Với anh Phạm Phát, anh đã cống hiến không chỉ một,
mà nhiều bài thơ kể chuyện hay…Khoan nói về tay nghề, trước hết hãy nói về vốn
sống và từng trải. Nếu không phải là người trong cuộc, xúc động, thương cảm,
đau đớn đến tận cùng thì tác giả sẽ lúng túng trong sự lựa chọn chi tiết. Anh
Phạm Phát đã vượt qua cái khó đó để tổ chức bài thơ đồng thời theo hai dòng chảy
của sự kiện và cảm xúc, và nhờ sự mách bảo của cảm xúc anh đã và chỉ chọn những
chi tiết đắt nhất, bật sáng nhất, những chi tiết vừa có khả năng chắp nối liền
mạch các sự kiện vừa đẩy cảm xúc đến đỉnh điểm.
MỘT GIỌT – MỘT ĐỜI
HỮU THỈNH
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay, tôi còn nhớ nguyên
cảm giác sung sướng bàng hoàng khi mở lá thư đầu tiên của anh Phạm Phát. Đó là
những ngày cuối thu năm 1962 khi tôi mới bước vào kỳ học đầu của năm học cuối cấp
III, hệ phổ thông 10/10, tại trường Trần Phú, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Anh viết trên một tờ giấy nhỏ, do báo Người giáo viên nhân dân in mẫu
sẵn để trả lời cộng tác viên. Nét chữ to, phóng khoáng, rành rọt; giọng văn
thân mật, ân cần. Anh nói đã nhận được bài thơ của tôi, nhưng chất lượng thì
chưa thể đăng được, cần phải cố gắng nhiều thêm nữa. Trước mắt, cần tập trung
vào học tập để thi tốt nghiệp, thi đại học. Còn làm thơ là chuyện lâu dài. Như
thế có nghĩa là tôi không gặp may mắn từ những bài thơ đầu tay. Phải một người
khác thì rất buồn. Nhưng với tôi, tuy cũng buồn, nhưng được an ủi rất nhiều vì
thơ gửi đi và được một nơi “kín cổng cao tường” hồi âm với nhiều tình cảm khích
lệ ấm áp. Khác hẳn với bảy năm trước đó, khi còn học cấp I tại một trường làng
trung du hẻo lánh, tôi đã bạo gan viết một “truyện ngắn” dài hơn hai chục trang
vở học trò, gửi về một nhà xuất bản ở Hà Nội. Một cuộn giấy không dày lắm lại
được dán bằng bốn con tem của các anh bộ đội đóng trong nhà, và trong một trưa
tháng 6 bỏng rát một mình nón lá chân đất cuốc bộ lên tận Phòng Bưu điện huyện
Tam Dương để gửi, thì hẳn cái thằng bé nhà quê ấy phải có đủ sự rồ dại và liều
lĩnh đến đâu. Thế rồi thấp thỏm chờ đợi hết năm này sang năm khác, không hề nhận
được một tin tức nào cả. Lần này, thơ không được đăng, nhưng lại được đối xử
bình đẳng như mọi người thì sự cảm động đã được nhân lên nhiều lắm.
Thế rồi mối dây liên hệ giữa tôi và anh Phạm Phát
còn được nối thêm nhiều năm tháng nữa. Đó là tình cảm của một đứa em với một
ông anh, một học trò đối với một người thầy. Rồi chiến tranh ập đến. Tôi đi bộ
đội. Anh Phạm Phát về dạy học ở Hải Phòng. Tiếp đó, hai anh em cùng đi B, cùng
đói khát và bom đạn ở chiến trường miền Trung Trung Bộ, vậy mà kỳ lạ đến khó hiểu
là phải hơn 10 năm sau giải phóng mới gặp lại nhau tại Đà Nẵng. Với tình nghĩa ấy,
khỏi phải nói tôi đã vui mừng và trân trọng như thế nào khi nâng hai tập
sách Một giọt và Trầm của anh trên tay. Đây không chỉ là đứa
con tinh thần, mà là những giọt tinh túy chắt ra từ máu và nước mắt của một con
người đã lội qua sống chết trong chiến tranh và bão táp trong thời bình. Có đắng
cay và ngọt bùi, có tri kỷ và nghịch cảnh, có mất mát đến khó bề trụ vững, có
tri ân từ những miền lửa ấm. Cho nên tác phẩm của anh là sinh mệnh của anh, là
gia tài, là kho báu phải đánh đổi cả một đời mới có được. Tôi đã tâm niệm như
thế, thao thiết như thế, trong nhiều ngày, trước khi bắt gặp lời dạy sau đây của
Goethe: “Người nào có kinh nghiệm phong phú thì cần đọc sách với hai con mắt,
một mắt đọc những lời trên giấy, một mắt đọc những lời phía sau tờ giấy”.
Một giọt là một cách nói khiêm nhường hay là sự
cô đặc thế giới trong một tinh thể. Là cái cuối cùng trong cuộc phù vân hay là
cái cá thể duy nhất không gì thay thế được trong đa sự kiếp người? Là cái bất
biến trong vạn biến? Là cái có thể trong mọi cái khả thể? v.v... và v.v... Bạn
đọc có thể bảo tôi liệu có thật cần thiết phải đặt ra nhiều câu hỏi đến thế?
Tôi cho là rất cần. Một bài thơ hay, nhiều hàm ý, được chọn làm tên cho cả tập,
chắc hẳn phải có cái duyên do của nó. Hỏi để tìm một chiếc chìa khóa, một lối
ngõ, một ô cửa để đi vào thế giới của tập thơ. Người làm thơ không đặt bút theo
một định đề có sẵn. Vậy người đọc thơ cũng không nên tự gò mình trong một thói
quen chật hẹp nào.
Một giọt. Một giọt nước mắt sau một trận mưa
rào, một sợi đàn bầu bắc ngang trời, một nhành hoa mai khi xuân đến. Một ánh mắt,
trao gửi buổi thiếu thời. Một đôi dép bên cạnh một chiếc áo quan. Một tiếng gà
trống với một ông già không nơi nương tựa... Chọn một góc nhìn như thế
rồi tập trung để khai thác tận cùng cái góc ấy, làm cho nó có sức bám riết, ám ảnh,
đó là sở trường của anh Phạm Phát. Thơ của anh giàu tình thương và nỗi đau, nhiều
suy tư; đa nghĩa mà không rườm, vững chãi mà rất ấm. Đó là thơ của một người có
một nền tảng văn hóa vững chắc, từng trải, vừa truyền thống vừa thể nghiệm.
Tôi muốn làm rõ hơn cái tính chuyên nghiệp mà anh
Thanh Quế đã nói về thơ anh Phạm Phát. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở nhiều khía
cạnh, nhưng quan trọng nhất là cấu trúc. Cấu trúc là bộ khung của tư tưởng, là
nghệ thuật lập tứ, là phát sáng của tài năng. Cấu trúc trong Một giọt chặt
chẽ, là phương án tốt nhất có thể. Xét trong cả tập, nó đa dạng, mỗi bài có một
vị trí riêng, mở ra rất nhiều góc cạnh của đời sống, tạo nên sự phong phú muôn
màu với sự ứng biến linh hoạt trong biểu cảm. Xét trong một bài thì ý nghĩa chặt
chẽ, triển khai hợp lý, nhưng lại khá bất ngờ trong một kết thúc mở. Người ta
có thể còn chưa thật hài lòng ở chữ nọ chữ kia nhưng người ta khó bắt bẻ về
câu. Chứng tỏ một khổ công rất lớn, một kỹ lưỡng đáng kính trọng của tác giả. Tất
cả những nhận xét lý tính này là cái người ta rút ra sau khi đọc một bài thơ,
còn bản thân từng bài thơ nó tồn tại và hiện diện như một sinh mệnh tươi tốt sống
động. Trong Một giọt, có những ý có thể nắm bắt ngay được với một cách nói
trực diện.
- “Ai bỏ gì lá là la nhặt tất
Đời bỏ ta, ai nhặt lá là la...”
Hỡi ai đó có nghe tiếng hát
Theo gió lùa lạnh buốt lòng ta?
(Tiếng hát lạnh)
- Vàng lộng lẫy
vàng ròng
vàng thật
Vàng để giữa trời ngàn năm không mất
Thăm chùa vàng về
Không nhớ vàng
Chỉ nhớ câu
Nước chúng tôi không có ăn cắp
(Vàng Myanmar)
Nhưng có khá nhiều trường hợp tác giả lại buông cho
dòng cảm xúc, cảm xúc tuôn chảy tự nhiên, mở rộng biên độ cảm nhận:
- Hỏi có bao nhiêu mây trắng mây đen
Bay qua một đời người
Ngửa mặt nhìn trời
Nhìn mây bay
(Ngửa mặt nhìn trời)
- Một dây chỉ vậy đơn sơ
Mà âm thanh chạm tận bờ tâm linh
(Nghe đàn bầu)
- Ôi những giọt sinh sôi
Tưởng như là không có
Đang lung linh giữa đời
Trong giọt còn nho nhỏ
(Một giọt)
- Ai dồn chi những vu vơ
Để mình thành nhện bâng quơ giăng mình
(Tự họa)
Bên này và bên kia, thế này và thế khác, rõ rệt và gợi
mở theo kiểu phương Đông. Trong trường hợp này tâm thế trở thành một đối tượng
thẩm mỹ, mọi năng lực biểu cảm đều tập trung làm bật lên tiếng ngân rung của nội
tâm. Đấy là cơ hội để mở rộng cái vùng liên tưởng, một đòi hỏi cao nhất nhằm tạo
nên mối tương giao với bạn đọc. Với hai đặc điểm này tác giả tự làm phong phú
mình, và một giọt mới thành những giọt sinh sôi là bởi vậy.
Nhờ một sự vững tay trong cấu trúc và trực cảm mạnh
mẽ đã giúp tác giả giải quyết một vấn đề rất khó trong nghệ thuật thơ ca: Thơ kể
chuyện. Chúng ta đã từng được đọc những bài thơ kể chuyện hay: Tiếng địch
sông Ô của Phạm Huy Thông, Mẹ Suốt của Tố Hữu, Núi
Đôi của Vũ Cao, Kể chuyện Vũ Lăng của Anh Thơ, Quê
hương của Giang Nam... Với anh Phạm Phát, anh đã cống hiến không chỉ một,
mà nhiều bài thơ kể chuyện hay. Đó đều là những câu chuyện có thực, vốn rất cảm
động. Vì thực và vì rất cảm động nên anh Phạm Phát đã phát huy lợi thế ấy để viết
một loạt truyện ngắn rất thành công trong tập Trầm mà tôi xin trở lại
vào một bài viết sau. Còn đây là thơ, một nghệ thuật tinh túy, hàm súc, rất kỵ
sự kể lể, thì làm thế nào? Đây không phải anh Phạm Phát tự làm khó cho mình mà
là chất liệu làm khó cho tác giả. Khoan nói về tay nghề, trước hết hãy nói về vốn
sống và từng trải. Nếu không phải là người trong cuộc, xúc động, thương cảm,
đau đớn đến tận cùng thì tác giả sẽ lúng túng trong sự lựa chọn chi tiết. Anh
Phạm Phát đã vượt qua cái khó đó để tổ chức bài thơ đồng thời theo hai dòng chảy
của sự kiện và cảm xúc, và nhờ sự mách bảo của cảm xúc anh đã và chỉ chọn những
chi tiết đắt nhất, bật sáng nhất, những chi tiết vừa có khả năng chắp nối liền
mạch các sự kiện vừa đẩy cảm xúc đến đỉnh điểm.
- Đồng đội lặng cúi đầu
Quanh chiếc quan tài rỗng
Trăm nỗi đau dồn vào
Không lấp đầy khoảng trống
(Đám tang giữa mùa lũ)
- Thôi thật rồi. Tám ơi
Khóc em lòng quặn thắt
Biệt nhau không bằng lời
Mà bằng tay - vuốt mắt
- Bàn tay này ngày nhỏ
Đánh em khóc mấy lần
Giờ chết rồi mới dỗ
Tám ơi còn giận anh
(Vuốt mắt em gái)
- Được đưa về trại dưỡng lão
Thật đổi đời
Từ nhỏ nay có người mời cơm
Tám mươi tuổi mới tập đi dép
Kỳ lạ sao
Mới mấy hôm đã nằng nặc đòi về?
- Nhớ con gà trống trên cành khế sau hè
Đêm nghe nó gáy thì biết mình còn sống
(Ông lão và con gà trống)
Một loạt các bài thơ, trong số những bài quan trọng
nhất của anh Phạm Phát được viết theo bút pháp này. Chữ nghĩa ở đây phải nhường
bước cho tấm lòng. Một lối viết mộc, trần trụi, gọi đúng tên sự việc, mà lại có
sức chấn động sâu xa của tâm hồn.
Đồng điệu với tác giả trong những bài thơ rất có ấn
tượng theo lối kể chuyện, chúng ta ngỡ ngàng bắt gặp một Phạm Phát khác với đủ
cái ngất ngây sóng sánh thăng hoa khi anh viết:
- Trời thu sạch quá trăng vừa gội
Chuông ngân giục gậy mẹ lên chùa.
- Ngồi bên bờ đất lở
Nghe sóng kể
Nỗi niềm sông.
- Trăng ra khỏi phố trăng gần quá
Ngỡ đèn nhà nọ kéo lên cao
- Trà thơm quá, nhấc lên không nhấp được
Tiễn ai về, ai biết tiễn ai không
v.v...
Một sự tìm tòi khác, một cách cảm nhận khác phi truyền
thống nhưng không kém hiệu quả:
- Mẹ nhen mình lên
Chỉ được một đốm lửa
Trong những đêm lạnh
Mẹ vắt mình ra
Chỉ được một giọt nước
Cho những ngày khát
Mùa mẹ một hạt
Vườn mẹ một cây
Mẹ trồng cây gậy
Đỡ cho tuổi già
(Hạt cát)
Có một dạo thấy thổi lên một quan niệm khá ồn ào về phu
chữ, rồi được một số người đẩy tới chỗ cực đoan, chỉ thấy chữ là chữ, bịt hết mọi
lối giao cảm. Trong trường hợp bài Hạt cát tôi vừa dẫn ở trên, có cái
mới của chữ, nhưng cái thực sự cuốn hút chúng ta là ở cách. Cách mới
thực là một hướng tìm tòi làm nên diện mạo của nhà thơ. Đọc bài thơ trên, người
ta không còn băn khoăn cái thực hay cái ảo, hợp lý hay không hợp lý, mà người
ta chỉ còn bắt gặp một cái tình, mới mẻ mà không làm vơi cạn sự rung động của
người đọc. Tác giả sáng tạo theo quy luật của tình cảm.
Từ một hướng tìm tòi như vậy, Một giọt là
một tập thơ vang vọng sự cộng hưởng những miền cảm xúc xum xuê trước những vấn
đề nội tâm và bức xúc xã hội. Tác giả rất dễ ngân rung trước tình thương và nỗi
đau, những cái cần cho muôn thuở. Tình thương ấy được mở ra trên nhiều góc cạnh,
nhiều mối quan hệ với những sắc độ và cung bậc khác nhau. Giàu tình thương
nhưng không rơi vào duy cảm, trong khá nhiều trường hợp tác giả đã đẩy tình
thương đến những triết lý nghệ thuật. Tình thương không chỉ một chiều, dễ dãi,
giản đơn, mà nó gắn với trách nhiệm thiết thân của mọi người. Trước một phiên
tòa mà phạm nhân là các trẻ em, tác giả nghiêm khắc với cái ác, cái xấu: “Đứa
lãnh mười năm chẵn/ Đứa tù đến bạc đầu”. Nhưng truy xét cho đến tận cùng gốc
rễ của sự khốn nạn trên kia, tác giả đặt vấn đề một cách nghiêm trang:
- Hỡi những lời cáo trạng
Hãy nên công bằng hơn
Hỏi chúng ta người lớn
Có phải là tội nhân?
(Lời cáo trạng)
Cái kết trở thành một câu hỏi có tính xã hội gay gắt
xoáy vào lương tâm của người đọc. Xét đến cùng, tội của các em, người lớn không
ai là kẻ vô can. Từ một lời cáo trạng, tác giả đặt vấn đề đáng giận, đáng
thương, đáng trách. Ý nghĩa bài thơ cao hẳn lên. Cũng dòng cảm hứng đó, trong
bài Sớm sớm chiều chiều, tác giả chỉ thẳng mặt đứa con. Thì mới đây nó dám
cầm búa rượt đuổi cha ngay giữa ban ngày, giữa phố. Hành động thì như thế,
nhưng hài hước và trớ trêu thay điếu văn thì sặc mùi đạo đức giả “Rồi đây
sớm sớm chiều chiều nào thấy bóng cha/ Điếu văn như một bài ca lâm ly trong cái
đám ma/ nghe đến thuộc”.
Có lần tôi nói rằng, chiến tranh có cái nghịch của
chiến tranh mà cũng có cái thuận của chiến tranh, hòa bình có cái thuận của hòa
bình mà cũng có cái nghịch của hòa bình. Cảm ơn anh Phạm Phát đã chia sẻ với
tôi về cảm nghĩ này qua tập thơ đa chiều Một giọt. Dễ hiểu là một người
giàu đời sống nội tâm như anh thì hẳn thơ càng về sau càng nghiêng về hướng những
nỗi đau nhân thế, những giọt nước mắt không ai nhìn thấy.
Trong luồng suy tư này, thơ Hai-kư của anh nhiều bài
rất đắt:
- Nghe lời ba hoa
như ốm
uống nhầm thuốc
- Ở nhờ trong nhà mình
Trái tim đập thoi thóp
trong lồng ngực người khác
- Phố dài hun hút
Tiếng rao đêm
Đi không hết
- Chia tay trời chưa sáng
Trăng đầu non
không chịu đi
- Trên chín mươi già bảo
Trời cho ta biết xấu hổ
Để sống lâu
…
Đó là một vài trong số những bài thơ Hai-kư hay nhất
mà tôi đã gặp.
Người xưa nói, “Văn chương thiên cổ sự/ Đắc thất
thốn tâm tri” (tạm hiểu: Chuyện nghìn năm của văn chương/ Được mất là ở một
tấc lòng). Tấc lòng của thi nhân Phạm Phát cô lại là một giọt, nhưng
là một giọt sau khi đã vắt ra từ biển cả. Cổ nhân còn dạy, không có
gì cảm động bằng tình cảm, không có gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Một giọt nặng
tình nhưng tác giả vừa làm chủ được đề tài, vừa làm chủ được chữ nghĩa. Anh có
đủ tấm lòng để rung động và đồng cảm về mọi sự ở đời và có đủ chữ nghĩa để làm
ta rung động sâu xa về tấm lòng đó của anh.