“Tặng sách thì chúng tôi không nhận mà chỉ nhận tiền”, đó là lời của một quản lý giáo dục, được cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, Trưởng ban Dự án Sách hay dành cho học sinh tiểu học, dẫn lại trong buổi tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” mới được tổ chức gần đây tại TPHCM. Cô Hiền, cùng với dự án của mình đang làm công việc mà trong mắt nhiều người là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.


ĐỪNG CHỈ HÔ HÀO SUÔNG

QUỲNH YÊN

Dự án tự quyên tiền, hoặc vận động từ các mạnh thường quân, chọn mua những cuốn sách thực sự bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học rồi đích thân mang sách về trao tận trường.  Chia sẻ của cô Hiền khiến người viết chợt nhớ đến câu chuyện của một cán bộ đến từ tổ chức Room to Read (RtR) Việt Nam. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động với 2 chương trình song song là “Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học” và “Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh”. Trong đó, chương trình đầu tiên được xem là trọng tâm, mục tiêu chính là hỗ trợ học sinh tiểu học trở thành những người đọc độc lập. Với mục tiêu này, RtR đã thiết lập mô hình “Thư viện thân thiện” tại nhiều trường tiểu học trên khắp các tỉnh, thành của cả nước. 
Thông thường, RtR hỗ trợ về kỹ thuật, một phần nguồn sách, tập huấn cho giáo viên và nhân viên thư viện… để thành lập “Thư viện thân thiện”. Trước khi thành lập thư viện ở một trường nào đó, bao giờ RtR cũng có bước tiền trạm, có thể khảo sát từ xa hoặc về tận trường, xem thực tế của trường có đủ đáp ứng các tiêu chí của RtR, từ đó có quyết định thành lập thư viện hay không. Mục tiêu tốt đẹp là vậy nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng hào hứng, cũng đồng ý để RtR thành lập thư viện, dù đối tượng thụ hưởng chính là học trò và con em họ. Đã có những lời từ chối thẳng thừng. Nếu không có nhiệt huyết, tấm lòng không đủ rộng thì vị cán bộ kia cùng những người trong tổ chức RtR khó mà duy trì suốt gần 18 năm nay. 
Từ 2 câu chuyện trên mới thấy, việc đi tặng sách ở nước ta thực sự không dễ dàng gì. Trong khi, người cho có sách, người nhận cũng có nhu cầu được đọc sách, nhưng hai bên vẫn không thể gặp được nhau. Một khi vẫn còn bức tường thành ngăn cách, lẽ đương nhiên, việc xây dựng và tạo lập thói quen đọc sách cho trẻ càng khó khăn gấp bội. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta không làm. Bởi giống như cây cảnh, muốn có những dáng hay thế đẹp, thì ngay từ khi cây còn nhỏ, người làm vườn phải uốn nắn, can thiệp. Trẻ con cũng vậy, muốn trẻ có thói quen đọc sách thì từ nhỏ phải được cha mẹ và thầy cô rèn luyện, khuyến khích thậm chí là nghiêm khắc trong việc đọc sách. 
Tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?”, đã có rất nhiều hiến kế được đưa ra, trong đó đáng chú ý là giải pháp đưa tiết đọc sách vào chương trình học, giống như các tiết học khác. Trên thực tế, đã có một số trường thực hiện việc này và thu về những kết quả khả quan, như: Trường THCS Nguyễn Hiền, Trường THCS và Trường THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TPHCM); Trường Tiểu học Đông Hòa B (thị xã Dĩ An, Bình Dương)… Tuy nhiên, số lượng này vẫn còn nhỏ lẻ và diễn ra trong âm thầm. 
Có một câu chuyện, được ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam, chia sẻ trong buổi tọa đàm về một trường học đã áp dụng và hoạt động rất hiệu quả tiết đọc sách. Ông Lê Hoàng có đề nghị đại diện của trường tham gia đóng góp tham luận hoặc chia sẻ trong buổi tọa đàm nhưng thầy giáo này từ chối với lý do không muốn bị mang tiếng “xé rào”, sợ những hệ lụy có thể xảy ra với trường, chỉ muốn làm một cách âm thầm.  Chắc chắn những khó khăn không dừng ở đó, mà còn rất nhiều cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng nếu không làm, chỉ mãi hô hào suông thì việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ mãi mãi trở thành câu chuyện “xuân thu nhị kỳ”; nghĩa là hàng năm, cứ đến Ngày Sách Việt Nam 21-4, chúng ta lại tất bật tổ chức hội thảo này tọa đàm nọ, chỉ để nói với nhau “Việt Nam chưa có thói quen đọc sách” hay “trung bình mỗi năm người Việt Nam đọc một cuốn sách”…  Ít nhất, Ngày Sách Việt Nam đã đi đến năm thứ 6, thời gian đủ dài để chúng ta bớt hô hào, thay vào đó hãy bắt tay hành động. Ngay trong buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng cũng bày tỏ quyết tâm: “Chúng ta phải làm ngay thôi, không thể chậm trễ được nữa”. Phải làm ngay thôi nếu thực sự mong muốn có một thế hệ thích đọc sách.
Như RtR, sau gần 18 năm có mặt tại Việt Nam đã thiết lập được 1.357 thư viện trên 17 tỉnh, thành; có 522.844 cuốn sách do RtR xuất bản; 2.929.636 cuốn sách mua; tỷ lệ mượn sách là 17,2 cuốn/năm/học sinh. Những con số này không phải tự nhiên mà có được. RtR cũng còn rất nhiều khó khăn phải đối diện nhưng sở dĩ có được những con số trên là vì họ chọn cách hành động.

Nguồn: SGGP