc Lân, Lê Bầu, Bùi Ngọc Tấn, những người bạn chữ nghĩa từ thời trai trẻ của ông đã đi xa. Buổi tiễn đưa nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ông cùng mấy người bạn chí cốt từ Hà Nội xuống từ hôm trước. Hải Phòng, mảnh đất quen thuộc, nhiều bạn bè, nhiều kỷ niệm, vậy mà ông chả muốn đi đâu cả. Ngồi trong đám đông chờ giây phút tiễn biệt người bạn văn chí cốt, vẻ mặt ông hoang vắng như sa mạc…




NGUYỄN XUÂN KHÁNH TUỔI GIÀ HẠT LỆ NHƯ SƯƠNG

VŨ TỪ TRANG

Những năm trước, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thường hay đi về vùng quê Kinh Bắc cùng tôi. Vùng đất như đậm đặc màu sắc Phật giáo. Rất nhiều ngôi chùa đã ghi dấu ấn thời gian, như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, chùa Tiêu... bên dòng sông Đuống. Bên kia sông Cầu, sông Thương, có chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm. Những ngôi chùa này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tôi đã từng đến đôi ba lần. Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng, như ở bất kỳ làng nào, xã nào vùng Kinh Bắc, đều có chùa. Những ngôi chùa trầm mặc hàng dăm, bảy trăm năm, tạo không gian tâm linh cho con người trong làng xã. Có thời, một số nơi, dỡ chùa, di chuyển, sát nhập hai ba chùa trong xã, làm một chùa. Ngay Trang Liệt quê tôi, xưa có hai chùa: chùa trên và chùa dưới. Đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước, nhân sau vụ lụt, chính quyền thôn quyết định dỡ chùa trên, chuyển về sát nhập với chùa dưới. Bao tượng phật được khênh rước về tập trung một chốn. Một số tượng gỗ, lâu không chăm nom, có dấu hiệu mối mục. Một số tượng phật được đắp bằng đất sét, bị ngập nước, tượng đổ ngả nghiêng. Nhìn những pho tượng sơn son thếp vàng, uy nghi và thiêng liêng vậy, tôi đâu ngờ lại được đắp bằng đất sét. Nhìn những pho tượng đắp bằng đất sét, bị đập bỏ, lòng tôi trào lên một nỗi nghẹn ngào. Lại nhớ về câu ca dao cổ “Hòn đất mà cất thành Phật...”.
              Những năm gần đây, vùng quê Kinh Bắc lại rộ lên phong trào tu bổ chùa cũ, xây dựng chùa mới. Mỗi ngôi chùa ra đời, có nguyên do riêng. Một số nhà doanh nghiệp giàu có, cung tiến xây chùa. Trong Tam bảo, ngoài việc thờ Quan Âm tam thế, còn có gian thờ đức thánh Trần Hưng Đạo, chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hỏi sao sắp đặt vậy? Các vãi nói rằng, những người bỏ tiền ra họ yêu cầu xây dựng theo ý họ!
              Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bảo rằng, thời nào cũng thế thôi, mọi lộn xộn rồi nó sẽ tự dần sắp xếp lại. Ông thường thích về thăm những ngôi chùa cổ. Thật thú vị, khi được đặt bàn chân trần, trên nền chùa tôn tạo bằng đất nện. Thời gian, nền đất nện đã lên màu đen bóng. Những gốc đại già nua, những hương hoa ngâu, hoa mộc, ẩn hiện thấp thoáng cùng hương na, hương bưởi. Hương thơm nhẹ, thanh tao và trầm mặc. Chúng tôi được thưởng ngoạn không gian u tịch và lặng lẽ chốn cửa thiền, gạt bỏ bao âm thanh tạp chất của đời thường.
             Chùa quê tôi, nhộn nhịp nhất, là ngày rằm tháng giêng. “Cúng cả năm, không bằng rằm tháng giêng”. Chuẩn bị cho tuần cúng rằm, các vãi, các bà, các chị trong làng bận rộn từ sau ngày tết. Ban chước tác được lập ra giúp nhà chùa đóng oản, thổi xôi, nấu chè, sắp cỗ chay... Mọi việc, đâu vào đấy. Tự nguyện, mà  thành tâm. Bây giờ, việc cung tiến nhà chùa đã đổi thay. Đa phần tiền mặt. Có cả tiền séc, tiền chuyển khoản. Chứ như những năm trước, sau tết, tíu tít cảnh các vãi, các mẹ, các chị đội gạo, đội đỗ ra chùa. Sản vật quê, chọn loại ngon nhất,  đem cung tiến nhà chùa. Số gạo, đỗ cung tiến, dư thừa việc sắp lễ cả năm. Ca dao cổ “Ba cô đội gạo lên chùa. Một cô yếm thắm...” hẳn xuất phát từ cảnh hội chùa ngày xuân.
*
               Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng kể chuyện làng quê Cổ Nhuế thuở trước, cho tôi nghe. Cái làng ven đô, lúp xúp và bề bộn, vừa yên tĩnh vừa xáo trộn. Ở đấy, tuổi thơ ông từng được theo mẹ ra chùa làng. Đấy là bảy, tám chục năm về trước. Làng quê còn cách xa trung tâm thành phố. Chứ không phải xô bồ phố xá, hàng quán như bây giờ. Ở đấy, quan hệ con người vẫn là làng xóm, họ mạc, phi nội tắc ngoại. Chân tình và nhường nhịn. Không phải ăn nói láo nháo, đi lại ầm ào như bây giờ. Hương hoa cau, hoa ngâu, hoa mộc, ở vườn chùa làng, thấm vào hồn ông từ khi ấy. Màu áo nâu sồng của sư cụ, của vãi ám ảnh. Bao số phận, bao kiếp người, cứ bám theo, quay quanh cái sân chùa, vườn chùa, để rồi hiện lên trang sách của ông khi nào không hay. Tiểu thuyết Đội gạo lên chùalà trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử của ông. Ý tưởng về cuốn sách này, đã có từ lâu, chỉ chờ đến ngày, nó ùa ra, tràn trên trang giấy. Ông vẫn giữ thói quen viết tay, không dùng máy tính. Hình như khi cầm bút viết, ông dễ giãi bày nỗi niềm của ông với những con người mà ông gần gũi, yêu thương. Cuốn tiểu thuyết, nhiều chương hay, nhưng chương Giếng thơm, đặc biệt cuốn hút tôi. Hình tượng cô bé Rêu thật ám ảnh:  “Nó gày gò, nhỏ bé, xinh xinh. Giống hệt như mẹ, cũng da trắng môi hồng, cũng tóc đen như mun, cũng đôi mắt đen láy long lanh... Nhìn cô bé tinh khôi, mặc chiếc quần đen, một chiếc áo nâu non rộng thùng thình so với thân hình gày guộc của nó, tôi cứ nghĩ mãi về cái khác biệt của Rêu... Nghĩ mãi mà chả ra. Là cái gì nhỉ?”. Nhà văn thốt lên “Hay là... hay là nhìn Rêu ta cảm thấy sự mong manh. Ừ, đúng là sự mong manh. Đúng chăng? Rêu đem lại cho tôi cảm nhận sự mong manh thế gian…”. Thời nào chả vậy. Trước cái đẹp, con người luôn có cảm giác mong manh. Gần gũi đấy, mà luôn có nguy cơ đổ vỡ, biến mất. Cái đẹp như không có thật. “Cô gái nhà trời có cánh. Những cô gái biết bay trong không trung, rắc hương, rắc hoa của đức Phật xuống trần thế. Cô là một thiên nữ tán hoa”. Rêu như hiện thân của cái Đẹp trong nghệ thuật. Cái đẹp, thời nào chả hiếm hoi.
             “Cô bé gày gò, mảnh mai, nhẹ bỗng. Trông Rêu, có ngay cảm giác mong manh dễ vỡ” Theo nhà văn, cái tạng ấy, cái tố chất ấy “thuộc về người nghệ sĩ”
              “Con chim nho nhỏ
               Cái đuôi nó đỏ
               Cái mỏ nó vàng...”
               Câu hát láy đi láy lại trên trang viết. Có ai đó, ví nghệ thuật vốn như tiếng hót của con chim họa mi. “Nghe Rêu hát, nhất là khi cô ngân nga, run rẩy ở một âm thanh chót vót, người ta bảo lồng ngực và cổ họng của cô giống như con chim họa mi bé nhỏ. Người ta thích thú hoan nghênh, nhưng cứ thấy rờn rợn”. Cái đẹp của nghệ thuật vốn đầy ma mị. Thời buổi nhiễu nhương, nghệ thuật càng mong manh, cô đơn.
                Sư cụ Vô Úy nói “Nộ khí, sát khí đang dâng cao. Nó có thể thấm vào ta. Những tụng niệm  chẳng thể làm tan bầu khí nặng nề... giúp ta có lòng kiên trì nhẫn nhục để vượt kiếp nạn” Sư An thì bảo “Muốn đi tới chỗ đạt, chỗ ngộ, phải giữ được tâm bình thường, dù hoàn cảnh nào cũng không loạn động”… Nghệ thuật muôn đời không chấp nhận sự giả dối. Cái xấu, cái ác vẫn vây bủa. Sự mong manh yếu đuối của Rêu, đã bị đổ gục trước cái xấu, cái ác lộng hành lũng đoạn. Nó còn đè nén Rêu. Nó ở ngay trong người thân của Rêu. Con chim họa mi có giọng hót trong sáng và mỏng manh buộc phải chết. Rêu chọn cái chết để muốn nói không đồng lõa cái xấu, cái ác. Rêu đã trẫm mình xuống giếng thơm. Cái chết của Rêu, dễ liên tưởng đến con chim họa mi bị mất tiếng hót, con thiên nga bị gãy cánh. “Thế gian này làm Rêu thất vọng phải không. Rêu ơi có phải vì yêu cõi nhân gian quá nên cô chẳng muốn sống nữa phải không” Mượn lời của Đức Phật, nhà văn  như muốn an ủi “Chẳng có gì sinh ra, chẳng có gì mất đi. Gặp duyên thì tụ thì sinh. Hết duyên thì tán thì diệt”
*
            “Tuổi già hạt lệ như sương”, câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Dương Khuê, đã vận vào tình bạn của ông. Những cuộc chia tay bè bạn cùng thế hệ, đôi lúc làm Nguyễn Xuân Khánh buồn sững lại. Các ông Mạc Lân, Lê Bầu, Bùi Ngọc Tấn, những người bạn chữ nghĩa từ thời trai trẻ của ông đã đi xa. Buổi tiễn đưa nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ông cùng mấy người bạn chí cốt từ Hà Nội xuống từ hôm trước. Hải Phòng, mảnh đất quen thuộc, nhiều bạn bè, nhiều kỷ niệm, vậy mà ông chả muốn đi đâu cả. Ngồi trong đám đông chờ giây phút tiễn biệt người bạn văn chí cốt, vẻ mặt ông hoang vắng như sa mạc. Đấy là tôi nhìn qua bức ảnh, một người bạn chụp đem về. Còn buổi tiễn đưa nhà văn Lê Bầu, từ nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) di linh cữu về nhà riêng tại Thùng Đấu (Bắc Giang), suốt chặng đường hơn năm chục cây số, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh như chả muốn nói điều gì. Nhà văn Lê Bầu, con người xuề xòa và lầm lũi, nhưng trời phú cho nụ cười thật thoải mái. Với ông, mọi được mất, thắng thua, công danh và vô tăm tích, xem ra chả có gì quan trọng. Tôi từng được tiếp xúc nhiều lần với nhà văn Lê Bầu. Từ lúc phải viết từng mẩu báo bé bằng hộp diêm để kiếm tiền sinh nhai, cho đến khi các Nhà xuất bản liên tục đến đưa tiền ứng trước, nhờ ông dịch sách hàng nghìn trang như Ôsin, Tể tướng Lưu gù, Thị trấn phù dung... thì ông cũng bình thản như không. Có người bạn bảo, nhà văn Lê Bầu vốn học ở Trung Quốc, giỏi chữ Trung Hoa, nên có căn cốt người Tầu chăng? Tôi thấy không phải thế. Có lẽ ông biết rũ bỏ mọi tai ách, để sống cho dễ chịu. Mà tai ách nó vẫn khoác lên vai ông, bắt ông làm việc như kéo cày cho đến phút cuối đời. Âu đó là cái nghiệp. Khi nhà văn Lê Bầu đã mồ yên mả đẹp, trên đường trở về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mới kể cho tôi nghe đôi chuyện riêng của nhà văn Lê Bầu. Thì ra trời không bắt ai quá trần ai. Nhà văn Lê Bầu có những người phụ nữ thật lòng vì ông, dám cam phận, chăm chút, tử tế với ông cho đến phút chót. Đời người, đâu dễ mấy người được hưởng thế. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh muốn nói, sinh thời, nhà văn phải sống hẳn hoi thế nào, thì mới được hưởng những tình cảm đầy đặn của người khác dành cho ông như thế. Văn chương, cuối cùng là cốt cách con người. Con chữ, phơi bày cốt cách người viết ra nó.
              Nhóm bạn văn chương chữ nghĩa cốt nhục một thuở, nay chỉ còn ba người: ông Dương Tường, ông Phạm Toàn (Châu Diên) và ông. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, 86 tuổi; dịch giả Dương Tường, 87 tuổi; nhà cải cách giáo dục - nhà văn Châu Diên, 87 tuổi. Điều kính phục là sức làm việc của ba ông vượt qua tuổi tác. Cả ba ông, ngoài đóng góp trong lĩnh vực văn học, thì sự đóng góp trong công cuộc cải cách giáo dục thật đáng trân trọng. Cả ba ông (và cả nhà thơ Hoàng Hưng) đã có công lập ra nhóm làm sách “Cánh buồm” với chủ trương soạn lại sách giáo khoa theo lối mới. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn dịch rất nhiều sách triết học, tâm lý học. Tiêu biểu, cuốn Tâm lý đám đông của Gustave Le Bon bàn về tâm lý đám đông và phân tích cái tôi của S.Freud. Ba ông có những nét tương đồng, mê văn chương từ nhỏ, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tuổi trẻ từng vào bộ đội, có thành tựu văn học sớm và cùng sớm chịu lâm nạn nghề nghiệp. Họ từng qua bao khổ ải, để đến với văn chương nghệ thuật. Họ từng phải làm những nghề vất vả nhất, đôi lúc phải làm nghề dưới đáy xã hội để sống, để biết tự đứng dậy, chuẩn bị cho những bước đi vạm vỡ, tiến tới cái đích của nghệ thuật mà họ theo đuổi.
            Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã chốt lại với bộ ba tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Tiếp đến ông còn có Miền hoang tưởng và Trư cuồng, hai cuốn tiểu thuyết thêm định vị tên tuổi ông trên văn đàn. Có người quý trọng, đánh giá Trư cuồng là tiểu thuyết hay nhất của ông. Mấy năm trước ông có kể với tôi, sẽ viết nốt cuốn chân dung văn học, tập sách viết về bạn bè văn chương mà ông từng gắn bó. Sức khỏe ông gần đây, giảm sút rõ rệt. Tuổi già sức yếu, chả biết có còn cơ hội để ông hoàn thành cuốn sách cuối cùng này nữa không.

             Một chiều chớm đông, tôi đến thăm ông. Tạm xa ngôi nhà ngõ nhỏ Trần Khát Chân, ông về ngôi nhà người con trai trên mảnh đất Cổ Nhuế quê hương. Ông ngồi bình thản, chấp nhận tuổi già, mắt nhìn dòng người qua lại trước cửa. Có phải con đường này dẫn vào ngôi chùa làng, tuổi thơ ông từng theo mẹ ra chùa. Bóng dáng những cô gái làng đội gạo lên chùa, dường như khi ẩn khi hiện...