Ở bài viết của Tuệ Nhi giới thiệu tập thơ “Nhặt lại tháng ngày rơi” của nhà thơ Trần Trương vừa xuất bản, tôi bất ngờ khi đọc đoạn văn: “… sống cạnh Trần Trương ta không thể buồn. Đọc thơ Trần Trương lòng ta dịu lại như được an ủi. Rồi nghĩ thêm: chúng ta, làng văn của chúng ta mới biết đến Trần Trương, nhiều hơn là biết đến thơ ông, chúng ta còn nợ ông lời xin lỗi vì đã không xếp thơ Trần Trương vào một đẳng cấp mà nó thuộc về…”. Với nhà thơ Trần Trương, giá ở gần nhau lúc này, chạy sang pha trà rót chén nước mời nhau đầu năm ở cái tuổi thất thập, tôi sẽ hỏi: “Liệu ông có muốn cả làng văn xin lỗi hay chỉ là phút cao hứng Tuệ Nhi vung bút cho hả bớt những ẩn ức trong lòng, ngông một tý cũng chả làm saoTừ câu chuyện của làng văn, từ cách viết của Tuệ Nhi bỗng gợi cho tôi nghĩ về thơ đã từ lâu, ngày càng mất dần bạn đọc.



ĐẦU XUÂN, ĐỌC TẠP CHÍ NHÀ VĂN…

CHỬ VĂN LONG

Đầu xuân, giở đọc tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 32 (số cuối năm 2018). Ở bài viết của Tuệ Nhi giới thiệu tập thơ “Nhặt lại tháng ngày rơi” của nhà thơ Trần Trương vừa xuất bản, tôi bất ngờ khi đọc đoạn văn: “… sống cạnh Trần Trương ta không thể buồn. Đọc thơ Trần Trương lòng ta dịu lại như được an ủi. Rồi nghĩ thêm: chúng ta, làng văn của chúng ta mới biết đến Trần Trương, nhiều hơn là biết đến thơ ông, chúng ta còn nợ ông lời xin lỗi vì đã không xếp thơ Trần Trương vào một đẳng cấp mà nó thuộc về…”.

Dù không thân, tôi biết Trần Trương từ thuở anh làm tuyên truyền Bộ Lâm nghiệp mở cuộc thi thơ văn viết về đề tài trồng cây, khai thác gỗ rừng phục vụ dân sinh… Có lẽ đây là cuộc thi văn chương đầu tiên về các ngành nghề. Giám khảo là những cây bút hàng đầu của làng văn như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, tạo nên không khí cho lứa chúng tôi vừa tập cầm bút có thơ gửi dự thi và may sao chúng tôi cùng được giải. Chỉ là giải “thơ ngành” nhưng ngày ấy con người còn trong sáng lắm, nói đến thơ là nghĩ đến một cõi thanh cao, dù trước đấy Nguyễn Bính đã trải đời, đã hiểu “Thiên hạ đem thơ đọ với tiền” còn chúng tôi thì như được chắp cánh lâng lâng, trong khi đôi chân cuốc bộ, leo đèo vượt suối ngày vài ba chục cây số, gạo tiêu chuẩn cất kho lâu ngày nên tháng 17 kg mà lúc nào cũng đói. Đói có lúc nẩy hoa cà hoa cải trong mắt, giờ ngồi nghĩ vẫn vui vui, vẫn phải cảm ơn thơ, cảm ơn những mơ mộng hão huyền một thuở đã nuôi sống tâm hồn trong lành cho lứa người cầm bút trong đói khổ, chiến tranh xương máu và cho mãi tận hôm nay, nhiều người vẫn kiên trì viết những dòng thơ sang trọng dù cuộc sống biến chất, đổi mầu, tha hóa đến tàn nhẫn; họ vẫn đi tìm vẻ đẹp vĩnh hằng, sự sống tươi trong…

Tôi và Trần Trương sau đó mỗi người thay đổi công việc ít gặp, nhưng mỗi khi gặp lại vẫn chào hỏi, chuyện trò vui vẻ… Khác chăng, không còn không khí của những anh thợ rừng tươi trẻ ngày xưa. Mấy năm trước Trần Trương ra sách, tôi cũng viết bài giới thiệu ở báo Văn Nghệ. Gần đây ông cộng tác biên tập với tạp chí Thơ, rồi tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, thêm nhiều người biết ông và thơ Trần Trương cũng in nhiều hơn ở báo Văn nghệ, tạp chí Thơ và tạp chí Nhà văn, chưa nghe ai bàn thơ Trần Trương được xếp ở đẳng cấp nào. Thấp hay cao. Thật sự làng thơ Việt hiện nay làm gì có đẳng cấp thơ như thời chúng tôi mỗi khi được ngồi bên Xuân Diệu, Nguyễn Bính, thấy các ông cao vời vợi đang tỏa mát xuống vai mình.

Có một năm tôi được đón Xuân Diệu về quê ăn Tết tất niên, chiều 30, nghe tin, người quanh xóm đã rủ nhau sang “xem mặt nhà thơ” rồi trò chuyện nhau mãi! Bây giờ văn hóa ứng xử ngay trong làng văn cũng đâu còn; tôi chưa quên nổi hình ảnh gian phòng họp, có bao mái đầu bạc phơ đang ngồi nghe, nữ nhà thơ còn trẻ bước lên bục dõng dạc: “… trước khi gửi con tới đây tôi được người bạn nhắn tin – Mày xuất hiện giữa trụi trần bầy sói!”. Cả phòng họp không một ai lên tiếng! Thơ đâu còn vị trí cao sang trong ánh mắt người đời, một khi chính người cầm bút đã hạ thấp nhân cách mình xuống.

 Liệu Tuệ Nhi có đọc, hay không nhớ bài viết của Nguyễn Huy Thiệp trước đây bàn văn chương, mạt sát cả làng văn là vô học… nhà thơ đồng nghĩa với hâm hấp, chập cheng, thậm chí còn lưu manh nữa… rồi đề cao nhà thơ Đồng Đức Bốn là người “mượn bút của trời”! Không vì thế mà thành đẳng cấp. Quyển sách được Hội Nhà văn Hà Nội đề cao, tặng giải; không vì vậy mà tài năng Nguyễn Huy Thiệp chói sáng thêm lên…

Với nhà thơ Trần Trương giá ở gần nhau lúc này, chạy sang pha trà rót chén nước mời nhau đầu năm ở cái tuổi thất thập, tôi sẽ hỏi: “Liệu ông có muốn cả làng văn xin lỗi hay chỉ là phút cao hứng Tuệ Nhi vung bút cho hả bớt những ẩn ức trong lòng, ngông một tý cũng chả làm sao. Ngày trước Tản Đà còn viết “Dân hai lăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” cho đã phút ngông…

Từ câu chuyện của làng văn, từ cách viết của Tuệ Nhi bỗng gợi cho tôi nghĩ về thơ đã từ lâu, ngày càng mất dần bạn đọc. Một tờ báo Văn nghệ đã sống qua những cuộc thử thách khắc nghiệt của đạn bom từ rừng sâu lán nứa, lớp nhà thơ, nhà văn đàn anh từ mái lá đất nền đã vun đắp thành một tòa lâu đài văn chương cao vợi. Bây giờ vách nứa, lán tranh đã được thay thế bằng ngôi nhà cao chót vót 7 tầng ở 17 Trần Quốc Toản thì số lượng báo từ mấy vạn, chỉ còn in mỗi số mấy nghìn… Buồn hơn, là người làm thơ tôi cũng góp phần in trang Văn nghệ làm cho nó không còn là “địa chỉ đỏ” cho người yêu thơ… Dù còn bất cứ lý do nào thì tôi vẫn thấy, nếu thật sự cần có lời xin lỗi của cả làng văn, thì không phải là xin lỗi nhà thơ Trần Trương, mà là xin lỗi những người độc giả thật sự còn yêu văn chương, đã từ lâu không còn mặn mà với những gì ta đề cao, ta trao giải hết năm này năm khác, bởi họ không còn tìm thấy được cho lòng mình những tiếng nói tri âm tri kỷ, sự an ủi, sẻ chia của văn chương như từ đã muôn đời!


Nguồn: Văn Nghệ TPHCM