Hồi ức của nhà
thơ Thanh Thảo: “Tất cả thông tin về cuộc chiến tranh biên giới mà bệnh nhân
chúng tôi nghe được đều từ radio phát các bản tin và bình luận của Đài tiếng
nói VN, và tin tức ít ỏi từ bạn bè vào BV thăm tôi. Các nhà văn nhà thơ ở Trại
sáng tác Quân khu 5 cùng tôi đã kẻ trước người sau lên đường đi Campuchia, đi
chiến trường biên giới phía bắc. Tôi thì chỉ nằm ở BV, không đi đâu được. Bài
thơ “Tổ Quốc” được tôi viết ra trong khoảng thời gian cuối tháng
2.1979 dồn dập tin chiến sự ấy”.
TỔ QUỐC – CÂU CHUYỆN
MỘT BÀI THƠ
THANH THẢO
Tôi đã viết rất
nhiều thơ về đất nước. Nhưng chỉ có một lần, và chỉ duy nhất có bài thơ mang
tên Tổ Quốc. Đó là bài thơ tôi viết vào tháng 2.1979. Đó là thời gian tôi đang
nằm điều trị trong Viện Quân y 17 Đà Nẵng, sau một tai nạn giao thông rất nặng.
Sau Tết Kỷ Mùi
1979, bệnh viện (BV) nơi tôi nằm không còn yên tĩnh nữa. Những dòng thương binh
từ các sư đoàn của Quân khu 5 đang tham chiến ở chiến trường Campuchia đổ dồn về BV, có những lúc BV như quá tải.
Cùng là bệnh nhân với nhau, nhưng tôi bị tai nạn, còn các em lính trẻ thì bị
thương, chủ yếu bị cụt chân do mìn zip của Trung Quốc. Thứ mìn này rất ác độc,
khi đạp phải nó bật lên khoảng tầm ngang đầu gối và nổ. Người bị mìn này có thể
không chết, nhưng bị mất một chân, có khi mất cả hai chân. Mục đích những kẻ sử
dụng loại mìn zip là khiến nạn nhân của nó mất một phần thân thể dẫn tới mất sức
lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội sau khi chiến tranh kết
thúc.
Những ngày đầu
tháng 2 đó, BV Quân y C17 tất bật và căng thẳng. Thương binh về từ chiến trường
phía Tây Nam, tin tức xung đột vào từ biên giới phía bắc. Có một khoảng lặng
nào đó báo trước cơn bão dữ sẽ ập đến. Cơn bão từ những binh đoàn, sư đoàn quân
xâm lược Trung Quốc đã cùng lúc ập đến trên toàn tuyến biên giới phía bắc VN
vào ngày 17.2.1979.
Tất cả thông tin
về cuộc chiến tranh biên giới mà bệnh nhân chúng tôi nghe được đều từ radio
phát các bản tin và bình luận của Đài tiếng nói VN, và tin tức ít ỏi từ bạn bè
vào BV thăm tôi.
Các nhà văn nhà
thơ ở Trại sáng tác Quân khu 5 cùng tôi đã kẻ trước người sau lên đường đi
Campuchia, đi chiến trường biên giới phía bắc. Tôi thì chỉ nằm ở BV, không đi
đâu được.
Bài thơ “Tổ
Quốc” được tôi viết ra trong khoảng thời gian cuối tháng 2.1979 dồn dập
tin chiến sự ấy.
Vào lúc đó, con
trai đầu lòng của tôi, do mẹ cháu còn học ở Hà Nội nên được ông bà nội chăm
nuôi cũng vừa tròn 1 tuổi. Bài thơ bắt đầu từ câu chuyện gia đình tôi, giống
như hàng triệu gia đình VN thời điểm ấy. Bữa cơm hằng ngày độn bắp độn sắn, độn
bo bo tới 70%. Vừa qua khỏi cuộc chiến tranh, lại tiếp tới ngay một cuộc chiến
khác. Sau khi thắng cuộc chiến tranh với Mỹ, rất ít người VN nghĩ mình lại sắp
phải đối đầu một cuộc chiến tranh mới. Vậy mà tất cả những điều ít nghĩ tới ấy
đã xảy ra.
Trong trạng thái
vừa xúc động vừa xót xa, nhưng lại vừa rất trầm tĩnh, tôi đã viết bài thơ Tổ Quốc.
Những ký ức về Lạng Sơn của tôi được huy động, những hình ảnh cuộc chiến tranh
chống Mỹ còn nguyên vẹn trong tôi đã khiến bài thơ được viết rất nhanh. Cùng
tin tức về những trận đánh bảo vệ Tổ quốc từ chiến trường biên giới phía bắc được
đài phát thanh loan báo kịp thời, tất cả đã khiến cho những người VN sống trong
thời điểm ấy trở nên cứng rắn, bình tĩnh, sẵn sàng đón nhận những tình thế nguy
nan nhất.
Bài thơ của tôi
được viết trong tinh thần đó, nó là những cảm xúc hoàn toàn được kiểm soát.
Có một hình ảnh
anh lính trẻ người H’Mông ở cuối bài thơ, đó là hình ảnh hoàn toàn văn học,
mang tính tượng trưng mà tôi đã viết. Nhưng thật lạ lùng, nhiều năm sau, khi gặp
và chơi thân với nhà thơ Trần Hùng ở Cao Bằng, anh Trần Hùng đã kể tôi nghe về
trận đánh sau ngày 17.2.1979 ở cửa ngõ TX.Cao Bằng. Một chiếc xe tăng Trung Quốc
mang số hiệu 406 chạy thoát từ phòng tuyến Đông Khê lên Cao Bằng theo đường số
4, khi chạy qua thị xã, vượt cầu sông Hiến lên phía bắc, đã bị Đại đội 1, Tiểu
đoàn 40 pháo phòng không 37 li của Tỉnh đội Cao Bằng hạ nòng pháo, thay đạn nổ
bằng đạn xuyên, và bắn cháy.
Câu chuyện đó rất
gần với hình ảnh này trong bài thơ của tôi:
“Phút người lính
đứng bật lên
cắm chặt chân vào đất
Phút ấy, đất dưới chân anh
là Tổ Quốc
Quả đạn rời nòng trong
chớp mắt
Xe tăng cháy ngang đồi
lũ giặc lùi xa
Anh lính trẻ mỉm cười
lau mồ hôi trên mặt
Gương mặt dịu lành như
Tổ Quốc chúng ta”
Gương mặt dịu
lành ấy, chúng ta có thể thấy ở bất cứ người lính VN yêu nước nào.
Bốn mươi năm đã
trôi qua. Tôi đã 73 tuổi. Người lính Trần Hùng năm xưa ấy đã thành nhà thơ nổi
tiếng, và cũng đã về hưu. Nhưng trong chúng tôi, những ký ức vẫn còn lại. Còn
nguyên.
Tổ Quốc
Vệt nắng mỏng trước sân mái gà cục tác
Con tôi ngủ trong nôi văng vẳng tiếng còi tàu
Bữa cơm gia đình tôi trộn bắp trộn sắn bảy mươi phần trăm
Mùa xuân những cơn bão hung hãn bất ngờ ập tới
Trầm tĩnh như rừng kia như biển kia
Tổ Quốc tôi đứng lên trước bầy xâm lăng phương bắc
Những dãy núi cong cánh cung những nỏ thần khủng khiếp
Lại tung hàng loạt mũi tên xuyên ngực quân thù
Ải Nam Quan ngọn khói xưa Nguyễn Trãi nuốt nước mắt quay về
Mười năm nằm gai nếm mật
Hẻm Chi Lăng lầm lì sông Kỳ Cùng bốc cháy
Pháo đã giăng từ ngàn vạn điểm cao
Quân di chuyển những dòng sông chảy ngược
Mây uy nghi Yên Tử thuở nào
Còn in dáng Trần Nhân Tông mắt dõi về phương bắc
Tính nước cờ ung dung trên cao
Sông Kỳ Cùng những tảng đá lên hơi
Đùa với mặt trời trong nước
Tôi chỉ đến tắm một lần. Nhưng đó là Tổ Quốc
Chảy lặng thầm suốt cuộc đời tôi
Những câu lượn câu sli đêm chợ Kỳ Lừa
Chén rượu nồng thơm sắc màu thổ cẩm
Vó ngựa gõ dòn lâng lâng sương khuya
Khẩu súng chống tăng ghì chặt vào vai
Anh xạ thủ H’Mông mười tám tuổi
Khi lũ giặc đang điên cuồng lao tới
Một chấm nhỏ trên bản đồ một chấm nhỏ thiêng liêng
Phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất
Phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ Quốc
Quả đạn rời nòng trong chớp mắt
Xe tăng cháy ngang đồi lũ giặc lùi xa
Anh lính trẻ mỉm cười lau mồ hôi trên mặt
Gương mặt dịu lành như Tổ Quốc chúng ta.
Tháng 2.1979