Với những nhà văn có bản lĩnh, cá tính, văn họ thường đặc sắc, không giống ai. Thử đi đạo, đi thuổng văn của các ông ấy xem? Lộ tẩy ngay. Cho nên thường thấy kẻ gian đạo của ông A bà B nào đó, chứ bố đứa nào dám đạo Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử…? Ảnh hưởng cách nghĩ, cách viết có thể có. Nhưng đạo nguyên con thì không. Mình, quả thật, cũng không ít phen giật mình. Nhưng không phải vì trộm đạo, mà vì tiếng tri hô của láng giềng. Mắt nhắm mắt mở chạy ra, định thần cả tiếng, chả thấy bóng dáng tên trộm nào cả.


LẠI CHUYỆN ĐẠO VĂN
TRẦN ĐỨC TIẾN

Báo "Tiền Phong" mấy bữa trước khui ra vụ bà T đạo thơ của ông K. Đạo nhiều ít thế nào, ở đây mình không bàn. Chỉ nhân chuyện đạo văn, nói vài ý:

1.
 Đạo văn là chuyện muôn thuở trong đời sống chữ nghĩa. Xưa đạo, nay đạo, mai còn tiếp tục đạo. Đạo ở Tây, đạo ở ta. Thời nào, nơi nào còn viết lách, còn văn chương… là còn đạo. Đạo vì tham (ở đây chủ yếu là tham danh, háo danh – từ danh có thể ngoém thêm tiền, quyền, gái). Thử hỏi: tham có bao giờ bị tuyệt diệt không? Không! Nhân loại còn tồn tại thì lòng tham còn sống nhăn. Con vi rút đạo văn là con vi rút bất tử. Nó gây ra bất bình, phẫn nộ, khó chịu, nhức nhối. Nhưng dường như sau bao nhiêu bầm dập vì bị trừng phạt, nó vẫn… cười vào mũi các đạo luật nghiêm khắc nhất. Sống dai đến nỗi, buộc phải nghĩ: nó chính là một phần của đời sống – đời sống văn chương, nhất là ở những nền văn chương làng nhàng. Ở những nơi văn chương làng nhàng, chưa biết chừng thiếu nó lại buồn chết đi được!
2.
 Mình ngẫm ra ở những nơi văn chương làng nhàng, người ta rất hay giật mình vì đạo văn. Điều này không khó giải thích. Vì văn chương làng nhàng là mớ sản phẩm của những kẻ thiếu bản lĩnh - thiếu bản lĩnh mới giật mình.
Với những nhà văn có bản lĩnh, cá tính, văn họ thường đặc sắc, không giống ai. Thử đi đạo, đi thuổng văn của các ông ấy xem? Lộ tẩy ngay. Cho nên thường thấy kẻ gian đạo của ông A bà B nào đó, chứ bố đứa nào dám đạo Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử…? Ảnh hưởng cách nghĩ, cách viết có thể có. Nhưng đạo nguyên con thì không.
 Mình, quả thật, cũng không ít phen giật mình. Nhưng không phải vì trộm đạo, mà vì tiếng tri hô của láng giềng. Mắt nhắm mắt mở chạy ra, định thần cả tiếng, chả thấy bóng dáng tên trộm nào cả.


3.
Đạo văn có làm cho văn chương mất giá, khiến bạn đọc quay lưng lại hay không? Theo mình, nếu có, chỉ là tác động rất nhỏ, như “muỗi chí gỗ lim”. Văn chương mất giá, đổ tại đạo văn - quá dễ quá nông cạn! Nếu được hỏi: vậy theo ông, tại sao? Mình sẽ không ngần ngại mà thẳng thừng: tại kém.
Còn nguyên nhân nào đích đáng hơn thế nữa?