Từ 2 năm trở lại đây, rất nhiều nhãn hàng lớn ở châu Âu đã từ chối quảng cáo với Google và Youtube vì họ không muốn nhãn hiệu của mình bị gắn vào các nội dung gây tranh cãi, những nội dung độc hại. Đó chính là một ý thức mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần học. Đó chính là cách học để chọn lựa một vị thế có văn hoá cho doanh nghiệp, cho nhãn hàng… trong mắt của cộng đồng. Hãy nhớ, Youtube cũng như xã hội vậy, có cái nổi danh tích cực, có cái lừng danh tiêu cực.



LỰA CHỌN CÓ VĂN HÓA

VĂN ĐOÀN

Ngày Youtube ra mắt, năm 2005, nhiều người đã dự đoán họ sẽ làm được “điều gì đó đáng kể” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số nửa cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Song, không mấy ai ngờ Youtube lại trở thành một đế chế hùng mạnh đến thế.
Câu chuyện “kiến tạo nội dung và kiếm tiền nhờ Youtube” nghe có vẻ mơ hồ ở thời điểm cách đây gần chục năm cuối cùng đã thành hiện thực khi mà lượng doanh thu từ quảng cáo trên nền tảng ấy khổng lồ tới mức thách thức mọi loại hình quảng cáo cổ điển lẫn hiện đại. Song, giấc mộng làm giàu nhờ Youtube không phải dễ gì ai cũng đạt được. Youtube như một xã hội thực sự, nơi mà cơ hội không phải đều mở ra với tất cả mọi người.
Hãy thử suy nghĩ nghiêm túc về việc đầu tư nghiêm túc mở một kênh Youtube riêng cho mình và kiếm tiền từ nó, bạn sẽ thấy việc tạo ra nội dung ăn khách khó đến mức nào. Và hãy quên đi những cái tên của các kênh Youtube nổi tiếng đang kiếm tiền ngàn, thậm chí chục ngàn USD mỗi tháng để nhìn vào cả một đám đông các nội dung bèo bọt về lượt xem, bèo bọt tới mức số lượt xem còn chưa đủ 1 đơn vị tính tiền (CPM - bằng 1 ngàn lượt xem), bạn sẽ thấy rằng những kênh Youtube kiếm ra tiền chỉ là một con số nhỏ bé trong một cộng đồng quá rộng lớn.
Từ một ví dụ mang tính thử nghiệm như thế, chúng ta sẽ lý giải được rất rõ ràng môi trường dung dưỡng cho các nội dung rác kiểu như những “giang hồ 4.0” hiện nay là gì. Sẽ có thể có một kênh Youtube Khá "bảnh” nổi tiếng hay không nếu không có một môi trường dung dưỡng nó, tức là cộng đồng xem, chia sẻ nó với sự khoái trá mà quên mất rằng thứ mình xem là thước đo tầm vóc văn hoá cá nhân của mình. Không thể có đối tượng nổi tiếng nếu như không có đám đông theo dõi đối tượng ấy, đó là quy luật muôn đời không chỉ tồn tại ở môi trường kỹ thuật số.
Và chính quy luật muôn đời này khiến chúng ta không khỏi phải cay đắng thừa nhận với nhau rằng, đang tồn tại một thực trạng là văn hoá nền của đám đông người dùng mạng xã hội ở Việt Nam hôm nay quá thấp kém.
Những thứ tầm thường, thậm chí là rác rưởi, bỗng dưng được trở thành “ngôi sao” cũng chỉ vì có đám đông tạo ra thứ ngôi sao “bệnh hoạn” như thế. Ở khía cạnh này, những người như Khá "bảnh" đáng trách bao nhiêu, người theo dõi và hâm mộ những đối tượng ấy cũng đáng trách bấy nhiêu.
Song, cái môi trường dung dưỡng kể trên chỉ là yếu tố cần tối thiểu cho các thành phần Youtuber nhố nhăng mà thôi. Yếu tố đủ, và quan trọng nhất, chính là nguồn doanh thu. Một giám đốc của một công ty quảng cáo đã cay đắng thốt lên rằng: “Nếu các nhãn hàng có thái độ văn minh, từ chối bỏ tiền quảng cáo trên các nền tảng chứa đựng các nội dung gây tác hại tới cộng đồng, các nội dung vi phạm bản quyền, các nội dung rác rưởi thì các nội dung kiểu đó không có đường sống”. Ý kiến của vị giám đốc này thực sự rất đáng xem trọng. Thử hỏi, nếu các nhãn hàng kiên quyết lựa chọn nền tảng, nội dung quảng cáo một cách khắt khe nhất thì liệu rằng những kênh Youtube kiểu Khá "bảnh có thể kiếm ra tiền hay không? Cũng chính vì việc các kênh như thế kiếm ra được tiền nên đã đặt ra một tiền lệ khuyến khích đám đông lao vào tổ chức sản xuất các nội dung nhảm nhí phục vụ một cộng đồng nhố nhăng đến khôn cùng.
Từ 2 năm trở lại đây, rất nhiều nhãn hàng lớn ở châu Âu đã từ chối quảng cáo với Google và Youtube vì họ không muốn nhãn hiệu của mình bị gắn vào các nội dung gây tranh cãi, những nội dung độc hại. Đó chính là một ý thức mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần học. Đó chính là cách học để chọn lựa một vị thế có văn hoá cho doanh nghiệp, cho nhãn hàng… trong mắt của cộng đồng. Hãy nhớ, Youtube cũng như xã hội vậy, có cái nổi danh tích cực, có cái lừng danh tiêu cực. Tại sao ở ngoài đời thực, nhãn hàng có thể lựa chọn đứng về phía tích cực mà ở trên mạng xã hội, nhãn hàng lại có thể “buông thả” đến vậy?
Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta có thể làm được gì để triệt tiêu môi trường dung dưỡng? Không chỉ phó mặc cho các cơ quan chức năng về văn hoá, thông tin mà ngay cả các cơ quan khác có liên quan cũng cần phải chung tay. Đơn cử, nếu cơ quan thuế quyết không chấp nhận quyết toán chi phí quảng cáo online cho các nhãn hàng nếu không có chứng từ, bản kê chứng minh nội dung mà họ đính kèm quảng cáo là lành mạnh thì liệu có còn nhãn hàng nào chấp nhận “buông thả online” nữa hay không?

Nguồn: Văn Nghệ Công An