Tết năm qua thằng bạn già như lá vàng quay về Sài gòn ăn tết. Bà con hàng đống mà nó lại cứ bắt tôi xách xe Honda chạy vòng vòng từ Sài gòn vào Chợ Lớn qua Xóm Củi, rồi vòng lại Bình Tiên. Trước những địa điểm bây giờ là Nhà hàng, nhà văn hóa, khách sạn…mà trước kia đã từng là rạp hát nó đều bắt tôi ngừng lại để nó đứng ngắm nhìn và xuýt xoa. Tôi cũng cùng chan hòa chia xẻ mạch ngầm ký ức mà hai thằng đã từng là hai thằng trẻ thơ hàng ngày đứng trước rạp hát mà mơ tưởng. Rồi trong nhũng lúc ngồi bên chai bia khề khà thì chuyện tết lại ùa về trong mạch chảy của dòng câu chuyện vốn dĩ không đuôi mà lại cũng không đầu. Trong các câu chuyện thế nào cũng nhắc đến mùa xuân tuổi nhỏ mà rạp hát chính là thiên đường mơ mộng của chúng tôi…



RẠP HÁT - NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG CỦA TẾT

LÊ VĂN NGHĨA


Chúng tôi, những đứa trẻ xóm nghèo quận 6, có chút tiền là rũ nhau đi coi hát bóng ban ngày hoặc cải lương vào tối thứ bảy. Trong tuần, khi hết giờ học, hoặc làm phụ việc nhà cho ba má đã xong là chúng tôi quanh quẩn bên các rạp hát Tân Bình, Tân Lạc để chờ xem những phim Ấn độ, những phim cao bồi Mỹ , rạp Hương Bình, Vĩnh Khánh để xem những phim kiếm hiệp Tàu. Nếu không có tiền, chúng tôi thường lảng vảng trước cửa vào rạp, chờ cặp đôi nào đi chẳng dẫn theo ai là chúng tôi năn nỉ dẫn chúng tôi vào vì rạp quy định mỗi người lớn được dẫn một đứa bé kèm theo. Khi vào được trong phòng chiếu phim rồi thì tụi tôi liền tự kiếm những ghế trống để ngồi. Đây là những rạp hát với những hàng ghế xập xệ mà mỗi khi phim bị đứt, hay chờ phim tới chúng tôi đồng loạt cầm những mặt ghế xập lên, xập xuống kêu xầm xập một cách hứng thú, không thương tiếc. Nhiều khi đang xem mà mắc tiểu quá, chúng tôi vừa xem, vừa vạch quần làm tại chỗ chứ chẳng thèm đi vào cầu tiêu để xả nước cứu thân. Bởi vậy, vào những rạp chiếu phim nầy khán giả còn được thưởng thức mùi nước tiểu khai nồng như phim có mùi vậy. Riêng rạp Vĩnh Khánh-một rạp nghèo thật là nghèo-chuyên hát bóng tuồng võ hiệp tàu cũ xì và cho những đoàn cải lương bầu tèo, lên Chợ Lớn hy vọng tìm lại chút vận may trước khi rã gánh- có những hàng ghế bằng gổ đầy rệp. Mỗi lần xem phim hay cải lương sau khi vỗ tay xong là phải gãi mông một cách khùng điên khí chuột để cho đã cơn ngứa do những con rệp đang ẩn mình sẵn sàng phục kích.
Đến những ngày tết thì ôi quá xá là lên hương cho những thằng nhỏ có tiền lì xì bỏ túi rổn rẻng. Thời gian nầy đúng như câu hát “Sáng ăn cơm sườn, chiều coi cải lương”. Mặt tiền các rạp hát trong những ngày này thì vô cùng rực rỡ ánh đèn chớp lóa. Những tấm pano vẽ những gương mặt những diễn viên, những tuồng tích sẽ diễn suốt ba ngày tết, còn những rạp chiếu bóng thì trình bày những cảnh trong phim chiếu tết thật to, choán gần hết măt tiền của rạp. Trước đó, trên các tờ nhựt trình thì đăng các quảng cáo thật là xôm tụ như “Trong những ngày xuân rạp chiếu bóng Nam Quang sẽ chiếu một phim màu tuyệt đẹp Hải Khấu Đại Dương…”. Còn các đoàn cải lương thì giới thiệu các tuồng tích như “ Ngày tết đoàn cải lương Dạ Lý Hương biểu diễn ngày ba xuất tại rạp Thủ Đô phục vụ quý vị khán giả các tuồng mới khai trương…” “ Kiếm sĩ Người Dơi- Người lên xứ lạ là những vở cải lương rực rỡ màu sắc sẽ khai trương trong ba ngày tết tại rạp Quốc Thanh…” “Đoàn cải lương Kim Chung sẽ hát thường trực tại rạp Olympic với nghệ sĩ huy chương vàng giải ThanhTâm Lệ Thủy. Khôi nguyên Minh Vương…” Chỉ cần đi ngang các rạp hát, nhìn những tấm pano, băng rôn chưng trước rạp là thấy tết đã về rộn ràng chứ chưa cần tiếng pháo nổ điếc tai đì đùng đây đó.
Tụi con nít bắt đầu háo hức chờ đợi ngày có tiền hiên ngang đi xe buýt lên rạp Thủ Đô-một “thánh đường” cải lương trong vùng Chợ Lớn để xem các đoàn ThanhMinh-Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Thống Nhất. Được vào rạp Thủ Đô là một sự chuyển vùng, nâng cấp, lấy số lấy má khi tụi tôi ngồi nói chuyện với nhau, khoe thành tích đi xem cải lương của mình. Hay vào rạp Lê Ngọc xem phim cao bồi, Phi Long để xim phim Ấn Độ. Mấy ngày tết coi phim muốn sưng con mắt. Tụi tôi chỉ lanh quanh các rạp hát vùng Chợ Lớn là đã đủ hết tiền lì xì.
Một hôm , chính thằng bạn già, ngày xưa còn trẻ của tôi khoe mới được bà chị có bồ dẫn đi xem ở rạp chiếu bóng Đại Nam ở đâu tận đường Trần Hưng Đạo xa lắm khỏi Chợ Lớn. Nó khoe quá cỡ nào là vào rạp lạnh như đi Đà Lạt –tôi biết nó chưa đi Đà Lạt bao giờ mà dám đía nhưng nó đã coi ở rạp Đại Nam thì chắc là nó nói thiệt cỡ 72 phần dầu. Rồi vừa vô rạp là có mùi thơm như đi ngang cửa tiệm bán dầu thơm chứ không phải dầu dừa. Ghế ngồi êm thật là êm đến nỗi không dám nhúc nhích vì sợ nó lún cái đít …Đứa nào đứa nấy nghe nó nói đều ước mơ một lần được vào rạp Đại Nam cho biết. Rồi thằng khác để chứng tỏ mình cũng không thua gì khoe là đã được ba má nó dẫn đi coi cải lương ở rạp Hưng Đạo. “Trời ơi, cái rạp bự ơi là bự. Tụi bây đi vô trỏng lạng quạng là đi lạc ra khỏi rạp luôn. Sân khấu nó bự đến nổi có con voi mà thằng Út Hiền ngồi ở trển luôn được vậy.” Ý tôi biết là nó nói về tuồng cải lương “Bà Chúa Ăn Mày” có Út Hiền, Ngọc Hương, Văn Khoe, Bo Bo Hoàng đóng…Thời đó, rạp chiếu phim, hát cải lương giống như một thiên đường tuổi nhỏ đầy tưởng tượng những chuyện không có trong cuộc sống thường nhật của mình.
Rồi tuổi thơ qua mau quá, những rạp cải lương, rạp chiếu bóng xóm nhỏ đã bị chúng tôi bỏ quên khi mà chúng tôi có thể hiên ngang đặt chân vào Rex, Đại Nam, Vĩnh Lợi, Casino…để xem những “Chuyện Tình”,”Mùa Hè Năm 42”, “Tay súng Bá Vàng”, “Vĩnh Biệt Tình Em”, “Bố Già”…Thỉnh thoảng cũng ghé Quốc Thanh, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo, Olympic để xem những đại ban như Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung…Không hiểu sao thời những cuối những năm 60 đầu 70 đi đâu cũng thấy rạp hát. Hình như các chủ rạp hát trước khi xây dựng rạp cũng nghiên cứu địa hình, thị hiếu dân cư từng khu vực cho phù hợp túi tiền hay sao á? Ở quận 1 thì có thể xem chiếu bóng và cải lương ở các rạp Rex, Đại Nam, Eden, Casino, Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Hưng Đạo, Thanh Bình, Quốc Tế, Kinh Thành (Cầu Ông Lãnh), Long Phụng, Thành Chung (chuyên chiếu phim Ấn Độ)…Quận 3 thì có Đại Đồng, Long Vân, Minh Châu, Olympic…Quận 5 thì cũng chẳng vừa gì với các rạp Oscar, Hảo Huê, Victory (Lê Ngọc), Thủ Đô, Đại Quang. Lao Động B…Quận 6 thì Tân Bình, Tân Lạc (Hồng Liên), Hương Bình, Vĩnh Khánh. Quận 11 thì có rạp Quốc Thái…Quẹo lên miệt Đakao, Phú Nhuận thì có Đại Đồng, Cẩm Vân, Cao Đồng Hưng…Ấy là tôi kể chưa đủ hết mặt anh hào rạp hát .Có người quá chén ngồi tổng kết bằng miệng và trí nhớ thì Sài thành-chợ Lớn-Gia Định hồi đó có khoảng 60 cái rạp hát chiếu bóng, cải lương, hát bội lớn nhỏ. Tha hồ cho các gánh cải lương khoe đào, khoe kép, khoe tuồng mới. Làm như thời đó người dân đi xem hát đông hơn thời bây giờ vậy nha nha…
Bây giờ Sài gòn có nhiều rạp chiếu phim hoành tráng nhưng lại thiếu rạp cho cải lương. Đa số những rạp chiếu bóng, chiếu phim ngày xưa đã biến hình thành những trung tâm thương mại, nhà hàng tiệc cưới. Rạp hát xưa đâu rồi để cho lứa tuổi tụi tôi tìm lại kỷ niệm trên cánh đồng tuổi thơ ơi những Đại Nam, Rex, Quốc Thanh, Osar, Vĩnh Lợi ,Casino... Đố ai tìm được khu trung tâm Sài gòn ngày nay còn lại dấu xưa nào của rạp hát ngoài Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) và Hưng Đạo trong tình trạng ẩm ương .Vẫn biết rằng thời gian vật đổi sao dời, một số rạp hát có thể mất đi là chuyện bình thường nhưng khi đồng loạt tất cả rạp lớn nhỏ trong Sài gòn đã bị hô biến như Tề thiên làm phép thì rõ là không hiểu được.
Tuổi mộng mơ ngày xưa rồi đến khi lớn lên hiểu tí sự đời của chúng tôi ít nhiều đều dính dáng với rạp xi nê, cải lương. Hồi nhỏ thì tìm rạp hát để đi vào thế giới tưởng tượng và ước mơ. Lớn lên một chút phải nhờ bóng tối rạp xi nê mới dám cầm tay em để thưởng thức một chút dịu ngọt đầu đời. Rồi sau đó là những môi hôn ngọt ngào mùi cóc ổi, me ngào bánh tráng ăn vội. Thỉnh thoảng cũng có cuộc tình đẩm nước mắt và tiếng khóc chia tay trong rạp xi nê đang chiếu phim Sạc lô khiến cho nhiều người không hiểu tại sao xem phim hài mà tụi nó khóc .Thằng bạn già của tôi buồn tình thốt lên “Đi ra nước ngoài thì mình đã mất quê hương. Nay về thăm lại quê hương thì khám phá ra mình lại mất ký ức”. Không lẽ tôi lại nói với nó “Đâu chỉ có mình mầy!”.



Nguồn: Facebook Lê Văn Nghĩa