Khi xe Vũ xuống dốc cầu qua địa phận xã Ngọc Châu thì phải dừng lại, vì chiếc xe tải phía trước thắng gấp để tránh hai phụ nữ đèo nhau bất chợt vượt qua mặt vào mép đường. Cũng vừa lúc đó phía sau xe Vũ có một chiếc xe tải lớn chở than của một công ty ở thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) do tài xế Nguyễn Công Thành lái, chạy với tốc độ lớn xuống dốc cầu, không kịp thắng đã lao đâm vào phía trái đuôi xe của Vũ. Bị tác động bởi một lực quá lớn, vợ chồng Doãn Châu ngồi sau lái xe ngã bổ vào thùng xe, còn vợ chồng Quỳnh - Vũ và con trai Quỳnh Thơ ngồi bên phải bị hất tung lên khỏi xe rơi xuống mặt đường.



NÓI THÊM VỀ CÁI CHẾT CỦA LƯU QUANG VŨ – XUÂN QUỲNH

DƯƠNG LINH

…Chỉ có thuyền mới hiểu
       Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố…
Mỗi lần nghe đài phát thanh, truyền hình phát bài ca Thuyền và Biển - thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc - đoạn cuối hay nhất của bài thơ, người nghe ở mọi miền đất nước kể cả kiều bào ở nước ngoài đều xao xuyến bồi hồi thương tiếc đôi tài tử giai nhân Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ mất khi tài năng đang độ chín: Quỳnh 46 tuổi (1942-1988), Vũ 40 tuổi (1948-1988), lại gợi nhớ nhà thơ Nguyễn Bính lúc mất cũng chỉ mới 48 tuổi (1918-1966).
Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ ra đi trong một tai nạn giao thông thảm khốc vào chiều ngày 29-8-1988, để lại cho đời một sự trống vắng lớn lao mà đến nay đã 30 năm vẫn chưa có một nhà viết kịch nào trong nghệ thuật sân khấu cả nước có thể bù đắp thay cho Lưu Quang Vũ và về thơ tình yêu thay cho Xuân Quỳnh.
Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu Việt Nam. Chỉ trong một khoảng thời gian không dài (độ 15 năm) Lưu Quang Vũ đã xuất bản nhiều tập thơ và sáng tác kịch với hơn 50 vở kịch được cả nước dàn dựng và công diễn - nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc - nhận được nhiều giải thưởng và dư luận quần chúng hoan nghênh. Đã có một tác giả nào trong một Liên hoan sân khấu toàn quốc đưa 6 vở với đủ loại đề tài cho các đoàn cả nước dựng dự thi đều đoạt giải cao một cách thuyết phục: 5 huy chương vàng, 1 huy chương bạc như Lưu Quang Vũ? Và tuy có một tác giả phía Nam đã được chi tiền tỉ dựng vở của mình một cách hoành tráng lộng lẫy với nhiều nghệ sĩ các ngành tham gia để mong được nổi tiếng, nhưng chỉ để lại một sự trống rỗng về đề tài cũ rích, một nghệ thuật cải lương pha tạp lai căng và một sự lãng phí đến ngao ngán cho người xem! Nhân đây, lại nhớ đến chuyện có người hỏi cảm tưởng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi ông xem vở kịch kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1984), có trên 200 diễn viên của 5 đoàn kịch tham gia ở Nhà hát lớn Hà Nội, ông mỉm cười trả lời: “Vở kịch lớn không phải do đông người!”.
Đối với tôi, có thể nói không quá lời, trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến Việt Nam chưa có đôi nghệ sĩ tài hoa nào có thể so sánh được với cặp đôi Quỳnh - Vũ trong thời đại Hồ Chí Minh thế kỷ 20, đã có sự cống hiến lớn lao tài năng và trí tuệ của mình vào nền văn hóa dân tộc hôm nay và có thể cho cả mai sau.
Sau buổi chiều tai nạn thảm khốc đó tôi đã gặp đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Quân Tạo, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, người có nhiều duyên nợ với Lưu Quang Vũ, đã xuống ngay bệnh viện Hải Dương sau khi nhận được hung tin Quỳnh - Vũ và con mất. Xin lược ghi lại lời kể của anh:
…Sau khi làm việc xong với đoàn kịch Hải Phòng tại Đồ Sơn về một vở kịch mới của mình, Vũ, Quỳnh và con trai là Lưu Quỳnh Thơ (mới 13 tuổi) cùng gia đình Doãn Châu, họa sĩ thiết kế sân khấu, lên đường trở về Hà Nội. Xe chở họ là kiểu xe Command Car của Xí nghiệp xe du lịch Hà Nội, loại 2 băng dài đối diện nhau theo thân xe, do anh Phạm Văn Hải lái - anh là bạn thân, Vũ nhờ lái giùm từ lúc ở Hà Nội đi xuống Hải Phòng.
Khi lên xe về Hà Nội, vợ chồng Vũ - Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ ngồi băng trái sau lái xe, còn vợ chồng Doãn Châu và con ngồi băng bên phải. Khi xe vào địa phận Hải Dương đến gần cầu Phú Lương, thấy tấm bảng đỏ người gác trên cầu giơ cao ra hiệu cho các xe ở phía Hải Phòng dừng lại nép bên phải đường nhường chỗ cho các xe hướng Hà Nội xuống. Cần nói rõ thêm, cầu Phú Lương làm từ thời Pháp thuộc trên đường từ Hà Nội xuống Hải Phòng, cách thị xã Hải Dương không xa. Cầu rất hẹp chỉ vừa đủ một chiếc xe hơi chạy qua, chứ không có chỗ hai xe tránh như các cây cầu khác. Ngày xưa khi xe còn ít thì việc qua cầu không bị kẹt, nhưng từ sau khi đất nước đổi mới, mở cửa, hàng hóa cảng Hải Phòng xuất nhập khẩu mở rộng thì xe cộ đi lại rất nhiều, do đó để tránh kẹt xe ngành giao thông tỉnh Hải Dương phải lập hai trạm nhỏ ở hai đầu cầu với tấm bảng xanh đỏ báo hiệu cho phép xe qua lại.
Xe dừng lại, thấy còn lâu nên mọi người trên xe xuống đi vệ sinh. Gia đình Doãn Châu trở lên trước nên ngồi băng bên trái sau lái xe (chỗ vợ chồng Vũ với cháu Thơ ngồi lúc nãy), còn gia đình Vũ lên sau nên ngồi băng bên phải.
Khi bảng xanh bật lên, đoàn xe phía Hải Phòng bắt đầu nối nhau qua cầu. Khi xe Vũ xuống dốc cầu qua địa phận xã Ngọc Châu thì phải dừng lại, vì chiếc xe tải phía trước thắng gấp để tránh hai phụ nữ đèo nhau bất chợt vượt qua mặt vào mép đường. Cũng vừa lúc đó phía sau xe Vũ có một chiếc xe tải lớn chở than của một công ty ở thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) do tài xế Nguyễn Công Thành lái, chạy với tốc độ lớn xuống dốc cầu, không kịp thắng đã lao đâm vào phía trái đuôi xe của Vũ. Bị tác động bởi một lực quá lớn, vợ chồng Doãn Châu ngồi sau lái xe ngã bổ vào thùng xe, còn vợ chồng Quỳnh - Vũ và con trai Quỳnh Thơ ngồi bên phải bị hất tung lên khỏi xe rơi xuống mặt đường. Xuân Quỳnh và cháu Thơ bị gãy cổ chết ngay tức khắc (Xuân Quỳnh vốn bị bệnh tim nặng, cháu Thơ thì còn nhỏ). Tai nạn thảm khốc xảy ra vào lúc 15 giờ 30 chiều ngày 29-8-1988. Lưu Quang Vũ sau khi bị hất tung xuống đường nằm bất tỉnh, giây phút sau anh mở mắt ú ớ hỏi Doãn Châu đang đỡ anh dậy: “Quỳnh Mí (tên riêng của Thơ) có sao không?”. “Không sao!” - Doãn Châu vội trả lời, nhưng Vũ đã thiếp đi. Giây lát sau anh tỉnh lại ôm ngực rên rỉ “Ôi đau quá!” rồi lại thiếp đi. Doãn Châu vội bế Vũ ra giữa đường giơ tay vẫy xin xe chở Vũ đi cấp cứu, nhưng không có xe nào dừng lại, Doãn Châu phải để Vũ nằm lại rồi ra giữa đường quỳ xuống lạy xin xe. Một chiếc xe nhỏ dừng lại. Doãn Châu bế Vũ ra xe. Nhưng hỡi ơi! Chiếc xe chạy được vài cây số thì lại hỏng máy, Doãn Châu lại phải quỳ lạy nhờ xe khác. Lúc đưa Vũ vào bệnh viện thì Vũ đã chết lâm sàng rồi. Bác sĩ sau này có nói trường hợp Vũ hết sức tránh bế lên đặt xuống vì xương lồng ngực gãy có thể đâm sâu vào gan, phổi nạn nhân. Và điều quan trọng nhất là thời gian vàng khi cấp cứu, sự sống chết chỉ tính bằng phút giây trong vòng mười lăm phút. Sự trắc trở của các xe đón chở Vũ đến bệnh viện khiến đã quá muộn. “Âu cũng là số mệnh” - bác sĩ thở dài tiếc nuối.
Đây là sự thật của tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra với gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ vào chiều 29-8-1988. Mong rằng đây là một tai nạn duy nhất không bao giờ có nữa trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà.



Nguồn: Hồn Việt